Nắng bên cầu Kon Klor

05/03/2018 07:04

Sông Đăk Bla là con sông chính chảy qua thành phố Kon Tum, hàng ngày chứng kiến sự thay đổi của thành phố này. Dù nguồn ngân sách có hạn, nhưng với nỗ lực, tỉnh ta đã xây dựng những cây cầu bắc qua sông Đăk Bla làm giảm thiểu ách tắc và góp phần cho thành phố Kon Tum có bước phát triển kinh tế - xã hội sôi động. Trong đó, cầu treo Kon Klor là một điểm nhấn đẹp cho thành phố.

Vừa hết ngày cuối cùng của tháng 2, nắng tháng 3 đã nhanh chân ùa về sưởi ấm và cũng mang theo chút se se lạnh hòa lẫn trong cái vị ấm áp riêng của đất trời Tây Nguyên.

Kon Tum năm nay, nắng tháng 3 thật lành. Bước chân đến cầu Kon Klor tôi đã thấy một không gian mênh mông ngút ngàn. Kon Klor là cây cầu đẹp nhất của Kon Tum và cũng là điểm đến yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước.

Trong cái nắng dịu êm, gió lay cây cỏ, dòng sông trôi chầm chậm… tiếng ai bước chân trên cầu nghe rầm rập.

Cầu treo Kon Klor - điểm đến tham quan của du khách khi đến Kon Tum. Ảnh: L.S

 

Trước khi có cầu treo Kon Klor, vào mùa nước cạn, từ người dân cho đến vật nuôi đều phải lội nước qua sông; vào mùa mưa, nước lớn nên bà con phải qua lại bằng thuyền độc mộc hoặc bè. Còn mùa lũ, nước sông Đăk Bla trở nên hung dữ, không ai dám đi qua, mọi sinh hoạt, lao động cũng vì vậy mà trở nên gián đoạn.

Năm 1994, cầu Kon Klor “chào đời” đã “đánh thức” kinh tế 2 bờ, tạo giao thương thuận tiện, cuộc sống của người dân cũng nhờ đó no đủ, nhộn nhịp hơn. Cầu Kon Klor đã bắt nhịp đôi bờ đưa mọi người đến gần nhau hơn và chiếc cầu được đưa vào sử dụng cũng chấm dứt luôn những chuyến đò ngang bằng xuồng độc mộc đã từng bao năm qua lại đôi bờ.

Mùa lại mùa, cầu Kon Klor đều hiền hòa đưa đón các em học sinh đi học qua lại sớm chiều, những chuyến xe kĩu kịt nông sản, từng đàn bò no căng bụng thong thả đi về… Tất cả hòa quyện với cảnh sắc ven bờ, tạo nên không gian yên bình, thơ mộng.

Bóng chiếc cầu êm ả vắt ngang dòng nước phẳng lặng. Xung quanh Kon Klor là những ngọn núi được bao phủ bởi những nương mía, nương ngô, vườn chuối, vườn cà phê và các loại cây ăn quả của người dân nơi đây.

Qua cầu Kon Klor có nhiều ngả dẫn người ta đến làng Kon Ktu - một điểm du lịch của thành phố Kon Tum. Làng Kon Ktu thuộc xã Đăk Rơ Wa, nằm ven bờ sông Đăk Bla thơ mộng với hơn 100 nóc nhà và khoảng 600 khẩu. Nhiều ngôi nhà ở làng Kon Ktu còn giữ nguyên bản có từ xa xưa vây quanh bên nhà rông của làng.

Làng Kon Ktu được xem là làng cổ nhất trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện nay và là điểm nhấn của không gian văn hóa cồng chiêng Kon Tum với nét đặc trưng riêng có của người dân tộc Ba Na. Đến đây, du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, cảm nhận được lối kiến trúc nhà cổ và cách ứng xử mang đậm nét văn hóa, phong tục tập quán của người Ba Na…

Khi mặt trời khuất dần sau rặng núi, cây cối nhuộm ánh nắng vàng, cũng là lúc cồng chiêng trỗi lên, những cô gái, trai làng Kon Ktu cùng nhịp vòng xoang đón khách. Không gian nồng ấm. Khách và chủ gặp nhau thân thiện như xóa tan những mệt mỏi, bộn bề của cuộc sống đời thường.

Vươn xa tầm mắt hơn một chút là bắt gặp cảnh núi đồi trùng điệp, dưới kia dòng sông Đăk Bla lững lờ trôi… Đây là không gian rất thoáng đãng, mát mẻ, tự nhiên và hoàn toàn trong lành rất thích hợp để dừng chân vào những ngày hè nóng nực.

Buổi trưa đầy nắng, cầu Kon Klor càng trở nên nổi bật. Nơi đây, du khách có thể thong thả đi bộ trên cầu để ngắm khung cảnh thanh bình, dòng nước chảy nhẹ nhàng, những chiếc thuyền độc mộc neo đậu ven bờ, những đứa trẻ vô tư tắm mát bên dòng sông…

Khi chiều nhạt nắng, cầu Kon Klor vẫn đẹp khi chìm trong cảnh sắc hoàng hôn, tạo không gian lãng mạn đến say lòng. Điều đó cũng lý giải tại sao cầu Kon Klor được nhiều du khách đến đây, ở trên mặt cầu để chụp ảnh lưu niệm và bước xuống dưới chân cầu để ngắm cỏ xanh, hoa dại, nhìn dòng nước hiền hòa trôi.

Rồi mai đây, Kon Tum sẽ có thêm vài cây cầu mới bắc qua sông Đăk Bla được khởi công trong giai đoạn 2016-2020. Nhưng mỗi lần bước chân trên cây cầu Kon Klor, ngắm dòng sông Đăk Bla hiền hòa và nghe câu hát: “Chiều qua cầu treo Kon Klor, bỗng thương một vùng quê nhỏ, cầu nối đôi bờ tuổi thơ. Thôi, buồn chi nhé, con đò” của nhạc sĩ Lê Minh Thế, lòng tôi như chợt thấy ấm áp lẫn tự hào khi chính mình đã trở thành một người con của vùng đất Kon Tum này.

                                                                            Dương Lê

Chuyên mục khác