Người “thắp lửa” đam mê hát dân ca

03/10/2020 13:07

Dù tuổi đã cao và tiếng hát không còn tròn đầy, ngân vang như thời xuân sắc, bà Y Brai (sinh năm 1941, dân tộc Ba Na, ở làng Kon Túc, xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy) với niềm đam mê, tình yêu âm nhạc vẫn luôn dành trọn tâm huyết, trau chuốt trong từng câu dân ca mỗi khi biểu diễn cho mọi người thưởng thức.

Hát bằng trái tim

Sáng hôm chúng tôi về Đăk Pne trời lất phất mưa, thời tiết trở nên mát mẻ, hai bên đường thấp thoáng nương rẫy cà phê dọc theo sườn đồi hiện ra xanh ngút ngàn, phong cảnh thật hữu tình. Đang nhè nhẹ tay ga, thả hồn theo con đường bê tông uốn lượn để hướng vào làng Kon Túc, bất ngờ chị cán bộ xã Đăk Pne- người đưa tôi đi thực tế- đang ngồi sau lưng vỗ nhẹ vào vai tôi, chỉ tay và nói: “Tới rồi em, ngay con dốc đầu làng Kon Túc kia là đường vào nhà của bà Y Brai đấy”.  

Phía trước là căn nhà sàn đang có những ngọn khói bếp vươn lên nhè nhẹ đó là nhà của bà Y Brai. Khi chúng tôi đến đã thấy những thiếu nữ cùng trẻ em đang quây quần xung quanh bếp lửa, chăm chú nghe bà Y Brai kể chuyện, thi thoảng hòa điệu cùng bà ngẫu hứng vài câu hát, rồi cười đùa vui vẻ.

Điều gây ấn tượng mạnh với tôi chính là đã gần 80 tuổi nhưng trông bà Y Brai còn tươi trẻ, khỏe mạnh và minh mẫn. Có lẽ nhờ tâm hồn lạc quan do tình yêu, niềm đam mê với âm nhạc đã giúp cho bà Y Brai trẻ hơn so với tuổi tác chăng? - tôi thầm nghĩ.

Bà Y Brai say sưa truyền dạy điệu nhạc dân ca cho các em nhỏ. Ảnh: H.T

 

Ngồi xuống chiếc chiếu cói được trải ngay ngắn dưới sàn, tôi uống ngụm chè lá nóng hổi và trò chuyện với bà Y Brai. Với nụ cười tươi, gương mặt hiền hậu và giọng nói trầm ấm, bà Y Brai hút chúng tôi vào những câu chuyện kể.

Bà Y Brai nhớ lại: “Từ nhỏ tôi được nghe mẹ tôi hát dân ca Ba Na, những điều đó gây nên sự tò mò, thích thú trong tôi. Tôi quyết tâm học hát dân ca; và dần dần được mẹ và những người già trong làng dạy cho các làn điệu dân ca Ba Na. Đam mê với hát dân ca nên mỗi khi nghe họ hát, tôi chăm chú theo dõi và hát theo để biết cách luyến láy giọng điệu cho đúng khi biểu diễn. Lớn lên, khi cha mẹ đi làm rẫy, ở nhà trông em, tôi thường hát ru em ngủ bằng các bài dân ca học được. Sau này khi trưởng thành hơn, tôi dần dần tập sáng tác theo các làn điệu dân ca cổ để hát những bài hát diễn tả được cảm xúc mình và cả việc mô tả những điều mình cảm thụ được về cuộc sống xung quanh. Lúc đầu tôi chỉ hát những bài hát do mình sáng tác khi ở một mình; sau đó tôi phổ biến những bài hát này với những người đam mê ca hát trong làng để mọi người cùng hát”.

Rút từ trong chiếc túi được dệt bằng thổ cẩm của mình, bà Y Brai mang cho chúng tôi xem tập bài hát do bà mới sáng tác cách đây không lâu. Lướt qua những ca từ bằng chữ Ba Na, tôi cố gắng nhớ tên phiên dịch của một vài bài hát đọc được như các bài: Mẹ ru con, Anh đi đâu em theo đó, Tâm sự tình yêu, Tình yêu đôi lứa...

Bà Y Brai cho biết, bà đã viết lời và tự phổ nhạc cho nhiều bài hát dựa trên những làn điệu dân ca Ba Na truyền thống mà bà được học và lưu giữ từ cha ông của mình. Những bài hát dân ca ấy thường mang nội dung đa dạng và phong phú, ca ngợi nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như cái đẹp trong lao động, sản xuất, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ...

