Già làng Ja Rai lưu giữ nhiều chiêng, ché cổ

06/12/2016 18:00

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, có đến 3 lần già A Ram cùng với bà con dân làng Chốt, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) phải dời làng đi nơi khác. Mỗi lần như thế, già A Ram phải vất vả lắm mới giữ được những bộ chiêng, ché (ghè) cổ do cha mẹ để lại…

Giữ bảo vật gia truyền

Chiều nhạt nắng, già A Ram bắc ghế ngồi trước ngôi nhà sàn nhìn lũ trẻ đùa nghịch trên con đường bê tông. Lâu lâu, ông lại đùa giỡn, bày trò chơi cho mấy đứa trẻ. Già yêu thích lắm cái không gian yên bình của những buổi chiều tà, bởi nó gợi cho ông luôn nhớ về cuộc sống ở buôn làng trước kia.

Trong trí nhớ của già A Ram, làng Chốt trước đây còn có tên gọi là làng Gelem (gọi theo tên con suối trong vùng). Do chiến tranh, dân làng phải di dời đến nơi ở mới nên tên làng đổi thành làng Cloa (cây gòn). Sau giải phóng, bà con di dời về nơi ở hiện nay và tên làng được đổi thành làng Chốt.

Làng Chốt ngày trước có chưa đầy 40 hộ gia đình, sinh sống cùng nhau trong 4 căn nhà dài (mỗi nhà dài gồm 10 hộ gia đình cùng dòng họ). Ở gian nhà giữa đều có trưng bày báu vật của dòng họ là những bộ cồng chiêng, ché (ghè) rượu cần - đây cũng là nơi sinh hoạt chung của các gia đình trong cùng dòng họ.

Với bà con đồng bào Ja Rai, xưa cũng như nay, có rất nhiều lễ hội: mừng nhà rông mới, mừng nhà mới, mừng lúa mới, đón khách đến thăm nhà, đám cưới, đám ma, bỏ mả… Mỗi khi có lễ hội, cồng chiêng lại âm vang khắp làng.

Chiêng Pát, một trong 5 bộ chiêng quý nhất của già A Ram. Ảnh: T.Q

 

Cũng như mọi người Ja Rai nơi đây, với già A Ram, cồng chiêng là một phần máu thịt không thể tách rời. Năm lên 10 tuổi, dù chưa được truyền dạy nghệ thuật đáng cồng chiêng, nhưng với năng khiếu bẩm sinh và khả năng cảm thụ, già đã tự học và biết đánh cồng chiêng. Vì vậy, mỗi khi trong nhà có khách đến thăm, ông thường được bố sai đánh cồng chiêng biểu diễn cho khách vừa thưởng thức vừa nhâm nhi ché rượu cần thơm ngon thâu đêm suốt sáng.

Chiến tranh khiến cho chiêng, ché của làng bị thất lạc, mất đi nhiều. Để giữ truyền thống của đồng bào Ja Rai, sau 41 năm đất nước thống nhất, cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, già A Ram đã có nhiều nỗ lực trong việc sưu tầm và phát huy bản sắc văn hóa trong cộng đồng làng.

Ngoài 2 bộ chiêng và 2 chiếc ché cổ do cha mẹ để lại (số nữa đã bị bom đạn phá vỡ và thất lạc), già A Ram đã sưu tầm thêm 3 bộ chiêng, 11 chiếc ché cổ. Các “bảo vật” được ông lau chùi cẩn thận mỗi ngày nên luôn sáng bóng.

Được trưng bày rất đẹp mắt trong gian nhà sàn, già A Ram không ngần ngại giới thiệu tên các bộ chiêng như: chiêng Pát, chiêng Bom, chiêng Lào, chiêng Honh, chiêng Doanh (mỗi bộ chiêng gồm 12 chiếc). Theo già A Ram, ông quý nhất là bộ chiêng Pát nhưng thích nghe nhất lại là chiêng Lào bởi âm thanh sáng hơn, trong hơn và vang hơn những bộ chiêng còn lại.

Chiếc ché cổ quý hàng ngày được già A Ram lau chùi sáng bóng. Ảnh: T.Q

 

Về ché (ghè), ông có rất nhiều loại ché cổ khác nhau, trong đó có 3 ché Brông (Brông La, Brông Dăng, Brông Phui), 1 ché Klan Dông, 4 ché Chẽ Lup, 4 ché Htôc, 1 ché Tcan. Mỗi ché có màu sắc khác nhau, hoa văn cũng khá độc đáo.

Già A Ram nói say sưa về cồng chiêng và ché khi được hỏi đến. Điều đó phần nào cho thấy tình yêu và sự đam mê của ông đối với việc giữ gìn các nét văn hóa truyền thông của cha ông để lại.

