Những nét văn hóa đặc sắc của người Xơ Đăng ở vùng núi Ngọc Linh

19/07/2019 13:00

Cả xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) đều nằm trong quần thể dãy Ngọc Linh, cư dân nơi đây hầu hết là đồng bào Xơ Đăng. Họ định cư trên lưng chừng núi cao và có đời sống cộng đồng cố kết, với những bản sắc riêng về phong tục tập quán, phương thức sản xuất được gìn giữ, lưu truyền qua các thế hệ.

Với những người “xứ khác”, cái tên Ngọc Linh gắn liền với một loài sâm quý - sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, đối với những ai đã từng đến với vùng đất nằm dưới dãy núi Ngọc Linh chất ngất cao, đắm mình với đời sống của cư dân nơi này sẽ nhận ra, đây không chỉ là vùng đất của dược liệu, mà còn có những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của đồng bào Xơ Đăng đang được người dân gìn giữ, phát huy.

Đồng bào Xơ Đăng ở Ngọc Linh sống thành từng làng trên lưng chừng mỗi ngọn núi của dãy Ngọc Linh. Xã Mường Hoong có 16 làng, xã Ngọc Linh có 17 làng; mỗi làng thường có khoảng vài chục nóc nhà, nhiều lắm cũng chừng năm, bảy chục nóc nhà. Ở phần lớn các làng, người dân vẫn giữ phong tục rào làng bằng lồ ô khép kín có lối ra và cổng vào, ở lối đi vào có dựng hai cây gỗ lớn, trên thân cây gỗ này có những chiếc răng thú lớn được giắt và khoét sâu tạo thành những mặt người như “những chiến binh” đứng canh chừng ngôi làng, xua đuổi những “thế lực hắc ám”, giúp dân làng tránh mọi tai ương trong cuộc sống.

Trong mỗi làng có mái nhà chung, đó là nhà rông dựng ở giữa làng. Nhà rông được ví như linh hồn của làng, nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của cả làng, là nơi tiếp khách, bàn luận những việc lớn liên quan đến làng…

Già A Tỏa (làng Tu Hoong, xã Mường Hoong) chia sẻ: Hiện nay, ở nhiều nơi, vì thiếu nguyên vật liệu hay đơn giản vì sự tiện lợi mà khi làm nhà rông, người ta dùng các vật liệu hiện đại để thay thế những nguyên vật liệu truyền thống. Riêng ở vùng núi Ngọc Linh, nhà rông vẫn được người dân làm theo đúng truyền thống, từ quy cách đến nguyên vật liệu.

Tranh lợp mái nhà rông được chia thành từng mớ nhỏ đặt sát nhau theo từng hàng có nẹp giữ chồng lên đòn tay theo thứ tự từ dưới lên đến nóc như cách chằm nón lá. Sàn nhà rông được làm bằng cây lồ ô. Họ chặt những cây lồ ô dài đúng bằng chiều dài của ngôi nhà, sau đó đập dập ống lồ ô và trải ra thành những miếng hình chữ nhật, ghép sát lại với nhau trên hệ thống khung đỡ làm sẵn tạo thành một sàn hoàn chỉnh. Vách nhà được làm bằng những tấm gỗ xẻ mỏng độ dài 2m, ngang khoảng 0,4m, đóng dựng đứng sát vào nhau bao quanh hàng cột theo đúng chu vi của một ngôi nhà…

Làng của người Xơ Đăng ở Ngọc Linh trên lưng chừng núi cao quanh năm mây mù bao phủ. Ảnh: TH

 

Lễ hội là một trong những nét văn hóa đặc trưng được đồng bào Xơ Đăng ở vùng Mường Hoong, Ngọc Linh gìn giữ, chắt lọc với tinh thần “gạn đục khơi trong”, chỉ giữ những lễ hội đặc sắc, quan trọng của làng. Trong đó có 2 lễ hội tiêu biểu là lễ sửa máng nước và lễ hội lúa về kho.

