Nguồn Xanh - nơi dạy mộc miễn phí cho người khuyết tật

02/06/2020 13:04

Ngược con dốc của Tỉnh lộ 671 đổ về trung tâm xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) có một xưởng mộc chuyên sản xuất đồ gia dụng và thủ công mỹ nghệ được thành lập 6 năm qua với tên gọi Nguồn Xanh. Điều đặc biệt đây là nơi chủ xưởng kiêm người dạy nghề mộc miễn phí, còn thợ học việc và làm nghề đều là người khuyết tật.

Người khuyết tật được ăn ở, học nghề miễn phí  

“Qua 6 năm đưa xưởng mộc về đây (thôn Kon Tum Kơ Nâm, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) hoạt động, tôi dạy nghề miễn phí 40 người khuyết tật. Đa phần học trò khuyết tật học nghề đều thuộc diện hộ nghèo, khó khăn. Nhiều em học nghề ra chưa có điều kiện mở xưởng, hay mua máy móc làm nghề độc lập, tôi sẵn sàng nuôi cơm hàng ngày và tạo việc làm mới, trả lương theo ngày công lao động từ 130-150 ngàn đồng/ngày” - Lê Hải - chủ xưởng mộc Nguồn Xanh mở đầu câu chuyện. 

Trong quá trình trao đổi, chúng tôi được anh Hải cho biết, năm 2013 trở về trước, xưởng mộc của anh đăng ký hoạt động sản xuất ở làng nghề H’Nor của thành phố Kon Tum. Năm 2014, học trò tìm tới học nghề có 7 thanh niên khuyết tật ở xã Đăk Tờ Re, Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy), Đăk La (huyện Đăk Hà) và các xã Đăk Blà, Đăk Rơ Wa, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum). Thấy các em khuyết tật nỗ lực đi học nghề, người thân phải đưa đón trong ngày khá vất vả, anh thương tình đài thọ ăn, ở miễn phí cho học trò tại chỗ làm. Cuối tuần, phụ huynh tới đón con em về.

Nghĩa cử tốt đẹp nuôi ăn ở và dạy nghề miễn phí của anh Hải được nhiều thanh niên khuyết tật ở các địa phương trong tỉnh truyền nhau. Đồng thời cũng từ thông tin này, năm 2016, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh (nay là Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh) và UBND thành phố Kon Tum về khảo sát, chọn xưởng mộc Nguồn Xanh tham gia Dự án hòa nhập người khuyết tật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thực hiện các mô hình kinh tế để đa dạng hóa thu nhập (gọi tắt là dự án DIDRR), với việc chọn 10 đối tượng khuyết tật để truyền nghề mộc và hưởng một số quyền lợi do dự án mang lại. Cụ thể, xưởng mộc của anh Hải được chuyển về xã Đăk Rơ Wa hoạt động, nhằm tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách địa lý ở các huyện về thành phố cho các đối tượng được chọn học nghề miễn phí đi lại thuận lợi. Đồng thời, xưởng còn được hỗ trợ kinh phí dựng mới không gian nhà xưởng bằng ván gỗ lắp ghép, mái lợp tôn với diện tích khoảng 300 m2  và được trang bị một số đồ dùng, vật dụng học nghề cần thiết khác.

Anh Hải (giữa) hướng dẫn học viên cách thức làm ra sản phẩm đàn ghi ta từ nguyên liệu gỗ. Ảnh: MT

 

Anh Hải tâm sự: Các em học nghề còn trẻ (từ 18 - dưới 30 tuổi), là người khuyết tật tay (hoặc chân), trường hợp khác bị thiểu năng nên sự tiếp thu, vận động chậm hơn người bình thường. Thế nhưng bù lại, các em này rất khéo tay, có năng khiếu hội họa và có tính kiên trì, chịu khó học nghề. Mỗi ngày, tôi đưa mấy mẫu đồ gỗ mỹ nghệ, hoặc tranh ảnh có sẵn và hướng dẫn học viên đục đẽo, cưa gỗ đóng hàng theo mẫu. Thế là các em tự chọn phần việc của mình, tìm chỗ thoáng mát kỳ công, tỉ mẩn làm việc của mình được giao.

“Sản phẩm các em làm ra chủ yếu là vật dụng gỗ mỹ nghệ như tranh gỗ có chạm trổ kỳ công chữ nổi Phúc - Lộc - Thọ, hay tượng gỗ hình người hoặc các lồng chim có trang trí hoa văn cầu kỳ, những chiếc đàn ghi ta với hình dáng bên ngoài uốn lượn mềm mại, sắc sảo… Ngoài ra, các em còn làm nhiều sản phẩm mộc dân dụng khác đẹp, tinh xảo như bàn ghế, giường, tủ các loại… phục vụ nhu cầu của khách đến đặt hàng” - anh Hải giới thiệu.

