Độc đáo lệ làng của người Ba Na

16/11/2016 18:06

Trải qua thời gian, lệ làng ngày càng được điều chỉnh, chọn lọc cho phù hợp hơn với xu thế phát triển và đến nay, cùng với pháp luật của Nhà nước, lệ làng vẫn tồn tại, góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng làng.

Hành lang pháp lý trong cộng đồng làng

Nói đến lệ làng tức là nói đến phong tục, tập quán đã hình thành trong nhiều năm, trong nhiều thế hệ. Đó là những quy ước của mỗi làng, mỗi cộng đồng mang tính chất vừa xác định hành vi tội phạm theo truyền thống văn hóa của cư dân, xác lập hệ thống tôn ti trật tự, chế định các mối quan hệ xã hội, vừa định hướng con người sống đúng trật tự.

Vì thế, lệ làng không chỉ như một hành lang pháp lý mà còn là những bài học để khuyên răn, hướng dẫn mọi người trong cộng đồng sống đúng theo tập tục truyền thống của dân làng, tổ tiên.

Ông A Jar (làng Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) – một người khá am hiểu về văn hoá của người Ba Na, cho biết: Đồng bào Ba Na thường cư trú theo từng làng; mỗi làng có tên, lãnh địa, luật quy ước, quy định riêng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng phương thức truyền miệng. Trong làng người dân đều sống theo nếp tự quản với những luật lệ do người tự đặt ra; già làng trước đây còn được gọi là chủ làng có nhiệm vụ quản lý chung.

Già làng có trách nhiệm quán xuyến đời sống mọi mặt trong cộng đồng làng và điều hành mọi hoạt động của làng, thực thi việc giữ gìn trật tự, mối đoàn kết trong làng theo những luật lệ đã được cộng đồng làng đặt ra... Có thể nói như một hành lang pháp lý trong xã hội xưa cũ để đảm bảo sự công bằng, ổn định, phát triển của mỗi cộng đồng làng – ông A Jar chia sẻ.

Cách xử lý các vi phạm theo lệ làng thể hiện tính dân chủ cộng đồng và tính quần chúng, từ việc hình thành và điều chỉnh các quy định, đến việc thi hành bao gồm việc bàn luận công khai dân chủ trong cộng đồng về các vụ việc, cùng thống nhất nhận định, kết luận về mức độ và tính chất của lỗi lầm, sai phạm, việc đưa ra các mức xử phạt và cuối cùng là theo dõi giúp đỡ sửa chữa, tránh tái phạm và thi hành các qui định của toàn thể cộng đồng.

Các điều phạt trong tục lệ của làng vừa mang tính chất giáo dục, răn đe, vừa ngăn chặn, đề phòng; qua đó, răn dạy mọi người không nên làm những việc xấu, điều ác, không trộm cắp, không loạn luân, không uống rượu say, không đánh đập vợ con…; lấy việc khoan dung, hoà giải làm trọng. Do đó, lệ làng thể hiện tinh thần trách nhiệm chung của cộng đồng đối với lỗi lầm.

Cũng theo ông A Jar, luật lệ của làng được thành viên trong cộng đồng làng nghiêm chỉnh tuân theo một cách tự giác. Qua cách xử lý như vậy, mọi thành viên từ già tới trẻ được giáo dục ý thức trách nhiệm, tinh thần xây dựng, sự hy sinh những tham vọng cá nhân vì lợi ích chung của gia đình, dòng họ, cộng đồng làng. Mỗi thành viên trong cộng đồng hiểu và biết điều chỉnh các hành vi của mình theo nguyên tắc của luật tục. Điều đó trở thành một nguyên tắc ứng xử trong xã hội.

Ông A Jar dẫn ra một vài ví dụ điển hình, chẳng hạn như theo tục lệ của người Ba Na trong làng Plei Đôn nơi ông ở, trước đây, để duy trì trật tự trong làng, xây dựng mối đoàn kết, ý thức tự giác lao động, lệ làng đã đặt quy định xử phạt đối với việc trộm cắp rất nghiêm ngặt. Nếu ai trong làng lấy trộm của người khác, làng phát hiện thì sẽ bị phạt trả lại gấp đôi số của lấy được và còn phải nộp cho làng, làm lễ để tạ lỗi với người bị lấy cắp cũng như dân làng và nghe già làng răn dạy.