Theo già A Pinh (làng Tân Rát, xã Ngọc Linh), lễ sửa máng nước còn được người dân gọi là Tết bắc máng nước. Do sống ở lưng chừng núi, cuộc sống của người dân luôn phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên nên máng nước của làng chiếm một vị trí rất quan trọng. Hơn thế nữa, nó đã trở thành một nét “văn hóa cộng cư” bao đời nay. Với quan niệm vạn vật hữu linh, mỗi ngọn núi, con sông, con suối đều có thần cai quản, người Xơ Đăng ở đây tổ chức nghi lễ bắc máng nước để cầu xin nước về dồi dào, phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt và sản xuất lúa trên ruộng bậc thang.

Lễ hội này thường diễn ra vào khoảng tháng 2 hàng năm. Mọi người trong làng sẽ tập trung sửa chữa máng nước cũ hoặc bắc máng nước mới, gia cố hệ thống giá đỡ, đường ống máng nước để đưa nước từ suối về làng, vào ruộng. Lễ hội còn là để tạ ơn thần linh, cầu mong cho sông nhiều nước, suối đừng cạn, mọi người trong làng mạnh khỏe, vật nuôi đầy đàn, mùa màng bội thu, dân làng đoàn kết. Sau lễ bắc máng nước cũng là lúc người dân bắt tay vào lấy nước làm ruộng, đánh dấu một mùa gieo trồng mới nơi đại ngàn Ngọc Linh.

Người dân vùng núi Ngọc Linh làm ruộng bậc thang trên núi cao, cây lúa có một vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào Xơ Đăng nơi đây. Họ quan niệm rằng, mỗi vụ mùa thuận lợi, bội thu là do được các thần linh ban tặng; ngược lại, vụ mùa thất bát là do thần linh trách phạt, vì dân làng lỡ làm điều gì đó trái ý thần linh nên bị quở trách. Vì vậy, hàng năm, người dân thường tổ chức nghi lễ liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và cây lúa từ lúc gieo mạ, cấy lúa đến khi thu hoạch, đưa lúa vào kho…

Đa phần các nghi lễ chỉ được tổ chức trong khuôn khổ mỗi gia đình, chỉ riêng lễ hội lúa về kho là được cả làng cùng tổ chức. Đây là lễ hội quan trọng, đánh dấu việc kết thúc một vụ sản xuất.

“Khi tất cả các gia đình trong làng gặt hái xong xuôi, lúa được phơi khô chuyển về đầy ắp các kho thóc dựng ở cạnh nhà hoặc ở ngoài bìa làng, già làng sẽ chọn một ngày để tổ chức lễ hội lúa về kho, thường diễn ra vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10. Trong Tết lúa về kho, các gia đình sẽ lấy những bông lúa được ngắt về từ đầu vụ treo ở trong kho (lúa cữ) đem ra vò, giã lấy gạo nấu cơm cúng thần linh rồi sau đó các gia đình mới được lấy lúa mới từ kho ra ăn. Nhà nào còn lúa cũ thì phải ăn hết mới được ăn đến lúa mới” - già A Tỏa kể.

Các gia đình sẽ góp rượu ghè, cùng nhau nướng cơm lam, làm heo, gà để cúng thần đất, thần lúa, thần trời và tổ chức ăn mừng, nhảy múa tưng bừng. Đây là dịp dân làng bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần núi, thần rừng, thần ruộng đã ban cho của cải, vật chất để dân làng có cuộc sống ấm no, đủ lúa ăn quanh năm... Sau đó, người dân bước vào mùa nghỉ ngơi, vui chơi, tổ chức các lễ hội của dòng họ, gia đình...

Lễ hội được tổ chức không chỉ là duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Xơ Đăng, đây còn là những dịp để người dân trong mỗi làng củng cố mối đoàn kết. Đồng thời, là cơ hội tốt để những người già trong làng kể cho con cháu nghe về tổ tiên, luật tục, những câu chuyện, truyền thuyết xa xưa, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, săn bắn…

Lễ hội này còn là dịp để trai gái gặp gỡ, đối đáp giao duyên, tỏ tình với nhau...

