Lên dốc Cổng Trời

09/10/2018 07:00

​Vượt qua quãng đường khá dài và gập ghềnh, chúng tôi về xã Đăk Blô (huyện Đăk Glei) - vùng đất nổi tiếng với truyền thuyết về núi Nồi Cơm trên dốc Cổng Trời và những nét văn hóa độc đáo mà đồng bào Jẻ sinh sống nơi đây còn gìn giữ.

Dù đã cuối mùa mưa, nhưng buổi sớm, mây mù vẫn giăng phủ trên dốc Cổng Trời và ngọn núi Nồi Cơm cao sừng sững.

Đến đầu con dốc của làng Bung Kon (xã Đăk Blô), thấy chúng tôi say sưa chụp ảnh ngọn núi Nồi Cơm cao “chọc trời”, già Bloong Dun tiết lộ: Ngọn núi ấy là linh hồn, là núi thiêng của các làng đồng bào Jẻ ở Đăk Blô này đấy.

Câu nói của già Bloong Dun khiến chúng tôi càng tò mò. Vừa đi trên con đường làng Bung Kon, già vừa kể cho chúng tôi nghe truyền thuyết về dốc Cổng Trời và núi Nồi Cơm mà từ nhỏ ông đã được người lớn trong làng truyền kể lại.

Bắt đầu kể về truyền thuyết ấy, già Bloong Dun bảo, ở đây, mỗi tên đất, tên làng, tên sông, tên núi đều có lý do riêng của nó.

Chỉ tay về phía ngọn núi cao nhất trong vùng, già nói đó là ngọn Pêng Ơi (núi Nồi Cơm), kế bên là ngọn Pêng Ay và lưng chừng con dốc này - nơi chúng tôi đang đứng - là Pêng Hu (dốc Cổng Trời).

Như muốn kể cho chúng tôi nghe hết truyền thuyết về núi Nồi Cơm và dốc Cổng Trời của đồng bào Jẻ, già Bloong Dun dừng lại ở một gốc cây ven đường bảo chúng tôi cùng ngồi xuống vừa nghỉ mệt, vừa thong thả kể: Truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia, đất đai vùng này trù phú lắm, dân làng ai cũng chăm chỉ lên rẫy, thóc lúa lúc nào cũng đầy bồ. Một hôm, có gia đình nọ đang gặt lúa thì người mẹ nói với đứa con gái về nhà nấu cơm mang ra ruộng cho cả nhà cùng ăn trưa. Người mẹ căn dặn cô gái, chỉ nấu nửa hạt gạo thôi là đủ, vì nửa hạt gạo khi ấy có thể bung ra cả một nồi cơm to. Trở về nhà được nửa đường, cô gái bất ngờ gặp phải một con vật lạ chạy ngang qua đường, vì hoảng sợ nên cô gái quên cả lời mẹ dặn. Cô gái chạy ngược lại lên rẫy lúa để hỏi lại mẹ. Mẹ cô gái dặn đi dặn lại là chỉ nấu nửa hạt gạo thôi là đủ. Quay trở về được nửa đường, cô gái lại gặp tiếp con vật lạ ban nãy rồi lại hoảng quá nên tiếp tục lại quên lời mẹ dặn. Cô gái lại quay lên rẫy hỏi mẹ. Lúc này, người mẹ tỏ ra giận dỗi quát con: “Muốn nấu bao nhiêu thì tùy”. Cô gái lủi thủi trở về nhà rồi cho cả lon gạo vào nồi để nấu cơm. Những hạt gạo nấu lên cứ bung mãi, bung mãi lên đến tận trời cao. Sợ nồi cơm sẽ làm ảnh hưởng đến mình nên ông trời đã sai thần sét đánh gãy cột cơm ra làm 3 khúc trở thành Pêng Ơi, Pêng Ay và Pêng Hu ngày nay.

Theo kinh nghiệm dân gian truyền miệng, vào mùa nắng, bà con dân làng ở Đăk Blô thường hay nhìn lên ngọn núi Nồi Cơm để đoán định năm đó được mùa hay mất mùa. "Năm nào nhìn lên ngọn núi nếu thấy có nước màu vàng rỉ ra từ vách núi là năm đấy ruộng lúa của bà con được mùa, ngược lại thì mùa màng thất thu. Hàng năm, trong lễ ăn cơm mới, các gia đình trong làng đều cầu khấn Yàng núi Nồi Cơm phù hộ để nhà nhà đều có thóc lúa đầy bồ" - già Bloong Dun kể.

