21/02/2017 10:04
Trong một chuyến công tác tại xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, khi chúng tôi hỏi về tục “bôi tiết” của người Xơ Đrá, anh U Rớp – Cán bộ văn hóa thông tin xã liền dẫn chúng tôi đến gia đình anh U Ôn ở làng Kon Rôn – người mới bôi tiết gà rửa chiếc ti vi.
Vừa lau bụi trên chiếc ti vi mới, anh Ôn vừa nói: Vết máu khô rồi nên giờ không nhìn thấy nữa đâu.
Theo lời anh Ôn, từ trước đến nay, khi sắm được bất kì một vật dụng gì mới (có giá trị), gia đình anh đều làm lễ bôi tiết gà. Và chiếc ti vi cũng vậy, gia đình anh đã tiến hành làm lễ này trước khi đưa vào sử dụng.
|
Anh Ôn kể rằng, lễ bôi tiết diễn ra khá đơn giản. Tùy các sự việc mà gia chủ có thể bôi tiết gà, heo hoặc dê. Lần này, khi có ý định đi mua ti vi, gia đình anh đã “nhắm” ngày tốt rồi bắt một con gà (có thể là gà trống hoặc gà mái) và chuẩn bị rượu ghè để sẵn. Khi mua về, anh liền lấy một ống lồ ô, cắt tiết gà và một ít rượu đổ vào đó và lắc đều lên. Sau đó, đặt ghè rượu ở giữa nhà rồi khấn Yàng ban cho sức khỏe, đồ vật dùng được bền bỉ, không bị hỏng hóc.
Sau khi khấn xong, anh lấy phần rượu tiết chấm vào một góc của ti vi rồi cả gia đình cùng tụ họp, tổ chức ăn, uống rượu cần. “Mình cũng không biết tục này có từ bao giờ, chỉ biết rằng cha mẹ truyền lại nên làm theo. Ở làng mình, bất kể gia đình nào sắm được vật gì giá trị cũng đều làm lễ này cả. Ai mua đồ mà không làm lễ này thì tâm sẽ rất bất an, lo lắng vì Yàng không phù hộ, đồ vật sẽ rất mau hỏng” – anh Ôn cho hay.
Đến bây giờ anh U Rớp vẫn nhớ như in cái ngày làm lễ bôi tiết bằng đại học của mình. Có bằng đại học là việc trọng đại, là niềm vui của cả gia đình và dân làng nên gia đình anh U Rớp chuẩn bị 1 con heo, 1 con dê và rượu ghè để làm lễ.
Tương tự như gà, tiết heo, tiết dê và một ít rượu ghè được cho vào ống lồ ô, khuấy đều lên rồi để giữa nhà bên cạnh rượu ghè. Nhà anh Rớp xâu gan heo, gan dê vào 2 thanh tre đã được vót nhọn (số gan heo được cắt thành 5 hoặc 7 hoặc 9 miếng, không được cắt thành miếng chẵn); rót rượu vào ly rồi để gan, rượu lên bàn thờ.
“Chuẩn bị xong xuôi, tôi mới đứng trước nhà rồi khấn, báo với Yàng rằng mình đã nhận được bằng đại học; cảm ơn Yàng, cầu xin Yàng giúp cho công việc được thuận lợi…” – anh Rớp kể.
Sau khi khấn xong, anh Rớp bắt đầu lấy tiết heo, tiết dê chấm lên trên tấm bằng rồi chấm lên trán, ngực trái (vị trí trái tim), tai. Vừa làm động tác, anh Rớp vừa khấn với Yang. “Làm lễ xong, mình mới mời mọi người đến ăn uống, vui chơi. Vết máu trên trán, trên tai mình cứ để nguyên đấy, hết ngày thì tắm rửa sạch sẽ” – anh Rớp kể.
Tương tự ở Đăk Hà, người Xơ Đrá ở xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy vẫn giữ tục bôi máu. Ông A Ek, 61 tuổi, ở làng Kon Rơ Nu nói rằng, chẳng biết tục này có từ bao giờ, chỉ biết rằng, được cha ông truyền lại nên ông cũng đã giữ gìn và làm theo.
Không chỉ bôi máu gà cho các vật dụng mới mua, người thành tài… ở đây, người dân còn bôi máu gà cho những đám rẫy của mình. Ông Ek nói rằng, thông thường, sau khi đi phát rẫy, người dân sẽ rắc tiết gà quanh rẫy của mình để xua đuổi, không cho ma quỷ vào rẫy. Hoặc khi phát, họ sẽ để lại 1 cây trong rẫy, bôi máu gà lên trên thân cây để đánh dấu. “Khi nhìn thấy máu, ma xấu sẽ không vào rẫy để quấy phá nữa, đám rẫy mới phát triển tốt được” – già Ek nói.
Dù chỉ mang tính chất hộ gia đình nhưng tục bôi máu đồ mới, để xua đuổi ma quỷ được người Xơ Đrá xem là một trong những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng. “Ngoài lễ hội ăn mừng lúa mới, lễ cúng máng nước, tục bôi máu đã góp phần làm phong phú thêm văn hóa của dân tộc mình” – anh U Rớp chia sẻ.
Bình An