Hay như việc thanh niên nam nữ “ăn cơm trước kẻng” hoặc chàng trai nào đó làm một phụ nữ có thai thì sẽ bị phạt rất nặng. Ngoài việc đền bù cho người con gái, chàng trai còn phải nộp phạt cho dân làng; còn cô gái cũng phải chịu nộp phạt cho làng bằng một con heo hoặc một con dê, bò, trâu.

Trong mỗi thôn làng của người Ba Na, luật lệ không chỉ được áp dụng để duy trì các mối quan hệ giữa những người cùng làng, mà còn có luật lệ liên quan đến việc bảo vệ sự tồn vong, phát triển của dân làng; duy trì các mối quan hệ với làng khác. Đó là những quy định về trách nhiệm bảo vệ ranh giới, đất đai của làng mình đối với mỗi thành viên...  

Trong các làng đồng bào của người Bana có nhiều tục lệ. Ảnh: T.H

 

Khách quan mà nhìn nhận, trong xã hội cũ, khi người dân mỗi làng sống biệt lập, chưa có quy định pháp luật chung đối với cả xã hội, thì việc xây dựng và thực thi luật tục là biện pháp để duy trì các mối quan hệ, trật tự trong mỗi làng và từ đó để cố kết cộng đồng.

Giữ lại những tinh tuý

Cùng với quá trình phát triển của đời sống, luật lệ trong các thôn, làng của người Ba Na cũng dần được điều chỉnh cho phù hợp với xã hội hiện đại và quy định của pháp luật. Người dân đã từng bước loại bỏ những luật lệ cổ hủ, lạc hậu, cực đoan và hiện nay, đa phần các làng chỉ giữ lại những nét tinh tuý. Cùng với việc tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, người dân các làng còn dựa trên các nguyên tắc của luật tục để tạo ra cân bằng và phát triển của cộng đồng.

Già làng A Wer (làng Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) kể một vài ví dụ về những luật tục mà người dân không còn áp dụng vì nó không phù hợp như: Trước đây, lệ làng quy định hình phạt đối với người ngoại tình, nếu vợ hoặc chồng ngoại tình thì sẽ phải bồi thường cho người kia và nộp phạt cho dân làng, tuỳ vào mức độ vi phạm. Nếu như ngoại tình lần đầu thì chỉ bị phạt heo, nếu tái phạm thì có thể bị phạt dê, bò, trâu... Nhưng ngày này, dân làng không áp dụng hình phạt mà chỉ khuyên răn, hoà giải nếu không được thì họ có quyền ly hôn theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đối với hành vi như trộm cắp hay đánh nhau thì dù lệ làng không còn quá nghiêm khắc như trước, nhưng vẫn được thực thi với những hình phạt phù hợp hơn song song với quy định xử lý, xử phạt của pháp luật.

Chẳng hạn như, nếu ai đó trong làng phạm tội trộm cắp bị phát hiện thì chỉ cần trả lại món đồ hoặc số tiền tương đương trị giá vật đã lấy, già làng sẽ nhắc nhở, giáo dục và làm một cái lễ nho nhỏ để hai bên hoà giải chứ không bắt phải trả gấp đôi và phải có heo, gà làm lễ xin lỗi như trước.

Hay như hình phạt đối với những người trong làng đánh nhau cũng nhẹ nhàng hơn, già làng sẽ xem xét xem lỗi thuộc về bên nào thì sẽ nhắc nhở, làm lễ uống rượu và xin lỗi đối với bên bị hại chứ không phải nộp phạt cho làng, hoặc nếu có cũng chỉ một ít để xây dựng quỹ làng và mang tính răn đe.

Ở nhiều nơi, việc kết hợp giữa luật tục và luật pháp được thể hiện rất rõ trong việc giao đất, giao rừng, gắn với luật tục và tập quán canh tác của đồng bào; trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế. Việc gắn kết cộng đồng theo luật tục trong phát triển kinh tế không chỉ phát huy tinh thần tự giác của cá nhân đối với việc công, mà còn tạo nên hiệu quả cao trong công tác bảo vệ rừng và khai thác hiệu quả theo mục đích của chương trình.

Có thể nói, trong đời sống hiện nay, lệ làng  hay luật tục của đồng bào Ba Na vẫn tồn tại khách quan và tham gia vào hệ thống luật pháp để quản lý, điều chỉnh các quan hệ xã hội trong cộng đồng. Như vậy, duy trì, phát huy những yếu tố tích cực, loại bỏ những hủ tục trong luật tục truyền thống là một công việc có ý nghĩa quan trọng để có thể xây dựng đời sống mới, củng cố mối đoàn kết của mỗi thôn,làng.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác