15/12/2020 13:06
Y Giáp – nghệ nhân dệt thổ cẩm
Đón khách đầu cổng thôn Kon Trang Long Loi, nghệ nhân A Điệp cười tươi giới thiệu với khách: Muốn đi thăm nhà các nghệ nhân của Câu lạc bộ Văn hóa dân gian à? Cô cứ chạy xe đến căn nhà bên trái cuối thôn, hỏi nhà Y Giáp dệt thổ cẩm là có người ra đón. Xong việc thăm hỏi ở đó, quay xe đi ngược về giữa thôn gặp nghệ nhân A Up đan lát và trở lại nhà A Thui, gần nhà rông đầu thôn gặp A Điệp biểu diễn cồng chiêng, chế tác nhạc cụ…
Đi theo lộ trình đó, tôi dễ dàng gặp Y Giáp. Bên hiên trái của căn nhà ngói cũ kĩ, nghệ nhân đã trải chiếu, đặt sẵn khung cửi và nhiều chiếc áo, váy hoa và tấm vải thổ cẩm. Y Giáp nói: 2 tháng rồi, tôi ở rẫy giữ lúa và trông coi vườn cà phê đang chín rộ để chờ thu hoạch nên nhớ khung cửi lắm. Hôm qua, khi cơm nước xong, tôi lấy khung cửi, chỉ màu ra dệt được 1/3 chiếc thắt lưng dài này.
|
Nói rồi, bà nhanh nhẹn rót nước mời khách và quay lại bên khung cửi với đôi tay thoăn thoắt, khéo léo kéo từng sợi chỉ, bắt từng nhịp dây. Thỉnh thoảng, vài sợi chỉ màu xanh, vàng, đỏ, trắng rời rạc lại se quyện vào nhau, hiện rõ hình thù hoa văn đẹp mắt khiến người xem thán phục.
Đôi tay vẫn uyển chuyển qua lại, biến hóa không ngừng dọc ngang trên mặt khung cửi, bà Y Giáp chia sẻ: Ở nhóm dệt thổ cẩm của bà còn các chị em khác như Y Huân, Y Lem và con gái bà là Y Sút... Ngày trước, biết dệt thổ cẩm toàn người lớn tuổi, mắt kém, lo nghề dệt thổ cẩm thất truyền, các nghệ nhân mới đề xuất với trưởng thôn, già làng truyền nghề cho thế hệ trẻ. Thế là, hàng tuần ở nhà mình, chị em trong làng được đến học dệt thổ cẩm. Bây giờ, ở làng có 7 - 8 người biết dệt thành thạo.
“Thời điểm dệt được tôi làm lúc rảnh rỗi, hay khi có người ở làng hoặc khách phương xa tới tham quan, đặt hàng. Mỗi ngày, tôi dệt khoảng 3 - 4 giờ và trong vòng 1 tuần sẽ hoàn thành 1 tấm vải. Tùy theo nhu cầu của khách, tôi tự tay đo đạc, may áo, váy cho phụ nữ hay trang phục cho đàn ông. Thông thường, tôi đều đo và may trang phục bằng tay. Trung bình 1 bộ trang phục, tôi bán cho bà con 250 ngàn – 300 ngàn đồng. Đối với áo hay chân váy có hoa văn sặc sỡ, làm cầu kỳ hơn, tốn nhiều công sức thì tiền công cao hơn” - nghệ nhân Y Giáp bộc bạch.
Nghệ nhân A Up điêu luyện với nghề đan lát
Chia tay bà Y Giáp hiếu khách, tôi đến nhà nghệ nhân A Up – người đan lát đẹp có tiếng ở làng. A Up năm nay hơn 60. Ông bảo ngày xưa, lên 8 tuổi thì học đan từng cái rổ nhỏ bằng bàn tay để chơi. Khi lớn hơn (11-12 tuổi), ông phụ cha đan lát rổ, thúng, nia để đổi lấy gạo nuôi gia đình 10 miệng ăn.
Nhắc đến chuyện đan lát, nghệ nhân A Up hồ hởi khoe: “1 buổi hoặc 1 ngày tôi làm được 1 cái nia lớn đường kính 40-50 cm. Nguyên liệu đan bằng cọng lạt có bề ngang bằng ngón tay út của người lớn và quá trình đan chéo từng cọng phải tạo thành hình thoi và đều mới được gọi là đẹp hay tinh xảo. Đến cái rổ nhỏ, tôi lại đan sợi nan nhỏ được chẻ từ lồ ô đã vuốt mỏng thật đều và từng vòng điểm siết có hình vuông từ nhỏ đến lớn, nếu người tỉ mỉ nhìn vào sẽ thấy sự công phu, tinh luyện”.
