Giữ hồn dân tộc

11/08/2019 13:01

“Dệt thổ cẩm, mặc trang phục thổ cẩm là giữ hồn dân tộc. Mấy năm trở lại đây, phụ nữ trong làng khôi phục nghề dệt thổ cẩm, thành lập tổ dệt thổ cẩm là để giữ hồn người Giẻ Triêng mình...” - bà Y Chảy thổ lộ.

Duyên nợ

Nghe tôi bày tỏ muốn đi tìm hiểu và tuyên truyền về nỗ lực khôi phục nghề dệt thổ cẩm, anh Đinh Công Hiệp- Trưởng phòng Dân tộc huyện Ngọc Hồi hào hứng lấy xe riêng đưa tôi đến làng Đăk Ba (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi).

Có khách ở huyện, tỉnh đến thăm, các chị phụ nữ làng Đăk Ba rất vui, chuyện trò cởi mở như người thân lâu ngày gặp lại. Không câu nệ, chị Y Dằn kéo ghế chân tình mời tôi ngồi. Khi tôi yên vị, chị mới khẽ khàng về ngồi lại bên khung cửi, vừa dệt, vừa nói chuyện.

Ngày xưa, người con gái Giẻ Triêng nào cũng biết dệt thổ cẩm. Việc dệt thổ cẩm để làm ra những tấm chăn, tấm choàng, váy, khố... đẹp là bổn phận của người phụ nữ. Tấm dệt đẹp nói lên phẩm hạnh của người phụ nữ, người nào chăm chỉ dệt, dệt đẹp sẽ được trai làng để ý, thương nhớ; người con gái nào không biết dệt thổ cẩm là thua kém, chưa làm tròn bổn phận của mình...- chị Y Dằn nhớ lại.

Phụ nữ Giẻ Triêng bên khung dệt với quyết tâm giữ nghề truyền thống. Ảnh: Nguyễn Đan

 

Không chỉ biết dệt thổ cẩm, người con gái Giẻ Triêng ngày trước còn phải học các mẹ, các bà trồng bông, hái bông và xe sợi. “Hồi trẻ theo mẹ, theo bà trồng bông, hái bông, xe sợi thích lắm. Rồi phải biết hái lá cây rừng, cắt dây, đào củ làm màu, nhuộm sợi thổ cẩm trước khi dệt. Muốn sợi màu gì thì phải tìm lá cây, dây, hay củ để làm ra màu nhuộm cho phù hợp. Ví như màu đen thì tìm lá trùm, màu vàng tìm củ nghệ, màu trắng tìm dây khe ruộng” - Y Dằn kể.

“Con gái Giẻ Triêng ngày trước phải làm, phải biết nhiều việc mới là người giỏi giang. Lớp con gái trẻ bây giờ thường không để ý đến việc trước đây; người làng bây giờ cũng không ai trồng bông nữa, nên cây bông từ lâu đã vắng bóng ở làng. Thổ cẩm bây giờ dệt bằng sợi chỉ, sợi len mua ở ngoài thị trường, chị em muốn dệt thì bỏ tiền mua. Mình cũng vậy, không thể khác.” -Y Dằn tiếc rẻ.

So sánh về chất lượng, Y Dằn cho rằng thổ cẩm của người Giẻ Triêng làm bằng sợi bông mềm, bền, ấm và đẹp hơn thổ cẩm bằng sợi chỉ, sợi len. Tự hào về thổ cẩm truyền thống của người Giẻ Triêng làm bằng sợi bông, Y Dằn lấy tấm thổ cẩm chị cất giữ bấy lâu nay ra cho tôi xem, qua bao ngày tháng, tấm thổ cẩm vẫn mịn màng, không có một vết nhăn và giữ được sắc màu tươi nguyên.

Trông cách bảo quản, tôi biết chị xem tấm thổ cẩm này như một thứ bảo vật để lưu lại, để làm bằng chứng và kỷ niệm về chuyện của một thời không chỉ là của mình, mà còn là của người Giẻ Triêng ở Tây Nguyên.

Không vì mục đích kinh tế

Trầm ngâm một lúc, chị Y Dằn kể tiếp: Dệt thổ cẩm là giữ lại cái nghề, là lưu giữ bản sắc dân tộc. Nếu dệt thổ cẩm vì mục đích kiếm tiền, vì mục đích lợi nhuận chắc không ai dệt. Bởi hiện dệt một tấm đắp đôi mất hơn 10 ngày, tấm đắp đơn mất 5 ngày, váy mất 4 ngày... trong khi tấm đắp đôi dài 3,5 mét, rộng 1 mét giá bán chỉ 1,2 triệu đồng, tấm đắp đơn giá 500 nghìn đồng và tấm váy 600 nghìn đồng. Nếu trừ tiền chỉ, len có khi huề vốn hoặc lãi không đáng kể. Muốn kiếm tiền, đi cạo mủ cao su, làm cỏ mì còn cao hơn công dệt thổ cẩm nhiều lần.

Chính vì vậy, các chị ở làng Đăk Ba thường dệt thổ cẩm trong lúc nông nhàn. Phần đông các chị dệt thổ cẩm là để dùng trong dịp lễ hội và làm vật trao đổi với người dân trong làng, trong xã. Cũng có khi khách đến làng tham quan hỏi mua, nhưng thường là rất hiếm.

Trăn trở với nghề, bà Y Chảy (làng Đăk Ba) thổ lộ tâm tư: Dệt thổ cẩm, mặc trang phục thổ cẩm là giữ hồn dân tộc. Mấy năm trở lại đây, chị em trong làng khôi phục nghề dệt thổ cẩm, thành lập tổ dệt thổ cẩm là để giữ hồn người Giẻ Triêng. Các chị, các mẹ dệt thổ cẩm không phải vì mục đích kinh tế, mà để có quà cho con gái, cháu gái lấy chồng. Tặng thổ cẩm để con cháu biết yêu quý văn hoá dân tộc, giữ gìn văn hoá dân tộc, cũng giống như khi cưới vợ cho con trai, nhà trai tặng cho nhà gái ché, ghè rượu cần. 

Nghe bà Y Chảy trao đổi, các chị Y Dần, Y Dằn ngồi kế bên cảm thấy tâm đắc. Tuy nhiên, Y Dần băn khoăn: “Con cháu bây giờ không chịu học dệt thổ cẩm. Không biết sau này mình mất, nó có chịu học dệt, giữ được nghề dệt thổ cẩm hay không”. 

Thấy các chị lặng người, tôi đành lái câu chuyện sang hướng khác.

Rất mừng sau câu chuyện tâm tình, tôi được bà Y Hồng- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục thông tin Ban Dân tộc tỉnh có kế hoạch hỗ trợ khung dệt thổ cẩm cho các chị em xã Đăk Dục.

Các làng được UBND xã Đăk Dục phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ 9 khung dệt thổ cẩm năm nay là: Dục Nhầy 1, Dục Nhầy 3, Chả Nhầy, Chả Nội, Đăk Hú và Đăk Răng. Do năm 2018, làng Đăk Ba được hỗ trợ 5 khung dệt, nên năm nay, xã dành hỗ trợ cho các làng này. Có thêm khung dệt, người Giẻ Triêng ở Đăk Dục sẽ có thêm nhiều người biết dệt thổ cẩm.

Khi người dân, cộng đồng, các ngành và các cấp chính quyền cùng chung tay vào cuộc khôi phục lại nghề truyền thống, những giá trị văn hoá đích thực sẽ được giữ gìn và phát huy.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác