10/04/2017 08:22
Già A Ve (80 tuổi) ở làng Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum) nổi tiếng với tài nghệ đánh cồng chiêng. Trong rất nhiều sự kiện văn hóa của thành phố, của tỉnh hay ở khu vực và cả nước, đội cồng chiêng của làng Kon Rờ Bàng - dưới sự dìu dắt, giúp đỡ của già A Ve, thường xuyên được lựa chọn để biểu diễn… Người dân làng Kon Rờ Bàng xem già A Ve như “người truyền lửa đam mê" đánh cồng chiêng cho dân làng.
Năm lên 13 tuổi, A Ve đã được cha truyền dạy thành thạo những bài chiêng truyền thống của người Ba Na như đón khách đến thăm nhà, đâm trâu mừng nhà rông mới, mừng lễ hội nước giọt, mừng lúa mới… Mỗi khi dân làng tổ chức lễ hội, A Ve luôn được chọn vào đội cồng chiêng của làng để tham gia biểu diễn. Hoạt động biểu diễn cồng chiêng đã trở thành niềm đam mê của già A Ve từ ngày đó.
Lớn lên, ông càng thấy ý nghĩa của việc gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình là thật sự cần thiết; nhất là trong thời đại ngày nay, việc “đô thị hóa” ở các làng đồng bào DTTS ở vùng ven thành phố Kon Tum rất nhanh.
Già A Ve hiện đang lưu giữ cẩn thận 2 bộ cồng chiêng được xem như báu vật của làng Kon Rờ Bàng (1 bộ của gia đình già A Ve và 1 bộ của làng) gồm 26 chiếc. Những bộ cồng chiêng này thường xuyên được già mang ra tập luyện cho bà con dân làng hay mang đi biểu diễn tại các sự kiện văn hóa.
Chị Y Đát – con gái già A Ve cho biết, công việc truyền dạy cồng chiêng đã được bố chị duy trì hơn 20 năm nay. Thoạt đầu, chỉ có vài người già đến học hỏi, dần dần lớp trẻ cũng bị cuốn hút bởi những nhịp điệu cồng chiêng vui nhộn của ông nên đã tìm đến để “thọ giáo”.
Gần như ngày nào cũng vậy, cứ sau bữa tối xong, bà con lại kéo đến nhà để nhờ già A Ve chỉ dạy. Ngày trước, còn khỏe, có khi ông chỉ dạy bà con đánh cồng chiêng đến khuya; còn bây giờ thì kéo dài đến hơn 9h đêm là nghỉ. Có những đợt làng chuẩn bị có lễ hội hay sự kiện gì có cồng chiêng biểu diễn thì cả đêm lẫn ngày, ông đều dành thời gian để tập luyện cho mọi người.
“Mỗi khi luyện tập, ông tỉ mỉ lắm, không chỉ chỉ dạy cho bà con cách gõ, cách đánh cồng chiêng sao cho hay mà còn chỉ dạy cả phong cách biểu diễn sao có hồn và cuốn hút người xem, người nghe “ - chị Y Đát hồ hởi kể về việc làm của cha mình.
Đến nay, ở làng Kon Rờ Bàng có rất nhiều người đánh cồng chiêng hay, múa xoang giỏi là nhờ sự chỉ dạy của già A Ve. Làng đã thành lập được 5 đội cồng chiêng (mỗi đội 13 người); trong đó gồm: 2 đội cồng chiêng nam, 2 đội cồng chiêng nữ và 1 đội cồng chiêng trẻ em.
Người lớn tuổi nhất của đội cồng chiêng là già A Ve, còn nhỏ nhất là em Y Bé Hiên (16 tuổi) – đang học lớp 11. Mỗi khi đội cồng chiêng của làng được chọn đi biểu diễn, già A Ve luôn được tin tưởng giao trách nhiệm lựa chọn và triệu tập đội cồng chiêng lại để tập luyện.
Già A Ve chia sẻ: Ngoài được tham gia các sự kiện văn hóa tổ chức ở làng, ở xã, ở cấp thành phố, cấp tỉnh, đến nay, đội cồng chiêng của làng cũng đã được chọn đi biểu diễn khá nhiều tại các sự kiện văn hóa cấp quốc gia, khu vực được tổ chức ở Hà Nội, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Lâm Đồng… Được tham gia nhiều sự kiện văn hóa như vậy là nguồn động viên rất lớn về mặt tinh thần để lớp trẻ thấy tin yêu hơn, tự hào hơn về cồng chiêng; từ đó có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn và gìn giữ.
Em Y Ul (sinh năm 1996) ở làng Kon Rờ Bàng cho biết: Mỗi khi tham gia các ngày hội văn hóa của làng, em thấy già A Ve hướng dẫn những người lớn tuổi trong làng đánh cồng chiêng rất hay, chúng em thích lắm. Năm học lớp 10, nhóm chúng em- gồm 15 bạn cùng trang lứa ở trong làng, đến nhờ già A Ve truyền dạy cồng chiêng. Già vui vẻ nhận lời và nhiệt tình chỉ dạy; mỗi tuần đã dành ra 2-3 buổi để truyền dạy cho tụi em. Bây giờ, tụi em đánh thành thạo rất nhiều bài chiêng và hễ có sự kiện văn hóa nào ở làng được già A Ve gọi tham gia là chúng em đều có mặt đông đủ để tập luyện.
