04/09/2022 13:11
|
Cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống như trút, khiến chúng tôi không kịp trở tay. Dưới mái tranh của lán nhỏ nằm cheo leo trên rẫy của bà con, 6 người chúng tôi quây quần, hong khô đồ đạc bên bếp lửa.
Ngắm những giọt nước đang chảy ngoài hiên, anh A Xây, thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục trò chuyện: Ngày trước, thời còn đói ăn, cứ mưa thế này là mọi người kéo nhau lên rừng đi bắt ếch. Còn đám trẻ chúng tôi thì coi đó như cuộc thi, đứa nào bắt được nhiều ếch hơn sẽ thắng. Sau đó mỗi đứa sẽ mang “chiến lợi phẩm” về nhà, hoặc góp chung lại rồi nấu ăn cùng nhau. Ếch bắt được có thể chế biến thành nhiều món ăn đa dạng. Tuy nhiên, truyền thống đối với người Giẻ Triêng chúng tôi chính là mòn ếch nấu lồ ô.
Lắng nghe câu chuyện của anh A Xây, cả nhóm chúng tôi bất chợt cùng nhen nhóm ước muốn được thưởng thức món ếch nấu lồ ô ngay trong bữa cơm chiều này.
Cơn mưa chiều vừa ngớt, chúng tôi chia thành 2 nhóm đi bắt ếch. Để chuẩn bị các nguyên vật liệu cần thiết, tôi theo anh A Xây đi vào rừng kiếm lồ ô và củi để nhóm lửa. Trong khi nhóm còn lại đảm nhận khâu tìm kiếm và sơ chế thịt ếch.
Men theo con đường đất nhỏ, khá lầy, xuyên qua khu vực rẫy của bà con, chúng tôi gặp một bụi lồ ô khá to nằm lồ lộ ngay bên đường.
Dùng chiếc rựa đã chuẩn bị sẵn trên tay, anh A Xây gõ vào từng thân lồ ô cốc… cốc… cốc! Vừa gõ, anh vừa giải thích: “Ngoài việc quan sát bề ngoài của cây, mình phải kiểm tra xem độ dày, mỏng của thân lồ ô. Bởi lồ ô sử dụng để nấu ếch không được quá non cũng không quá già. Nếu thân lồ ô quá mỏng, thời gian nướng bị hạn chế, thịt ếch sẽ không đủ lửa. Ngược lại, nếu vỏ lồ ô quá dày, thịt ếch trong ống sẽ rất lâu chín”.
Sau khi tìm được cây lồ ô ưng ý, chỉ với vài nhát rựa, cây ồ ô đã đổ xuống. Anh A Xây nhanh chóng phân lồ ô thành từng đốt, rồi dùng dây lạt buộc lại thành từng bó. Sau khi gom thêm một ít củi khô, chúng tôi trở về lán của mình.
Trong lán, nhóm anh A Quân đang tất bật chế biến, chặt thịt ếch, chúng tôi cùng phụ giúp. Vừa làm, anh A Xây vừa trò chuyện: Người Giẻ Triêng mình quý trọng thức ăn lắm, vì thế cả con ếch hầu như không bỏ bộ phận nào ngoài nội tạng. Sau khi rửa sạch sẽ, ếch được ướp chung với tiêu rừng, củ kiệu và muối. Sau đó, người chế biến sẽ lấy quả bí chín hườm bào thành từng miếng nhỏ rồi bóp chung với thịt ếch, sau đó cho vào ống lồ ô rồi lấy lá rừng bịt lại phần miệng ống, cứ thế nướng trên lửa than.
|
Trong quá trình nướng thịt ếch trong ống lồ ô trên lửa, người chế biến phải lưu ý không được đặt ống lồ ô theo phương nằm ngang, mà phải đặt nằm nghiêng (tạo thành góc khoảng 45 độ với bề mặt bếp). Đồng thời, suốt thời gian này, người chế biến phải thường xuyên xoay tròn lồ ô trên bếp để lửa bắt đều khắp mặt ống, như vậy thịt ếch bên trong sẽ được chín đều. Khoảng 30 phút, sau khi có mùi thơm tỏa ra ngào ngạt, kèm theo tiếng nước sôi sục sục trong ống, có nghĩa là món ăn đã chín.
|
Thấy đã đủ lửa, anh A Xây nhanh chóng gắp ống lồ ô ra khỏi bếp, sau đó mở phần lá rừng bịt ở miệng ống rồi dốc xuống bát, gõ mạnh vào đáy lồ ô. Cứ thế, phần thịt ếch trắng nõn cùng bí bào nhỏ nằm gọn trong chiếc bát. Khuôn mặt của chúng tôi ai nấy đều không kìm nổi vẻ háo hức, chờ đợi được thưởng thức món ăn này.
