05/07/2022 06:05
Một ngày đẹp trời, chúng tôi về làng Chốt, được Trưởng thôn A Keng sắp xếp cuộc gặp gỡ với A Nâu để trò chuyện, tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống. Nghệ nhân A Nâu là một trong những thành viên của đội chiêng trẻ của làng gồm 12 người. Theo các nghệ nhân lớn tuổi trong làng đánh giá, A Nâu là một trong số những tài năng hiếm có với khả năng cảm âm tốt, chỉ nghe qua bài nhạc mới vài lần là có thể đánh theo được ngay, không cần tập luyện nhiều. Ngoài cồng chiêng, nghệ nhân A Nâu còn thạo trống và am hiểu nhiều loại nhạc cụ bằng tre nứa khác.
|
Trưởng thôn A Keng cho biết, mặc dù đời sống kinh tế gia đình nghệ nhân A Nâu còn nhiều khó khăn nhưng anh vẫn không bao giờ từ bỏ đam mê với cồng chiêng, âm nhạc truyền thống. Mỗi khi làng có lễ hội, tập luyện văn nghệ hoặc những chuyến đi lưu diễn ở các tỉnh xa, nghệ nhân A Nâu lại gác hết việc ruộng rẫy để cùng các thành viên trong đội chiêng chuẩn bị chu đáo. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại làng, A Nâu cũng là một tấm gương năng nổ, tích cực cùng trưởng thôn, già làng tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con.
Nghệ nhân A Nâu chia sẻ, từ nhỏ anh bị tiếng chiêng thu hút mãnh liệt. Cứ thế, A Nâu tranh thủ theo những bậc đàn anh, người già trong làng đi khắp các lễ hội để nghe chiêng, tập chiêng. Những lần như thế, A Nâu lại tận dụng thời gian rảnh rỗi của các già làng để mượn chiêng tập và hỏi về bí quyết đánh chiêng. Chẳng mấy chốc mà những giai điệu cồng chiêng đã hòa vào tâm hồn A Nâu.
“Hồi đấy nhà tôi còn nghèo nên không có tiền để mua chiêng. Vì thế, tôi chỉ cố gắng nhẩm và thuộc những bài chiêng bằng miệng, bằng trí tưởng tượng. Khi mượn được chiêng của các già làng chính là lúc tôi thực hành những giai điệu, âm thanh mình cảm nhận và nghe được” – nghệ nhân A Nâu chia sẻ.
Tài năng của A Nâu được mọi người biết đến và ghi nhận khi anh lên 14 tuổi, anh trai của A Nâu là A Nưi giới thiệu anh vào đội chiêng nhí của làng. Già làng lúc ấy, sau khi đưa các bài tập để kiểm tra trình độ của A Nâu, bất ngờ khi anh đều thực hiện xuất sắc và nhanh chóng, không mấy khó khăn. Sau đó, A Nâu được đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong đội, có vai trò điều phối và giữ nhịp trong các tiết mục biểu diễn.
|
Nghệ nhân A Huynh (40 tuổi) - Đội trưởng đội chiêng trẻ tại làng cho biết: “Tôi và A Nâu lớn lên cùng nhau. Ngày ấy, chúng tôi sống chung trong căn nhà sàn dài của người Gia Rai, cùng ăn, ngủ và cùng đam mê tập luyện chiêng. A Nâu biết rất nhiều bài chiêng hay và biết đánh chiêng từ rất sớm”.
Với dáng người không cao to nhưng nhìn nghệ nhân A Nâu khi biểu diễn chiêng rất linh hoạt, mạnh mẽ, khác với vẻ bề ngoài ít nói của anh. Đối với A Nâu, đánh chiêng như một phương thuốc để quên đi mệt mỏi sau những giờ đi làm, đi rẫy về. Từ khi còn nhỏ, A Nâu đã xem việc đánh chiêng là thú vui mỗi khi rảnh rỗi.
Nghệ nhân A Nâu cho biết: “Ngày ấy trẻ nhỏ trong làng không có trò gì để chơi, bởi vậy cồng chiêng, nhạc cụ đã trở nên gắn bó và trở thành đam mê chính của trẻ em trong làng. Ngày ấy tôi thường cùng các bạn ra bờ sông, gốc cây mát, nhà sàn để tập chiêng và ứng tấu chiêng. Đến bây giờ, khi dạy chiêng cho lớp trẻ, tôi vẫn thường căn dặn chúng rằng chơi chiêng phải làm chủ được nó như con thú cưỡi của mình, phải biết yêu chiêng, lắng nghe chiêng và ứng tấu được với giai điệu chiêng của những người chơi khác. Như vậy mới được gọi là thành thạo” .
Theo nghệ nhân A Nâu, cũng giống như những nhạc cụ khác, độ lành nghề và thành thạo chiêng đều thể hiện qua việc ứng tấu âm thanh, đó là kỹ năng “nhại” lại các giai điệu, sắc thái âm nhạc kết hợp với các động tác thân người để phụ hoa như múa, làm sinh động cho bài nhạc. Ứng tấu chiêng phải có từ 2 người trở lên, đã trở thành bài học và trò chơi phổ biến trong tập luyện chiêng.
Cũng theo A Nâu, hiện tại phong trào tập luyện chiêng trong làng của lớp trẻ đã không còn như trước, các em ít dành tình yêu và đam mê với chiêng, nhạc cụ truyền thống như cha ông ngày xưa. Đó cũng là trăn trở của A Nâu cũng như nhiều nghệ nhân khác trong làng mà đến nay chưa có một giải pháp hiệu quả.
“Bên cạnh sự hỗ trợ, quan tâm của Nhà nước với những sự đầu tư nhạc cụ, mở các lớp học thì quan trọng nhất vẫn là sự “truyền lửa” giúp thế hệ trẻ tự ý thức và đam mê hơn. Dẫu biết là khó khăn nhưng tôi sẽ luôn cùng các thế hệ đàn anh đi trước truyền dạy để trong làng có lớp nghệ nhân trẻ kế cận, để không còn nỗi lo mai một văn hóa truyền thống nữa” – nghệ nhân A Nâu tâm tình.
|
Trưởng thôn A Keng cho biết: Bên cạnh những khó khăn trong phong trào văn hóa, văn nghệ thì hiện tại làng Chốt là một trong những địa phương còn duy trì rất nhiều lễ hội văn hóa, nhạc cụ truyền thống phong phú, trong đó cồng chiêng còn đến 60 bộ, cùng nhiều nhạc cụ khác. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống như thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng, mời nghệ nhân mở các lớp truyền dạy cho những người trẻ, học sinh trong các trường học trên địa bàn. Trong những phong trào tập luyện ấy luôn có những sự đóng góp tích cực của các nghệ nhân trẻ tại làng, trong đó có nghệ nhân A Nâu.
Chia tay nghệ nhân A Nâu, chúng tôi tin rằng, với nhiệt huyết và những nỗ lực của mình qua các hoạt động truyền dạy, tập luyện cồng chiêng tại thôn, A Nâu sẽ góp phần nâng cao ý thức của lớp trẻ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nơi đây.
Hoàng Thanh