Theo ông, xưa nay, cồng chiêng, ché là những vật dụng gắn bó mật thiết với đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nếu như cồng chiêng được coi như là vật linh thiêng nhất, có giá trị nhất của mỗi gia đình và cộng đồng, thì ché thể hiện sự sung túc, sức mạnh của dòng tộc và là nơi trú ngụ của thần linh để che chở, phù hộ cho mỗi gia đình, dòng họ…

Vì được xem là những báu vật linh thiêng nên già A Ram quyết tâm giữ những chiếc chiêng cổ, ché cổ không cho rời khỏi làng. Với uy tín của mình, già A Ram còn vận động dân làng không được mua bán, trao đổi cồng chiêng, ché cổ.

Hiện, làng Chốt còn lưu giữ hơn 50 bộ cồng chiêng thường xuyên sử dụng vào các dịp lễ hội của làng và mang đi biểu diễn các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh.

Người tài năng nhất làng

Không chỉ được biết đến là người lưu giữ nhiều chiêng, ché nhất làng, già A Ram còn được dân làng “bình chọn” là người tài năng, giỏi giang, uy tín nhất ở làng bởi lĩnh vực nào ông cũng đi đầu, từ đan lát, đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng, làm kinh tế…

Dù không mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ tại nhà, nhưng mỗi khi dân làng có lễ hội, già A Ram đều đứng ra hướng dẫn, chỉ bảo thanh thiếu niên trong làng nhịp điệu cồng chiêng. 

Già A Ram giới thiệu những bộ chiêng quý. Ảnh: T.Q

 

Hiện, làng Chốt có 50 người từ 45 tuổi trở lên biết đánh cồng chiêng; ở độ tuổi thanh niên có khoảng 40 người; thiếu niên có hơn chục em. Đặc biệt, làng Chốt còn có đội cồng chiêng chuyên đi biểu diễn các sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài tỉnh, trong đó có sự đóng góp công sức huấn luyện của già A Ram.

Anh A Tùng – thôn trưởng làng Chốt ca ngợi: Mỗi khi đội cồng chiêng tập luyện đi biểu diễn, già A Ram luôn nhiệt tình chỉ dạy, truyền lửa cho thế hệ trẻ. Cách ông truyền dạy thật độc đáo, đó là nghệ thuật cảm âm và truyền âm để cồng chiêng âm vang có hồn, có điệu. Ngoài chỉ cách đánh cồng chiêng, thế hệ thanh thiếu niên trong làng còn học ở già A Ram nghệ thuật múa trống.

Già A Ram còn là người duy nhất ở làng Chốt biết chỉnh chiêng. Theo già, nghệ thuật chỉnh chiêng rất khó, đòi hỏi người nghệ nhân thật sự am hiểu về cồng chiêng, có thể sử dụng được tất cả các chiêng trong bộ cồng chiêng; từ chỗ sử dụng thành thạo từng chiếc một qua thời gian mới có thể cảm âm, thẩm âm chính xác.

Trong thực tế, chỉ cần chỉnh sai một chút có thể khiến chiếc chiêng bị hỏng. Đây là lý do hiện nay chưa có ai trong làng dám mang bộ cồng chiêng của mình ra thử nghiệm hoặc nhờ già A Ram truyền dạy. Vì vậy, mỗi khi trong làng có lễ hội, thấy bà con mang cồng chiêng ra thử, già A Ram nghe có chiếc chiêng nào bị lệch giọng liền gọi thanh niên trong làng quây quần lại để ông chỉnh sửa mà học hỏi từ từ.

Già A Ram còn được biết đến là người đan lát đẹp và giỏi nhất làng Chốt. Chỉ cần nhìn những chiếc vỏ bọc những chiếc chiêng, ché hay những chiếc gùi cao cả mét được làm bằng chất liệu mây chứa đựng các vật dụng sinh hoạt hàng ngày được xếp ngay ngắn trong gia đình sẽ thấy được bàn tay khéo léo của già A Ram.

Già A Ram cũng tích cực truyền nghề thủ công truyền thống này cho bà con dân làng. Thôn trưởng A Tùng cho hay, ở làng Chốt này, hầu hết các gia đình đều có thể tự tay đan rổ, rá, thúng, mủng, sàn, nia… bằng tre nứa để sử dụng thay gì mua các vật dụng bằng kim loại hay bằng nhựa.

Nhiều năm nay, già A Ram còn được bầu là Chi hội trưởng chi hội người cao tuổi, Tổ trưởng tổ hòa giải của thôn. Mỗi khi dân làng có xích mích, nhờ tiếng nói của già A Ram mọi chuyện đều được hòa giải thành công nên ông luôn được bà con dân làng tin yêu.

Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, ông tích cực vận động các hội viên của mình phải nêu gương sáng, truyền nghề cho con cháu để giữ nét văn hóa truyền thống cha ông đã để lại.

Điều đặc biệt nữa là hiện nay dù đã 76 tuổi nhưng già A Ram vẫn tích cực làm nương làm rẫy, phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, gia đình ông có 13ha mì, 1ha cao su, 1ha bời lời, 1ha lúa, 3 con bò, 4 con trâu.

Già A Ram cũng là người đầu tiên ở làng Chốt phát triển chăn nuôi có chuồng trại để làm gương cho bà con dân làng cùng noi theo…

Tú Quyên 

Chuyên mục khác