Mong ước mô hình được nhân rộng, phát triển

Điều đáng ghi nhận, năm 2018 Dự án kết thúc, các em thạo nghề, ra nghề, nhưng nhiều em mong muốn ở lại xưởng làm việc và hưởng lương theo sản phẩm được cơ sở Nguồn Xanh đáp ứng nguyện vọng. A Thuk (ở xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) là học viên từ Dự án trên tâm sự: Năm 2016-2018, tôi học nghề ở xưởng mộc của chú Hải. Sau khi ra nghề, tôi về địa phương làm công cho vài cơ sở mộc. Nhưng các chủ xưởng khác trả tiền 70-80 ngàn đồng/ngày, tôi chỉ đủ tiền cơm 2 bữa, không có tiền tiết kiệm phòng khi đau ốm, hay cần mua vật dụng sinh hoạt cá nhân, thậm chí mua thêm đồ nghề mưu sinh càng không có. Thế nhưng, khi về lại xưởng được chú Hải cưu mang, cho ăn ở miễn phí. Hàng tháng, tôi còn tích cóp 3,5 – 4 triệu đồng tiền công. Từ đó đến nay, tôi gắn bó với xưởng chú Hải.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, dự án của anh Hải ngày càng được nhiều người biết đến. Từ đây, anh Hải cùng các học trò đưa sản phẩm sản xuất tham gia trưng bày triển lãm, trưng bày tổng kết dự án cũng như chào bán tại các cửa hàng kinh doanh đồ mỹ nghệ trong thành phố Kon Tum…

A Thuk (phải) và sản phẩm lồng chim được làm từ nguyên liệu gỗ. Ảnh: MT

 

Trò chuyện với tôi, anh A Thuk không quên hướng mắt về A Hưng, A Húc (ở phường Thắng Lợi) là 2 học viên trẻ (khoảng 18, 19 tuổi) trong xưởng. “Mấy em này mới vào được 2 tuần và chịu khó học việc. Chú Hải có dặn tôi cùng với mấy bạn lớn tuổi khác rằng, muốn xưởng làm được nhiều sản phẩm đẹp, thì phải nhiệt tình giúp người trẻ mới vào sớm làm quen với đồ nghề như máy cưa, cái đục, cây dũa (mài) để thông thạo sử dụng khi cần và còn phải tự tin hòa nhập cuộc sống tập thể ở đây. Cứ thế, học trò cũ dìu dắt học trò mới đến học việc, hiện tại, xưởng mộc của chú Hải còn 15 người khuyết tật ăn ở, học nghề miễn phí tại chỗ” – A Thuk bộc bạch.

Nhờ mở rộng lòng bao dung, không tính toán thiệt hơn, năm tháng qua đi, người khuyết tật đến với cơ sở anh Hải học nghề ngày càng nhiều. Qua dạy nghề, anh giúp cho những người khuyết tật tự tin hơn trong cuộc sống. Các học viên dù ở các địa phương khác nhau, nhưng khi tụ tập về xưởng của anh học nghề đều thấy cuộc sống có ý nghĩa, thấy mình không phải gánh nặng của xã hội và đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Các em sau khi rời xưởng đều có tay nghề khá, có thể tự lập và hòa nhập với cuộc sống.

Ngoài sự hỗ trợ có được ban đầu từ dự án, anh Hải còn sử dụng tài chính tiết kiệm của gia đình và lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh để mua thêm máy cưa, máy xẻ gỗ loại lớn, nhiều loại thiết bị, vật dụng làm nghề như máy đục, cưa, xẻ, máy phun sơn PU… phục vụ học viên học nghề và làm nghề tại chỗ. Từ đó, đáp ứng nhu cầu đa dạng sản phẩm mộc dân dụng, mỹ nghệ của khách hàng yêu cầu.

Cuộc sống vốn công bằng, giúp người, người giúp mình. Qua quá trình sản xuất, đến nay, cơ sở sản xuất hàng mộc Nguồn Xanh có sự phát triển đáng kể. Sản phẩm Nguồn Xanh khá đa dạng, không chỉ hàng mộc thủ công mỹ nghệ mà còn có nhiều hàng mộc dân dụng như bàn, ghế, tủ, giường, các loại kệ đựng vật dụng… đáp ứng thị hiếu của nhiều người tiêu dùng.

Thế nhưng, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, tốc độ phát triển kinh tế chậm lại, chủ xưởng mộc Nguồn Xanh không khỏi trăn trở, khi hiện nay, khách ít ghé cửa hàng đặt làm hàng hóa mới, dẫn tới thu nhập của thầy trò bấp bênh hơn, kinh phí trang trải bữa ăn hàng ngày cũng  giảm đi.

Xưởng mong muốn chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể quan tâm đầu tư dài hơi, cộng đồng sẻ chia, tạo thêm cơ hội cho xưởng có đơn đặt hàng thường xuyên, dồi dào để tăng nguồn thu, tiếp tục cải thiện và nâng cao cuộc sống cho người khuyết tập; đồng thời giúp người khuyết tật tự tin, trở thành người có ích cho xã hội - chủ xưởng mộc Nguồn Xanh giãi bày.

Mai Trâm

Chuyên mục khác