26/11/2019 06:10
“Nghệ thuật” vận động của thôn trưởng A Gái
Nắng buông dần, gió bấc thổi mang cái lạnh của mùa đông cứa vào từng đường gân, thớ thịt. Trên đám cà phê bên triền đồi ở thôn Plei Dơng, xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum), 20 nhân công vẫn miệt mài với công việc, trong những bộ quần áo nhuộm đen bởi nhựa, bởi bụi cà phê. Những ánh mắt hớn hở cười nói, vui như trẩy hội.
“Bà con mình đi làm công, lấy tiền gây quỹ cho làng. Làm mệt mà vui nên ai cũng hăng hái. Ý tưởng này xuất phát từ thôn trưởng A Gái đấy” - A Phát, một người dân ở thôn Plei Dơng vừa làm vừa chỉ về phía thôn trưởng A Gái.
Nghe lời gọi của dân làng, thôn trưởng A Gái vội vàng vác bao cà từ phía xa tiến về. Đặt bao cà xuống, thở phào, ông cười niềm nở. “Bà con mình làm ở đây được 4 ngày, gần được 100 công. Làm hết mùa cà này là có đủ quỹ để làm những việc chung của làng rồi” - ông nhẩm tính.
Trước đây, vào những ngày lễ hội hay trong làng có ma chay, hơn 100 hộ dân đồng bào DTTS trong làng không có mái vòm để tổ chức. Thấy vậy, đợi mọi người thu hoạch lúa, mì xong, ông liền trao đổi ý tưởng làm công gây quỹ làm vòm.
Khi mới triển khai, nhiều người có ý kiến trái chiều. Sau, hiểu việc gây quỹ làng để làm việc chung, hơn nữa tạo sự đoàn kết cho bà con nên đa số đều ủng hộ. Bà con đồng tình, mình đi liên hệ các chủ vườn cà phê để nhận công hái. Ai không đi làm công thì đóng góp bằng tiền mặt” - ông A Gái chia sẻ.
|
Gần gũi với bà con, trách nhiệm với công việc, ông A Gái được bà con dân làng tin tưởng, bầu làm thôn trưởng từ năm 2006. Mới đây, ông lại được tín nhiệm, bầu làm bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng. Ông A Gái mừng vì mọi người tin tưởng nhưng trách nhiệm cũng nặng nề hơn. Ông bảo, đêm phải trằn trọc, suy nghĩ, tìm cách tiếp cận để làm tốt nhất.
Không giống như những nơi khác, thôn Plei Dơng tuy nhỏ nhưng lại đa dân tộc: Trong tổng số hơn 200 hộ dân, có gần 100 hộ người Kinh, hơn 100 hộ là người Ja Rai, Tày, Nùng, Thái. “Phải có nghệ thuật mới vận động, tuyên truyền bà con được” - ông A Gái cười.
“Bật mí” về nghệ thuật của mình, ông A Gái bảo, vận động, tuyên truyền cho bà con một lần chưa được, mình phải tìm cách khác, nói nhiều lần để bà con hiểu. Đi buổi sáng không gặp thì mình đi buổi chiều; hôm nay chưa vận động được thì mai, mốt mình đi tiếp. Nói ở nhà không nghe thì mình tiếp tục đưa ra bàn luận vào sáng thứ 2 chào cờ. Cứ làm như vậy, mưa dầm sẽ thấm, dần dần rồi bà con cũng hiểu.
Nhớ lại cách đây vài năm trước, mỗi lần có lớp tập huấn về trồng trọt hay chăn nuôi, thôn trưởng A Gái phải đi vận động nhiều lần bà con mới chịu tham gia. Ngoài cây mì, cây lúa, ông kiên trì vận động bà con trồng thêm cà phê, cao su, trồng rau… để tăng thu nhập.
“Với một số hộ DTTS nghèo mình phải dẫn bà con ra tận rẫy chỉ cách trồng, chăm sóc cà phê, bà con mới nghe theo. Đến bây giờ, trong thôn cũng có được khoảng 10ha cà phê rồi. Nhờ linh hoạt sản xuất, đời sống của bà con ổn định hơn, toàn thôn còn 4 hộ nghèo thôi” - A Gái nói.
Không chỉ hướng dẫn bà con tích cực sản xuất, ròng rã 1 năm trời, ông A Gái còn vận động bà con nhân dân trong thôn đóng góp lắp được 23 bóng điện công lộ, góp phần đảm bảo an ninh trong thôn cũng như hạn chế tai nạn giao thông. Cũng nhờ sự kiên trì, tận tụy của ông mà đến nay thôn duy trì được 1 đội cồng chiêng, giữ gìn văn hóa truyền thống.
