01/05/2017 18:03
Với tâm hồn phong phú, cuộc sống lao động gắn kết cộng đồng, đồng bào Ba Na đã sáng tạo nên một kho tàng dân ca, dân vũ khá đồ sộ về quy mô và phong phú về thể loại, làn điệu.
Nghệ nhân A Thút (làng Đăk Vớt, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) chia sẻ: Với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Ba Na nói riêng, những giai điệu mượt mà, lắng đọng của dân ca đã ăn sâu trong tâm thức, trong máu thịt của mỗi con người từ khi sinh ra, lớn lên cho đến khi về với tổ tiên. Dân ca bắt nguồn từ cuộc sống và gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân. Những bài dân ca mang nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đi sâu vào nhiều lĩnh vực nhằm ca ngợi cái đẹp trong lao động sản xuất, trong tình yêu nam nữ, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước, thiên nhiên hùng vĩ...
Trong cuộc sống hàng ngày, trong các lễ hội, đồng bào Ba Na có thể thiếu áo, váy mặc đẹp, cơm thịt thơm ngon nhưng không thể thiếu được lời ca, tiếng hát. Qua những khúc hát dân ca ấy, mọi người thêm gần gũi, hiểu nhau hơn và quên đi những mệt nhọc trong lao động; đồng thời, mỗi bài hát này cũng chính là những bài học đạo đức, giáo dục con người sống nhân ái hơn, bao dung hơn, yêu thương nhau hơn, lạc quan hơn, yêu lao động hơn… Điều đặc biệt là trong mỗi người dân, hầu như ai cũng có khả năng ứng tác; mọi thứ mình làm, mình thấy đều có thể vận vào các làn điệu sẵn có để trở thành những bài hát dân ca.
|
Giai điệu của dân ca Ba Na cơ bản giống nhau, nhưng với mỗi làn điệu khác nhau lại được diễn xuất với giọng điệu, âm hưởng khác nhau, nhờ đó mà bài hát trở nên mượt mà, mềm mại, êm ái, tha thiết hay khoẻ khoắn, hùng tráng… Nội dung của lời hát rất phong phú và hấp dẫn từ những hiện tượng tự nhiên như mây, mưa, trăng, gió, cỏ cây, núi đồi, đến cả những hoạt động xã hội như mừng ngày mùa, mừng chiến thắng, những lời chúc an lành, may mắn trong năm mới…
Theo nghệ nhân A Thút, trong dân ca Ba Na, thể loại đầu tiên phải nói tới là hát ru. Những giai điệu êm ái, mượt mà trong lối hát ru của người Ba Na ẩn chứa những nét rất riêng biệt. Trước hết là kiểu cách ru con, trẻ con Ba Na từ khi sinh ra đã không nằm nôi, không nằm võng, thậm chí giường cũng không mà tất cả đều nằm trên lưng mẹ, lưng chị... Người mẹ trỉa bắp, trỉa lúa hay vừa giã gạo, lấy nước vừa địu và ru con trên lưng; tiếng hát ru đung đưa, trầm bổng theo sự chuyển động của từng động tác lao động của cơ thể người mẹ.
Không chỉ người mẹ hát ru con mà cả người chị, người bà cũng hát ru. Những bài hát ru luôn phải ngắn gọn, mộc mạc dễ nhớ, dễ thuộc, từng lời hát vừa như nhắc nhở cho con biết về cội nguồn, bổn phận phải làm gì cho dân làng thương, làng quý vừa thể hiện tình yêu thương chan chứa, sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái...
Ông A Thút cất tiếng hát trong trẻo của khúc hát “ru em” (Lung oh): “Đừng khóc em nhé em thương em cưng của chị. Nín nín đi em mẹ đang se chỉ dệt vải. Mẹ dệt cho chị em ta, mẹ muốn có ích cho gia đình. Nín nín đi em chúng ta có khăn mới áo mới… Nín nín - hãy ngủ đi em, em cưng em thương của chị”.
Từng lời, từng lời vừa da diết, sâu lắng như hơi thở, như tiếng lòng của người Ba Na, lại vừa như vẽ nên một bức tranh về cuộc sống sinh hoạt rất đỗi mộc mạc, thân quen trong mỗi gia đình: chị trông em, mẹ thì dệt vải... Từng lời hát đầm ấm của người chị đã ru đứa em dần đi vào giấc ngủ say để cho mẹ làm việc...
Cùng với hát ru, trong kho tàng dân ca Ba Na, những bài hát thể hiện đời sống lao động sản xuất gắn với hoạt động canh tác nương rẫy cũng rất đa dạng, phong phú. Theo tài liệu nghiên cứu của ngành văn hóa, đồng bào Ba Na sống chủ yếu bằng việc canh tác nương rẫy và lúa rẫy là nguồn lương thực chủ yếu nuôi sống dân làng nên mỗi năm một mùa họ rất chăm lo, bảo vệ nguồn lương thực này.
