04/04/2020 06:06
Tên làng trong ký ức
Như đã hẹn, cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Truyền thông huyện Kon Rẫy đưa tôi đến với làng Kon Brăp Ju trong một sáng tháng Ba. Trên chặng đường từ thị trấn Đăk Rve về đến làng Kon Brăp Ju, tôi nghe người dân kể rất nhiều về tên làng này có không ít những chi tiết huyền sử pha lẫn với sự tự hào của tổ tiên người Ba Na (nhánh Jơ Lâng) nơi vùng đất Kon Braih.
Ngồi trong ngôi nhà sàn cũ kỹ của mình với rất nhiều nhạc cụ, nhạc khí treo khắp các tường nhà, già làng A Jring Đeng (68 tuổi) kể cho tôi nghe về sự tích của làng Kon Brăp Ju mà già rất yêu quý và tự hào.
Với giọng điệu kể khan đậm nét sử thi, già Đeng chậm rãi: Lâu lắm rồi, cách nay gần 200 năm, tổ tiên của dân làng ở tận vùng Kon Chro, An Khê của tỉnh Gia Lai. Ngày ấy, người Ba Na (nhánh Jơ Lâng) đang sống theo từng bộ tộc. Những người giàu có trong vùng là những Pơ Tao, còn gọi là Vua, ngày đêm bóc lột sức lao động, gây ra nhiều cảnh tang thương cho dân làng.
Điều ác hiểm hơn, ban ngày thì mọi người trong làng là bạn bè của nhau, nhưng vào ban đêm khi mặt trời khuất sau dãy núi thì những người có thế lực (gọi là phái mạnh) bắt cóc những người nghèo khổ (gọi là phái yếu) trong xã hội đem bán cho các Pơ Tao giàu có trong vùng. Nếu là người con trai mạnh khỏe, Pơ Tao mua từ 20-25 con bò, nếu là người con gái đẹp và giỏi giang, Pơ Tao mua từ 25-30 con bò.
Thế rồi, một ngày kia, sau nhiều năm sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bị bắt đem bán cho bọn nhà giàu Pơ Tao, trong làng có hai chị em gái, Brăp là chị và Ju là em, đã đứng lên kêu gọi dân làng đi tìm vùng đất khác lập làng sinh sống.
|
Bấy giờ người Ba Na theo chế độ mẫu hệ, nên tiếng nói của phụ nữ có trọng lượng lắm. Chỉ qua một thời gian ngắn vận động, bằng quyết tâm sắt đá của hai chị em Brăp và Ju, nhiều người trong làng đã theo hai bà đi về phía Tây Bắc.
Từ vùng đất Kon Chro xa xôi, đoàn người lũ lượt kéo nhau vượt núi, băng rừng. Đi đến đâu, đàn ông lo săn bắn thú rừng và đàn bà hái lượm các loại trái cây trong rừng để ăn cầm cự qua ngày. Phải đến hàng tháng trời, dưới sự chỉ huy của hai chị em Brăp và Ju, đoàn người mới đến được dưới chân núi Jơ Lun và núi Kon Kơ Noh (giáp với huyện Kbang, tỉnh Gia Lai và cách làng Kon Brăp Ju hiện nay khoảng 8km) để lập làng.
Ở đây một thời gian, do không còn có cảnh bị bắt cóc, không còn bị làm nô lệ cho bọn nhà giàu Pơ Tao nữa, nên dân làng có cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Khi ấy, do cuộc sống du canh, nên dân làng chỉ phát rừng làm rẫy để trồng ngô, mía, chuối, lúa rẫy…và săn bắn thú rừng để kiếm kế sinh nhai. Để nhớ công lao của hai bà, dân làng đã đặt tên làng là Kon Brăp Ju. Trong đó, Kon là làng, Brăp là tên của người chị đứng trước và Ju là tên người em đứng sau.
Đến năm 1957, do cuộc sống trong rừng sâu nhiều thiếu thốn, nên dân làng đã nhất trí chuyển xuống địa điểm mới cách làng Kon Brăp Ju bây giờ khoảng 3km.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, được sự vận động của Đảng, Nhà nước, dân làng dời về làng mới bây giờ, gần với dòng sông Đăk Pne và tên làng vẫn giữ nguyên là Kon Brăp Ju thân thương để tưởng nhớ hai bà Brăp và Ju đã có công dìu dắt dân làng thoát khỏi cảnh nô lệ.
Kon Brăp Ju hôm nay
Về làng Kon Brăp Ju hôm nay, tôi thích thú đi qua chiếc cầu treo vững chãi dài trên 130m bắc qua con sông Đăk Pne.
Cũng theo già A Jring Đeng, năm 1996, chính già đã vận động dân làng làm cầu treo bắc qua sông để đến với Quốc lộ 24 (cách làng khoảng 300m) nhằm phá thế ngõ cụt và tạo sự giao thương với các xã trong vùng.
Ngày ấy, dân làng vào rừng chặt cây gỗ cà chít về làm trụ cầu, các loại cây gỗ khác làm mặt cầu và xin huyện hỗ trợ thép dây để buộc thành cầu qua lại.
Đến năm 2004, UBND huyện đầu tư xây dựng lại cầu treo này bằng sắt chắc chắn như bây giờ, xe máy có thể chạy qua từng chiếc một.
