Nữ họa sĩ 9x với dòng tranh cực thực

12/09/2018 07:03

​Nguyễn Thị Anh Mai – một nữ họa sĩ hiếm hoi trong làng họa Kon Tum đã chọn dòng tranh cực thực cho những tác phẩm của mình. Như một cơn gió lạ, tranh của Anh Mai nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn và sự đón nhận nồng nhiệt của người yêu tranh.

Đặt chân vào phòng tranh họa sĩ trẻ Anh Mai, cảm giác thật nhẹ nhàng, thoải mái. Trong khuôn viên nhỏ nằm giữa thị trấn Đăk Hà, hàng chục bức tranh tĩnh vật đến tranh phong cảnh thực như ảnh chụp được treo gọn gàng thu hút mọi ánh nhìn.

Dẫn khách tham quan, họa sĩ Anh Mai vui vẻ chia sẻ: Tôi thích dòng tranh cực thực này lâu lắm rồi, hiện nay, xu hướng này cũng được nhiều bạn trẻ để ý đến. Không giống những dòng tranh khác, với cực thực, những ý chính mình muốn nói được thể hiện rất chi tiết, cực kỳ tỉ mỉ và có chiều sâu. Chỉ cần nhìn bức tranh, người xem đã muốn sờ vào để cảm nhận. 

Anh Mai chọn khởi đầu với chủ đề về cá ở trường phái cực thực

 

Cực thực - dòng tranh mới, nở rộ vào đầu những năm 2000 và hiện thu hút khá nhiều bạn trẻ Việt Nam. “Vẽ như chụp” là cảm giác đầu tiên mà người xem tranh tiếp xúc với dòng tranh này.

“Bằng cách nhấn mạnh vào chi tiết, tăng cảm giác về chiều sâu, người vẽ mang lại cho người xem một ảo giác về hiện thực. Gần với nhiếp ảnh, nhưng không đơn thuần là sao chép lại những gì đã thấy, bởi qua tranh, người vẽ có thể đưa ra cảm xúc, các quan điểm của bản thân về xã hội, văn hóa và cả chính trị” - Anh Mai chia sẻ.

Trong lúc các họa sĩ của Kon Tum đạt được rất nhiều thành công trong việc khai thác đề tài về văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, Anh Mai lại chọn cho mình một lối đi riêng biệt. Đề tài của cô là những góc nhỏ của cuộc sống thường nhật. Không sử dụng các biểu tượng cách điệu, tượng trưng, Mai vẽ về đời thường nhưng sống động như nó vốn có và thật đến từng đường nét, chi tiết.

Chia sẻ với chúng tôi, Mai nói rằng, cô chọn khởi đầu với chủ đề về cá ở trường phái cực thực. Những chi tiết phụ được lược bỏ, chỉ còn lại trong tranh là sự chuyển động mềm mại của cá, nước và ánh sáng.

Nói có vẻ đơn giản nhưng bắt tay vào sáng tác lại chẳng hề dễ chút nào, để cho ra đời một “đứa con tinh thần” theo trường phái cực thực, Mai phải dành rất nhiều thời gian nghiên cứu tỉ mỉ về sự vật để thể hiện nó bằng mảng màu và đường nét. Và điều đáng mừng là bằng đam mê và những nỗ lực không ngừng, nhiều năm liên tiếp, tranh của Anh Mai đều được chọn để trưng bày ở các triển lãm khu vực và thuyết phục được những người trong giới hội họa.

Nhắc đến tranh của Anh Mai, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung - hội viên Chi hội Mỹ thuật tỉnh bày tỏ: Trước đây tôi tiếp cận dòng tranh cực thực qua các trang mạng của nước ngoài nên khi thấy Mai vẽ, thực sự tôi rất ngạc nhiên. Đặc biệt, khả năng của Mai khiến tôi chú ý hơn. Hy vọng lối vẽ của họa sĩ Mai có thể phát triển cao hơn.

