25/10/2017 06:00
Năm 1981, tốt nghiệp Trường Trung học sư phạm Gia Lai - Kon Tum, bà Y Ga được phân công về Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú huyện Kon Plông (nay Trường này thuộc huyện Kon Rẫy) công tác. Sau 2 năm ở đây, bà có tâm nguyện xin về xã Đăk Ruồng làm việc.
Tại mảnh đất quê nhà, bà có điều kiện dạy kiến thức cho học sinh tiểu học, vừa lồng ghép những tiết dạy về các làn điệu dân ca của dân tộc Ba Na để nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của ông cha để lại.
Hàng năm, nhà trường và chính quyền địa phương thường chọn bà như là một diễn viên không chuyên cùng học trò của mình đi biểu diễn các chương trình văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức vào các ngày lễ trọng đại của đất nước như: ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày hội Văn hóa các dân tộc…
Tại các lễ hội này, bà luôn thể hiện làn diệu dân ca với khúc hát “Ru em ngủ” với ngụ ý bài hát: “Em ngủ cho ngoan. Em ngủ đi để cho mẹ giã gạo, mẹ đi làm rẫy, mẹ nấu cơm; bố đi bắt cá để nuôi các con. Em đừng khóc nữa…..”.
|
Bà còn cho hay, những bài hát ru luôn phải ngắn gọn, mộc mạc dễ nhớ, dễ thuộc. Từng lời hát vừa như nhắc nhở cho con biết về cội nguồn, bổn phận phải làm gì cho dân làng thương, dân làng quý, lại vừa thể hiện tình yêu thương chan chứa, sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái...
Hiện nay, bà đã nghỉ hưu được 3 năm và sinh sống cùng bà con làng xóm tại quê nhà. Những làn điệu dân ca các dân tộc Tây Nguyên nói chung, của dân tộc Ba Na của bà nói riêng, luôn được bà truyền lại cho những hội viên phụ nữ và các em nhỏ trong thôn.
Chị Y Ni - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 12, xã Đăk Ruồng, cho biết: Bà Y Ga luôn nhiệt tình tham gia công tác Hội. Qua những khúc hát dân ca của bà, mọi người thêm gần gũi, hiểu nhau hơn và quên đi những mệt nhọc trong lao động, đồng thời mỗi bài hát này cũng chính là những bài học đạo đức, giáo dục con người sống nhân ái hơn, bao dung hơn, yêu thương nhau hơn, lạc quan yêu đời và yêu lao động hơn…
Từng lời, từng lời hát dân ca của bà vừa da diết, sâu lắng như hơi thở, như tiếng lòng của người dân tộc Ba Na, lại vừa như vẽ nên một bức tranh về cuộc sống sinh hoạt rất đỗi mộc mạc, thân quen trong mỗi gia đình.
Bà Y Ga nhớ lại: Vào năm 2016, bà được Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kon Rẫy chọn tham gia biểu diễn ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum ở huyện Ngọc Hồi. Tại đây, bà đã hát làn điệu dân ca với khúc hát giao duyên “Mừng nhà rông mới”. Ngụ ý bài hát này kể lại quá trình làm nhà rông mới với nội dung như: kêu gọi dân làng đi tìm cây môn dóc để nấu với thịt trâu để chuẩn bị mừng nhà rông mới. Trong quá trình đâm trâu, hát giao duyên với người khác để thương nhớ con trâu vừa mới đâm chết và sau đó già làng làm thủ tục xong, bà con cùng nam nữ thanh niên trong làng cùng nhau góp rượu ghè tại nhà rông để uống, đánh cồng, đánh chiêng và múa xoang ( người dân tộc Ba Na gọi là Tơ Tơng) để ăn mừng nhà rông hoàn thành…
Ông A Việt là người cùng thể hiện bài dân ca “Mừng nhà rông mới” tại ngày hội Văn hóa các dân tộc tinh Kon Tum ở Ngọc Hồi với bà, kể: Mình là người vừa phụ họa, vừa hát giao duyên cùng bà Y Ga. Trong bài hát dân ca này, bà Y Ga thể hiện rất xúc động, dạt dào tình cảm, xao xuyến lòng người của những đôi tình nhân trai tài gái sắc đang độ xuân thì. Làn điệu dân ca trong mỗi con người hầu như ai cũng có khả năng ứng tác. Vì thế, mỗi khi biểu diễn, bà Y Ga đã tự sáng tác thêm để có thể vận vào các làn điệu sẵn có sao cho trở thành những bài hát dân ca hay hơn.
Dân ca tha thiết với con người chúng ta là vậy; thế nhưng, hiện nay, thế hệ trẻ mấy ai còn nhớ đến các làn điệu dân ca sâu lắng hồn người, mấy ai còn ru con với làn điệu dân ca mượt mà vang lên giữa trưa hè làng quê đầm ấm.
Vì lý do đó, bà Y Ga mong muốn, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành Văn hóa huyện nên quan tâm tổ chức nhiều hơn nữa những lễ hội truyền thống của dân tộc, trong đó cần phải kết hợp tổ chức biểu diễn các làn điệu dân ca, bằng lời hát ru, hát giao duyên…để thế hệ trẻ hôm nay được biết, được hát, được lắng nghe...
Trần Văn Phúc