03/09/2019 13:00
Làng Kon Drei nép mình bên dòng Đăk Bla hiền hòa. Giữa làng, nhà rông được làm theo đúng nguyên mẫu truyền thống của dân tộc Ba Na với mái tranh cao vút, sừng sững như một lưỡi rìu vươn lên trời. Chống đỡ cho nhà rông trước những khắt nghiệt, giông bão là những hàng cột gỗ cao to, vách thưng bằng lồ ô… Nhà rông này được dân làng phục dựng đầu năm 2018. Và, mấy năm nay, khoảng sân rộng rãi trước nhà rông luôn rộn ràng tiếng trống, tiếng cồng chiêng và nối vòng xoang vào những tối thứ bảy, chủ nhật trong những tháng hè hay những dịp làng có lễ hội và tổ chức các sự kiện trọng đại.
Thôn trưởng A Trich tự hào khoe: Đội cồng chiêng của làng có hơn 40 thành viên, người già nhất năm nay tròn 88 tuổi, trẻ nhất mới 13 tuổi; đội xoang nữ có hơn 30 người chủ yếu là thanh thiếu niên. Riêng đội chiêng được chia làm 3 lứa tuổi là đội người già, đội trung niên và một đội chiêng nhí lứa tuổi học sinh. Mấy năm qua, các thành viên trong đội chiêng, xoang người lớn chỉ dạy cho người nhỏ, mọi người bảo nhau cùng gìn giữ, bảo tồn các giá trị của cồng chiêng, múa xoang. Rồi cứ thế, các thế hệ nối tiếp nhau để tiếng cồng, tiếng chiêng của dân tộc mình vang vọng mãi mãi.
Già A Khiu năm nay đã 82 tuổi, dù đôi chân không còn nhanh nhẹn, mắt không còn tinh anh, nhưng cứ nói đến cồng chiêng là già phấn chấn, vui vẻ khác thường. Mấy năm rồi, già dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để “truyền lửa” và dạy bảo các con cháu cách đánh cồng chiêng.
Già A Khiu say sưa kể: Già có may mắn là ngay từ nhỏ được đắm mình trong các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na cùng với những tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng núi rừng. Thứ âm thanh ấy khi ngân nga sâu lắng, trầm hùng, khi thôi thúc… cứ vang lên theo từng lễ hội của làng, theo bước chân nhịp nhàng của các thiếu nữ thể hiện trong các điệu xoang, rồi hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió đã làm già mê mẩn nên theo người lớn học cho bằng được.
Dừng lại một lúc như để hồi tưởng lại một thời tuổi trẻ sôi nổi, đắm say với các lễ hội của làng, già A Khiu tiếp tục câu chuyện: Từ khi còn thanh niên, già đã trở thành người đánh cồng chiêng giỏi nhất làng và biết cả chỉnh chiêng nữa. Nhiệm vụ của già bây giờ là phải chỉ dạy cho lũ trẻ hiểu được “tiếng nói” của cồng chiêng, tình yêu với cồng chiêng và kỹ năng đánh cồng chiêng để khi về với tổ tiên, núi rừng thì vẫn có lớp con cháu tiếp nối.
|
Theo già A Khiu, cồng chiêng là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Ba Na nói chung và dân làng Kon Drei nói riêng. Trong tất cả các lễ hội của làng từ lễ mừng nhà rông mới, lễ hội nước giọt, các ngày lễ tết khác trong năm, cho đến các nghi lễ vòng đời trong mỗi gia đình như lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, đám ma... đều phải có tiếng cồng chiêng. Âm thanh của cồng chiêng có sức “quyến rũ” lạ thường, nghe cồng chiêng người ta như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội, như tiếng vọng âm vang của đại ngàn…
Về tín ngưỡng, đồng bào Ba Na quan niệm cồng chiêng là nhạc của quyền uy, linh thiêng do Yàng ban phát cho con người. Tiếng cồng, tiếng chiêng là ngôn ngữ thay thế tiếng nói của con người giao tiếp với thần linh. Vì thế mà, người xưa sáng tạo ra rất nhiều bài chiêng khác nhau phù hợp với từng nghi lễ, trong đó có các bài chiêng cơ bản như đón khách đến thăm nhà, đâm trâu mừng nhà rông mới, mừng lễ hội nước giọt, mừng lúa mới… Tùy vào từng lễ nghi mà giai điệu cồng chiêng khác nhau, có khi thong thả, nhịp nhàng khoan thai; có khi rộn ràng, sôi nổi; có khi trầm buồn, sâu lắng...
“Nếu không có cồng chiêng, ngày tết, các ngày lễ hội của dân làng cũng sẽ không vui, không tập trung được lũ trẻ, trai, gái và nhiều người nữa” - già A Khiu chia sẻ thêm.
Cùng với già A Khiu, những người lớn trong làng thạo cồng chiêng cũng nỗ lực truyền dạy cho con cháu. Hiểu được ý nghĩa, tấm lòng của những người đi trước, lớp người trẻ trong làng ra sức luyện tập. Có những em chưa xách nổi chiếc chiêng to nhưng cũng theo người già để học. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy thế hệ trẻ ở làng Kon Drei không thờ ơ với văn hóa dân tộc.
