"Làng trong phố" ở Kon Tum

27/11/2017 07:00

​Đến với phố núi Kon Tum, du khách không chỉ được khám phá những nét đẹp cổ kính của Nhà thờ gỗ, trầm mặc của Tòa Giám mục hay yên bình của cầu treo Kon Klor... mà còn được lang thang vào những “làng trong phố” để tìm hiểu những nghề truyền thống đã làm nên nét hấp dẫn riêng có của đất và người nơi đây...

1. Sinh sống, làm việc ở Kon Tum được 10 năm, tôi cứ cho rằng, mình đã hiểu hết về nơi “ta ở”, thế nhưng, chỉ một câu nhận xét của cậu bạn học lần đầu lên thăm phố núi thân thương đã làm tôi ngỡ ngàng: “Phố núi Kon Tum được bao bọc bởi một loạt làng nghề truyền thống đã tạo nên một nét hấp dẫn riêng…”.

Ngẫm lại thấy đúng quá, ở thành phố Kon Tum, nếu là nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số, nói về đan lát, người ta nghĩ ngay đến làng Kon Tum Kơ Pâng (phường Thắng Lợi); nói đến làm rượu ghè, thì sẽ biết nức tiếng là làng Kon Klor (phường Thắng Lợi); còn nếu là dệt thổ cẩm, nhiều người sẽ nghĩ ngay là Plei Tơ Nghia (phường Quang Trung).

Tất cả các làng ấy, đều nằm trong lòng phố thị, nét độc đáo riêng, không dễ gì có ở các tỉnh, thành khác. Sở dĩ nói về nghề truyền thống người ta nghĩ ngay đến 3 làng ấy bởi ở đây có rất nhiều người khéo tay trong đan lát, dệt đẹp, ủ rượu cần rất thơm. Và, bây giờ những nghề ấy vẫn được giữ gìn, truyền cho các thế hệ con cháu; họ gắn bó với nghề, vì chính nó đã giúp cải thiện đời sống thường ngày của mỗi gia đình.

Bà Y Pyưn làng Kon Klor cẩn thận dùng những bao bóng buộc chặt miệng ghè rượu cần để giữ hương thơm

 

Tôi dám chắc rằng, trong chuyến du lịch ngắn ngày của người bạn học của mình, những khoảnh khắc ấn tượng nhất hẳn sẽ là chuyện ban sáng say mê nghe A Pưn - thôn trưởng Kon Tum Kơ Pâng giảng giải về nghề đan lát của dân làng; buổi trưa được thưởng thức cái hương vị thơm nồng của ghè rượu cần ở nhà bà Y Der tại làng Kon Klor; buổi chiều được đến nhà bà Y Chrưt để được ngắm nhìn những tấm thổ cẩm rực lên như đóa dã quỳ…

2. Cứ nhìn những cặp mắt chăm chú hút vào đường dao chuốt nan điêu luyện của ông già ngồi dưới gốc cây trứng cá trong làng Kon Tum Kơ Pâng kia là biết ngay. Một nhóm khách du lịch ghé vào hỏi chuyện, ông già chỉ thủng thẳng trả lời “Già đang đan gùi” rồi chăm chú làm tiếp.

Trưởng thôn A Pưn kể rằng, từ xa xưa, đã là người Ba Na thì phải biết đan lát các dụng cụ để sử dụng trong lao động, sản xuất và sinh hoạt; bởi hầu như làm gì cũng đụng đến đan lát, như đan vách, sàn cho nhà rông, đan dụng cụ làm lúa, mâm ăn cơm, đan chiếu, dụng cụ đập lúa rồi đến những đồ vật sinh hoạt rất nhỏ như giỏ đựng cá, túi đựng ớt, rổ...

Đặc biệt là đan gùi, nó đã trở thành cái nghề truyền đời của các thế hệ. Đây là vật dụng không thể thiếu trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum. Bất cứ ở đâu trên địa bàn Kon Tum, chỉ cần tên làng được gọi là “Plei”, “Kon”,  “Đăk” (làng) thì ở đó có bóng dáng của chiếc gùi. Cho đến tận hôm nay, xe đạp, xe máy đã phổ biến, nhưng chiếc gùi vẫn là hình ảnh thường thấy hàng ngày ở Kon Tum. Gùi đẹp hay xấu thể hiện tài năng khéo léo, óc thẩm mỹ và kinh nghiệm lâu năm của người đan - A Pưn cho hay.