Nắm bắt tâm tư, tìm hiểu đời sống của bà con, nhận thấy hộ nào quá khó khăn, bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng A Gái liền tìm cách giúp đỡ. Mới đây, ông quyết trình bày để xã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở đại đoàn kết cho hộ nghèo Y Pết.
Đứng bên căn nhà đại đoàn kết mới xây xong, Y Pết ríu rít cảm ơn: A Gái kêu gọi hỗ trợ rồi còn vận động bà con trong làng góp công đào móng, phụ giúp mình làm nhà. A Gái thương bà con trong làng lắm nên ai cũng yêu quý.
Khó chẳng màng, gian nan không nản, hàng ngày, trên “con ngựa sắt”, ông A Gái luôn nở nụ cười, lạc quan “vác tù và hàng tổng”. Đêm, dưới ánh điện le lói, ông đi từ đầu đến cuối thôn, cùng tổ tự quản nắm tình hình, đảm bảo an ninh trong thôn.
“Người đầu tàu” của thôn Phương Quý 2
Dẫn chúng tôi vào thăm hộ gia đình chị Ngô Thị Thúy Hằng, chị Trần Thị Lụa - Bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng thôn Phương Quý 2, xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum) phấn khởi cho biết: Qua tuyên truyền, vận động, hộ chị Hằng vừa chuyển sang nuôi heo bằng đệm lót sinh học đấy! Cách nuôi này vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa mang lại nhiều hiệu quả...
Thôn Phương Quý 2 có gần 450 hộ dân, trong đó có gần 40% số hộ chăn nuôi gia súc, chủ yếu là chăn nuôi heo. Trước đây, bà con nuôi heo và thải nước trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng đó, chị Lụa đã tìm hiểu, vận động các hộ dân sử dụng các biện pháp xử lý chất thải bằng men sinh học đối với các hộ nuôi heo đàn và làm hầm bioga đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. “Bây giờ đa số các hộ dân đều áp dụng phương pháp nuôi heo cải tiến, hạn chế nước thải ra môi trường rồi” - chị Lụa vui mừng cho biết.
|
Được bà con nhân dân tín nhiệm, chị Lụa vui nhưng cũng hiểu được trọng trách của mình. Hết lòng với công việc, hàng ngày chị luôn tìm hướng triển khai hiệu quả các phong trào địa phương phát động. Đặc biệt, chị nỗ lực vận động bà con thực hiện các chỉ tiêu, giúp xã sớm về đích nông thôn mới theo kế hoạch đặt ra.
Đi trên con đường bê tông trải dài, nhớ lại những ngày đầu tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, chị bảo: “Gian nan lắm!”. Ngày ấy, việc vận động gặp rất nhiều khó khăn bởi toàn thôn chỉ có 1/3 số hộ dân hưởng ứng. Không nản lòng, chị kiên trì đi từng ngõ, gõ từng cửa, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của từng hộ và giải thích cho bà con hiểu về lợi ích lâu dài của việc làm đường.
“Tuyến đường này xây dựng được một phần cũng nhờ mồ hôi, công sức của cô Lụa. Ban đầu một số người không đồng tình nhưng khi thống nhất, xây dựng xong, ai nấy đều vui mừng, cảm ơn cô Lụa” - ông Nguyễn Quang Dũng - một người dân trong thôn bộc bạch.
Không chỉ tích cực vận động, triển khai cho bà con tham gia làm đường bê tông, mắc điện công lộ, đảm bảo vệ sinh môi trường, chị Lụa còn khéo vận động bà con tập trung phát triển kinh tế vườn, hưởng ứng xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp, trồng các tuyến đường hoa. Hiện, toàn thôn có hơn 110 hộ giàu, hơn 300 hộ khá, 6 hộ nghèo; có 335 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa.
Ông Nông Hồng Công - Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết: Mặc dù mới làm bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng nhưng cô Trần Thị Lụa đã phát huy vai trò, trách nhiệm, khéo vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Những đóng góp của cô không chỉ làm cho bộ mặt thôn Phương Quý 2 khởi sắc, mà còn góp phần không nhỏ trong tiến trình đưa xã Vinh Quang về đích nông thôn mới.
Hoài Tiến