Nghệ nhân mê nhạc cụ truyền thống

27/10/2020 13:06

Nói đến nghệ nhân A Lít (ở thôn 2, xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy) thì dường như cả xã ai cũng biết. Ông không chỉ nổi tiếng là người đam mê nhạc cụ dân tộc, mà còn là người luôn nêu cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc của đồng bào dân tộc Ba Na. Năm 2015, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Đam mê đàn dây

Sáng sớm đẹp trời đầu tháng 10, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân A Lít (sinh năm 1954) ở thôn 2, xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy) để tìm hiểu về âm nhạc truyền thống của người Ba Na. Phải vất vả lắm chúng tôi mới vượt qua con đường bùn đất lầy lội do mưa lũ mấy ngày qua. Tìm đến căn nhà sàn của ông A Lít, chưa kịp bước vào gian trước, chúng tôi đã  nghe vang lên “tình tinh tính” - tiếng đàn dây réo rắt, ấm áp như mời gọi từ phía gian bếp.

Bên trong gian bếp đang nghi ngút khói, lửa bập bùng để đun ấm nước, ông A Lít với bộ trang phục thổ cẩm trắng, đang nhẹ nhàng lướt những ngón tay điêu luyện của mình trên loại đàn dây thiết kế khá lạ mắt, miệng ngân nga vài câu hát nghe rất vui vẻ, yêu đời.

Chúng tôi chưa kịp thắc mắc cây đàn có đến tận 10 dây độc đáo, âm thanh lại khá giống với đàn guitar, ông A Lít đã giải thích: “Đây là đàn B’rưng, còn có tên gọi “thân mật” là cây đàn tình yêu. Tiếng đàn B’rưng từ lâu đã gắn liền với cuộc sống của dân làng, là ngôn ngữ tình yêu của những chàng trai, cô gái Ba Na yêu nhau. Sáng sớm cũng như đêm muộn, khi thương nhớ người yêu, thì đánh đàn như một cách để vơi đi nỗi nhớ.”

Nghệ nhân A Lít diễn tấu cây đàn Kơ Ni truyền thống. Ảnh: HT

 

Vì có hẹn trước với chúng tôi nên từ sáng sớm, ông A Lít đã chuẩn bị thay dây, bày biện đủ các loại đàn mà ông tự chế tạo ra để đón khách. Ông A Lít giải thích thêm, cây đàn B’rưng thông dụng giống như cây đàn guitar vậy, có thể dùng để biểu diễn trong lễ hội lớn hoặc góp vui trong những cuộc vui nhỏ của dân làng. Đàn gồm 10 dây, không có phím để điều chỉnh cao độ. Âm thanh của đàn được tạo ra chỉ gồm 3 nốt theo thứ tự Đồ Mi Sol lặp đi lặp lại và tăng dần cao độ trên 10 dây đàn. Với cấu tạo ấy, đàn B’rưng tạo ra âm hưởng vui tươi, dùng để diễn tấu những bài hát mang tính sôi động để cổ vũ, ăn mừng trong những dịp lễ hội.

Vừa giải thích, ông A Lít vừa lấy tay gảy đàn để minh họa cho chúng tôi thấy rõ. Tiếp đó ông cầm cây đàn to hơn kế bên có cấu tạo khá giống đàn B’rưng, vừa đánh vừa giải thích cho chúng tôi: “Đàn này có tên là B’rot, cũng có nguyên lý cộng hưởng âm thanh như đàn B’rưng, đó là dùng một nửa vỏ trái bầu khô, được quấn cố định bằng dây mây vào thân đàn để nhận và khuếch đại âm thanh. Khi đánh đàn thường úp cái bầu vào phía trong bụng, mục đích là để nén âm cho to và vang hơn.

Ông A Lít diễn tấu thử một đoạn trong bài “Mẹ tôi” do ông sáng tác. Tiếng của loại đàn này trầm trầm, chắc nịch như âm thanh của chiêng cồng vậy. Ông A Lít tiếp tục giải thích: “B’rot có thiết kế chỉ gồm ba dây, được điều chỉnh cao độ bằng 5 phím đàn phía trên cần đàn. Loại đàn này được ông thiết kế chơi được nhiều nốt hơn, âm thanh của đàn nghe thần bí, thích hợp để diễn tấu cùng những bài chiêng trong những dịp lễ cúng thần, những nghi thức cổ truyền hoặc khi hát và biểu diễn những giai điệu chậm, buồn.

Theo ông A Lít, hai loại đàn B’rưng và B’rot trên có thể được xem là “anh em” vì có cấu tạo gần giống nhau. Chỉ có đàn Kơ Ni là loại đàn có cấu tạo khác biệt hẳn, được mệnh danh là “nhỏ nhưng có võ”.