Những bài dân ca để hát ru của dân tộc Ba Na thường không có hình ảnh của những chiếc võng, cái nôi như thường thấy, mà thay vào đó là hình ảnh của những bà mẹ địu con trên vai để vượt đèo, vượt suối, đi rẫy... Những bài hát ấy lên bổng xuống trầm du dương vần điệu như mô tả từng bước chân bà con khi lao động sản xuất, khi tỉa bắp, tỉa lúa thì nhẹ nhàng, khi giã gạo, gùi nước thì mạnh mẽ.

“Đối với hát dân ca và hát ru tôi thường hát không chỉ bằng lời mà bằng cả sự chuyển động của thân thể theo những tiết tấu, nhịp điệu của lời hát. Hát dân ca, hát ru là diễn tả nội tâm của con người, mà đã yêu con người thì phải yêu dân ca và hát ru” -  Bà Y Brai chia sẻ.

Truyền lửa đam mê

Bà Y Brai kể lại, vào năm 1968, bà tham gia lực lượng thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ, phục vụ chiến đấu tại vùng đất An Khê. Với năng khiếu và niềm đam mê ca hát, bà Y Brai khi ấy đã cùng đồng đội của mình đem lời ca, tiếng hát để cổ vũ, động viên bộ đội. “Đội quân tóc dài của chúng tôi ngày ấy khi cất tiếng hát chỉ hướng tới một tình cảm duy nhất đó là cổ vũ tình yêu quê hương đất nước, căm thù giặc ngoại xâm và quyết đánh đuổi bọn chúng ra khỏi bờ cõi đất Việt, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” -  bà Y Brai kể.

Bà Y Brai vẫn gìn giữ những nghề truyền thống bên cạnh đam mê ca hát. Ảnh: H.T

 

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, năm 1975, trở về từ chiến trường, bà Y Brai tiếp tục công tác và đóng góp tại địa phương trong nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội. Khi tuổi cao, bà được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi đến nay, đồng thời vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng 18 chữ vàng danh dự “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Ngoài việc hát dân ca và hát ru trong ngày lễ hội của làng, bà Y Brai còn tham gia truyền dạy những bài dân ca, những làn điệu hát ru cho thế hệ trẻ làng Kon Túc; trong đó có 5 học trò của bà đã tự sáng tác lời mới dựa trên các làn điệu dân ca Ba Na.

Bà Y Brai đã cùng đội văn nghệ của làng tham gia nhiều hội thi Liên hoan dân ca do tỉnh, huyện tổ chức, phục vụ khách du lịch... Hoạt động văn hóa- văn nghệ phục vụ các ngày lễ trọng đại tại làng Kon Túc, không thể thiếu vai trò nhạc trưởng của bà Y Brai.

Theo bà Y Brai kể lại, người Ba Na có một lễ hội truyền thống gọi là Lễ thông tai cho trẻ em mới sinh nhằm giáo dục đứa trẻ ngay từ lúc mới lọt lòng. Với quan niệm rằng trẻ con vốn từ trời đất sinh ra mà về với con người, dù rằng có tai nhưng chưa biết nghe, vì vậy người mẹ có nhiệm vụ phải thông tai bằng những bài hát dân ca có lời ngắn, nhịp độ vừa phải. Khi sáng tác những bài hát dân ca để phục vụ lễ hội này, bà Y Brai thường dùng những ca từ dễ nhớ, mộc mạc, dễ thuộc với nội dung để giáo dục đứa trẻ biết rằng chúng từ đâu đến, sẽ ở với ai và sẽ phải làm gì để dân làng quý.

Bà Y Brai bộc bạch với chúng tôi rằng: Xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước, trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc mình, bên cạnh việc truyền lửa, trao niềm đam mê dân ca cho các thế hệ cháu con sau này, tôi luôn ước muốn qua từng bài hát mà mình thể hiện có thể góp phần giáo dục cho lớp trẻ những đạo lí, tình cảm tốt đẹp.

“Với tôi, không gì hạnh phúc hơn là được thấy lớp lớp con cháu giữ gìn những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc Ba Na” - bà Y Brai chia sẻ.

Chia tay bà Y Brai, chúng tôi lại men theo con đường bê tông quen thuộc hướng về thành phố Kon Tum.

Đăk Pne tiễn chúng tôi bằng những tia nắng vàng ươm và những cơn gió nhẹ rung rinh cây lá bên đường. Trên đường về, tôi thầm mong rằng lớp trẻ của làng Kon Túc sẽ luôn giữ trọn ngọn lửa đam mê với làn điệu truyền thống của dân tộc mình, để những câu hát dân ca bình dị, ý nghĩa của đồng bào Ba Na sẽ mãi vang vọng trên vùng đất này. Đó cũng là một trong những cách níu chân du khách đến với xã Đăk Pne, đến với huyện Kon Rẫy.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác