Giữ nghề làm gốm truyền thống của người Ba Na

06/07/2019 06:02

Ngồi bên nhà sàn, các chị Y Khel và Y Pư (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) tỉ mỉ nặn từng chiếc nồi làm bằng đất sét để nấu cơm, đựng nước. Đôi bàn tay khéo léo của các chị cứ thoăn thoắt quay tròn quanh chiếc nồi để tạo độ bóng. Các chị bảo, để nặn được một chiếc nồi như vậy phải mất vài ngày mới xong - đó là chưa kể thời gian chuẩn bị nguyên liệu mất cả tháng liền. Tuy kỳ công, nhưng đây là nét văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na (Jơ Lâng) nên các chị cố gắng giữ nghề để lưu truyền lại cho con cháu.

Còn nhớ, cách đây không lâu, tại sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh lần thứ 4 năm 2018, nghệ nhân làm gốm Y Pư (1966) và Y Khel (1969) đã mang đến cho du khách một sự trải nghiệm thú vị về nghề truyền thống này. Nhiều em học sinh rất thích thú khi được các nghệ nhân cho mượn nguyên liệu đất sét để trực tiếp thử nghiệm. Thấy các em nhỏ hào hứng, chị Y Pư và Y Khel càng có động lực chế tác nhiều sản phẩm hơn nữa để phục vụ du khách tham quan được nhìn ngắm và mua sắm.

Gặp chúng tôi, chị Y Pư tiết lộ, để trình diễn nghề gốm thủ công truyền thống của đồng bào Ba Na (Jơ Lâng), trước đó 1 tháng, chồng chị đã phải đi lấy đất sét ở suối về sơ chế. Chị bảo, không phải đất sét lấy từ đâu về cũng có thể làm được đồ gốm, mà phải chọn nguồn đất từ con suối Kon Săm Lũ ở trong làng (tiếng phổ thông là suối Măng Chua) mang về phơi khoảng 2 tuần (đất sét lấy từ nơi khác về làm thường bị nức nẻ). Chờ đất sét khô, mang giã nhuyễn, sàng lấy phần bột đất mịn trộn với nước rồi ủ cả tuần.

Phần chuẩn bị nguyên liệu để làm đồ gốm đa số đều do đàn ông đảm nhận. Sau khi có nguyên liệu rồi thì phụ nữ mới bắt tay vào nặn thành các sản phẩm vật dụng sinh hoạt trong gia đình, đặc biệt là những chiếc nồi có kích thước to, nhỏ khác nhau để nấu cơm, đựng nước.

Quy trình để nặn nên 1 chiếc nồi trải qua nhiều công đoạn và tất cả đều được làm thủ công. Trước hết, người nghệ nhân phải đan một tấm phên tre nhỏ, đặt lên cối giã gạo. Nguyên liệu đất sét được đặt lên tấm phên tre, phía bên dưới có lót miếng lá chuối để không bị kết dính. Đầu tiên phải nặn thân nồi trước rồi đến miệng nồi và cuối cùng là đáy nồi.

Sau khi chiếc nồi đã được tạo hình, người nghệ nhân sẽ dùng một miếng cật tre cuộn tròn hình chiếc vòng nạo phía trong thân nồi để chỉnh sửa cho đều. Tay trái giữ đỡ phía ngoài thì tay phải dùng miếng cật tre nạo chỉnh phía trong. Hoặc nếu tay trái giữ thành nồi phía trong thì tay phải nạo, chỉnh phía bên ngoài.

Vừa biểu diễn cho chúng tôi xem các công đoạn trên, lâu lâu, nghệ nhân Y Khel lại dùng miếng giẻ ướt vuốt lên thân nồi. “Làm như vậy để bổ sung lượng nước trong nguyên liệu bị bốc hơi, làm cho đất dẻo hơn để dễ nặn và miết láng thân nồi hơn” -  chị Y Khel chia sẻ kinh nghiệm.

Phụ nữ Ba Na (Jơ Lâng) ở xã Đăk Tờ Re, huyện Kon rẫy làm gốm truyền thống. Ảnh: TQ

 

Sau khi hoàn thành công đoạn làm thân nồi, nghệ nhân mới làm miệng nồi và đáy nồi. Mỗi công đoạn đòi hỏi người nghệ nhân đều phải có sự chăm chút, tỉ mỉ để tạo sự kết dính các bộ phận với nhau một cách hoàn chỉnh.

Chiếc nồi sau khi được nặn xong sẽ được mang đi nung, tạo màu. Trước khi nung, nồi sẽ được mang đi phơi nắng khoảng 1 tuần hoặc sấy bên bếp lửa cho khô trước. Chị Y Khel “bật mí”, để tạo màu đen cho chiếc nồi, theo truyền thống của người Ba Na (Jơ Lâng) trong vùng xưa kia và cho đến ngày nay cũng vậy là phải vào rừng để tìm vỏ cây T’nưng về giã nát. Vỏ cây T’nưng sau khi giã nát, ngâm khoảng 1 tuần sẽ cho màu đỏ đậm. Sử dụng nước màu này quét lên chiếc nồi rồi đem hong qua lửa. “Để tránh sốc nhiệt, có thể làm sản phẩm nứt nẻ thì trước khi mang nồi đi nung phải hong sơ qua bếp lửa cho sản phẩm nóng đều rồi mới đặt lên dàn củi để nung từ 2 đến 3 giờ đồng hồ. Vừa nung, vừa chịu khó dùng giẻ nhúng vào nước T’nưng quét lên chiếc nồi chừng 5-6 lần, để chiếc nồi  đen, bóng và đẹp hơn” - chị Y Khel nói.

Cả chị Y Khel và Y Pư đều cho biết, hiện tại, những vật dụng sinh hoạt trong gia đình các chị như nồi để nấu cơm, kho cá, nồi để đựng nước… đều là sản phẩm đồ gốm thủ công truyền thông được các chị tự làm lấy. Nồi gốm nấu cơm rất ngon, đựng nước rất mát nên cũng chẳng ai muốn thay bằng các vật dụng bằng nhựa, bằng kim loại bán bên ngoài thị trường.

Mỗi năm, cứ đến thời điểm mùa màng xong đâu đấy, các chị nhờ người đàn ông trong gia đình của mình đi lấy đất sét về để nhào nặn ra những chiếc nồi dùng trong gia đình.

Những năm gần đây, trong sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch của tỉnh, các chị Y Khel, Y Pư đều được mời tham gia trình diễn nghề truyền thống này. Nhận thấy đây là hoạt động rất ý nghĩa, góp phần giới thiệu và bảo tồn nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình nên dù bận rộn đến mấy thì các chị cũng đều cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia. “Được nhiều du khách, đặc biệt là các em học sinh đến tìm hiểu, trải nghiệm nghề truyền thống, bản thân tôi cảm thấy rất vui và tự hào về nghề truyền thống của ông bà để lại. Vì vậy, về làng, tôi càng có động lực truyền dạy lại nghề cho lớp người trẻ, vận động một số chị em cùng giữ nghề” - chị Y Pư nói.

Chi Y Khel và Y Pư rất vui khi thấy các em học sinh hào hứng trải nghiệm làm nghề gốm truyền thống của người Ba Na. Ảnh: TQ

 

SÔNG CÔN

Chuyên mục khác