23/06/2019 06:15
Xã Pờ Ê hiện có gần 550 hộ gia đình với trên 2.200 nhân khẩu, sinh sống tại 7 thôn làng; phần lớn là đồng bào H’Rê. Hiện tại, người dân trên địa bàn vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, trong đó có nếp nhà sàn. Và, nơi đây được ví như “vùng đất của nhà sàn”.
Già làng A Xi (làng Vi Ô Lắc) cho biết: Tùy theo điều kiện mỗi gia đình mà nhà sàn được làm với kích thước lớn, nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, dù to hay nhỏ thì kiến trúc nhà sàn truyền thống của người H’Rê đều phải có những đặc điểm chung đã trở thành quy tắc “bất di, bất dịch” và được truyền từ đời này sang đời khác.
Kiến trúc nhà sàn chủ yếu được làm bằng gỗ, lồ ô và các nguyên vật liệu từ thiên nhiên khác. Vách được thưng bằng gỗ hoặc lồ ô đập dập đan kết lại. Ngày trước, mái nhà sàn được lợp bằng tranh; còn ngày nay thường được lợp bằng mái ngói để ngôi nhà khang trang, bền đẹp hơn và không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu tranh trong tự nhiên vốn ngày càng khan hiếm (số ít nhà lợp mái bằng tôn hoặc tấm lợp Fibro ximăng). Mặt sàn thường được làm bằng gỗ hoặc lồ ô chẻ ra bào nhẵn ghép lại rất chắc chắn, cao hơn mặt đất khoảng 1m để đề phòng thú dữ (trước đây) quấy phá và giữ cho nền nhà sạch sẽ, thoáng mát. Hai đầu nóc nhà có sừng trâu làm bằng tranh hoặc làm bằng cây.
Người H’Rê ở Pờ Ê thường làm nhà vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9. Mỗi ngôi nhà được làm trong khoảng nửa tháng. Khi dựng nhà, bà con dựng 2 hàng cột sàn và cột vách trước, rồi đến bộ khung mái, thưng vách, ghép sàn, lợp mái…
Nhà sàn của người H’Rê ở Pờ Ê thường được chia thành nhiều gian nhưng không ngăn vách. Mỗi ngôi nhà được thiết kế với 3 cửa ra vào gồm một cửa chính và hai cửa ở hai đầu nhà nên người ngoài nhìn vào có thể thấy thông suốt căn nhà từ đầu này sang tới đầu kia. Theo quan niệm của người dân nơi đây, điều này có nghĩa là trong cuộc sống hàng ngày, ngôi nhà của họ luôn có các vị thần thiên nhiên đi, về trong căn nhà của mình. Mặt khác, nhà cũng thường được làm theo hướng Bắc - Nam để đón gió mát mà không bị hắt nắng vào buổi chiều.
Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã - A Chôn, trước đây, đồng bào H’Rê ở xã Pờ Ê thường sống chung bốn hoặc năm thế hệ trong cùng một căn nhà nên nhà sàn được làm rất dài. Hầu hết các ngôi nhà đều có tới 9 gian. Tuy nhiên, từ năm 1975 trở lại đây, người dân dần tiếp thu nếp sống mới, con cái lớn lên lập gia đình được tách hộ lập vườn nên các ngôi nhà có xu hướng được làm ngắn hơn, còn 7 gian rồi giảm tiếp xuống còn 5 gian, 3 gian.
Điều đặc biệt là các gian nhà đều có số lẻ chứ không được làm số chẵn, vì đồng bào H’Rê quan niệm rằng số lẻ mang tới may mắn, phát triển. Từ cửa chính đi vào trong nhà, gian đầu tiên là của ông bà, kế tiếp là gian của bố mẹ rồi đến gian dành cho con trai, gian của con gái. Cạnh gian ở của con gái thường là gian dành cho con trai và con dâu khi lập gia đình. Chính bởi nhà sàn không có vách ngăn nên các thế hệ ở trong nhà luôn được sống trong tình cảm chan hòa, đoàn kết.
Gần cửa chính của ngôi nhà là vị trí đặt bếp lửa than. Trong mỗi nhà có hai bếp lửa gồm bếp chính và bếp phụ. Tục lệ không cho ai ngồi quay lưng vào bếp.