Nghệ nhân ưu tú A Lít giới thiệu cây đàn B’rót truyền thống của dân tộc Ba Na. Ảnh: H.T

 

Theo ông giải thích, đàn Kơ Ni có cách đánh giống với đàn Vi-ô-lông. Đó là dùng động tác kéo dây để tạo ra âm thanh. Nó có cần đàn làm bằng một đoạn tre uốn thẳng, hai đầu có lỗ để gắn dây đàn. Bên cạnh đó, một sợi dây có nhiệm vụ truyền âm được nối từ cần đàn đến một ống bằng lồ ô, được bịt bằng một tấm da cóc dày, giúp ống trở thành bộ phận tăng âm. Bởi vì cấu tạo đó nên đàn Kơ Ni còn được gọi là đàn da cóc hay đàn 1 dây. Cây đàn nhỏ này có thiết kế quãng âm đặc biệt hơn, theo nguyên tắc ngũ âm gồm 5 loại nốt nên có thể diễn tấu được nhiều bản nhạc với nhiều sắc thái hơn.

“Ngoài những loại đàn trên, tôi cũng đã chế tạo và chơi rất nhiều loại đàn khác, nhưng thông dụng và thiết thực nhất trong những dịp lễ hội vẫn là âm thanh của những cây B’rưng, B’rot và Kơ Ni này. Bởi vậy nên nhiều năm nay, tôi luôn giữ thói quen tập luyện và truyền dạy cách chơi của 3 nhạc cụ này cho lớp trẻ của làng” - ông A Lít chia sẻ.

Giữ gìn âm nhạc truyền thống

Nói về niềm đam mê học đàn của mình, ông A Lít cho biết từ nhỏ ông đã tự học hỏi từ cha ruột và những người già đi trước về kỹ thuật chơi và làm các loại nhạc cụ. Hồi ấy ông say mê đến nỗi hễ nghe ở đâu có tiếng đàn vang lên là ông quên hết mọi việc tìm đến để học. Mỗi khi thấy người lớn trong làng vào rừng vót tre, nứa, lồ ô để làm nhạc cụ là ông lại xin theo, nhìn và bắt chước, làm dần dần rồi thành quen tay và thạo nghề. 

Ngày trước, ông A Lít nổi tiếng là người siêng năng, chăm chỉ. Mỗi khi nghe những người già đánh đàn tại nhà rông hoặc những lúc lễ hội, ông thường chăm chú theo dõi và ghi nhớ những bài nhạc đó. Thấy người nào mệt thì ông xin tham gia vào đánh thay, vừa đánh vừa được những người già ân cần chỉ bảo. Dần dần ông biết cách chơi và ngày càng thuần thục.

Đến nay, cùng với việc chế tạo và truyền dạy nghệ thuật chơi đàn dây, ông A Lít còn tham gia truyền dạy cồng chiêng cho bà con dân làng. “Ngoài việc thường xuyên tham gia đánh cồng chiêng vào các ngày lễ hội của làng, các ngày hội, liên hoan do huyện, tỉnh tổ chức, tôi còn tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ về kỹ năng đánh chiêng cũng như những loại nhạc cụ khác như trống, đàn các loại...” - ông A Lít kể.

Nghệ nhân A Lít gìn giữ nghề đan dệt truyền thống. Ảnh: HT

 

Ông A Lít cho biết, phải nắm bắt rõ các bài nhạc, nhịp điệu, âm sắc của từng lời ca thì mới có thể truyền dạy hết được những tri thức và kỹ năng cho thế hệ trẻ. Đối với đàn, để âm thanh nghe ấm áp, du dương, thu hút mọi người nghe phải luyện tập cho đôi bàn tay thật điêu luyện và khéo léo. Đối với chiêng, để tạo được âm thanh trầm hùng, dồn dập, ấm áp và vang xa thì phải điều chỉnh độ mạnh, nhẹ của lực bàn tay thật chính xác.

Cô con gái út Y Klueng của ông cũng là một thành viên trong đội chiêng cồng của làng. Y Klueng chia sẻ: “Cha luôn dạy đối với chiếc cồng phải điều chỉnh bằng tay kết hợp gối và chân để ngắt âm, thả âm tạo điểm nhấn cho bài nhạc. Đối với chiêng cần điều chỉnh âm bằng tay, bằng cách chạm tay cầm vào chiêng rồi thả ra để ngắt và thả âm, vừa tạo điểm nhấn vừa tạo sự đồng điệu khi hòa tấu”.

Nói về việc bảo tồn âm nhạc truyền thống của mình, nghệ nhân A Lít trăn trở: “Mong mỏi lớn nhất của tôi là thế hệ trẻ trong làng có thể tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hiện nay, lớp thanh thiếu nhi trong làng vẫn chưa thật sự có niềm đam mê với những nhạc cụ truyền thống của dân tộc”.

Chia tay nghệ nhân A Lít, rời căn nhà sàn ấm áp với những tiếng đàn trầm bổng, réo rắt, lòng chúng tôi không khỏi vương vấn bởi những âm thanh tuyệt hay ấy. Hi vọng rằng những giai điệu truyền thống nơi đây sẽ mãi được thế hệ mai sau bảo tồn và tiếp nối.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác