Già làng tận tâm ở Kroong Klah

25/10/2022 13:05

Nhắc đến già làng A Lău (75 tuổi) ở làng Kroong Klah (xã Kroong, thành phố Kon Tum), người dân nơi đây ai cũng yêu mến và kính trọng, xem ông là một “thủ lĩnh” gương mẫu, dẫn dắt bà con đồng bào nơi đây vượt qua nhiều khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống, xây dựng thôn làng ngày càng đổi mới.

Được ông Nguyễn Đình Nhiên- Chủ tịch UBND xã Kroong giới thiệu, chúng tôi ghé thăm già làng A Lău vào một sáng cuối thu gió se se lạnh. Đón chúng tôi trước sân nhà, già A Lău cười hiền hậu và bắt tay thật chặt, mời chúng tôi vào nhà trò chuyện.

Già A Lău sinh ra và lớn lên tại xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà), là dân tộc Ba Na (nhánh Rơ Ngao). Khi lớn lên, vì chiến tranh loạn lạc, ông cùng nhiều thanh niên khác trong làng phải đi tản cư nhiều nơi, sau đó đến vùng lòng hồ thủy điện Plei Krông bây giờ.

Tại đây, ông gặp bà Y Chưnh (sinh năm 1958) là một cô gái Tây Nguyên với nhan sắc tuyệt đẹp cùng tài nghệ dệt thổ cẩm sắc sảo rồi nên duyên chồng vợ. Điều đặc biệt là, cha của bà Y Chưnh là già A Phương, lúc ấy đang là già làng, một người có sức ảnh hưởng lớn đối với bà con trong làng. Sau này cũng chính già Phương là người đã dẫn dắt, chỉ bảo cho già A Lău rất nhiều trong cuộc sống.

Già A Lău tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế. Ảnh: H.T 

 

“Già A Phương vốn là người Lào sang định cư tại vùng đất này, buôn bán vải vóc, thổ cẩm để sinh sống. Ông tài giỏi, xử lý các vụ việc và căn dặn bà con dân làng vừa thấu tình đạt lý nên dân làng ai cũng nghe theo. Già A Phương đã truyền cảm hứng cho tôi gắn bó và cống hiến cho thôn, làng của mình” - già A Lău kể.

Học hỏi từ già A Phương nhiều điều hay, già A Lău không ngừng cố gắng trong cuộc sống, tích cực giúp đỡ bà con, không nề hà bất cứ việc gì trong thôn, làng. Vì vậy, từ khi còn trẻ, già A Lău đã được bà con tin yêu và nghe theo.

Vào năm 1997, khi Nhà nước vận động bà con từ lòng hồ Plei Krông di dân lên vùng đất mới để ổn định đời sống có sự góp sức không nhỏ của già A Lău trong tuyên truyền vận động. Sau này, cũng chính già A Lău cùng cha vợ mình là già A Phương là những người tiên phong, có công khi cùng chính quyền tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán sản xuất để thoát đói nghèo, từng bước nâng cao đời sống.

Già làng A Lău luôn đi đầu trong công tác dân vận. Ảnh: HT 

 

Già A Lău chia sẻ: Khi lên vùng đất mới, dù được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất đai để sản xuất nhưng với tập quán, suy nghĩ canh tác lạc hậu, nên cái nghèo vẫn quanh quẩn. Đến khi có cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật trồng, sản xuất mới để đạt hiệu quả nhưng bà con vẫn còn e dè lắm, chưa thay đổi thói quen, nếp nghĩ. Chúng tôi phải kết hợp với chính quyền tuyên truyền mãi bà con mới nghe theo, làm theo; từ đó, làm ra nhiều sản phẩm, không còn đói nữa, cái nghèo cũng giảm hẳn.

Nhận thấy sự tận tụy và uy tín của già A Lău với người dân, đã từng có thời gian ông được tín nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kroong. Đến năm 2002, ông về làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, rồi kiêm luôn vai trò già làng vào năm 2010. Dù ở vai trò nào, ông A Lău luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và bám làng, cơ sở để tuyên truyền, vận động cho bà con hiểu về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Đến nay, vì tuổi cao sức yếu, ông không còn làm công tác Mặt trận nữa. Nhưng với vai trò là già làng, già A Lău vẫn luôn tâm huyết và tận tụy, trách nhiệm, không quản khó khăn, vất vả để giải quyết nhiều vụ việc lớn, nhỏ trong thôn, được dân làng tin tưởng và yêu mến.

Già A Lău còn là một nghệ nhân thực thụ, tích cực giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: H.T 

 

Hỏi người dân trong thôn thì ai cũng cho biết đóng góp của già A Lău cho thôn, làng thì nhiều lắm, không kể hết được. Đặc biệt, già có vai trò to lớn trong vận động người dân xóa bỏ nhiều hủ tục, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương, mở đường, hiến đất xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, ai cũng khâm phục già với khả năng dân vận giỏi, đã giúp giải quyết nhiều tranh chấp, mâu thuẫn tại địa phương.

Già A Lău kể: Trong thôn trước đây hay xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn của bà con về đất đai, vườn tược, đời sống vợ chồng; trong đó đặc biệt là tình hình an ninh trật tự nhiều bất ổn, thanh niên hay uống rượu, quậy phá, đánh nhau… Tôi luôn bằng cái tình, cái lý để giải quyết mọi việc, không nóng vội mà làm hư việc. Nhờ vậy mà hầu hết mọi việc đều giải quyết êm xuôi trước khi báo cáo cho tổ chức, chính quyền.

Một trong những đóng góp quan trọng của già A Lău được chính quyền địa phương khen tặng đó là loại bỏ hủ tục về cúng, viếng người chết. Theo già A Lău kể, trước đây, trong thôn khi có người nào chết thì phải mổ trâu, bò, gà để cúng, rồi phải đánh cồng chiêng trong đêm quanh xác chết sau đó mới được chôn. Nhận thấy lễ nghi đó gây tốn kém và ô nhiễm môi trường, không hợp tình hợp lý, già A Lău quyết tâm vận động bà con xóa bỏ, mặc dù ban đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự kiên trì của mình, hủ tục đã dần được xóa bỏ.

Già A Lău rất thạo đan lát. Ảnh: HT 

 

Hiện tại, nghe theo lời già A Lău, mỗi khi trong thôn có người chết, bà con đều tự nguyện đóng góp mỗi hộ 50 nghìn đồng để hỗ trợ tang lễ; đồng thời đội chiêng trong làng sẽ đến đánh chiêng, phục vụ miễn phí cho đến khi kết thúc tang lễ.

Già A Lău cũng là một nghệ nhân đa tài, ngoài tham gia đội cồng, chiêng của thôn, ông còn đan dệt mây tre rất giỏi. Mỗi dịp trong làng có lễ hội hay mở lớp truyền dạy văn hóa dân gian, già A Lău tuy tuổi đã cao nhưng luôn tham gia nhiệt tình và vận động dân làng, thế hệ trẻ tích cực tham gia, đóng góp để duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ông Nguyễn Đình Nhiên cho biết: Đến nay, đời sống người dân làng Kroong Klah đã có nhiều thay đổi tích cực. Hiện thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống kinh tế, an ninh chính trị luôn được giữ vững. Già A Lău được nhận rất nhiều bằng khen của các cấp, ngành trong công tác mặt trận và xây dựng nếp sống văn hóa tại khu dân cư, đạt danh hiệu là già làng tiêu biểu xuất sắc trong đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum.

HOÀNG THANH

Chuyên mục khác