Làn khói mang mùi thơm quyến rũ của thịt ếch, gia vị tỏa khắp lán nhỏ. Nhấm miếng hỗn hợp thịt ếch, cảm nhận đầu tiên của tôi chính là vị thanh đặc trưng của tiêu rừng dần lan tỏa từ đầu lưỡi đến khắp khoang miệng; tiếp đến là vị thơm của củ kiệu hòa quyện với độ bùi, ngọt của bí như tan vào nhau, tạo nên một sự kết hợp hài hòa đến khó tả. Phần thịt ếch vẫn giữ được độ mọng nước, mềm như thịt gà và béo ngọt.
Điểm đặc sắc nhất của món ăn này, còn có thể kể đến chính là phần nước thịt hỗn hợp. Khi được nướng trên lửa, phần nước tự nhiên từ lồ ô và bí tiết ra, tạo thành thứ nước hòa quyện với nhau. Phần nước mang vị ngọt thanh, đậm đà. Đây chính là yếu tố đặc trưng, khiến cho người thưởng thức bị cuốn hút, khó quên.
Trong lúc chúng tôi đang tấm tắc khen ngon, anh A Xây nói về nguồn gốc của món ăn này: Ngày trước, món ếch nấu lồ ô thường được bà con nấu vào tháng 11 –12 hàng năm. Đây là thời điểm thu hoạch ruộng lúa, bà con phải rời nhà lên rẫy suốt nhiều ngày liền. Ban ngày, cả gia đình người Giẻ Triêng sẽ cùng nhau tuốt lúa. Còn khi đêm xuống, người chồng sẽ đi soi ếch. Ngày đó không có đèn pin hiện đại như bây giờ, để có ánh sáng, bà con thường sử dụng lồ ô chẻ nhỏ rồi bó lại, sau đó dùng cây xà nu để mồi lửa. Như vậy, một ngọn đuốc đơn giản đã được hoàn thành, cung cấp đủ ánh sáng để bắt ếch. Sáng ngày hôm sau, người vợ sẽ dậy trước tiếng gà gáy, sử dụng số ếch mà chồng bắt được để nấu thịt ếch và bữa sáng cho cả nhà. Các gia vị nấu thịt ếch có sẵn trong rẫy. Chính vì vậy, bà con thường chế biến món thịt ếch để ăn hàng ngày cùng với gạo nếp hoặc cơm lam.
Ngày nay khi đời sống ngày càng hiện đại, các hàng quán, phiên chợ cũng mọc lên nhiều, việc sinh hoạt của bà con người Giẻ Triêng nơi đây không còn quá phụ thuộc vào tự nhiên như trước nữa. Bà con đã biết áp dụng máy móc, khoa học vào sản xuất. Việc thu hoạch lúa, nông sản đã trở nên đơn giản hơn trước rất nhiều. Các gia đình không phải rời nhà nhiều ngày để lên lán trại canh tác nữa. Cũng vì thế mà dần dần, món ếch nấu lồ ô cũng ít xuất hiện trên mâm cơm của bà con người Giẻ Triêng. Theo đó, món ăn này giờ chỉ là những câu chuyện của thế hệ trước hay sự hoài niệm được lôi ra từ kí ức.
Được thưởng thức món ăn dân dã thịt ếch nấu ống lồ ô, đối với tôi thật sự là một điều may mắn và là một trải nghiệm đáng nhớ khi đến với địa bàn xã Đăk Dục. Tôi thầm tự nhắc bản thân mình cần phải lưu lại thật kỹ hương vị và cách chế biến của món ăn này, để kể lại câu chuyện ẩm thực khá độc đáo của người Giẻ Triêng nơi đây.
Tất Thành