04/04/2017 14:23
Chồng đánh đàn
Phòng khách nhà nghệ nhân A Huynh không chỉ dùng để tiếp khách mà còn là không gian để treo, trưng bày các nhạc cụ truyền thống do chính tay ông làm. Nào ting ning, klông put, t’rưng, brọ mâm… tất cả được “trưng bày” gọn gàng trên tường, gần cửa sổ…
Chỉ tay lên từng loại nhạc cụ, ông Huynh phấn khởi khoe với khách: Một tay mình làm hết đấy! Mình làm được nên chơi cũng thành thạo lắm.
Nghệ nhân A Huynh làm quen với nhạc cụ dân tộc từ năm lên 10 tuổi. Như mối lương duyên kỳ lạ, từ việc xem những người già trong làng làm nhạc cụ, thấy thích rồi ông học theo.
Tập tành làm klông pút, ông lại học làm thêm ting ning và nhiều loại đàn khác. Sau này, lập gia đình, dù bận bịu kiếm kế sinh nhai, lo cho vợ con và gia đình nhưng ông vẫn mày mò đi chặt tre, chặt nứa về làm những cây đàn mang âm thanh núi rừng.
|
“Mình mê làm đàn lắm! Mỗi lần làm xong, nghe được âm thanh của nó là trong lòng lại khấp khởi, vui mừng!” – ông Huynh tâm sự.
Những cây đàn luôn là người bạn thân thiết trên mỗi chặng đường của ông Huynh trong mỗi lần lên rừng, lên rẫy. Lúc buồn, đàn giãi bày nỗi niềm, tâm sự; lúc vui, đàn lại sẻ chia, hân hoan. Và đặc biệt, khi có gia đình, từng nhịp đàn lại gắn bó, vun đắp cho ngôi nhà nhỏ thêm vô vàn tiếng cười rộn rã, hạnh phúc.
Hơn nửa đời người mày mò, chế tác, đến nay đã điêu luyện nên với ông A Huynh việc làm đàn chẳng còn vất vả như những ngày đầu mới tập tành. Cầm cây đàn ting ning, ông bảo chỉ mất 1 ngày chuẩn bị nguyên vật liệu và 1 ngày để chế tác. Tương tự, đàn t’rưng hay klông pút, dù cầu kì song ông cũng chỉ mất khoảng một vài ngày để hoàn thành.
Ông bảo, ông làm nhanh nhưng chất lượng lắm. Nói rồi, như để chúng tôi kiểm chứng, ông lấy ting ning xuống, trình diễn, “chiêu đãi” khách đường xa. Tiếng đàn tính tang lúc dìu dặt, lúc rộn ràng như rót vào lòng người những cung điệu chất chứa đầy xúc cảm.
“Đàn của ông Huynh làm chất lượng, âm thanh hay lắm. Bởi vậy, huyện có lễ hội hay hoạt động văn hóa nào lại mời ông” – anh Trần Đình Trung - Phó phòng Văn hóa thông tin huyện Kon Rẫy chia sẻ.
Cũng bởi chất lượng nên 3 năm trở lại đây, nhiều người tìm đến mua đàn của nghệ nhân A Huynh. Thỉnh thoảng, có khách ở xa đến mua, ông cũng bán nhưng cũng chỉ một vài trăm để lấy tiền công.
“Có người mua về để treo trong nhà cho đẹp, người thì mua về để học. Dù về làm gì, chỉ cần họ nghĩ đến truyền thống là mình vui rồi”- ông A Huynh bộc bạch.
Vợ dệt vải
Nghe tiếng đàn của chồng gảy lên, từ dưới nhà, bà Y Pa – vợ nghệ nhân A Huynh đi lên, trên tay vẫn còn nâng niu tấm vải mới được dệt xong. “Già rồi, vợ chồng mình cứ đánh đàn, dệt vải để tạo thêm niềm vui trong cuộc sống thôi” – bà Y Pa cười, nói với khách.
Hằng ngày, vợ chồng bà vẫn cặm cụi làm rẫy, chăn nuôi để lo kinh tế cho gia đình. Nhưng bất kể khi nào rảnh rỗi, chồng lại đánh đàn, vợ dệt vải.
Cầm tấm vải của bà Y Pa mới thấy từng đường chỉ được dệt tỉ mỉ, cẩn thận, hoa văn trang trí sắc sảo, tinh tế. Bao nhiêu năm nay, những bộ đồ thổ cẩm truyền thống trong gia đình đều từ một tay bà Y Pa dệt. Bà bảo, mỗi lần ra ngoài, được mặc bộ đồ thổ cẩm do chính tay mình dệt bà mừng vui và tự hào lắm.
Học theo bà, theo mẹ, bà Y Pa biết dệt vải từ khi 12-13 tuổi. Bà bảo, dạo ấy, hầu như nhà nào cũng dệt vải để may đồ, làm tấm đắp... Sau này, khi vải vóc, quần áo ngày càng rẻ, càng đa dạng về mẫu mã cũng là lúc nhiều người cất khung cửi vào góc nhà, riêng bà thì không. Dù cuộc sống ngày càng hiện đại, trang phục ngày càng kiểu cách nhưng bà vẫn luôn thích và luôn tự hào khi giữ được nghề dệt truyền thống.
Dệt vải với bà Y Pa là niềm vui. Cứ rảnh rỗi, bà lại lấy khung cửi ra và lọ mọ dệt. Không chỉ dệt cho các con, các cháu, bà còn dệt vải và để sẵn trong nhà.
“Dệt được một tấm vải như thế này mất cả tháng trời đấy cô. Trong mỗi sản phẩm dệt nó không chỉ là mồ hôi, là công sức mà ẩn chứa sắc thái văn hóa, thể hiện tâm hồn của người dân Ba Na. Bởi vậy, với tôi, đây là “đặc sản” quý, rất giá trị. Nếu có người thân thiết từ xa đến chơi, tôi lại biếu làm quà” – bà Y Pa thủ thỉ.
Những ngày cuối tuần, gia đình nghệ nhân A Huynh vui vẻ, rộn ràng lắm. Con gái, con trai, các cháu quây quần về nhà; người hát, người đánh đàn rất vui nhộn. Những dịp ấy, ông A Huynh lại tranh thủ bày cho các cháu đánh đàn t’rưng, klông pút.
“Hình như theo gen di truyền nên các cháu của tôi thích đánh đàn lắm. Hiện tại, 3 cháu của tôi đều đánh t’rưng rất hay. Tôi sẽ tiếp tục bày cho các cháu đánh các loại đàn khác nữa” – ông Huynh vừa thử đàn, vừa nói giòn giã.
Hoài Tiến