Nhà rông của dân tộc Brâu ở Pờ Y

16/12/2019 06:13

Cũng như cộng đồng các DTTS tại chỗ ở Kon Tum, nhà rông chiếm một vị trí khá quan trọng trong đời sống văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Brâu. Từ khi chọn vùng đất Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) định cư đến nay, người Brâu đã 3 lần xây dựng nhà rông truyền thống. Với người Brâu, nhà rông gắn liền với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, là nơi sinh hoạt cộng đồng, là biểu tượng cho sức mạnh, sự che chở của thần linh đối với dân làng.

Là người gắn bó với nhiều thăng trầm của cuộc sống và sự phát triển của ngôi làng, bà Y Pan (90 tuổi) già làng Đăk Mế nhớ rõ về lịch sử nhà rông văn hóa của dân tộc bà, từ khi dân làng còn sinh sống trong rừng sâu. Bà Y Pan kể, lúc bấy giờ ngôi làng chỉ có hơn 60 hộ dân. Nhà rông nằm ở vị trí chính giữa làng. Nhà của các hộ dân nằm ở vị trí xung quanh theo hình tròn, cửa chính đều hướng về nhà rông, thể hiện sự đoàn kết và hội tụ sức mạnh cho ngôi làng.

Nhà rông hay nhà ở của các hộ dân đều có sàn nhà cao hơn mặt đất 1 tong pa do (đơn vị đo chiều cao của người Brâu, 1 tong pa do bằng chiều cao của 1 người đàn ông trưởng thành đứng dơ tay). Nhà rông hình vuông nên có 4 phần mái hình tam giác chụm vào nhau hướng lên trên. Nhà ở của các hộ dân hình chữ nhật nên phần mái hình chữ A, có 2 mái chính và phụ (mái chính nằm bên dưới, mái phụ nằm bên trên và có kích thước nhỏ hơn mái chính).

Bà Y Pan chia sẻ, với người Brâu phần mái của ngôi nhà gắn liền hình ảnh cây giáo (vũ khí của người Brâu dùng để tự vệ). Còn mái chính và mái phụ gắn liền với hình ảnh của “Cha na can tơ nac” (lớp da sừng sau gáy của con Rồng). Từ thời tổ tiên cho đến các thế hệ người Brâu hiện tại, kiến trúc của nhà rông và nhà ở vẫn được giữ gìn và truyền lại cho cháu con. Làng có nhiều ngôi nhà, có nhiều phần mái cao vút lên trời thì càng có sức mạnh để bảo vệ và che chở cho mọi người.

Nhà rông của người Brâu ở làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi. Ảnh: Nguyễn Hưng

 

Năm 1976, từ nơi định cư trong rừng sâu, làng của bà Y Pan được bộ đội đưa về định cư bên dòng suối Đăk Hnêng (thôn Đăk Mế hiện nay). Lúc đó, làng chỉ có 70 hộ dân. Vài năm sau, khi cuộc sống dần ổn định, bà con trong làng bàn với nhau lên rừng kiếm vật liệu về dựng nhà rông cho làng.

Lồ ô là loại cây người Brâu dùng nhiều nhất khi dựng nhà rông. Để lợp mái, bà con dùng thân cây lô ô nhiều tuổi, chẻ thành từng miếng có chiều rộng 1 gang tay, chiều dài 2 gang tay, xếp chồng và so le với nhau. Bà con dùng cây lồ ô chẻ ra, đan thành những tấm lớn làm phên vách và sàn nhà.

Sau 2 tháng thi công, nhà rông mới của người Brâu tại thôn tái định cư Đăk Mế (được dựng giống với nhà rông trong rừng) được khánh thành trong niềm vui phấn khởi của bà con trong làng. Dù cuộc sống lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, nhưng từ khi có nhà rông mới, bà Y Pan và dân làng rất phấn khởi, họ như được tiếp thêm tinh thần và có niềm tin hơn vào chính quyền, bởi sự quan tâm hỗ trợ họ giữ gìn truyền thống của dân tộc Brâu.