Nhờ việc duy trì tổ chức lễ hội truyền thống tốt đẹp mà người dân Mường Hoong, Ngọc Linh biết gìn giữ, sắm thêm nhiều cồng chiêng và duy trì được các đội chiêng, xoang. Chẳng hạn như ở xã Ngọc Linh, các làng Tân Rát, Lê Ngọc, Tu Cú... có tới 4 - 5 bộ cồng chiêng. Ngoài ra, nhiều gia đình cũng lưu giữ được những bộ chiêng quý truyền qua nhiều đời như nhà A Mang (làng Lê Ngọc), A Bia (làng Tân Rát)…

Cồng chiêng được nhiều gia đình người Xơ Đăng vùng núi Ngọc Linh lưu truyền. Ảnh: TH

 

Cũng bởi cuộc sống của đồng bào Xơ Đăng ở vùng núi Ngọc Linh gắn liền với sản xuất nông nghiệp, lại nằm ở vùng xa xôi, giao thương hàng hóa hạn chế nên người dân nơi đây vẫn duy trì nghề rèn để làm ra các dụng cụ phục vụ đời sống sản xuất và sinh hoạt như dao, cuốc, rựa. Trong thời gian nghỉ sản xuất nông nghiệp, các lò rèn trong các làng lại bập bùng ánh lửa, bởi điều độc đáo là thợ rèn của các lò rèn này lại chính là những người nông dân.

Lò rèn của người Xơ Đăng đơn giản, cách làm thủ công, nhưng với phương thức làm riêng có, kinh nghiệm và sự kỹ lưỡng trong công việc, đồng bào nơi đây đã chế tạo ra được những nông cụ rất bền, bén.

Người dân nơi đây còn duy trì nghề đan lát. Công việc này do những người đàn ông trong nhà thực hiện.  Với sản phẩm đa dạng, từ gùi, sọt, mẹt, rá vo gạo, chiếu, đến ghế ngồi, phên che…, được đan lát với kỹ thuật thành thạo, trang trí đơn sơ nhưng đẹp đẽ, tiện dụng.

Độc đáo nhất chính là gùi với đủ các loại, gùi to cho người lớn, gùi nhỏ cho trẻ em, gùi đan thưa, gùi đan dày, gùi có nắp, gùi không nắp, gùi có hoa văn, gùi không hoa văn…

Gùi được coi như “vật bất ly thân” của đồng bào Xơ Đăng nơi đây. Nó xuất hiện trong mọi hoạt động của đời sống, theo chân người dân đi rẫy, gùi các nông sản đi bán rồi gùi hàng hóa mua về nhà dùng; gùi để đựng lúa, gùi đựng quần áo trong nhà…

Với người dân vùng núi Ngọc Linh, chiếc gùi đã trở thành một phần quan trọng của đời sống lao động, sinh hoạt và cả văn hoá, tâm hồn. Những chiếc gùi không chỉ là những vật dụng hàng ngày mà chúng còn có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm hồn của mỗi người, mỗi gia đình.

Thông qua mỗi chiếc gùi, những người đàn ông tạo ra sản phẩm đan lát này muốn gửi gắm cả tâm tư, tình cảm của mình đến người phụ nữ mình thương yêu và cả gia đình bé nhỏ của họ. Chẳng thế mà, ngoài việc làm lụng giỏi, người đàn ông còn cần phải biết đan lát, đặc biệt là đan những chiếc gùi. 

Đối với người phụ nữ, việc luôn mang theo chiếc gùi trên lưng giúp họ thể hiện tiếng lòng của mình. Người có chồng có con mang gùi thể hiện sự đảm đang chăm chỉ vun vén cho hạnh phúc gia đình; người chưa có chồng mang gùi như là lời khẳng định đầy hứa hẹn với đám thanh niên con trai rằng mình là người ưa lao động, đảm đang, khéo léo biết thu vén...

Với tất cả những gì mà người dân vùng núi Ngọc Linh đang gìn giữ, phát huy, có thể nói nơi đây đang lưu giữ cả một “miền văn hóa Xơ Đăng”. Cùng với sự độc đáo về địa hình, khí hậu; sức hút của một vùng dược liệu; sự hấp dẫn về văn hóa truyền thống tạo nên một Ngọc Linh rất riêng, đặc sắc và lôi cuốn.

THIÊN HƯƠNG

Chuyên mục khác