Kho lúa của người Jẻ dưới chân Núi Cơm ở làng Bung Kon

 

Ngày nay, dưới chân núi Nồi Cơm, cuộc sống của bà con đồng bào Jẻ nơi đây cũng có nhiều đổi khác, nhà cửa đã mọc san sát. Theo Phó Chủ tịch xã Đăk Blô - A Hà, hiện nay, xã Đăk Blô có 4 thôn nằm dọc theo Tỉnh lộ 673 với khoảng trên 300 hộ đồng bào Jẻ, Thái, Mường, Kinh cùng sinh sống, trong đó đồng bào Jẻ chiếm 90% dân số. Khác với cuộc sống trước đây, bà con chỉ trồng cây mì, cây lúa, bây giờ, nhà nhà đã chuyển đổi trồng nhiều diện tích cà phê, bời lời. Nhờ vậy, những năm gần đây, tỉ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 24%. Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới và các dự án hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, của huyện, những con đường nối giữa làng này với làng kia trong xã cũng đã được bê tông hóa sạch đẹp.

“Thế nhưng, có một điều khá độc đáo đó là dù cuộc sống có nhiều khởi sắc nhưng truyền thuyết về ngọn núi Nồi Cơm vẫn luôn được bà con gìn giữ, người nọ kể cho người kia, người lớn kể lại cho trẻ nhỏ với bằng tất cả niềm tự hào về vùng đất, về quê hương. Cũng từ chỗ tin vào câu chuyện truyền thuyết ấy, bà con càng có ý thức bảo vệ, gìn giữ ngọn núi thiêng như báu vật của làng vậy” - già Bloong Dun nói.

Anh bạn đi cùng đoàn chúng tôi từ Thành phố Hồ Chí Minh lên đây trao tặng quà cho bà con nghèo nghe già Bloong Dun kể đã thốt lên: Có lẽ bởi vì điều này mà người dân ở Đăk Blô này giữ rừng thật tốt!

Già Bloong Dun nghe thế cười thích thú, nói thêm: Rừng ở Đăk Blô này trải dài một màu xanh thăm thẳm. Rừng điều hòa khí hậu, rừng giữ được nguồn nước mát lành, đặc biệt là rừng đã tạo cảnh quan cho vùng đất nơi đây thật đẹp mà khách nào ghé đến cũng phải trầm trồ.

Tiếp tục leo dốc Cổng Trời, chúng tôi gặp A Lê Dư ở làng Bung Tôn. Anh thanh niên nhanh nhảu bắt chuyện: “Các anh chị lên tham quan dốc Cổng Trời à?”. “Chúng tôi lên đây tặng quà từ thiện và nhìn thấy cảnh đẹp nên tản bộ tham quan luôn” - anh bạn đi cùng đoàn với chúng tôi đáp lại.

Không chờ chúng tôi hỏi tiếp, A Lê Dư chỉ tay lên ngọn núi Nồi Cơm cao sừng sững nửa đùa nửa thật: Thế anh chị có định leo lên ngọn núi thiêng của làng không?

- Có chứ, nếu A Lê Dư sẵn sàng dẫn đường - tôi nói.

- Em đùa thôi, ngọn núi ấy cao lắm, đến người ở làng này cũng chưa phải ai có thể leo được lên đó đâu.

A Lê Dư tình nguyện dẫn chúng tôi men theo con đường bê tông dẫn từ làng Bung Kon ra khu sản xuất của bà con dân làng để tham quan cảnh làng quê thanh bình. Dọc hai bên con đường làng lâu lâu lại hiện lên những kho lúa của các hộ gia đình được làm bằng ván, mái lợp tôn dựng lên san sát nhau.

A Lê Dư nói với chúng tôi: Người già ở làng bảo, với bà con đồng bào Jẻ ở vùng Đăk Blô này, từ bao đời nay, kho lúa là biểu tượng của sự giàu có, sung túc của làng. Nhà nào có kho lúa, chứng tỏ nhà đấy đủ cái ăn, cái mặc. Các gia đình muốn dựng kho lúa thì cũng phải dựng cây nêu, giết bò, heo để khấn Yàng núi Nồi Cơm phù hộ.

Năm 2015, sau khi lập gia đình và xin tách hộ ra riêng, vợ chồng A Lê Dư đã được bố mẹ cho 1 sào ruộng để làm ăn. Có được thóc lúa, A Lê Dư cho biết gia đình em cũng vừa mới dựng được kho lúa dự trữ lương thực, thực phẩm.

Đến Đăk Blô bây giờ nếu hỏi truyền thuyết về núi Nồi Cơm trên dốc Cổng Trời thì gần như người già, các em nhỏ đều thuộc nằm lòng. A Lê Dư cho biết, một phần cũng vì truyền thuyết này mà già làng và những người lớn tuổi trong làng luôn dặn dò con cháu phải giữ rừng để không làm thần linh nổi giận.

Trời chiều se lạnh, đứng ở lưng chừng dốc Cổng Trời, chúng tôi vẫn không rời mắt ngắm nhìn ngọn núi Nồi Cơm hùng vĩ như một bức tường thành vững chãi che chở cho hàng trăm nóc nhà dân sinh sống ở miền núi cao này, tạo nên một bức tranh miền sơn cước thật nên thơ và kỳ vĩ.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác