Dưới chân núi Ngọc Linh

26/03/2018 12:58

​Tu Mơ Rông được biết đến không chỉ là vùng căn cứ cách mạng, mà còn là vùng đất nổi tiếng với nhiều loại cây dược liệu quý hiếm. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Tu Mơ Rông phát triển…

Vùng đất cách mạng

Tháng 8/1959, Ban cán sự tỉnh Kon Tum tiếp thu phương hướng, nhiệm vụ của Khu ủy xây dựng tỉnh Kon Tum thành một tỉnh căn cứ cách mạng, xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng vũ trang, phòng chống địch càn quét, diệt ác ôn… và đã chọn địa điểm suối Đăk Y Hai, thuộc xã Măng Xăng (nay là xã Măng Ri) làm căn cứ hoạt động.

Sở dĩ vùng đất này được chọn làm khu căn cứ vì có địa hình chia cắt rất phức tạp, có hệ thống đồi núi liên hoàn nằm trong quần thể núi Ngọc Linh vô cùng hiểm trở, “dễ thủ khó công”.

Vùng đất này lại có một hành lang giao thông liên hoàn rất thuận lợi cho hệ thống liên lạc: Phía đông là căn cứ Khu ủy Khu V; phía nam là căn cứ cách mạng Tam Rông, Tu Kép, Tu Thó; phía tây là vùng căn cứ cũ… rất thuận lợi trong việc triển khai nhiệm vụ do Khu ủy Khu V giao phó.

Bên cạnh đó, đây còn là nơi có đủ điều kiện để tổ chức tăng gia sản xuất phát triển nông nghiệp, cung cấp lương thực, thực phẩm khá dồi dào cho quá trình hoạt động cách mạng lâu dài.

Trong suốt cuộc đấu tranh chống Mỹ, nhân dân các dân tộc trong vùng căn cứ ở xã Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri… đã tham gia tích cực trong mọi hoạt động phòng, chống quân thù.

Đặc biệt, riêng nhân dân xã Măng Ri đã có nhiều đóng góp to lớn cả về nhân lực cũng như vật lực để phục vụ cho cách mạng, phục vụ kháng chiến. Cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang, dân quân du kích xã đã trực tiếp tham gia 17 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt và làm tan rã 2 tiểu đoàn Mỹ - ngụy, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch; đưa đón và bảo vệ hàng trăm lượt cán bộ cấp trên đi về an toàn, tiếp nhận và nuôi dưỡng nhiều đơn vị chủ lực của tỉnh, quân khu trong thời gian tập kết tại địa bàn xã. 

Vào năm 2007, Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. 4 năm sau, vào năm 2011, Dự án tôn tạo, xây dựng khu di tích do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư được triển khai nhằm trùng tu, tôn tạo thành điểm tham quan, du lịch và là địa chỉ “về nguồn” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Đến nay, hàng năm, tuổi trẻ Kon Tum đều tổ chức những chuyến hành trình về nguồn tại khu căn cứ. Huyện Tu Mơ Rông cũng đã tích cực triển khai tuyên truyền, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với vùng căn cứ cách mạng này.

Hiện nay, 100% số xã trong huyện Tu Mơ Rông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân nhân” trong thời kỳ kháng chiến.

Xứ sở của dược liệu

Tu Mơ Rông là huyện nghèo nhất của tỉnh Kon Tum, nhưng địa phương này lại được thiên nhiên ưu đãi khí hậu quanh năm mát mẻ và đặc biệt là vùng đất có nhiều loại cây dược liệu quý như: sâm dây, sâm đương quy, ngũ vị tử...; đặc biệt nhất là sâm Ngọc Linh - loại dược liệu quý bậc nhất thế giới hiện nay và đã được công nhận là cây quốc gia.

Tận dụng những ưu điểm của thiên nhiên mang lại, huyện Tu Mơ Rông có chủ trương phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Trong đó, sâm Ngọc Linh, sâm dây, sâm đương quy được xem là những loại cây chủ lực, cũng là hướng thoát nghèo cho nông dân. Theo đó, đến nay nhiều hộ gia đình đã ổn định kinh tế nhờ trồng sâm trên mảnh đất quê hương mình.

Nói tới sâm Ngọc Linh nhiều người vẫn nghĩ xứ sở của nó hẳn chỉ ở vùng Ngọc Linh của huyện Đăk Glei. Thực ra nguyên sơ Tu Mơ Rông mới đích thực là “rốn sâm” và hiện tại Tu Mơ Rông mới là vùng đất phát triển được nhiều diện tích sâm Ngọc Linh nhất của tỉnh. Với độ cao bình quân 1.000m so với mực nước biển, núi non điệp trùng, Tu Mơ Rông đang là vùng đất lý tưởng cho giống sâm Ngọc Linh sinh trưởng.

Chẳng thể so sánh với sâm Ngọc Linh, nhưng hồng đẳng sâm (sâm dây) cũng là thứ dược liệu quý. Cho đến nay, người dân Tu Mơ Rông đang phát triển mạnh diện tích sâm dây và đây cũng là cây được Tu Mơ Rông xác định phát triển là cây trồng chủ lực để giúp người dân thoát nghèo, nâng cao đời sống.  

Vườn sâm Ngọc Linh của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại xã Măng Ri. Ảnh: V.P

 

Để định hướng phát triển, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng “Đề án Phát triển cây dược liệu có sự tham gia của cộng đồng trên bàn địa huyện giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025” nhằm tận dụng lợi thế về tiềm năng, đất đai, khí hậu... duy trì nguồn giống cây dược liệu trên địa bàn.

Đề án được phân thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ 2017-2020), phát triển mở rộng diện tích cây dược liệu khoảng trên 70ha ; giai đoạn 2 (2020-2025), nâng lên trên 160ha trong nhân dân.

Chủ tịch UBND huyện - A Hơn cho biết: Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020, huyện sẽ ổn định diện tích sâm Ngọc Linh 500ha và hồng đẳng sâm là 250ha. Nếu đạt được, Tu Mơ Rông cơ bản sẽ trở thành vùng chuyên canh dược liệu. Người dân hoàn toàn có thể sống bằng nghề trồng sâm. Hướng của tỉnh, huyện là quy hoạch Tu Mơ Rông thành vùng dược liệu mà sâm Ngọc Linh và hồng đẳng sâm là chủ lực… 

Nói đến Tu Mơ Rông, người ta nghĩ ngay đến vùng đất chất chứa nhiều tiềm năng lớn, trong đó, tiềm năng về du lịch được huyện xác định là cảnh quan thiên nhiên (Khu du lịch sinh thái Ngọc Linh), di tích lịch sử (Khu căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Kon Tum, Huyện ủy H80); các di sản văn hóa truyền thống vật thể, phi vật thể lâu đời của người Xơ Đăng và các loại cây dược liệu đã và đang được huyện tập trung phát triển thực sự trở thành xứ sở của vùng dược liệu trong tỉnh.

Những tiềm năng này là thế mạnh, là điều kiện góp phần để Tu Mơ Rông phát triển toàn diện, bền vững…

Văn Phương

Chuyên mục khác