28/09/2019 13:04
Luật tục của người H’rê ở làng Vi Ô Lăk được hình thành từ khát vọng của mỗi thành viên trong làng với mong muốn được sống ân nghĩa với các vị thần thiên nhiên và hài hòa với tất cả các thành viên trong cộng đồng. Luật tục của làng do người dân đặt ra và thực hiện, nhưng hội đồng già làng là những người đại diện cho dân làng đưa ra những phán quyết dựa trên luật lệ ấy để bảo vệ trật tự trong làng và sự phát triển của làng.
Già A Xi cho biết: Các thành viên trong làng phải tự ý thức và tự chịu trách nhiệm trong việc giữ gìn và nuôi dưỡng mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với con người. Việc tuân thủ những luật lệ của làng thể hiện đạo đức của mỗi thành viên trong cộng đồng hay nói cách khác đó là việc mỗi thành viên trong làng tự nguyện thực hiện trách nhiệm riêng của từng cá nhân với nhau và trách nhiệm chung đối với cộng đồng để mang lại niềm hạnh phúc cho cả dân làng. Họ không mong muốn và không chấp nhận những gì gây nên tổn thương đến cộng đồng và thiên nhiên xung quanh họ. Đây chính là yếu tố căn bản, bí quyết để tạo nên một làng Vi Ô Lăk tự tin, tự chủ và trật tự qua bao đời nay.
|
Luật tục ở làng Vi Ô Lăk được vận hành và bàn bạc bởi toàn thể các thành viên trong làng, sau đó hội đồng già làng - những người có kiến thức, hiểu biết uyên thâm được dân làng bầu ra để lãnh đạo làng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Hội đồng già làng ở Vi Ô Lăk có 12 thành viên, có uy quyền đưa ra những phán quyết đại diện cho cả dân làng, nhất là những vấn đề lớn như việc di dời làng, tổ chức lễ hiến trâu, quản trị nguồn nước, sử dụng đất canh tác, trừng phạt những người nói dối, xử lý những quan hệ bất chính, trộm cắp và cả những can thiệp từ bên ngoài vào làm ảnh hưởng tới làng…
Theo già làng A Dâng, sự kiện lớn nhất mà hội đồng già làng Vi Ô Lăk đã quyết định là việc di dời làng vào năm 1987. Khi đó, làng Vi Ô Lăk bị ảnh hưởng bởi thiên tai gây sạt lở nghiêm trọng. Lúc đầu, chính quyền địa phương dự định sẽ chuyển đến khu vực đèo Vi Ô Lăk. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc và tham khảo hội đồng già làng nhằm tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, cuối cùng đưa đến quyết định chuyển làng ngược lên vùng thượng nguồn chính là vị trí định cư hiện tại của làng Vi Ô Lăk.
Bởi, với người H’rê, họ quan niệm di chuyển làng có nghĩa là thay đổi hoàn toàn mối quan hệ của dân làng với hệ sinh thái tự nhiên xung quanh mà Yàng đã ban tặng cho họ như nguồn nước, đất sản xuất, đất rừng... Vì vậy, việc thực hiện điều này quả là không dễ dàng gì. Hội đồng già làng phải giải thích cặn kẽ quyết định này cho tất cả các thành viên trong làng dựa trên niềm tin, tập tục và đặc biệt phải được tất cả dân làng đồng thuận. Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã biết dựa vào luật lệ của làng để vận động dân làng Vi Ô Lăk di dời là sự uyển chuyển, mềm dẻo trong xử lý các vấn đề xã hội ở địa phương, tạo nên sự đồng thuận trong dân làng.
