28/01/2017 18:04
Già A Chạc kể, ngày xưa, bà con đồng bào Giẻ nơi đây không đón Tết Nguyên đán như bây giờ mà mỗi năm chỉ tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới theo phong tục truyền thống – đây được xem là lễ hội vui nhất, tưng bừng nhất và lớn nhất của người Giẻ trong năm. Sau khi gặt lúa, thóc lúa đưa về nhà kho đâu vào đấy, bà con tổ chức giết heo, gà, uống rượu cần mừng lúa mới tại nhà rông của làng. Ngày nay, hòa trong niềm vui chung, người Giẻ nơi đây đã tổ chức đón Tết cổ truyền dân tộc.
Dù cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tết đến nhà nào cũng tạo được không khí vui tươi, ấm áp. Cách Tết Nguyên đán cả tháng, bà con tranh thủ đi rừng để bẫy chuột, sóc về làm sạch sẽ rồi treo giàn sấy để dành tết đến mang ra chế biến các món ăn đãi khách; nhà nào chịu khó đi rừng có khi chuẩn bị đến 50 - 60 chục con chuột, con sóc, ít thì cũng được chục con mỗi loại – già làng A Chạc chia sẻ.
|
Với già A Chạc, vì tuổi đã cao, không thể đi rừng săn con chim, con chuột được nên gần Tết nếu ra suối bắt được cá thì gia đình ông thường chế biến món gỏi cá chua – món ăn truyền thống của người Giẻ thường làm vào các ngày lễ hội để sáng mùng Một tết cả nhà cùng ngồi nhâm nhi uống rượu ghè với nhau.
Sau khi mỗi nhà uống rượu cần ở nhà mình xong, bà con kéo nhau đến từng nhà trong làng để chúc năm mới cho đến hết 3 ngày tết.
Sinh ra sau ngày đất nước giải phóng, vì vậy chị Y Phúc ở làng Đăk Túc, xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei) biết được phong tục đón Tết Nguyên đán cùng dân tộc bên cạnh các lễ hội truyền thống của đồng bào Giẻ nơi đây. Ngày tết, chị không quên dọn dẹp nhà cửa, làm bánh quạt, mua sắm đồ mới cho các thành viên trong gia đình.
Bánh quạt của người Giẻ được gói theo dạng hình nón. Nguyên liệu làm bánh cũng từ gạo nếp như bánh chưng, bánh tét của người Kinh vậy. Tuy nhiên, khác nhau ở chỗ là nếu như bánh chưng, bánh tét gói bằng lá chuối, lá dong thì bánh quạt được gói bằng lá đót. Người Giẻ quan niệm, chiếc bánh là sự giao hòa giữa đất trời nên rất thích hợp để dâng lên thần linh, tổ tiên cầu mong những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
Gạo nếp đem vo sạch rồi trộn ít hạt muối vào cho có vị đậm đà. Lá đót hái từ rừng về rửa sạch rồi hơ lửa cho mềm. Để có chiếc bánh quạt thơm ngon phải chọn những lá đót vừa phải, lá không được quá già cũng không được quá non. Xếp 2 lá đót, giữ chặt phần mép lá rồi cuộn tròn lại thành hình phễu, sau đó xúc gạo nếp cho vào rồi cuộn lá lại và buộc lạt thật chặt.
|
Bánh gói xong đem ngâm nước khoảng hơn 1 giờ đồng hồ để gạo nếp mềm rồi vớt bánh ra cho vào nồi nấu khoảng 3 giờ đồng hồ thì bánh chín. Bánh không có nhân nên để được rất lâu. Bánh có vị rất thơm nếu được làm từ nếp rẫy; khi ăn bà con thường hay chấm cùng muối ớt.
Chị Y Phúc cho biết, thông thường, thời tiết ngày tết ở đây rất đẹp. Sáng ngày 30 tết, sau khi lo việc nhà xong, bà con dân làng tập trung tại nhà rông của làng, mỗi người một việc theo sự phân công của già làng để chuẩn bị cho đêm giao thừa. Có năm, được mùa thì bà con góp tiền mua heo, nếu không thì mỗi gia đình đóng góp một ít thịt chuột, thịt sóc hay con gà, rượu cần. Đàn ông thì làm thịt các con vật, trang trí nhà rông. Đàn bà thì chế biến các món ăn.
