08/09/2019 06:02
Kho lúa người Mơ Nâm ngày nay
Đưa chúng tôi đi trên con đường bê tông nông thôn mới để ra cánh đồng lúa chín cách nhà khoảng 2km, chị Y Đăng ở thôn Kon Vơn Ke 2 (xã Đăk Long) giới thiệu: Do địa hình đất đai ở đây hơi gồ ghề, nhiều đồi dốc nhỏ nên bà con thường làm ruộng lúa quanh các khe suối. Em nhìn xuống phía dưới thung lũng có diện tích ruộng nhỏ bằng phẳng kia kìa. Ở đây, nhìn xa thấy bé bằng cái sân nhà rông, nhưng chị em mình tới gần thì rộng mênh mông chừng 3 đến 4ha...
"Quên giới thiệu với em, còn kho lúa nữa ấy! Em nhìn chếch lên triền đồi kìa, cứ đếm chừng đi, có bao nhiêu nóc nhà kho thì có bấy nhiêu hộ có ruộng lúa ở khe suối bên dưới đấy...” - chị Y Đăng giới thiệu thêm về những kho lúa của người Mơ Nâm ở nơi đây.
Chị Y Đăng còn bảo, ở các làng người Mơ Nâm (xã Đăk Long) hay các xã khác trong huyện, kho lúa đã có bao đời nay. Đến đời chị, từ lúc sinh ra đến lớn lên, đi học và lập gia đình, kho lúa vẫn gắn bó với đồng ruộng, với gia đình, với thôn làng.
Đến kho lúa của gia đình mình, chị Y Đăng lúng túng phân bua: “Em đừng cười nhé, nhà chị nghèo, ruộng có 2 sào trồng giống lúa cũ, mỗi vụ gieo cấy mất 4 tháng mà chỉ thu được 20-25 bao, mỗi bao nặng 40-50kg, nên kho lúa của gia đình chỉ chừng 15m2. Các nhà khác có diện tích trồng lúa rộng lớn, cho thu hoạch nhiều, nên có kho lúa rộng đến 30m2.
|
Dạo quanh một vòng, điều chúng tôi dễ dàng nhìn thấy là kho lúa của bà con Mơ Nâm ở xã Đăk Long có lối kiến trúc truyền thống cơ bản như nhà sàn thu nhỏ, diện tích có thể lớn, nhỏ khác nhau.
Kho lúa được che chắn xung quanh bằng phên tre nứa, mái lợp tôn và trụ cột kho làm bằng gỗ dổi (hoặc thông). Các trụ đỡ bên dưới kho lúa được bà con quét một lớp dầu trơn hoặc bọc tôn trơn, để thú rừng không leo được lên kho phá lúa. Đối với chủ kho, khi muốn vào chỉ việc đưa một chiếc thang gỗ có bậc gá vào sàn kho cho vững rồi leo lên trút lúa, hay sắp xếp từng bao lúa cho ngăn nắp để có thể phân biệt được lúa mới lúa cũ đã thu hoạch theo vụ mùa.
Nhiệt tình với khách muốn tìm hiểu về kho lúa của người Mơ Nâm ở Kon Plông, chị Đăng còn đưa chúng tôi đến tận nhà nghệ nhân dân gian A Nuông ở thôn Kon Chênh (xã Măng Cành) để có thêm nhiều thông tin thú vị về kho lúa nơi đây.
Giữ gìn nét văn hóa của kho lúa ngày xưa
Gặp khách, già A Nuông vui vẻ bộc bạch, lâu lắm mới thấy có người muốn tìm hiểu kho lúa truyền thống ở làng. Già A Nuông suy tư: “Ngày trước, kho lúa có thể dựng gần nhà sàn của gia đình, bởi tiện sử dụng. Ở gần ruộng, rẫy cao có kho lúa thì tiện cho thu hoạch, bảo quản lúa do nhà chính ở xa”.
Già A Nuông nhớ lại: Ngày trước, cha mẹ của già theo phong tục truyền thống sẽ chọn cây gỗ làm trụ chống giữ kho lúa vững chắc là thân cây dổi với tuổi thọ hàng chục năm. Quan trọng nhất, vị trí đất được chọn đặt kho lúa phải bằng phẳng, đất ở triền cao, cách chân ruộng 20-30m. Sau khi đã chọn được ví trí đất dự định làm kho xong, chủ ruộng sẽ rải một vốc lúa dưới nền đất. Vài ngày sau quan sát, nếu kiến bâu vào ăn hoặc lúa bị vơi đi hết, thì nơi đây chắc chắn chưa an toàn lắm để làm kho lúa. Khi đó, gia đình tiếp tục tìm kiếm khoảnh đất khác, đến khi nào có khuôn đất quanh ruộng rẫy đảm bảo các yếu tố trên mới dựng kho lúa. Việc đặt cửa chính của kho lúa cũng đặc biệt, phải hướng mở cửa về núi rừng - nơi có thần linh ở, để được nương tựa vào sự chở che linh thiêng của Yàng, thần linh.
