Nhịp chiêng mùa xuân

04/02/2019 13:04

​“A húuuu!”, già làng Brol Vẻ phun ngụm rượu khắp nhà, cất tiếng hú vang trong tiếng chiêng cồng rộn ràng để “làm phép”, giúp gia chủ rước may mắn, tài lộc. Trong trang phục truyền thống, chủ nhà hân hoan mời già làng thưởng thức thịt chuột, thịt chim rồi đi quanh vòng chiêng xoang, mời mỗi vị khách đến nhà vít rượu cần, ăn những món truyền thống, cùng hân hoan đón mừng năm mới.

Khi những bông hoa cà phê nhuộm trắng vườn, những vườn cao su bạt ngàn thay lá non mơn mởn cũng là lúc dân làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Cũng rượu ghè, cơm lam, cá chua; cũng bánh mứt, hạt dưa như bao làng, bao thôn khác, nhưng ở đây, bà con còn tập cồng chiêng, dệt trang phục thổ cẩm, tập những bài hát truyền thống… để đón Tết theo kiểu riêng của mình.

Tất bật chuẩn bị đón Tết

Chiều muộn, chị Y Loan – Trưởng đội xoang nữ làng Đăk Răng vẫn cùng với 28 nghệ nhân và các thiếu nữ đến nhà rông tập các điệu xoang truyền thống. Thời gian càng gấp rút, mọi người càng hăng say luyện tập để được hòa cùng đội cồng chiêng trình diễn khắp làng trong dịp Tết Nguyên đán.

Vừa tập múa xoang, ngày ngày, chị em còn tranh thủ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Tối, các bà, các mẹ lại miệt mài bên khung cửi, tỉ mẩn dệt nên những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống để cả gia đình cùng xúng xính trong ngày đón năm mới; lớp thanh niên cùng tập những bài hát giao duyên, luyện nhạc cụ truyền thống để trình diễn trong đêm văn nghệ đón xuân.

Bà con chuẩn bị rượu ghè đón Tết

 

Tết càng cận kề, nhà nhà lại thêm tất bật. Chị em phụ nữ tranh thủ chuẩn bị ủ men làm rượu ghè, chuẩn bị nếp làm cơm lam... Chị Y Nhiên – hộ dân trong làng cho biết, năm nay, chị chuẩn bị từ 3-4 ghè rượu để đón Tết. Ngoài rượu ghè, vợ chồng chị cũng chuẩn bị thịt chuột, lá mì chua, cá… để làm các món ăn truyền thống, thết đãi khi khách đến nhà. Và có riêng gì gia đình chị Y Nhiên, hầu như tất cả các gia đình đều tất bật chuẩn bị bánh trái, rượu thịt để đón tiếp cả làng trong năm mới.

Đêm hội chào xuân

Nhà rông làng Đăk Răng nhộn nhịp tiếng cười nói, xua tan cái lạnh đêm cuối năm. Bên bếp lửa bập bùng, già trẻ, gái trai Giẻ Triêng trong trang phục truyền thống cùng vui mừng, chuẩn bị biểu diễn những tiết mục văn nghệ đã được chuẩn bị công phu từ mấy tháng trước.

Đi diễn đã nhiều nơi, trên nhiều sân khấu lớn nhưng giờ phút này, đội nghệ nhân của làng Đăk Răng lại hồi hộp đến lạ. Già Bloong Be - Đội trưởng đội nghệ nhân của làng chỉnh tề áo, khố, khăn, mũ, xà cạp và các trang sức… đi quanh một vòng, vừa chỉnh, sắp xếp lại đội hình cồng chiêng, liên tục ra hiệu, nhắc nhở mọi người tập trung trước khi biểu diễn.

“1 năm chỉ có 1 lần nên đội nghệ nhân mình tập luyện kỹ càng lắm! Đây là ngày hội lớn của cả làng, thể hiện linh hồn, văn hóa, bản sắc của dân tộc nên ai cũng phấn khởi” – già Bloong Be bày tỏ.

Trên sân khấu làng, tiếng chiêng ngân vang, vọng vào rừng cao su bạt ngàn, vọng vào 100 mái nhà được trang hoàng sạch sẽ trước thềm năm mới. Cùng với tiếng hò reo, tiếng cổ vũ rộn ràng, các nghệ nhân say sưa trong từng nhịp chiêng, nhịp cồng với bài “Bảo đảm sức khỏe”, “Mừng chiến thắng Đăk Siêng”… Những nghệ nhân nữ cũng uyển chuyển, nhịp nhàng tươi cười nối vòng xoang, tạo không khí rộn rã, tưng bừng.