Hơn 1 năm nay, già A Ve không xuất hiện cùng đội cồng chiêng của làng Kon Rờ Bàng trực tiếp biểu diễn trong các sự kiện văn hóa nữa vì đôi chân của ông bị gãy sau tai nạn đi lấy tre về sửa lại nhà rông cho làng. Dù vậy, nhưng vai trò của già A Ve đối với đội cồng chiêng của làng Kon Rờ Bàng vẫn không hề giảm sút và ông vẫn đều đặn truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ vào mỗi tối trong căn nhà của mình.
Ngoài truyền dạy đánh cồng chiêng cho bà con dân làng, già A Ve còn được các trường học mời chỉ dạy đánh cồng chiêng cho các em học sinh như Trường PTDT nội trú tỉnh, Trường THCS Trần Khánh Dư, Trường Tiểu học Cao Bá Quát (xã Vinh Quang) để bảo tồn bản sắc văn hóa.
Mới đây, nhân sự kiện Liên hoan Cồng chiêng-múa xoang lần thứ IV/2017 do Phòng GD-ĐT thành phố Kon Tum tổ chức, già A Ve đã được các thầy cô giáo của Trường THCS Trần Khánh Dư và Trường Tiểu học Cao Bá Quát mời đến để dạy cồng chiêng cho hơn 30 học sinh của các trường tham gia biểu diễn bài chiêng xoang “Ngày hội làng tôi”. Dù việc đi lại rất khó khăn nhưng già A Ve cũng vui vẻ nhận lời và luôn có mặt đúng giờ để tập luyện cho các em học sinh.
Chúng tôi đến nhà già A Ve vào lúc trời đã nhá nhem tối. Nhưng vào lúc này ông vẫn ngồi bên hiên nhà miệt mài chỉ dạy cho 2 đứa cháu trai của mình tên A Vớt (14 tuổi) và A Vươnh (8 tuổi) tập luyện cồng chiêng.
Già A Ve chia sẻ: Muốn truyền dạy cồng chiêng cho bà con dân làng để bảo tồn bản sắc văn hóa thì trước hết bản thân mình phải truyền dạy cho con cháu trong gia đình để làm gương.
|
Con trai của già A Ve tên A Klyn (47 tuổi) cho biết, năm lên 15 tuổi, anh đã được cha mình chỉ dạy cách đánh cồng chiêng. Lớn lên, anh được chọn vào đội cồng chiêng của làng đi biểu diễn khắp nơi. Hiện tại, dù đã lập gia đình và hàng ngày bận rộn với nương rẫy, nhưng tối đến anh cũng tranh thủ về nhà cha mẹ để tiếp tục rèn luyện tài nghệ đánh cồng chiêng, với mong muốn sau này anh sẽ trở thành một trong những người đánh cồng chiêng giỏi ở làng.
Cậu bé A Vươnh nói: Con rất thích đánh cồng chiêng. Con sẽ cố gắng học đánh cồng chiêng thật hay để sau này được tham gia vào đội cồng chiêng của làng đi biểu diễn nhiều nơi, giới thiệu nét văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS Tây Nguyên đến với mọi người.
Nghe những lời A Vươnh nói và nhìn ánh mắt cậu bé chăm chú vào người ông của mình hướng dẫn cách đánh cồng chiêng, chúng tôi tin chắc rằng trong tương lai, ở làng Kon Rờ Bàng sẽ có thêm nhiều nghệ nhân đánh cồng chiêng giỏi.
Ngoài tài nghệ đánh cồng chiêng, già A Ve còn là người duy nhất ở làng Kon Rờ Bàng biết chỉnh chiêng và chế tác, truyền dạy một số nhạc cụ truyền thống như: t’rưng, klông pút, ting ning… Đặc biệt, ông còn là người nhớ rất nhiều câu chuyện cổ dân gian Ba Na. Mỗi khi con cháu hay bà con dân làng tập trung tại nhà ông để học đánh cồng chiêng, già A Ve thường pha trò cho mọi người bằng những câu chuyện cổ - thông qua giọng kể dí dỏm của ông, như chuyện chàng Ktơn, chuyện chàng Trit…
Già A Ve chia sẻ, trong cuộc sống thời hiện đại, già hy vọng việc truyền dạy cồng chiêng cũng như kể những câu chuyện cổ của mình sẽ góp phần giúp cho thế hệ trẻ trong làng không quên những gì thuộc về văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Và thật vui khi già A Ve đã truyền được ngọn lửa đam mê cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở làng Kon Rờ Bàng.
Bài, ảnh: Tú Quyên