Anh A Nglứp giãi bày: Cồng chiêng là bản sắc của dân tộc mình, là tài sản vô giá cần phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy nên mình cũng như những đàn ông khác trong làng luôn nỗ lực học hỏi, sau này còn chỉ dạy cho con cháu để các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình không bị mai một.
Cùng với cồng chiêng, những vũ điệu xoang là một phần không thể thiếu trong một lễ hội.
Đội xoang gồm toàn chị em nữ nên mỗi buổi tập luyện luôn được bắt đầu từ tiếng cười, tiếng hát vui nhộn và kết thúc bằng những điệu múa duyên dáng, nhịp nhàng. Có những cô bé bình thường khi nói chuyện thì bẽn lẽn, ngại ngùng; ấy vậy mà khi tiếng chiêng cồng ngân lên là đôi mắt sáng rực lên, lại nhịp tay, nhịp chân, tràn đầy sức sống, dường như âm vang tiếng cồng chiêng và điệu xoang đã “chảy trong huyết quản” của các em từ khi mới lọt lòng mẹ.
Y Na kể: Em bắt đầu tập điệu múa xoang này từ năm 14, đến giờ đã được 10 năm rồi. Em cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được múa những điệu xoang của dân tộc mình. Cô Y Dzoar là người chỉ dạy cho em múa và em cũng đang cố gắng để chia sẻ, dạy lại cho các em nhỏ trong làng.
“Trước đây, tôi cũng học hỏi từ những người già, giờ mình biết thì phải chỉ dạy cho những người trẻ. Tôi tập cho mấy em từ nhỏ để các em hiểu và giữ lấy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc và tiếp tục truyền dạy cho các thế hệ sau. Được cái, các em cũng rất đam mê nên hăng hái tập múa. Mặt khác, điệu xoang như điều tự nhiên sẵn có trong tâm hồn của mỗi người nên chỉ cần mình biết cách “đánh thức” là các em tiếp thu rất nhanh” - chị Y Dzoar bày tỏ.
Theo các nghệ nhân trong làng, múa xoang là sự phối hợp giữa co chân, duỗi tay, nhún nhảy thể hiện sự dịu dàng và uyển chuyển của người phụ nữ. Điệu xoang của người Ba Na mang chất liệu khỏe khoắn, hồn nhiên, mộc mạc như chính mảnh đất và con người Tây Nguyên. Trong các điệu múa, mọi người di chuyển bằng những bước đi ngắn, nhịp nhàng, trong khi tay mô phỏng các động tác lao động sản xuất như làm cỏ, dệt vải, xúc cá, hái rau…
Mỗi bài xoang trong mỗi dịp, mỗi lễ hội được thể hiện một cách khác nhau, ví như trong không khí vui tươi của đám cưới, của lễ mừng nhà mới thì nhảy nhanh để cảm thấy vui vẻ, còn như trong đám ma thì không khí buồn thì điệu nhảy cũng khác, chậm hơn, buồn hơn…
Người dân làng Kon Drei còn khôi phục được nhiều lễ hội dân gian như lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ cưới truyền thống của người Ba Na. Đây là “đất” để cồng chiêng được phát huy. Âm thanh cồng chiêng vang lên không chỉ là lời tạ ơn của người dân trong làng với thần linh, thể hiện niềm vui và ước mong mùa màng bội thu, dân làng no ấm, yên bình mà nó còn là chất men say lôi cuốn các chàng trai, cô gái vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội của làng. Bên ché rượu cần tình cảm làng xóm nhờ đó được thắt chặt hơn. Rồi sau khi men rượu chuếnh choáng, những người già lại say sưa bày cho những người trẻ những nhịp chiêng, điệu xoang. Cứ thế, người đi trước dẫn đường, người đi sau “tiếp lửa”, dân làng Kon Drei đang từng ngày, từng ngày tạo nên sức sống cho cồng chiêng của dân tộc.
Thế nhưng, theo Thôn trưởng A Trich, để có được niềm tự hào này, câu chuyện bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc của dân làng Kon Drei cũng đã trải qua bao thăng trầm. Một thời gian trước, người dân trong làng vì lầm lỡ tin theo tà đạo Hà Mòn mà bỏ bê mọi công việc, trong đó có cả việc xây dựng đời sống văn hóa, tổ chức sinh hoạt cộng đồng và gìn giữ bản sắc truyền thống. Từ năm 2015, khi được các cấp chính quyền và đoàn thể địa phương tuyên truyền, giải thích, mọi người trong thôn Kon Drei hiểu chuyện, từ bỏ tà đạo, quay về chăm chỉ làm ăn và cùng nhau làm “sống dậy” tiếng cồng chiêng cùng những điệu xoang nhịp nhàng của dân tộc Ba Na.
Chỉ với những chiếc cồng, chiếc chiêng rất đơn giản, nhưng với tài hoa, tình yêu của người dân làng Kon Drei, âm thanh cồng chiêng và những điệu xoang dặt dìu làm say lòng bất kỳ ai khi có dịp thưởng thức.
Già A Khiu khẳng định với chúng tôi trong vẻ phấn chấn, tự hào rằng: “Khi giữ được những giai điệu cồng chiêng tức là dân làng Kon Drei đã giữ được cái hồn, cái cốt của văn hóa dân tộc mình”.
Thùy Hương