Không chỉ có những nghệ nhân “gạo cội”, nam thanh nữ tú trong làng cũng điệu đà trong váy áo thổ cẩm, cùng đánh tơ rưng, hát giao duyên, đắm chìm trong văn hóa truyền thống; chị em phụ nữ cũng trình bày những tiết mục văn nghệ đậm bản sắc dân tộc Giẻ Triêng.

20h, sương xuống mang theo cái lạnh đặc trưng. Những nốt nhạc của các tiết mục văn nghệ nhẹ dần, người dân chia tay nhau, tản về nhà, chỉnh trang lại nhà cửa một lần nữa để đón giờ phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Lớp thanh niên vẫn ở lại nhà rông tiếp tục đàn hát, cùng chia sẻ những gì đã qua trong năm cũ. 23h59’, bên cây nêu, dưới ánh lửa bập bùng, tiếng cười giòn giã thay tiếng pháo, tất cả cùng đếm ngược, đàn, hát vang, cầu chúc một năm mới với nhiều điều tốt lành.

Rộn nhịp chiêng xuân

6h sáng mồng 1, chẳng ai bảo ai, tất cả bà con xúng xính trang phục truyền thống, hớn hở đến nhà rông. Già Bloong Be, Brol Vẻ có mặt thật sớm, tay bắt mặt mừng, cung chúc mọi người một năm mới an khang, thịnh vượng, sức khỏe dồi dào.

Theo hiệu lệnh của già làng, tiếng cồng chiêng bỗng ngân vang khắp núi rừng. Hòa nhịp cồng chiêng, ai nấy đều uyển chuyển trong “vũ điệu xoang”. Thật khó để diễn tả sự náo nhiệt, sôi động, vui tươi lúc này! Trên con đường bê tông chạy dọc làng, đội cồng chiêng đi trước, bà con rộn ràng múa xoang theo sau, vào từng nhà chúc Tết. Đến nhà nào, gia chủ lo chạy về trước, mở rộng cửa, chào đón khách vào nhà.

Đoàn chiêng, xoang múa một vòng quanh sân rồi vào nhà. Vừa đánh chiêng, già làng Brol Vẻ vừa trân trọng nhấp ngụm rượu của gia chủ mời rồi phun khắp nhà để “làm phép”, giúp gia đình rước may mắn, đón tài lộc trong năm mới. Không giấu được niềm hân hoan, gia chủ mời cả làng cùng thưởng thức những món ăn truyền thống, cùng nhấp ngụm rượu ghè thơm nồng.

Đội chiêng, xoang của làng đi từng nhà chúc Tết

 

Là gia đình được đón đội cồng chiêng đầu tiên, chị Y Nhiên vui mừng khôn tả. “Cảm giác chờ đợi, đón đội cồng chiêng cùng cả làng vào nhà chúc Tết hồi hộp và vui sướng lắm! Được già làng “làm phép”, được bà con cung chúc, gia đình mình rất hạnh phúc. Năm mới, mình cầu mong xóm làng mạnh khỏe” – chị Y Nhiên phấn khởi.

Chúc Tết nhà này xong, cả làng lại tiếp tục rộn tiếng chiêng cồng đến nhà khác. Điều đặc biệt, ở làng, đa số đàn ông, thanh niên đều biết đánh cồng chiêng nên mỗi khi người này mỏi, người khác lại thay phiên.

“Cả làng có 100 hộ dân, bà con lần lượt đi hết, không bỏ sót bất kể nhà nào. Do vậy, nhiều lúc đi từ sáng sớm đến 23h đêm mới về đến nhà” – già làng Brol Vẻ nói.

Tiếng chiêng nghe rộn rã, có sức lôi cuốn kỳ lạ, thu hút khách từ các nơi đến cùng chung vui, mừng xuân mới. Vậy là, người mỗi lúc mỗi đông, nhà mỗi lúc mỗi vui, tiếng cười nói tưng bừng khắp làng.

Hòa cùng với sự đông vui, nhộn nhịp, bà Y Hồng – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục phấn khởi: Chúng tôi rất vui mừng khi bà con vẫn giữ được truyền thống đánh cồng chiêng trong ngày Tết Nguyên đán. Nhịp chiêng không chỉ làm rộn rã xóm làng mà còn thắt chặt tình đoàn kết, góp phần phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…

Bài và ảnh: Hoài Tiến

Chuyên mục khác