Đến năm 1986, chẳng may nhà rông thôn Đăk Mế bị cháy khiến người dân trong thôn u buồn nuối tiếc. Theo bà Y Pan kể lại: Bà con ai nấy đều ủ rũ vì không có nhà rông, các lễ hội như: Pi mươk (lễ phát rẫy), cha mu chẻ (tỉa lúa), pa tốt nơat (thu hoạch lúa)… không thể tổ chức được.

Được sự hỗ trợ từ Nhà nước, vài năm sau nhà rông Đăk Mế được xây mới. Nhà rông này to hơn nhà rông bị cháy. Mọi người sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các lễ hội ở đây đến năm 2010 (thời điểm nhà rông bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng).

Khuôn viên nhà rông văn hóa của người Brâu. Ảnh: ĐT

 

Ông Thao Lợi - Thôn trưởng thôn Đăk Mế nhớ lại, sau khi thấy nhà rông không đảm bảo an toàn cho bà con sinh hoạt, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí để làng xây dựng nhà rông mới. Với chủ trương nhà rông được xây dựng mới phải đúng với thiết kế nhà rông của người Brâu nên ông Thao Lợi và cán bộ của Ban Dân tộc tỉnh sang làng Mạc Kêng, làng có người Brâu sống lâu đời ở huyện Phu Vông, tỉnh Attapư (Lào) - nơi tổ tiên người Brâu sinh sống để tham khảo nguyên mẫu, sau đó về họp với những người lớn tuổi trong làng để thống nhất phương án thiết kế và xây dựng. Sau 2 năm thi công, bà con Brâu ở thôn Đăk Mế có 1 nhà rông mới và 2 nhà truyền thống trong khuôn viên rộng gần 2.000m2.

Nhà rông nằm chính diện với cổng vào của khuôn viên, thiết kế theo hình chữ nhật, diện tích hơn 120m2. Nhà rông được làm bằng gỗ. Phần mái theo kiểu “Cha na can tơ nac” gồm mái chính và mái phụ, được lợp bằng ngói. Phên vách theo kiểu hình thang. Nhà rông có 2 cửa chính ở 2 cửa bên hông, sau mỗi cửa là phần hiên rộng 1,2mx2,5m. Nối 2 phần hiên là lối đi chính trong nhà, lối đi này cao hơn 2 phần hiên 30cm và có diện tích gần 11m2. Lối đi này chia ngôi nhà thành 2 phần. Phông nền, sao, búa liềm, bục phát biểu và tượng Bác Hồ được đặt trang trọng chính giữa ngôi nhà.

Trong khuôn viên, bên phải và bên trái của nhà rông là 2 nhà truyền thống được thiết kế theo nhà ở của người Lào. Hai ngôi nhà được xây dựng giống nhau, có 2 bậc thang dẫn lối lên nhà. Nhà được chia làm 4 phần, ở giữa là phòng ngủ, nơi cất những đồ giá trị; hiên bên trái là nơi chủ nhà tiếp khách; hiên bên phải là nơi gia đình tổ chức các việc quan trọng như: đám cưới, đám ma và hiên đằng trước là khu bếp nấu.

Ông Thao Lợi chia sẻ, khi làng tổ chức lễ hội, nhà truyền thống bên trái là nơi phụ nữ tổ chức nấu nướng, nhà truyền thống bên phải là nơi đàn ông chuẩn bị các lễ vật. Khi chuẩn bị xong, phụ nữ dâng thức ăn đi theo cửa bên trái vào nhà rông, đàn ông dâng lễ vật đi theo cửa bên phải vào nhà rông. Lửa được đốt ở chính giữa ngôi nhà, phụ nữ ngồi 1 bên, đàn ông ngồi 1 bên, dân làng cùng nhau làm lễ.

Hiện nay, khuôn viên nhà rông được đổ bê tông khang trang, sạch sẽ. Ngoài tổ chức các lễ hội, các buổi họp quan trọng, nơi đây còn là địa điểm các nghệ nhân trong làng truyền dạy lại nghề dệt, nghề đan, nhạc cụ truyền thống cho lớp trẻ; nơi chơi thể thao của các thanh niên và vui chơi của các em nhỏ. Thỉnh thoảng, tại bậc thang của 2 ngôi nhà truyền thống, nam thanh nữ tú của làng cũng về đây tìm hiểu, từ đó “kết tóc, se duyên”.

Đức Thành

Chuyên mục khác