02/10/2019 13:07
Đã lâu mới trở lại. Con đường nhỏ từ ngã ba trên trục đường chính của xã Đăk Rơ Wa rẽ vào nhà già A Lưu ngày trước lởm chởm sỏi đá, giờ đã được bê tông hóa phẳng lì. Chỉ có căn nhà nhỏ của gia đình ông ở chỗ thưa dân này thì vẫn vậy, có chăng là ngả màu cũ hơn. Vừa qua một trận ốm, già A Lưu chưa hết mệt mỏi. Mới đây, có đoàn quay phim của VTV về Kon K’tu mời già hát kể hơ mon nhưng đành phải từ chối.
Ông bảo “tiếc quá”, nhưng “lực bất tòng tâm”. Đã ngoài 80 rồi còn gì. Những cơn ho tức ngực, đau xương nhức cốt, run tay run chân… Lâu không hát kể, thấy nhớ hơ mon làm sao! Nghe hỏi về sử thi, mắt già sáng lên, cười móm mém. Bao nhiêu chất chứa trong lòng được dịp giãi bày.
Già A Lưu sinh ra và lớn lên ở làng Kon Tum Kơ Nâm, một trong số làng đầu tiên của đồng bào Ba Na được hình thành ở Kon Tum. Tiếp bước ông ngoại, ngày trước, mẹ Y Ngao của già A Lưu cũng là người hát kể hơ mon nổi tiếng trong vùng. Không được ghi chép thành chữ, hơ mon là những câu chuyện được truyền miệng bằng giai điệu, chủ yếu kể về nhân vật có sức mạnh siêu nhiên, trái tim nhân hậu; những dũng sĩ diệt ác, giúp đỡ dân lành…
Là loại hình nghệ thuật đặc thù, ngày xưa, nghệ nhân hát kể hơ mon rất ít nên thuộc hàng “quý hiếm”. Không chỉ tận tâm phục vụ dân làng, họ còn nhiệt tình đến tận nhà xa, khi có lời mời. Không được “ngỏ lời”, người hát kể sử thi không bao giờ tự ý đến, cho dù đó là lễ hội, đám cưới, đám chết hay cuộc rượu gia đình…
|
Nguyên gốc, hơ mon thường được hát kể vào ban đêm. Dưới mái nhà rông, trong nếp nhà sàn, hay bên bếp lửa ấm, mọi người thường thoải mái nằm để nghe. Nghệ nhân nhiều khi cũng nằm mà hát kể; mà vẫn nằm lòng, trôi phiêu, cuốn hút. Mỗi câu chuyện không chỉ được hát kể trong một đêm mà có thể kéo dài trong nhiều đêm, tạo thành một mạch chuyện hấp dẫn người nghe…
Theo mẹ đi hát kể sử thi từ khi 9 tuổi, nên lâu dần, lời lẽ, ý tứ, giai điệu của câu chuyện dần ngấm vào hơi thở, máu thịt A Lưu, trở nên thân thuộc như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Thuộc nhiều, nhớ lâu, hát hay, A Lưu không chỉ phục vụ dân làng mà còn thường xuyên được mời đem hơ mon đến các thôn, làng lân cận. Có khi thâu đêm suốt sáng, trẻ già thường say sưa nghe hát kể, khó dứt bên ché rượu. Riêng người hát sử thi thì không được “quá chén” vì còn phải đủ tỉnh táo để nhớ lời câu chuyện và giữ giọng thật tốt để vừa kể, vừa hát theo mạch chuyện khiến người nghe thích thú…
Trong kho tàng hơ mon của người Ba Na, phổ biến và được yêu thích nhất là chuyện về chàng Đăm Giông anh hùng. Chuyện được cấu thành bởi nhiều phần, kể về hoàn cảnh anh em Giông Giớ mồ côi, Giông làm nhà mồ, Giông đánh quỷ Bung Lung, Giông cứu đói dân nghèo, Giông đạp đổ núi đá, Giông lấy nàng Bia Phu…
Gần cả cuộc đời dành cho sử thi, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, “vốn liếng” quý giá của già A Lưu là gần 100 bài hơ mon được lưu giữ và hát kể. Ý nghĩa nhất với già là cuộc gặp gỡ với các cán bộ văn hóa đến từ Hà Nội, triển khai Dự án "Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên", trong những năm 2004 - 2007. Lần đầu tiên cũng là duy nhất, bao nhiêu “vốn liếng” hơ mon về chàng trai Đăm Giông huyền thoại cất giữ lâu ngày được già hát kể lại một cách có hệ thống để ghi âm vào băng catset, ký tự bằng văn bản với chữ viết Ba Na và dịch sang tiếng phổ thông. Trong số 75 tác phẩm sử thi của các DTTS được tập hợp trong bộ sách “Kho tàng sử thi Tây Nguyên” Viện Khoa học Xã hội Việt Nam xuất bản từ năm 2004 đến 2007, có hơn 20 tác phẩm sử thi được già A Lưu hát kể và chiếm hơn 2/3 tổng số tác phẩm sử thi của đồng bào dân tộc Ba Na, Xơ Đăng tỉnh Kon Tum được lựa chọn, tập hợp trong bộ sử thi Tây Nguyên đồ sộ này.
|
Với vốn liếng hơ mon đáng nể, từ năm 2006, già A Lưu đã là 1 trong số 3 nghệ nhân đầu tiên của tỉnh được công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Tháng 3/2019, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú.
Gần cả cuộc đời sống với hơ mon, điều mà lâu nay già chưa nguôi trăn trở, là trong bối cảnh cuộc sống có nhiều đổi khác, hơ mon đang dần bị lãng quên, mai một, không tránh khỏi nguy cơ sẽ mất đi trong cuộc sống. Cho dù đã có lịch sử hàng trăm năm và được xem là loại hình tri thức dân gian vô cùng độc đáo, song đến nay, loại hình nghệ thuật cổ xưa này gần như không có người theo học, không người nối truyền. “Hồi trước, cũng có mấy người theo học, mình chỉ cho, nhưng rồi không theo nổi. Họ bảo khó quá, không thuộc được, không hát không kể cho thành bài…” - già A Lưu chia sẻ.
Thương cha, gần đây, con gái út Y Len của già A Lưu đã ngoài 45 tuổi vẫn ráng làm quen với hơ mon. Sức khỏe không cho phép, nên già A Lưu chỉ có thể hát kể để con gái dùng điện thoại ghi âm lại, sau đó mở ra nghe và dần tập theo để hiểu cặn kẽ hơn về cách lấy hơi, ghìm giọng hay ngân nga, luyến láy. Kiên trì rèn luyện, bước đầu, Y Len đã khá thông thạo hai bài “Giông lấy dây mây” và “Giông đạp đổ núi đá”.
Thời gian qua, việc mở các lớp dạy cồng chiêng, xoang, chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, dạy nghề truyền thống đã được quan tâm tổ chức, duy trì. Riêng hát kể sử thi thì vẫn chỉ là ước ao, mong muốn. Nếu không có điều kiện trao truyền, thì có lẽ, cho đến cuối cuộc đời, các nghệ nhân lão làng như già A Lưu sẽ chỉ còn nỗi nhớ…hơ mon.
Thanh Như