|
Ông A Up cũng chia sẻ: “Muốn có sản phẩm đan lát mang tính thẩm mỹ cao và lưu giữ được nghề truyền thống này, đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, kiên nhẫn, có kinh nghiệm và mất rất nhiều thời gian (thường 5-7 ngày) tìm kiếm nguyên liệu ở rừng sâu để chọn cây mây, lồ ô, tre thẳng, không bị sâu mọt, không quá già hay quá non đưa về nhà. Các nguyên liệu này sau đó được phơi nắng thật khô, đảm bảo không bị co rút. Đến công đoạn vót, chẻ lạt, chẻ tre thành sợi mỏng, dày, tùy theo ý tưởng người thợ dự định làm ra vật dụng gì. Chẻ xong phải chuốt sao cho từng cọng lạt, tre có độ mềm, nhẵn và đều để khi đan các thanh nan khít, tạo hình đẹp và không có kẽ hở”.
Ông còn tâm sự, cuộc sống hiện đại đã khá hơn, phụ nữ, người già hay trẻ em đều có thể học, làm ra các vật dụng đan lát đẹp, thuận lợi để sử dụng. Ông mong các cấp, các ngành có chính sách hỗ trợ để bà con vùng đồng bào DTTS phát triển nghề truyền thống này để giúp đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ ổn định và tăng thu nhập thêm.
A Điệp- Lưu giữ tiếng đàn và cồng chiêng
A Điệp là một trong 17 nghệ nhân của đội cồng chiêng và biểu diễn các nhạc cụ dân tộc như t’rưng, k’lông pút, sáo…ở làng. Ngoài ra, ông còn tham gia tích cực truyền dạy đánh nhạc cụ này cho các thế hệ trẻ ở thôn Kon Trang Long Loi.
Theo chân A Điệp, tôi tới nhà A Thui – Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa dân gian của thôn. Quan sát, tôi thấy trong nhà có 2 thiếu niên đang tập đánh đàn t’rưng.
“Người Ba Na nhánh Rơ Ngao có đàn t’rưng gồm 11 – 12 ống nứa, với nhiều kích thước dài, ngắn khác nhau. Nguyên liệu làm đàn là cây nứa già được lấy từ rừng về chặt khúc, phơi khô sau đó được chuốt sạch, lắp thành đàn” - nghệ nhân A Điệp giải thích cho khách.
|
Sau khi chỉnh lại thế đứng của cây đàn t’rưng cho vững vàng, nghệ nhân A Điệp cầm 2 chiếc dùi (có đầu màu vải đỏ buộc quấn chặt đoạn cây gỗ dài tầm 30 cm) lướt trên dàn ống và gõ nhịp… Bất chợt giữa không gian vắng vẻ của làng, tiếng đàn vang lên nghe thánh thót nhiều cung bậc âm thanh khác nhau, làm say đắm lòng người.
Sau bản nhạc biểu diễn đón khách bằng đàn t’rưng, A Điệp quay sang gọi hai bạn nhỏ đưa bộ cồng chiêng 20 chiếc ra treo ở góc nhà. Từng chiếc chiêng được các bạn treo thứ tự nốt nhạc đồ - rê - mi - fa - son - la - si…
Tiếp đó, A Điệp nhịp nhàng cất tiếng hát và tay gõ nhịp ở từng chiếc chiêng… Mỗi đoạn bài hát, ông dừng lại, yêu cầu hai bạn nhỏ gõ nhịp tay theo đúng thì sẽ đưa chiếc dùi gõ vào mặt chiêng. Cứ thế, lời hát, tiếng chiêng dần hòa quyện, thuần thục và nhịp nhàng.
A Trạm- một trong 2 em nhỏ cho hay rất thích học đàn t’rưng và cả đánh chiêng nữa. Em và bạn A Hưng là thành viên của đội chiêng trẻ ở thôn này. Cả 2 đã học đánh cồng chiêng, chơi đàn t’rưng từ năm 2017 đến nay. Các em sẽ là thế hệ con cháu tiếp nối truyền thống văn hóa của người Ba Na Rơ Ngao hôm nay và mai sau.
Qua tìm hiểu từ bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao- Du lịch và Truyền thông huyện Đăk Hà, từ năm 2018 đến nay, địa phương đã thành lập và duy trì hoạt động 2 Câu lạc bộ Văn hóa dân gian; trong đó có Câu lạc bộ ở thôn Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà) với 51 nghệ nhân hoạt động rất tốt. Hàng năm, huyện đều tạo điều kiện cho thành viên câu lạc bộ tham gia biểu diễn, trao đổi kinh nghiệm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đồng thời, đã trang bị một số vật dụng như đàn t’rưng, khung cửi và hỗ trợ kinh phí đi lại để các nghệ nhân tham gia truyền dạy, biểu diễn cồng chiêng, các nhạc cụ và đan lát, dệt thổ cẩm... Qua đó, góp phần lưu giữ, phát huy tích cực các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện.
Mai Trâm