Người gọi hồn cồng chiêng

18/09/2017 13:30

​Những người yêu cồng chiêng ở huyện Kon Rẫy đều biết đến ông Đinh Plát sinh năm 1956, người dân tộc Ba Na, hiện trú tại thôn 4 làng Kon Gộp, xã Đăk Pne. Bởi dưới đôi bàn tay tài hoa của ông, hàng chục bộ cồng chiêng ở các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đã tìm lại được thanh âm. Mọi người cũng vì thế mà thường gọi ông là người gọi hồn cồng chiêng về.

Cha truyền, con nối

Theo chân đoàn cán bộ văn hóa huyện Kon Rẫy, chúng tôi đã đến thăm gia đình ông Đinh Plát -  1 trong 28 nghệ nhân được UBND huyện Kon Rẫy chọn để chuẩn bị vinh danh là nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể lần thứ II do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chuẩn bị tổ chức. 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây khang trang ấm cúng của gia đình, ông Đinh Plát chỉ cho xem những kỷ vật về hình ảnh của ông với bộ cồng chiêng mà cha ông đã để lại cho gia đình như một vật bảo bối.

Ông kể: Hồi xưa, cha ông là một nghệ nhân đánh cồng chiêng giỏi nhất xã và cũng là người biết chỉnh sửa những chiếc chiêng bị mất âm thanh. Những lần theo cha đi đến các thôn làng để chỉnh chiêng, ông đã vừa quan sát và lắng nghe cha dạy dỗ nên học được cách chỉnh chiêng rất chuẩn.

Người chỉnh chiêng cần phải có năng khiếu, phải tập nghe chính xác các loại âm thanh của tiếng cồng, chiếng chiêng

 

Ông vẫn còn nhớ như in những lời cha dạy: Để cầm được cái búa và gõ chiêng đúng cách thì người chỉnh chiêng cần phải có năng khiếu và kiên trì luyện tập, phải tập nghe chính xác các loại âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng.

Năm 1973, để lại lời cha dặn với hoài bão sẽ tiếp nối truyền thống của gia đình trong việc bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc mình, chàng thanh niên Đinh Plát đã cùng những người bạn của mình hăng hái lên đường tham gia cách mạng tại đơn vị H1 tỉnh Gia Lai. Tại đây, ông được điều trực tiếp tham gia chiến đấu các chiến trường như: Măng Đen, Kon Plông, Đèo An Khê của tỉnh Gia Lai... Nhưng dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, ông đều nghĩ đến việc chỉnh cồng, chỉnh chiêng...

Năm 1977, ông phục viên về sinh sống tại địa phương với nhiệm vụ lao động sản xuất. Cũng từ đây, ông đã thực hiện được ước mơ làm công việc chỉnh chiêng. Hiện nay, trong nhà của ông luôn có một bộ cồng chiêng gồm 13 cái từ lớn đến bé. Hàng năm, trên địa bàn xã có khoảng 8 lượt lễ hội diễn ra. Sau các lễ hội đó, ông được các già làng, người có uy tín trong thôn mời đến để chỉnh sửa lại âm thanh của chiêng do quá trình đánh chiêng đã bị mất tiếng...

Nghề hiếm thầy, ít thợ

Với người dân tộc thiểu số ở Kon Rẫy, chỉnh chiêng là người có nghề ở vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội. Huyện Kon Rẫy hiện nay số lượng nghệ nhân chỉnh chiêng rất ít. Hầu như các lớp truyền dạy cồng chiêng chỉ truyền dạy nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng chứ chưa có lớp truyền dạy nghề chỉnh chiêng. Trong thực tế, ông Đinh Plát là người biết chỉnh chiêng chuẩn nhất ở địa phương.

Quả thật, phải tận mắt chứng kiến những thao tác chỉnh chiêng với những dụng cụ rất đỗi đơn giản, thô sơ nhưng vô cùng hiệu quả mới thấy, để đạt được sự công nhận đến mốc nghệ nhân chỉnh chiêng thì thật không đơn giản chút nào.