“Trước khi dựng kho lúa, theo phong tục ở làng, chủ nhà phải cúng xin Yàng cho đặt kho. Muốn như ý việc này, phải đợi trời chạng vạng tối, chủ nhà lặng lẽ đưa vật cúng, chỉ cần một con gà được cắt tiết sẵn và một bầu rượu nhỏ, rải từ ruộng lúa của gia đình đến trong sàn nhà kho. Xong việc, chủ nhà trở về nhà, trên đường đi tránh không gặp bất cứ người nào và giữ im lặng đến bước cuối cùng vào nhà” - già A Nuông nói thêm về phong tục dựng kho lúa ngày xưa ở làng.
Theo già A Nuông, ngày nay, cuộc sống đã khá giả và hiện đại hơn, kho lúa của bà con được làm ở các vị trí thuận lợi gần ruộng, gần rẫy lúa hơn. Mặt khác, mái tranh của nhà kho cũng được "hiện đại hóa" bằng tôn để tăng sự bảo quản cho lúa tránh ẩm mốc và giữ dinh dưỡng hạt lúa được tốt hơn.
“Ngày xưa, hàng năm, muốn đưa lúa mới vào kho, chủ nhà phải đưa lúa cũ ra dùng, hoặc phân phát cho người thân, hàng xóm cho bằng hết, rồi quét dọn sạch sẽ trong kho, cúng thần linh xong mới đưa lúa mới thu hoạch về. Ngày nay, con cháu sống hiện đại hơn, biết làm cái việc dành “của ăn, của để”, nên lúa vụ năm cũ vẫn lưu ở kho một góc riêng biệt, có phân loại và sử dụng lần lượt theo ý thích.
Đan xen giữa chuyện kho lúa được sử dụng ngày nay khác ngày xưa, chị Y Đăng quay sang khẳng định, dù cuộc sống có đổi thay, nhưng cách thức cúng đưa lúa vào kho vẫn giữ theo nét truyền thống, với mong ước được đảm bảo mùa vụ, giữ gìn lúa ở kho thuận lợi, phục vụ cuộc sống sung túc cả năm của gia đình.
Chị Y Đăng kể: Theo phong tục của người Mơ Nâm, đàn ông săn bắt và tham gia việc lớn ngoài cộng đồng. Người phụ nữ là chủ cái bếp, chủ kho lúa của gia đình. Bởi vậy, các chị, các mẹ là người đứng ra cúng, đưa vốc lúa đầu tiên vào làm lễ và bước vào cửa chính nhà kho trước tiên. Từ ngày xưa và cho đến bây giờ vẫn vậy…
Gật gù đồng tình với chị Y Đăng, già A Nuông rành rọt nói: Cách thức cúng đưa lúa về kho cũng như dựng kho mới ngày nay chỉ khác trước kia một chút là rượu chỉ cần tưới tượng trưng vào vốc lúa chín vàng, căng mẩy được chọn gặt ở ruộng lúa của nhà, rồi đặt giữa kho. Sau đó, người phụ nữ của gia đình khấn cầu thần linh chứng giám, bảo hộ cho gia đình có lúa tốt, đầy ắp trong kho mà không bị mối mọt để đủ dùng quanh năm.
Quanh câu chuyện về kho lúa của người Mơ Nâm, chị Y Đăng còn khoe: Nhiều lắm những chuyện kể về kho lúa, cây lúa của người Mơ Nâm. Em nên về đây đúng dịp lễ hội mở kho lúa, rồi ăn mừng lúa mới… sẽ thấy rất nhiều nét đẹp trong văn hóa dân gian của dân tộc Mơ Nâm nói riêng và văn hóa lễ hội của người DTTS địa phương nói chung.
Già Nuông thì nhắn gửi: Nhà báo về phố nhưng nhớ làng nhé! Hôm nào Kon Chênh tổ chức cúng Yàng xin lễ xuống giống lúa mới ở ruộng, già sẽ nói cán bộ thôn mời nhà báo về chung vui, biết thêm văn hóa trồng lúa của người Mơ Nâm nhé!
Mai Trâm