Còn họa sĩ Lê Thị Tình - hội viên Chi hội Mỹ thuật tỉnh trầm trồ: Mai là người tiên phong đi đầu trong lối vẽ này tại địa phương và lối vẽ của cô ảnh hưởng rất nhiều đến các họa sĩ trẻ như chúng tôi. Qua từng bức tranh, chúng tôi đều ấn tượng từ khả năng sáng tác đến từng đường nét thể hiện tinh tế, sắc sảo…

Không chỉ có các họa sĩ trong tỉnh, trên các diễn đàn về hội họa, tranh của nữ họa sĩ trẻ Anh Mai nhận được những phản hồi tích cực và thường được tìm mua. Đặc biệt, sau thành công với những bức vẽ về cá, Mai bắt tay thực hiện loạt tranh về sen. Với sự tìm hiểu kỹ càng, am hiểu các nguyên lý của ánh sáng và bóng tối, nữ họa sĩ đã mang đến những bức tranh về sen thật đến từng chi tiết.

Những đường gân mảnh trên cánh, sự loang màu và đổ bóng của những hạt sương đều được nữ họa sĩ lưu giữ lại trong tranh. “Hiện nay thấy nhiều người vẽ tranh sen theo hiện thực, tôi lại đang theo cực thực nên muốn vẽ hiện đại hơn một chút. Ngoài từng đường nét, bức tranh đẹp, cuốn hút bởi nó được thổi vào bằng tất cả niềm đam mê và cái hồn của người họa sĩ”- Anh Mai chia sẻ.

Ngoài đam mê, năng khiếu, nữ họa sĩ chia sẻ, thành công cô đạt được, một phần lớn nhờ vào sự ủng hộ của gia đình. Điều hạnh phúc lớn nhất với Anh Mai chính là có một người bạn đời là họa sĩ, có thể cùng sẻ chia niềm đam mê và cả những buồn vui trong nghề.

Mai cho biết, thuở ban đầu, cũng như nhiều họa sĩ khác, không thể lấy tranh nuôi tranh, gia đình cô cũng đứng trước gánh nặng cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên bằng sự tinh tế vốn có, hai vợ chồng đồng tâm đồng sức vượt qua khó khăn. Và chính những lúc cảm thấy chông chênh nhất, hơn ai hết, chồng chính là người đồng hành, động viên Mai tiếp tục sáng tác.

Những đường gân mảnh trên cánh, sự loang màu và đổ bóng của những hạt sương đều được nữ họa sĩ lưu giữ lại trong tranh

 

 “Cùng là họa sĩ nên tôi rất hiểu khó khăn trong cuộc sống ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sáng tác. Với trường phái cực thực cần rất nhiều thời gian để nghiên cứu, sáng tác, vợ lại đam mê và có năng lực thể hiện ở dòng tranh này nên tôi rất ủng hộ. Tôi chủ động chia sẻ công việc để Mai có nhiều thời gian chú tâm vào thể hiện” - anh Hồ Việt - chồng Mai chia sẻ.

Có lẽ chính sự tiếp sức đó đã khiến nữ họa sĩ Anh Mai có những bước tiến trong sự nghiệp sáng tác của mình. Tác phẩm “Sau cơn mưa” của cô là một trong mười tác phẩm của tỉnh được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ 23 năm 2018 tại Phú Yên.

Trong hơn 280 tác phẩm của 215 tác giả đến từ 9 tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Gia Lai, Bình Định, Đăk Lăk, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, tranh của Mai được đánh giá cao ở tính hiện thực và mới mẻ.

Hội họa cực thực là dòng tranh không kén người xem, chỉ kén người vẽ, Anh Mai đã xây dựng được những thành công nhất định và tạo nên một mảng màu lạ cho hội họa Kon Tum. Ở tuổi 26, Anh Mai còn rất trẻ để tiếp tục theo đuổi đam mê, tiếp tục kể những câu chuyện của đời, của phố bằng đường nét, màu sắc trong mỗi sáng tác của mình.

“Với mình, tranh là cuộc sống. Mình tin rằng, với sự cố gắng và đam mê, cuộc sống sẽ được tô lên những mảng màu thực sinh động, nhiều đường nét và luôn tươi đẹp” – Anh Mai chia sẻ. 

Ngân Hà – Bình An

Chuyên mục khác