|
Theo luật tục của làng Vi Ô Lăk, việc tổ chức lễ hiến trâu là một nghi lễ đặc biệt và hiếm khi thực hiện nên hội đồng già làng có trách nhiệm cân nhắc rất kỹ lưỡng. Bởi theo quan niệm đồng bào H’rê, con trâu là vật quý, là con vật linh thiêng do Yàng ban tặng cho con người. Vì thế, lễ hiến trâu chỉ được cử hành khi thành viên nào đó trong làng nhận được thông điệp của Yàng (thông qua đau ốm hay trong giấc mơ) nói rằng chính họ hay người nào đó trong làng đã cư xử không phải với những người xung quanh hay với thiên nhiên khiến Yàng không hài lòng cần phải làm lễ hiến trâu để tạ lỗi với Yàng. Họ sẽ báo với già làng, sau đó, hội đồng già làng sẽ họp lại, bàn bạc, có khi phải mất cả năm mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng, nó đòi hỏi sự sáng suốt và cẩn trọng của những người được coi là thông thái nhất làng. Nếu hội đồng già làng quyết định thực hiện lễ hiến trâu họ sẽ thông báo cho các thành viên trong làng và toàn thể người H’rê ở các vùng lân cận. Người có quyền uy nhất trong hội đồng già làng sẽ là người quyết định ngày giờ làm lễ.
Theo luật tục của làng Vi Ô Lăk, quản trị nguồn nước và đất canh tác cũng là một trong những công việc quan trọng của hội đồng già làng. Để bảo vệ nguồn nước vào tháng Ba hàng năm, hội đồng già làng sẽ chọn ngày để dân làng tổ chức lễ đón Thần nước nhằm nhắc nhở con cháu trong làng có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn nguồn nước tưới cho đồng ruộng và dẫn về để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của làng. Bên cạnh đó, hội đồng già làng cũng là những người giám sát và xử lý những trường hợp người dân sử dụng đất canh tác sai mục đích. Ở đây, nguồn nước là dòng suối - theo cách gọi của dân làng Vi Ô Lăk là Vang Ha Lênh, còn đất sản xuất là 2 vùng canh tác lúa Vi Ô Lăk và Vi Nong có mối hệ mật thiết với nhau.
Một vai trò không kém phần quan trọng của hội đồng già làng là khuyên răn và đưa ra quyết định xử phạt đối với những trường hợp nói dối, nói sai sự thật về một ai đó hay nói nôm na là “ngồi lê đôi mách” và những người có quan hệ bất chính trong hôn nhân. Luật làng của người H’rê ở làng Vi Ô Lăk coi việc nói xấu người khác và quan hệ bất chính là những việc làm vi phạm đạo đức nghiêm trọng. Những người vi phạm cần phải bị răn đe và uốn nắn; điều này đã góp phần giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp, đoàn kết trong làng và hôn nhân trong các gia đình. Ngoài ra, hội đồng già làng sẽ xử lý nghiêm và đưa ra các biện pháp giáo dục đối với những ai vi phạm về tội trộm cắp. Xưa nay, cộng đồng người H’rê ở trong làng Vi Ô Lăk chưa bao giờ xảy ra điều này bởi mọi người sống cố kết, có trách nhiệm và yêu thương nhau nên luật lệ này dường như chỉ để răn đe người ngoài làng.
|
“Các quy định xử phạt theo luật tục của người H’rê ở làng Vi Ô Lăk vừa mang tính chất giáo dục, răn đe, vừa ngăn chặn, đề phòng; lấy việc khoan dung, hòa giải làm trọng. Qua đó, nhắc nhở và răn dạy mọi người không nên làm những việc xấu, điều ác làm ảnh hưởng đến gia đình, mọi người để cùng nhau xây dựng một cộng đồng làng ngày càng đoàn kết, phát triển” - già làng A Dâng tự hào chia sẻ.
Dẫu chỉ là những quy ước được dân làng đặt ra và truyền lại từ đời này qua đời khác, thế nhưng, luật tục của người H’Rê ở làng Vi Ô Lăk đảm bảo cả lý, cả tình; giúp định hướng để mọi người trong cộng đồng làng sống có trật tự và trách nhiệm.
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, mọi người dân trên lãnh thổ Việt Nam phải “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, mọi công việc quản lý xã hội phải do chính quyền và ngành chức năng các cấp thực hiện dựa trên hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam, không ai có thể làm khác. Tuy nhiên, những nét tốt đẹp của luật tục các DTTS ở Tây Nguyên nói chung, của đồng bào DTTS của Kon Tum nói riêng cần được gìn giữ, chọn lọc đưa vào hương ước, quy ước của làng, nhằm góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp, đồng thời vận động người dân xóa bỏ những hủ tục gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Thiên Hương