Ngày xưa, có rất nhiều loài vật thường phá hoại mùa màng, chính vì thế, trong lao động, người dân đã sáng tạo ra những biện pháp để bảo vệ thành quả lao động từ việc làm bẫy, chế tác ra các dụng cụ, nhạc cụ đến việc canh trực để đuổi chim muông, thú dữ và không biết tự khi nào, những lời nói, những động tác đuổi chim thú đã trở thành những lời hát mượt mà, uyển chuyển.
Ví như khúc hát “Đuổi chim sẻ”: “Ơi chim sẻ ơi, đừng ăn lúa chúng tôi. Ơi chim sẻ ơi, lúa đồng vừa chín, lúa rẫy chín vàng. Vừa đủ cho chúng ta ăn, vừa đủ cho ta ăn cơm, dắt nhau lội nước cạn, dắt nhau lội nước sâu...” để đuổi loài chim phá lúa đi.
Hay như lời bài hát “Con ốc giữ chim” kể về câu chuyện 2 con người đối lập nhau về hoàn cảnh, 1 người mồ côi, cuộc sống rất khó khăn, 1 người là địa chủ giàu có. Ruộng rẫy của nhà giàu lúc nào cũng có người canh nên chim không thể nào xuống phá lúa mà tập trung sang ăn lúa của anh chàng mồ côi nên mùa nào cũng thất thu. Một hôm anh buồn quá, ngồi khóc than thở số phận, vậy là có một con ốc nghe thấy những lời thảm thiết liền bò lên hỏi sự tình, anh kể cho ốc nghe về hoàn cảnh của mình. Con ốc thương tình về huy động anh em, con cháu ra đuổi chim dùm. Thấy ruộng lúa của anh chàng mồ côi không bị chim ăn, ông địa chủ rất ngạc nhiên, cho người đi tìm hiểu…
Những bài hát chỉ giản dị như vậy thôi, nhưng dễ đi vào lòng người; phản ánh cuộc sống lao động vất vả, đầy rủi ro cũng như tình yêu cây lúa, quyết tâm bảo vệ mùa màng của người dân.
Một thể loại dân ca khác của dân tộc Ba Na thường được thấy trong cuộc sống hàng ngày, trong lao động sản xuất đó là hát dệt vải do nam và nữ thể hiện.
“Có sợi bông Y Jrẽnh dệt vải bông sợi bông. Y Jrẽnh dệt vải đây chăn đắp hạt cườm lóng lánh, đây tấm áo ông cha khi xưa, đây tấm áo cha ông năm xưa. Jrẽnh dệt vải, kéo sợi, se chỉ cho mái nhà Rông thêm vui khắp nơi rộn ràng tiếng cười. Ô! đêm nay buôn làng mở hội. Ô! đêm nay làng mở hội.
Vải dệt vải cô em Ba Na, tay thật khéo kéo chỉ hình bông hoa. Áo khăn đẹp xinh bạn cười khoe áo mới. Áo khăn đẹp xinh cho thôn làng thêm tươi...”. Bài hát là một câu chuyện kể rằng vào một ngày nọ có một chàng trai đi ngang qua thấy cô gái dệt vải giỏi anh cất lời khen ngợi. Cô gái ấy tên là Y Jrẽnh. Tuy nhiên, Y Jrẽnh chỉ là một cái tên cụ thể tượng trưng cho tất cả những người phụ nữ Ba Na khéo tay, giỏi giang với nghề dệt vải truyền thống. Bài hát còn là lời nhắc nhở để cho con cháu biết giữ nghề truyền thống của mình.
Vào những dịp có lễ hội lớn của các thôn làng người Ba Na, những khúc tình ca giao duyên dạt dào tình cảm, xao xuyến lòng người... cũng được nam nữ hát để trao gửi tình yêu đôi lứa. “Nàng vô vàn dấu yêu của ta ơi! Thấy chim sẻ nhỏ ta muốn bắt giữ. Thấy chim én non ta muốn đem nuôi. Thấy chim nhồng đẹp ta muốn cầm lấy...”. Đó là lời tỏ tình của chàng trai và sau nhiều lời đối đáp qua lại, khi chàng trai đã thực sự chinh phục được trái tim cô gái, cô gái đồng ý và đáp lời: “Chàng ơi! Chim nhỏ này thuộc về chàng. Chàng chớ vội vàng mà đuổi bắt nó. Chàng hãy chờ ngoài sân - Chim tự đến. Hay chờ ở ngoài ngõ - Đón chim vào. Qua những lời ca tiếng hát ấy, những tình yêu đẹp đã nảy nở và rồi sẽ đơm hoa kết trái”.
Bên cạnh những làn điệu quen thuộc trên, kho tàng dân ca của người Ba Na còn nhiều thể loại khác nhau, nội dung khá phong phú và đa dạng, như: mừng chiến thắng, đi rừng, đi rẫy, giao duyên…
Có thể thấy, những lời ca mộc mạc có vần có điệu, rõ ràng, mang nội dung cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thuộc của dân ca chính là tiếng nói gần gũi, say mê trong mọi sinh hoạt của mỗi con người Ba Na. Ngày nay, trong cuộc sống hằng ngày, người dân ít hát dân ca; nhưng vào những dịp lễ hội của dân làng, những thanh âm mượt mà ấy vẫn được cất lên làm say đắm lòng người.
Thuỳ Hương