Đan lát ở làng Kon Tum Kơ Pâng

 

Ngày nay, do nhu cầu thực tế của thị trường, các mặt hàng đan lát được dân làng Kon Tum Kơ Pâng sản xuất nhiều nhất là rổ, rá, nong, nia và sọt. Sản phẩm làm ra đều được thương lái thu mua, bán ở các chợ. Còn gùi thì chủ yếu phục vụ nhu cầu trong gia đình, khi có người đặt hàng mới đan.

3. Xưa nay, làng Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) rất nổi tiếng với nghề làm rượu ghè. Nên cũng dễ hiều khi nói đến rượu ghè, người ta nghĩ ngay đến những cái tên Y Trang, Y Trí, Y Xuân, Y Khuê...

Mà tìm các điểm bán rượu ghè ngon ở làng Kon Klor cũng không khó, bởi chúng nằm ngay trên đường Bắc Kạn, dẫn vào cầu treo Kon Klor - một điểm đến khá hấp dẫn du khách.

Nhưng không mấy ai biết, người đưa rượu ghè Kon Klor “ra phố” là bà Y De. Cửa hàng rượu ghè đầu tiên trong làng được bà Y Der - chị cả trong gia đình có 5 chị em nổi tiếng làm rượu ghè ngon của làng Kon Klor - được đặt tên “Rượu ghè Y Tri”. Và cũng từ cửa hàng đầu tiên ấy, bây giờ đã là một chuỗi cửa hàng, như Rượu ghè Y Xuân (của bà Y Pyưn - em kế của bà Y Der), Rượu ghè Y Khuê (của bà Y De - em kế của bà Y Pyưn)...

Bà Y Der (67 tuổi) kể lại, trước đây, mẹ bà - tên Y Trop - nổi tiếng với tài ủ rượu ghè ngon ở làng Kon Klor. Từ ngày còn nhỏ, bà và các chị em gái đều được mẹ dạy bảo “nếu muốn trở thành những cô gái giỏi giang thì phải biết ủ rượu ghè thật ngon”.

Để có được ghè rượu ngon phải qua nhiều công đoạn, và tùy theo từng nguyên liệu mà có bí quyết khác nhau, nhưng trước tiên, phải biết cách làm men rượu truyền thống của người Ba Na - bà Y Der giảng giải.

Men truyền thống của người Ba Na được làm từ các loại nguyên liệu tự nhiên, như gạo đỏ hoặc gạo trắng, vỏ cây rừng hiam hoặc cây dơmi - có vị hơi cay cay và riềng, ớt. Cây hiam hoặc dơmi sau khi chặt từ rừng về, lấy phần vỏ cây ra giã nát rồi lọc lấy nước. Gạo đỏ (hoặc trắng) giã nát (không được giã mịn), ớt và riềng cũng giã nhuyễn, sau đó trộn với nước vỏ cây hiam (hoặc dơmi), nắn thành từng chiếc bánh dẹp, đem ủ 10 ngày rồi lấy ra phơi mát trong nhà.

Mỗi khi làm rượu ghè, men được giã nát rồi trộn lẫn với các nguyên liệu đã nấu chín, có thể là gạo, bo bo, nếp trắng, nếp than, mì..., nhưng ngon nhất vẫn là gào và nếp than. Nếu muốn rượu có vị cay nồng thì sử dụng gào, nếu muốn rượu có vị ngọt thì dùng nếp than; nếu muốn vị vừa nồng vừa ngọt thì sử dụng gào pha lẫn nếp than để làm… Trước khi cho vào ghè, cần phải ủ khoảng 2 ngày 2 đêm.

Khác với trước đây, dù có tiếng là ủ rượu ghè ngon, nhưng dân làng chỉ ủ rượu dùng trong nhà, trong làng và khi có lễ hội, bây giờ, “thương hiệu” rượu ghè làng Kon Klor đã vang xa; khách đến thăm Kon Tum, khi về thường có thêm vài ghè rượu làm quà.