Thời khắc giao thừa, già làng thay mặt dân làng khấn Yàng sông, Yàng núi phù hộ dân làng sang năm mới có cuộc sống bình yên, no ấm rồi dặn dò con cháu, bà con dân làng cố gắng lao động sản xuất, không nghe lời xúi giục của kẻ xấu, góp phần dựng xây quê hương ngày một phát triển.
Sau lời cầu nguyện, dặn dò của già làng, bà con dân làng cùng nhau thưởng thức các món ăn, uống rượu ghè, đánh cồng chiêng nhảy múa thâu đêm. Trong 3 ngày Tết, các gia đình đến từng nhà nhau để chúc năm mới và được mời uống rượu ghè.
Những ngày cuối năm, xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) giăng phủ sương mờ. Trong căn nhà sàn dưới chân núi Ngọc Linh, già A Bảy (71 tuổi) ở thôn Tân Rát vừa đi săn con thú ở rừng về để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán ngồi sưởi ấm bên bếp lửa.
Nheo đôi mắt vì khói bếp, già cho biết: Dù ở vùng cao nhưng bà con đồng bào Giẻ nơi đây năm nào cũng đón Tết Nguyên đán vui lắm. Không cúng kính nhiều như đồng bào Kinh, bà con tổ chức đánh cồng chiêng, uống rượu ghè ở nhà rông, sau đó kéo đến từng nhà chúc nhau năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màn bội thu.
Món ăn ngày tết của bà con dân làng Tân Rát chủ yếu là thịt chuột, thịt sóc, thịt heo, đặc biệt không thể thiếu củ kiệu – được bà con dùng để giã cùng với muối và ớt chấm thức ăn vào ngày tết.
Kiệu trồng 3 tháng là có thu hoạch nên bắt đầu từ cuối tháng 10, người dân ở Tân Rát đã lên rẫy dọn đất, vun luống để xuống giống. Khác với củ kiệu người Kinh hay trồng, giống củ kiệu của bà con người Giẻ được trồng ở vùng núi cao nơi đây có củ nhỏ nhưng vị rất thơm và nồng. Sau khi củ kiệu nhổ về, bà con thường nhặt bỏ phần gốc, rửa sạch rồi cho cả lá và củ vào cối giã cùng với muối và ớt làm gia vị để chấm các loại thịt rừng - Già A Bảy cho tôi biết thêm.
Với bà con các làng đồng bào Ba Na ở Kon Tum, nhiều năm nay, ngày Tết Nguyên đán, nhà nhà gần như đều làm bánh chưng, bánh tét, rượu cần, thịt heo; gia đình nào đi rừng được thì bẫy thêm con chuột, con sóc.
Bận rộn với nghề may vá nhưng từ ngày 20 tháng Chạp, bà Banh ở làng Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất) đã tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ khăn trải bàn, chăn màn thật thơm tho để đón Tết Nguyên đán. Ông Chut chồng bà thì từ sau mùa mưa đã tranh thủ đi rẫy để lấy củi về chuẩn bị nấu bánh tét đón tết.
Tết Nguyên đán năm nào cũng vậy, bà Banh chuẩn bị cả chục ký nếp để gói bánh tét, dù không cúng 3 ngày tết như người Kinh nhưng cũng để chia cho con cái và biếu tặng sui gia.
Bà nói: Tết đến, gia đình bà không quên nồi bánh tét để tạo không khí ấm áp ngày xuân. Năm nào có điều kiện thì chung với họ hàng mua một con heo về xẻ thịt để chế biến các món ăn; năm không có điều kiện thì ra chợ mua vài ký thịt đủ cho 3 ngày tết. Đêm giao thừa, cả nhà cùng quây quần uống rượu ghè. Sáng mùng Một tết, cả nhà đến chúc Tết ông bà nội, ngoại. Sáng ngày mùng Hai, mùng Ba thì các thành viên trong gia đình phân chia người túc trực ở nhà để tiếp khách, còn lại thì đi chúc tết bà con họ hàng…
Dù cuộc sống của bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn nhưng thật vui khi mọi người đã cố gắng tạo cho không khí ngày tết cổ truyền của dân tộc ở mỗi thôn làng, mỗi gia đình luôn ấm áp, vui vẻ.
Sông Côn