Ông Đinh Plát chia sẻ: Chỉnh cho tiếng cao lên thì phải úp chiêng xuống, chỉnh cho tiếng trầm xuống thì phải ngửa chiêng lên, sau đó dùng búa gõ từ nhẹ đến mạnh, từ ngoài vào trong để kéo tiếng chiêng theo ý muốn. Sau khi gõ hết một vòng chiêng, nếu âm thanh vẫn chưa chuẩn thì nghệ nhân mới dùng lần gõ dự phòng để chỉnh lần cuối. Cái hay, cái khó của nghệ thuật chỉnh chiêng là biết chỗ nào trên chiếc chiêng cần phải chỉnh và phải gõ mấy lần để gọi đúng hồn chiêng. Chiêng sau khi chỉnh xong phải được nghiệm thu, tức là mời người biết nghe, thường là các già làng, đến thẩm định. Hễ các già làng nói đã đúng tiếng chiêng rồi thì chiêng đã hết bệnh, nếu các già làng lắc đầu là chiêng chưa khỏe, phải chỉnh tiếp.

Già làng A Xoan của thôn 4, xã Đăk Pne đánh giá: Ông Đinh Plát là người có tâm, có tình, có trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa ở địa phương. Ông chỉnh sửa chiêng rất giỏi và mình là người thường xuyên được nghe tiếng chiêng sau khi ông chỉnh sửa rất công phu.

Già làng A Xoan còn lo lắng: Giờ người ta chỉ dạy cách đánh chiêng chứ không có dạy cách chỉnh chiêng. Nay mai, người già chết đi, không biết lấy đâu ra người chỉnh chiêng giỏi để bà con còn đánh chiêng hay, chiêng chuẩn được nữa đây.

Ông  Trần Đình Trung - Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Kon Rẫy cho biết: Trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, người biết chỉnh chiêng là một vốn quý cần được trân trọng. Trên địa bàn huyện hiện nay, chỉ vài người có khả năng chỉnh chiêng, trong đó ông Đinh Plát ở xã Đăk Pne là một người được coi là tài giỏi nhất. Ông rất xứng đáng được công nhận nghệ nhân.

Phục dựng đàn suối nước

Không chỉ biết chỉnh chiêng, ông Đinh Plát còn làm đàn suối nước rất giỏi. Đàn suối nước được người dân tộc thiểu số làm tại các thửa ruộng có khe suối. Đàn này được bà con làm để cúng lễ mừng lúa chín nhằm xua đuổi chim, chuột đến phá hại lúa chín và là biểu tượng vui vẻ trong cuộc sống để chuẩn bị mùa gặt đã đến. Những nốt nhạc cao thấp từ cây nứa, cây lô ô, được ông Đinh Plát dàn dựng công phu cùng sự trợ giúp của ông A Lyáo là người cao tuổi cùng thôn phục dựng. Đàn này được dòng nước đánh theo nhịp cồng chiêng, đánh thâu đêm suốt sáng tại các cánh đồng lúa chín.

Ông Đinh Plát (người ngồi bên trái) cùng với ông A Lyáo bên giàn đàn suối nước

 

Ông Đinh Plát cho biết: Để phục dựng lại đàn suối nước này phải mất 4 ngày chuẩn bị dây nứa khoảng 100m, 12 ống lồ ô, một cây trụ hình tam giác cao khoảng 4m hai bên làm hai hòn đá to để đung đưa như cái võng, sau đó làm những chiếc gầu tát nước vào ống lô ô để kéo đi kéo lại, đến cuối cùng dựng thành cái ống đánh theo nhịp để tiếng nhạc vang lên như những bài cồng chiêng ngân vang, ngân xa, ngân dài theo tiếng suối.

Chia tay ông Đinh Plát, chúng tôi cảm thấy tiếng cồng, tiếng chiêng vẫn còn vọng lại phía sau mỗi bước dặm dài của chuyến công tác về với bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Theo chúng tôi, để giữ được tiếng cồng, tiếng chiêng ngân xa và vọng mãi với thời gian, nên chăng, các cấp, các ngành cũng cần có những chính sách ưu tiên cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, trong đó có việc chỉnh chiêng mà ông Đinh Plát đang ngày đêm chỉnh từng nốt nhạc trầm hùng của cha ông để lại cho các thế hệ mai sau.

                                                                             Bài và ảnh: Vĩnh Hà

Chuyên mục khác