Phía cuối bên trong ngôi nhà có một nơi rất linh thiêng - nơi diễn ra các nghi lễ thờ cúng thần linh mà người H’Rê gọi là buồng thiêng. Trong buồng thiêng không có bếp, thay vào đó, người ta đặt một cái cối thiêng, ghè rượu dựa vào tường và một cột thiêng.
Cột thiêng theo quan niệm của người H’Rê ở Pờ Ê đó chính là cầu nối các vị thần thiên nhiên với đời sống hàng ngày của mọi người bên trong ngôi nhà.
Ngoài cửa buồng thiêng, thẳng hàng với cột thiêng, ghè rượu và cối thiêng, các gia đình đều dựng một cây nêu, đây chính là nơi các vị thần thiên nhiên hội tụ trước khi vào nhà. Trước cửa chính của mỗi ngôi nhà, bà con dựng một cây nêu khác dành để đón tiếp khách.
Khi xây dựng một ngôi nhà, gia đình đồng bào H’Rê thường tổ chức rất nhiều lễ cúng xin phép thần linh (Yàng). Trước khi làm nhà phải làm lễ cúng Yàng để Yàng cho địa điểm dựng nhà. Trước khi chặt cây về để làm nhà cũng phải làm lễ cúng Yàng để xin phép được chặt. Sau khi chặt cây xong cũng phải làm lễ cúng thần rễ cây như một cách để bày tỏ lời xin lỗi vì đã làm cây đau đớn và như thế mới không sợ bị Yàng nổi giận, quở phạt…
Những nghi lễ mang tính tâm linh trên cho chúng ta thấy, từ rất xa xưa trong tâm thức đồng bào dân tộc H’Rê rất coi trọng rừng và họ ngầm có ý thức giáo dục con cái yêu quý, bảo vệ rừng, không chặt cây rừng bừa bãi.
Ngày trước, cây gỗ để làm nhà đều được chặt ở trong rừng, ngày nay, người dân ở Pờ Ê hầu như đã chủ động được nguồn gỗ như xoan, mít, keo… trồng trong vườn nhà, trên rẫy. Khi nhà dựng xong, người dân lại làm lễ để báo cáo và tạ ơn các vị thần thiên nhiên đã phù hộ cho mọi công việc suôn sẻ - già làng A Xi kể thêm…
Nhà sàn của người H’Rê luôn được làm rất chắc chắn. Điều thú vị là, những ngôi nhà sàn này có đặc điểm chung là mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, rất phù hợp với đặc điểm khí hậu ở Pờ Ê.
|
Ngày xưa, theo tập quán, đồng bào H’Rê thường nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn. Nhưng ngày nay, được tuyên truyền vận động nên người dân đều nuôi nhốt gia súc ở xa khu dân cư nên gầm nhà được vệ sinh sạch sẽ, chỉ dùng trữ củi cho khỏi mưa ướt để người dân đun nấu quanh năm.
Anh A Pan (làng Vi Ô Lắc) chia sẻ: “Cả làng từ nhà cũ đến nhà mới ai cũng làm nhà sàn, ngay cả những hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà xây bằng gạch, xi măng nhưng mọi người đều xin nhận tiền để làm nhà sàn theo phong tục truyền thống. Nhờ đó, nhà vẫn được làm đẹp mà người ở cũng cảm thấy hạnh phúc. Bởi chúng tôi ở trong nhà sàn quen rồi, mọi sinh hoạt của cả gia đình đều gắn với nếp nhà sàn nên dù cuộc sống có thay đổi, hiện đại thì người dân vẫn chỉ thích ở nhà truyền thống”.
Có thể nói, nhà sàn là một trong những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc H’Rê, là “hồn cốt” của mỗi gia đình, mỗi thôn làng. Trải qua quá trình phát triển, đời sống kinh tế - xã hội của người H’Rê được nâng lên rõ rệt, theo thời gian và sự tiếp biến văn hóa trong quá trình giao lưu, chung sống với các dân tộc khác trên lãnh thổ Việt Nam, nhiều tập tục, nếp sống cũ đã thay đổi hoặc mất đi, nhưng nếp nhà sàn truyền thống luôn được gìn giữ, duy trì.
Thùy Hương