Qua khỏi cầu treo, tôi đi dọc theo con đường đã được trải bê tông phẳng phiu để vào làng. Chỉ đi khoảng hai trăm mét thôi, tôi không khỏi bất ngờ khi thấy những ngôi nhà xây san sát chẳng khác gì mấy so với khu phố ở thị trấn Đăk Rve. Dân làng ai nấy cũng đều thân thiện, mến khách.
Đứng trước nhà rông đồ sộ và uy nghiêm của làng, già A Jring Đeng kể với tôi về những phong tục tập quán của làng có tự ngày xửa ngày xưa. Sau một hồi suy tưởng, già bảo, dân làng vẫn còn lưu giữ được những lễ hội dân gian của dân tộc mình cho con cháu mai sau.
|
Già A Jring Đeng kể tiếp: Theo quan niệm của làng, hiện nay, trong làng có 92 nóc nhà có từ thời tổ tiên ông bà lập làng cho đến nay. Dù có sinh con đẻ cháu bao nhiêu, dù tách ra ở riêng nhiều hộ gia đình, thì tất cả các hộ gia đình cùng huyết thống vẫn chỉ tính một nóc nhà với tứ đại đồng đường cùng chung sống.
Hàng năm, cứ vào những ngày cuối năm âm lịch, dân làng tổ chức lễ cúng tết đầu năm (gọi là Pơ Lêh), vào giữa tháng 1 âm lịch làm lễ xuống giống lúa đầu năm (gọi là Ét Mốt), đầu tháng 10 dương lịch làm lễ cúng con dúi (gọi là Ét Đông), cuối tháng 11 dương lịch làm lễ mừng lúa mới (gọi là Ét Ba Koong).
Đây là những lễ hội lớn nhất hiện nay dân làng Kon Brăp Ju còn duy trì, mong muốn lớn nhất là mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào, cuộc sống an khang. Đặc biệt, lễ cúng con dúi (gọi là Ét Đông) là một trong những nét đẹp văn hóa của dân tộc Ba Na (nhánh Jơ Lâng) với khát vọng có cuộc sống no đủ. Bởi dân làng quan niệm rằng, con dúi là một loài động vật có bộ răng cứng, sắc nhọn, nên ăn được rất nhiều thức ăn có trong rừng và không bao giờ bị đói.
Các lễ hội nói trên đều được tổ chức tại nhà rông của làng để người dân từ già đến trẻ được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi cách làm ăn và để cầu sức khỏe, an khang. Vật chất để tổ chức các lễ hội là do sự đóng góp của các thành viên trong làng, ai có rượu đem rượu tới, ai có thịt đem thịt tới, hoặc đem bánh trái, măng rừng, cá suối, và tất nhiên, không thể thiếu những điệu múa xoang và tiếng cồng chiêng rộn vang rừng núi để mời tổ tiên về chung vui với dân làng trong ngày hội.
Sau bao nhiêu đời người chuyển dời từ chân núi Jơ Lun về đây lập làng cố định, nhà rông vẫn là linh hồn không thể thiếu được của mỗi người dân. Vì vậy, trước đây, mặc dù còn nhiều khó khăn, dân làng vẫn dựng nhà rông theo phong cách của người Jơ Lâng là vút cao ngạo nghễ, nhưng không được rộng rãi. Năm 2011, nhà rông đã được bà con dân làng đóng góp gần ngàn ngày công để làm lại. Sau 45 ngày, với sự chung sức của dân làng, dưới sự chỉ huy và thiết kế của già làng A Jring Đeng, nhà rông Kon Brăp Ju đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với chiều cao 16m, chiều rộng 10m, chiều dài 34m, có tổng diện tích 340m2. Trải qua gần 10 năm sử dụng, đến nay nhà rông vẫn uy nghiêm sừng sững đứng giữa làng như thách thức với thời gian nắng mưa, bão tố.
Trao đổi với tôi, ông A Nát - Thôn trưởng thôn 5 (làng Kon Brăp Ju) cho biết: Toàn thôn hiện có 179 hộ, 760 nhân khẩu, chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, nhờ áp dụng khoa học-kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi nên đời sống dân làng được nâng lên đáng kể, chỉ còn 24 hộ nghèo (13,4% tổng số hộ). Toàn thôn vẫn còn lưu giữ được 16 bộ cồng chiêng; có đội cồng chiêng và đội múa xoang. Đặc biệt, thế hệ trẻ trong thôn đã được các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy kỹ thuật chiêng xoang rất bài bản.
“Hàng năm, có hàng chục đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, ai cũng đều tấm tắc khen ngợi nét đẹp cổ xưa của làng. Phụ nữ trong làng ai cũng rất khéo tay may vá, dệt thổ cẩm, đan lát các mặt hàng mỹ nghệ truyền thống. Đặc biệt, tại các chòi rẫy của các hộ gia đình rộng từ 30-40m2, du khách có thể thưởng thức các món ăn đặc trưng của dân tộc Ba Na (nhánh Jơ Lâng) do bà con tự chế biến, như cơm lam, gà nướng, thịt chuột rừng, cá sông nấu măng đắng… Vì thế, UBND xã Tân Lập đã xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng làng Kon Brăp Ju - ông A Nát cho biết.
Trời về chiều. Bóng nắng đổ dài trên sườn núi Jơ Lun. Hơi nước từ mặt sông Đăk Pne phả lên mát rượi. Tôi rời khỏi làng Kon Brăp Ju trong sự kỳ vọng rằng, ngày trở lại, Kon Brăp Ju sẽ trở thành làng du lịch văn hóa cộng đồng đầy hấp dẫn đối với du khách.
Trần Văn Phúc