Và ngay cả việc đặt tên các cửa hàng rượu ghè của chị em bà Y Der cũng mang ý nghĩa cả. Không dùng tên mình, các bà lấy tên con gái, cháu gái, con dâu để đặt tên cửa hiệu, với mong muốn con cháu sau này cũng ý thức tiếp nối nghề truyền thống.

4. Nhiều khách du lịch không thể rời mắt ra khỏi khung dệt, nơi bàn tay nhăn nheo của bà Y Chrưt đang thoăn thoắt vỗ con thoi. Trong ngôi nhà nhỏ của bà Y Chrưt, treo toàn đồ thổ cẩm. Từ khi mới 15 tuổi, bà đã biết dệt, nay hơn 80 tuổi rồi, hàng ngày bà vẫn dệt.

Nhiều lúc, con cháu trong gia đình khuyên bà Y Chrưt nghỉ ngơi nhưng vì yêu nghề nên bà vẫn chăm chỉ dệt thổ cẩm. Và cũng bởi lẽ nữa là lâu nay khách hàng tìm đến mua sản phẩm dệt của bà khá đông, có khi vì mê cái tài dệt hoa văn của bà mà đặt hàng trước cả mấy tháng.  

Ngày xưa, phụ nữ chỉ dệt vải may quần áo cho mình và cho người thân trong gia đình, ngày nay, thổ cẩm trở thành hàng hóa, các mặt hàng làm từ thổ cẩm cũng phong phú hơn: khăn, áo, ba lô, ví, túi xách, mũ, giầy, khách mua cũng lựa kỹ lắm - bà Y Chrưt cười hiền.

Việc dệt được một tấm vải là cả một quá trình lao động công phu và tỉ mỉ. Vải được dệt với khổ rộng từ 50-80cm, trung bình một ngày, một người dệt được từ 0,8-1m chiều dài. Để dệt xong tấm đắp cũng mất vài ngày; một áo khoác cho chồng, cho con trai cũng mất đến 2 ngày dệt không ngơi nghỉ...

Khó nhất, kỳ công nhất là khâu bắt hoa văn, họa tiết. Ở phần họa tiết, mỗi sợi chỉ ép vào khung dệt là một màu khác nhau để làm thành những biểu tượng sông, núi, cây, lá đối xứng nhau… như một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ mang cả sắc thái văn hóa, tâm hồn người Ba Na nên đòi hỏi người dệt phải thật tỉ mỉ, khéo léo.

Niềm đam mê với thổ cẩm của bà Y Chrưt dần lan truyền sang những cô con gái. Mặc dù không còn ở cái thời mà theo phong tục con gái lớn lên phải biết nghề dệt mới được con trai trong làng để ý đến, nhưng các cô con gái của bà Y Chrưt đều ý thức được giữ nghề cũng chính là giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.

Trong số đó, nhiều người đã chọn nghề này xem như nghề chính để nuôi sống bản thân, gia đình, như chị Y Thuần, có tiếng là dệt đẹp, dệt nhanh; Y Lai, hiện đã mở một tiệm bán sản phẩm thổ cẩm và may trang phục thổ cẩm ngay trong làng; Y Thoai, lấy chồng về làng Kon Kor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) cũng mang theo nghề dệt về làng chồng, mở cửa hàng dệt may, bán sản phẩm thổ cẩm và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ.

Mặc cho những du khách háo hức lựa váy áo thổ cẩm rực rỡ như đóa dã quỳ ướm thử, bà Y Chrưt vẫn lặng lẽ ngồi bên khung dệt. Từ dáng ngồi, ánh mắt của bà làm cho tôi có một niềm tin sâu sắc rằng, thổ cẩm đã và sẽ sống mãi với thời gian, bởi trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người phụ nữ Ba Na hay Xê Đăng, Ja Rai... luôn có một tình yêu thổ cẩm bền bỉ qua năm tháng.

Ngày nay, dù làng đã nằm trong phố, nhưng điều đáng trân trọng là ý thức giữ nghề và truyền nghề cho con cháu, như là cách để con cháu không quên nguồn cội luôn được lớp người lớn tuổi ở các làng duy trì. Nhất là những năm gần đây, khi mà Kon Tum đang dần thu hút du khách, các làng nghề truyền thống theo đó có cơ hội phát triển trở lại và trở thành những điểm đến hấp dẫn trong hành trình về với phố núi...

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác