16/02/2020 06:21
Điều đó không chỉ thể hiện qua lối kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nét đẹp cồng chiêng - xoang, các điệu dân ca, dân vũ; mà còn được khẳng định nhờ các nghề truyền thống, từ dân dã, phổ biến như đan lát mây tre, dệt thổ cẩm đến riêng biệt và đặc sắc với tạc tượng gỗ, đẽo thuyền độc mộc.
Là làng tái định cư lòng hồ thủy điện Plei Krông, Đăk Wơk đã trở thành điểm sáng trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nhờ gây dựng được nhiều thế hệ tiếp nối nặng lòng với tình yêu văn hóa dân gian. Đây cũng là làng DTTS duy nhất của tỉnh vinh dự tham gia nhiều sự kiện văn hóa dân tộc ở nước ngoài. Trong đó, có Lễ hội Smith Sonian tại Washington D.C, Hoa Kỳ vào năm 2007, Liên hoan Ganat lần thứ 14 tại Pháp năm 2014. Nghệ nhân trẻ A Đan ở làng Đăk Wơk cho hay: Em từng có vinh dự được cùng các nghệ nhân lão luyện đi biểu diễn ở Hàn Quốc, Mỹ, Pháp… Ai cũng sung sướng, tự hào, vì cái hay cái đẹp cồng chiêng, sử thi, đan lát, đẽo thuyền độc mộc… của đồng bào Ba Na nhánh Rơ Ngao được giới thiệu ra nước ngoài.
Làng nhỏ Rờ Kơi nằm trong vùng đệm Vườn Quốc gia Chư Mom Ray thuộc xã Rờ Kơi trước đây là vùng căn cứ kháng chiến của H67 thời kỳ chống Mỹ. Ngày nay, người Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở đây không chỉ nỗ lực trồng cây công nghiệp để giảm nghèo, làm giàu; mà còn ra sức xây dựng khu dân cư văn hóa tiêu biểu. Cùng với cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm lâu đời và điệu múa “Chiêu” độc đáo luôn được gìn giữ, duy trì; trở thành nét đẹp đáng tự hào của phụ nữ Hà Lăng. Chị Y Che ngoài 30 tuổi đã trở thành nghệ nhân giỏi chiêu, hát dân ca và nhất là thạo dệt thổ cẩm. Thổ cẩm truyền thống của người Hà Lăng gồm 4 màu chính là trắng, đen, vàng, đỏ. “Tấm thổ cẩm dệt đẹp được khoác lên vai, choàng qua lưng mới múa thành điệu chiêu. Hội vui không thể thiếu chiêu, đám tang cũng cần có chiêu. Trong làng có bà Rưa, bà Hlanh giỏi chiêu, giỏi dệt đã chỉ dạy lại cho bọn trẻ…” - Y Che thổ lộ.
|
Ở làng Rắc, xã Ya Xiêr bên lòng hồ thủy điện Ya Ly, ông A Phiếu là một trong số nghệ nhân cao niên vừa giỏi đan lát, vừa thạo cồng chiêng và không quên những khúc ca của người Gia Rai. Được chọn đi giới thiệu nghề đan lát bằng tre nứa mang nét đẹp rất riêng của dân tộc tại Bảo tàng tỉnh trong Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4, già A Phiếu còn cao hứng biểu diễn những bài dân ca mượt mà, say đắm. Một điệu dân ca được ông đặt lời mới: Mình đan cái gùi, cái giỏ... Mình đan cho nhiều người xem, cho mọi người dùng. Mình đến cả Bảo tàng này, mình cho mọi người cùng biết cái rổ cái gùi mình đan…
Tại làng Lung Leng, xã Sa Bình, nghề đẽo thuyền độc mộc “xưa nay hiếm” trải qua bao gian nan, khó nhọc đã được Nghệ nhân ưu tú A Nhơ nâng niu, gìn giữ và chỉ dạy lại cho lớp con cháu. Vùng quê bên dòng Pô Kô huyền thoại này tự hào vì đã dày công gây dựng, duy trì đội thuyền độc mộc của thanh niên luôn dẫn đầu các hội đua thuyền truyền thống do tỉnh và huyện Sa Thầy tổ chức nhân dịp năm mới, đón Xuân. Theo ông Nguyễn Hữu Cầu - Cán bộ văn hóa xã Sa Bình, trước đây, làng Lung Leng có 60 - 65 chiếc thuyền độc mộc. Cơn bão số 9 năm 2019 làm mất mát, hư hao nhiều, chỉ còn khoảng một nửa số này. Để góp phần bảo tồn nét văn hóa đặc trưng này của đồng bào Gia Rai tại chỗ, huyện Sa Thầy đã hỗ trợ làm mới 3 chiếc thuyền độc mộc, trị giá 45 triệu đồng. Xã cũng đã bảo quản 6 thuyền chuyên phục vụ thanh niên tham gia lễ hội đua thuyền.
Nghệ nhân trẻ A Huynh ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy cho biết thêm: Dân làng rất tự hào vì có nhiều nghệ nhân lớn tuổi đa tài. Riêng với loại hình tạc tượng gỗ dân gian hiện nay nhiều nơi ít lớp nghệ nhân kế cận thì trong làng vẫn còn nhiều người trẻ yêu thích, theo học.
Tự hào với mảnh đất quê hương giàu truyền thống văn hóa, các thế hệ nghệ nhân và lớp trẻ người DTTS ở huyện Sa Thầy không ngừng tiếp bước cha ông để lan tỏa những nét đẹp lâu đời, quý báu cho hôm nay đến mai sau. Đó cũng là một trong số điểm nhấn thu hút mọi người đến với địa phương trong định hướng đưa du lịch thành một ngành kinh tế tiềm năng.
Thanh Như