04/04/2018 06:00
Thận trọng nhấc từng chiếc gùi nguỵ trang phía ngoài, già làng A Toả lần lượt mang ra cho chúng tôi xem những chiếc ghè cổ được cất giữ cẩn thận trong góc nhà. Rồi già A Toả lần lượt giới thiệu, nào là ghè hoa có nước men trắng tinh, hoa văn độc đáo; nào là ghè màu da lươn có nước men đã nhẵn lì theo thời gian...Tổng cộng già có 6 chiếc ghè quý, trong đó có 4 chiếc ghè hoa và 2 chiếc ghè màu da lươn. Đây là của “hồi môn” của bố mẹ vợ để lại cho và già dành nhiều tâm huyết sưu tầm từ nhiều năm trước.
|
Già A Toả chia sẻ: Thời xưa, nhà nào có nhiều ghè quý, sở hữu nhiều nương rẫy và trâu bò được xem là gia đình giàu có. Những nhà giàu thường sắm ghè không chỉ để ủ rượu mà còn ngầm khoe sự giàu sang và có thể dùng nó như tài sản quý cho con cái làm của hồi môn, tặng bạn bè… Hơn nữa, theo tâm linh ghè cổ còn mang đến sự may mắn, tốt lành cho người sở hữu nên nhiều gia đình sẵn sàng đổi hàng chục con trâu để lấy chiếc ghè quý.
“Hồi mình lấy vợ, gia đình nhà vợ thuộc diện khá giả nên được bố mẹ cho 2 chiếc ghè làm của hồi môn. Sau này, nhờ chịu khó làm lụng và có lẽ nhờ cả sự may mắn nên kinh tế gia đình cũng tương đối khấm khá so với người dân trong vùng, từ đó mà mình mới có điều kiện để đổi được thêm nhiều ghè quý. Có chiếc ghè mình đổi được của người dân ở làng khác, có chiếc đổi được của đồng bào Xê Đăng tận bên Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Mỗi chiếc ghè mình phải đổi bằng rất nhiều đồ vật như trâu, bò, heo, gạo, muối, chăn..., nói chung là họ muốn đồ vật nào mình đều có gắng tìm cho bằng được để đổi” – Già A Toả giãi bày thêm.
Với đồng bào Xê Đăng ở Mường Hoong, ghè rượu không thể thiếu trong mọi nghi lễ, từ mừng lúa mới, cầu sức khoẻ, cầu mùa màng, đón một sinh linh gia nhập cộng đồng, cho đến khi kết thúc một kiếp người…Ghè được dùng để đựng rượu cúng thần linh nhất định phải là những chiếc ghè cổ, ghè quý. Vì thế, trước đây, khi có được những vật quý ấy, họ gìn giữ cẩn thận, truyền từ đời này sang đời khác như một báu vật.
Tuy nhiên, do chiến tranh, sự tác động của đời sống kinh tế - xã hội hiện đại nên nhiều gia đình đã để thất lạc, sang bán đi nhiều ghè quý. Nhưng riêng già làng A Toả, dù trong hoàn cảnh nào ông cũng vẫn luôn giữ gìn và bảo quản những chiếc ghè báu vật này rất cẩn thận. Bình thường, ông không bao giờ mang ghè quý ra dùng mà chỉ đến khi gia đình hoặc trong làng có lễ hội, có việc đại sự ông mới mang ra lau rửa sạch sẽ rồi đem ủ rượu để cúng thần linh.
Không chỉ sở hữu 6 chiếc ghè quý, trong nhà già làng A Toả hiện có còn lưu giữ một bộ chiêng cổ. Bộ chiêng này còn được già làng A Toả làm hẳn nhà riêng để cất giữ, bảo quản.
Già A Toả chia sẻ: Bộ chiêng có 6 chiếc đều là chiêng bằng, là của để dành ông bà để lại cho già. Ngày xưa nó đáng giá cả chục con trâu, nhưng giờ thì nó trở thành vật vô giá với già rồi bởi dù ai có trả bao nhiêu già cũng không bán. Để bảo quản những chiếc chiêng này, già phải làm nhà cho chúng ở bởi già sợ để trong nhà không may bị cháy hoặc lỡ tay làm rơi hoặc để đồ vật khác đụng phải sẽ làm ảnh hưởng tới âm thanh của chiêng.
|
Mặc dù bộ chiêng này là của riêng gia đình già A Toả, nhưng từ việc làng đến việc của gia đình khác, già vẫn mang ra để dùng coi như của chung góp với dân làng.
Không chỉ giữ gìn những cổ vật có giá trị này, già A Toả còn nỗ lực truyền dạy những tinh hoa văn hoá của dân tộc, dạy cách đánh cồng chiêng cho con cháu trong nhà và những người trẻ trong làng.
“Già phải chỉ bảo cho lũ trẻ thấy được những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc, thấy được vai trò của cồng chiêng, từ đó chúng mới nỗ lực để gìn giữ. Và chỉ khi đó thì chúng mới hiểu được giá trị của những báu vật này để tiếp tục gìn giữ, truyền dạy cho các thế hệ sau nữa” – già A Toả lý giải.
Một đời tâm huyết sưu tầm, gìn giữ những chiếc ghè, chiêng quý, những món đồ cổ này đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của già làng A Toả. Nhưng già A Toả không giữ những báu vật này cho riêng mình mà giữ cho cả dân làng, cho những nét văn hoá dân tộc không bị mai một…
Thiên Hương