Đi dọc đường xã Hiếu

24/01/2017 08:14

Chúng tôi về xã Hiếu trong một ngày cuối đông, trời dịu nắng. Con đường mòn xẻ đôi những con dốc, rồi lại nối dốc len lỏi dưới tán rừng. Rừng xã Hiếu mênh mông, rộng lớn che chở cho gần 2.900 người đồng bào dân tộc thiểu số M’Nâm, H’Re sống yên vui dưới tán rừng.

Có dịp đi dọc đường xã Hiếu, chúng tôi tận hưởng không khí trong lành và để hiểu thêm con người, cuộc sống của đồng bào nơi đây.

Nắng cuối đông rọi khắp đồi rừng, theo chân A Lơn và A Lah - hai thanh niên làng Đăk Liêu, chúng tôi băng qua các thôn, làng và lội rừng. Với sự đa dạng cả về động vật và thực vật của rừng, việc lội rừng xã Hiếu là một cơ hội để chúng tôi trải nghiệm thực tế với thiên nhiên hoang dã. Con đường gập ghềnh, dốc và dốc, dù thế, nhưng ai đã một lần đặt chân đến sẽ nhanh chóng bị không gian huyền bí của rừng và cảnh sống của người dân nơi đây cuốn hút…

Cứ mỗi lần đi trên những nẻo đường xã Hiếu, trong chúng tôi lại cảm thức về quá khứ và hiện tại. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Hiếu luôn là căn cứ của Quân khu 5 và Tỉnh ủy Kon Tum. Đồng bào dân tộc ở đây có lòng yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc.

Trước khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân ở đây đã có phong trào đấu tranh tự phát, chống áp bức, bóc lột, chống đi phu, chống bắt lính. Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân đoàn kết một lòng, một dạ trung thành với Đảng và đi theo Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối của Đảng, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, từng bước xây dựng phong trào, đấu tranh chống giặc. Tháng 4/1947, Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở xã Hiếu. Đây cũng là nhân tố  đầu tiên của Đảng bộ huyện Kon Plông.

Địa hình của xã Hiếu chủ yếu là đồi núi hình bát úp trải dài khắp xã, có nhiều loại gỗ quí như pơ mu, dổi… Độ che phủ của rừng đạt 78% diện tích đất tự nhiên. Với nhiều sông suối nhỏ, xã Hiếu là nơi còn lưu trữ được nhiều loài cá quý, ngon, bổ như cá niêng, cá chình, cá phá…

Xã Hiếu có khí hậu á nhiệt đới gió mùa cao nguyên; còn ảnh hưởng gió mùa đông bắc của vùng duyên hải miền Trung kèm theo mưa, gió và sương mù; có lượng mưa trung bình từ 1.200-1.750mm. Tuy nhiên từ tháng 1 đến tháng 6 hằng năm, khí hậu rất mát và đẹp. Nhiệt độ trung bình năm là 22-25ºC. Tài nguyên nước ở xã Hiếu rất lớn, là nguồn nước đầu nguồn của các con sông Trà Khúc, sông Ba; có tiềm năng nhiều về thủy điện.

Điện, đường, trường, trạm xã Hiếu.Ảnh: L.S

 

Chúng tôi ngồi trên một tảng đá lớn dựa lưng vào sườn núi Đăk Liêu, nhìn suối Nước Liêu lách qua từng khe đá. Gió núi lồng lộng thổi mát rượi, chỉ vài phút thôi, bao mệt mỏi cùng những giọt mồ hôi như bay đi hết.

Tại dòng suối này, nghe nhiều người dân kể giai thoại về ông Đinh Hiếu. Ông là người xã Ba Thành, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) hoạt động cách mạng tại xã Hiếu giai đoạn 1949-1952, bị giặc Pháp sát hại trong một buổi sáng chúng đi càn tại suối Nước Liêu. Ông sống gần gũi, máu thịt ân tình, nên người dân vùng Măng La lấy tên ông đặt cho xã Hiếu.

A Lah chỉ tay về phía những ngôi nhà ngói xa xa, qua những ruộng lúa nước đang lên xanh mướt và nói đó là làng Đăk Liêu. Rồi anh thân tình cho biết: Mình sinh ra và lớn lên từ vùng rừng xanh thẳm này. Trước kia làng Đăk Liêu là những chóp nhà lúp xúp, nhưng từ ngày có Chương trình 167, hầu hết các nhà đều lợp ngói, chống chọi được sương muối ai cũng thích. Theo tập tục của người M’Nâm, H’Re, việc sử dụng sản vật từ rừng phải trong chừng mực cho phép.

Trong xây dựng nhà, người M’Nâm không bao giờ dùng duy nhất một loại gỗ quý. Khung nhà phải được dựng bằng nhiều loại cây khác nhau. Đó là cách hành xử hợp lòng Yàng. Luật tục này là những lời dạy thiêng liêng của ông bà để lại, mọi thành viên của cộng đồng phải trân trọng giá trị của rừng. Nếu ai có hành vi sai trái với lời dạy của ông bà thì phải bị làng xét xử. Ngày xưa rừng xã Hiếu cứ thế mênh mông.

Sản xuất lúa Đông Xuân ở xã Hiếu. Ảnh: L.S

 

Điều chưa yên lòng là mức sống đồng bào ở vùng sâu, vùng xa này vẫn còn thấp; đây đang là tiêu chí của mục tiêu cháy bỏng trong chương trình lớn: Xây dựng nông thôn mới. Theo Chủ tịch UBND xã Hiếu- Hoàng Thanh Hải, thì đến cuối năm 2016 xã Hiếu còn 535 hộ nghèo và 40 hộ cận nghèo. Tết này, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước mỗi hộ nghèo được trợ cấp 500.000 đồng, hộ cận nghèo 200.000 đồng; còn có sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị đỡ đầu theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy giúp bà con vui tết.

Năm nay, theo chủ trương của tỉnh, xã Hiếu sẽ tổ chức “Ngày hội bánh chưng xanh”, trước mắt tổ chức điểm ở làng Vi Choong gói 200 bánh chưng cho nhân dân trong làng, sau đó tổ chức các làng còn lại. Món quà dân dã khai lộc đầu năm sẽ làm sôi động các thôn, làng xã Hiếu.

Có đi dọc đường quê xã Hiếu, mới tận mắt chứng kiến những phận người, phận đời cùng với biết bao bí ẩn của vùng căn cứ cách mạng năm xưa mà nhiều người chưa khám phá hết. Ai đến đây rồi chắc sẽ yêu, sẽ thương và sẽ trân trọng những con người của vùng rừng núi này.

Xã Hiếu sẽ là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai ưa thích du lịch về nguồn, tìm về những địa danh mà thế hệ cha anh chúng ta từng hoạt động. Những hành trình trải nghiệm từ rừng ở xã Hiếu sẽ giúp du khách tiếp tục có những chuyến đi háo hức về phía đại ngàn Kon Plông.

                                                                        Dương Lê

Chuyên mục khác