Người anh hùng quê lúa và duyên nợ với đất Kon Tum

08/12/2014 08:53

Nghe theo tiếng gọi của non sông, trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thái Bình xung phong lên đường đi B và nhiều người đã ngã xuống trên đất Tây Nguyên, trong đó có Liệt sĩ- Anh hùng LLVT Phan Văn Viêm. Ngày nay, tên của người anh hùng này đã được đặt cho một tuyến đường ở thành phố Kon Tum.

Lời hứa từ trái tim

Anh hùng Phan Văn Viêm tham gia cách mạng từ năm 1947, được kết nạp Đảng khi mới 20 tuổi. Là du kích, rồi làm Xã đội phó xã Thụy Ninh, huyện Thụy Anh (nay là huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Ông tham gia kháng chiến chống Pháp và bị thương ở chiến dịch đường số 6 Hòa Bình (1953). Tháng 10/1957, Phan Văn Viêm trở về quê và được giao nhiệm vụ Trưởng Công an xã, rồi Trưởng Công an huyện Thụy Anh.

Năm 1965, cùng với hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thái Bình, ông viết đơn tình nguyện đi B. Trước khi lên đường, ông tình cờ gặp Phan Nguyên, đang là học viên Học viện Quân Y tại thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Hai anh em đã cùng nhau viết lên lời hẹn ước thiêng liêng từ trái tim tràn đầy nhiệt huyết cách mạng: "Anh và em ra đi kiên quyết giữ vững lời thề:

                                    Trung với Đảng hiếu với dân

                                    Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành

                                    Khó khăn nào cũng vượt qua

                                    Kẻ thù nào cũng đánh thắng

Trong lúc làm nhiệm vụ chẳng may rơi vào tay quân thù, thà hy sinh xương máu cũng kiên quyết một lòng không bao giờ phản bội xưng khai."

Di ảnh Anh hùng, liệt sỹ Phan Văn Viêm cùng di bút lời hứa hẹn giữa 2 anh em- Kỷ vật của gia đình Anh hùng, liệt sỹ Phan Văn Viêm.

 

Mang trong tim lời thề thiêng liêng sẽ chiến đấu vì đất nước quê hương đến hơi thở cuối cùng, ông hăng hái lên đường. Được tổ chức phân công về nhận nhiệm vụ tại Ban An ninh thị xã Kon Tum (mật danh H5), ông tham gia cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968, trực tiếp đánh vào nhà lao Mỹ - Ngụy, sau đó được đề bạt làm Trưởng ban H5. Với bản lĩnh cách mạng, tinh thần mưu trí, dũng cảm của người chiến sĩ an ninh, Trưởng ban Phan Văn Viêm và đồng đội đã làm nên những chiến công khiến cho kẻ thù khiếp sợ.

Điển hình là vụ tiêu diệt tên Hồ Thông - một tên chỉ điểm nguy hiểm, đã từng một lần chỉ điểm hầm bí mật của Trưởng ban Phan Văn Viêm và đồng chí Lê (tức Nguyễn Văn Hoàng - Phó ban An ninh) cho địch vây bắt. Bằng sự mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ an ninh H5, Hồ Thông bị bắn gục ngay tại nhà, giữa ban ngày.

Một chiến công vô cùng vang dội nữa của Ban An ninh H5, đó là tiêu diệt tên trùm tình báo Ngô My. Qua mạng lưới cơ sở, ta phát hiện Ngô My chính là trưởng lưới tình báo của địch hoạt động tại Phương Quý, đã gây nhiều tội ác với cách mạng, với nhân dân. Sau khi được cấp trên chấp thuận tiêu diệt Ngô My, 3 cán bộ An ninh H5 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ban Phan Văn Viêm đã hạ gục hắn ngay bên bàn uống nước. Cả tổ công tác rút lui an toàn. Mạng lưới do thám chỉ điểm của địch như rắn mất đầu suốt một thời gian dài…

 

Sống mãi với Kon Tum

Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), địch điên cuồng bố ráp, lùng bắt cán bộ ta cài lại. Ban An ninh H5 được giao nhiệm vụ trụ bám phía tây bắc thị xã Kon Tum - một địa bàn chiến lược, vùng ven cửa ngõ thị xã; củng cố, xây dựng cơ sở cách mạng vững chắc để tạo thành hành lang bí mật cho lực lượng ta thâm nhập vào nội thị hoạt động, và cũng sẽ là bàn đạp khi ta mở chiến dịch tấn công vào sào huyệt địch ở nội thị.

Vượt qua mọi hiểm nguy, dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban Phan Văn Viêm, chỉ trong một thời gian, H5 đã củng cố được các cơ sở cũ, xây dựng được nhiều cơ sở mới hoạt động tốt ngay trên các địa bàn mà địch bố ráp nghiêm ngặt như Phương Quý, Trung Tín… đảm bảo cho các hoạt động của ta.

Biết rõ có sự tồn tại của lực lượng an ninh ta, địch điên cuồng mở hàng loạt chiến dịch bố ráp toàn vùng. Đến ngày 29/10/1971, sau khi sinh hoạt với cơ sở để nắm tình hình, bị địch phát hiện và vây bắt, Trưởng ban An ninh Phan Văn Viêm và đồng đội rút xuống hầm bí mật. Địch huy động một lực lượng lớn cảnh sát dã chiến và cả trực thăng bao vây, kêu gọi đầu hàng.

Biết khó có thể ẩn náu thêm được nữa, 2 anh hạ quyết tâm hy sinh chứ không để rơi vào tay địch. Sau khi nhai nuốt hết tài liệu, 2 người bật nắp hầm bắn xả về phía địch. Sau cuộc chiến không cân sức, cả 2 anh đều anh dũng hy sinh. Kẻ thù đã hèn hạ trói 2 anh vào sau xe, kéo lê khắp thôn để thị uy… Đến chiều tối, chúng sai người đem chôn các anh ở một điểm bí mật.

Trong ký ức những người bạn chiến đấu năm xưa, như các ông Nguyễn Văn Hội (nguyên Uỷ viên Ban An ninh tỉnh Kon Tum, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình), Hà Khắc Đượng (nguyên Phó Bí thư Huyện uỷ kiêm Trưởng ban An ninh H16, tỉnh Kon Tum), Anh hùng liệt sĩ Phan Văn Viêm không chỉ là một cán bộ chỉ huy tài giỏi, kiên quyết, mưu trí, một lòng theo Đảng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, mà còn rất gần gũi, luôn quan tâm, chia ngọt sẻ bùi với đồng chí, đồng đội, thực sự là một tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo…

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và sự hy sinh anh dũng ấy, ngày 9/11/2004, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Công an nhân dân Phan Văn Viêm. Đến năm 2010, sau bao năm nỗ lực tìm kiếm, gia đình và đồng đội đã tìm thấy phần mộ của Anh hùng liệt sĩ Phan Văn Viêm và đón ông về với quê lúa.         

Tháng 12/2008, tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Kon Tum khóa IX đã quyết nghị đặt tên đường Phan Văn Viêm ở phường Nguyễn Trãi (thành phố Kon Tum). Tên tuổi và sự hy sinh anh dũng của Anh hùng liệt sĩ Phan Văn Viêm sẽ sống mãi trong lòng dân Kon Tum, với đất Kon Tum.

Hương Đào

 

Chuyên mục khác