Con trâu trong đời sống của người Hrê ở Pờ Ê

22/08/2019 13:00

Từ bao đời nay, trong mọi cuộc tế lễ cúng Yàng (trời) của người Hrê ở làng Vi Ô Lăk (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông), vật hiến sinh lớn nhất, quý nhất là con trâu. Bởi đối với người dân ở đây, con trâu là vật nuôi không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn mang giá trị tinh thần…

Người Hrê có mặt trên vùng đất Kon Tum từ rất lâu đời. Nhiều người lớn tuổi trong làng Vi Ô Lăk cho biết, họ được nghe các thế hệ cha ông kể lại, trước đây một nhóm người Hrê ở tỉnh Quãng Ngãi đã di cư lên Kon Tum tìm vùng đất mới để sinh cơ lập nghiệp. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, một số cán bộ cách mạng là người Hrê ở Quảng Ngãi lên vùng Kon Tum hoạt động đến ngày giải phóng cũng ở lại sinh sống và làm việc. Ngoài ra, nhiều thanh niên nam, nữ tới Kon Plông làm ăn, lập gia đình rồi định cư ở đây… Tất cả tạo nên cộng đồng người Hrê như bây giờ.

Di cư lên vùng đất mới, người Hrê vẫn giữ phong tục tập quán của dân tộc mình. Mọi người tìm những thung lũng, những vùng đất bên sông, suối để dựng nhà ở và canh tác lúa nước.

Người Hrê theo tín ngưỡng đa thần nên trong cuộc sống và lao động sản xuất có nhiều nghi lễ cúng, như cúng hồn lúa, cúng thần đất, thần nước… Trong mọi lễ cúng đều có vật hiến sinh và vật hiến sinh lớn nhất là con trâu.

Đối với người H’rê, trâu vừa là con vật thiêng, vừa là tài sản quý. Ảnh: ĐT

 

Ông A Liệt (làng Vi Ô Lăk) cho biết, con trâu là vật linh trong tín ngưỡng của người Hrê. Người Hrê chọn con trâu, bởi đó là con vật quý, giúp làm nên mùa màng, của cải. Cúng trâu là nghi lễ mang tính cộng đồng, luôn thu hút sự tham gia của đông đảo dân làng. Đây là cũng là dịp trai gái trong làng múa hát, uống rượu, tỏ tình và se duyên.

Trước đây và ngay cả bây giờ, trong làng Vi Ô Lăk, gia đình nào có nhiều trâu đều được coi là giàu có và được mọi người nể trọng. Những đứa trẻ khi mới sinh ra thường được cha mẹ cho một con trâu nghé, hay những cặp vợ chồng trẻ ra ở riêng thường được hai bên nội ngoại cho trâu để làm vốn. Với người Hrê, nhà có trâu là điều rất đỗi tự hào.

Trong hoạt động giao thương, tổ tiên người Hrê hay dùng vật đổi vật và con trâu được tính giá trị cao nhất. Trâu đổi được rất nhiều thứ, từ những vật có giá trị như cồng chiêng, nồi đồng đến những vật thông thường như tấm khố cho đàn ông hay tấm váy cho phụ nữ…

Trẻ em làng Vi Ô Lăk chăn trâu. Ảnh: ĐT

 

Anh A Khanh - thôn trưởng Vi Ô Lăk chia sẻ, ngoài là vật báu, vật thiêng, người Hrê còn xem con trâu là người bạn thân thiết, vậy nên mỗi con trong đàn trâu của họ đều có một tên riêng.

Vì trâu là loài vật rất khôn và hiểu được ý chủ nhân nên người Hrê cũng dùng ngôn ngữ riêng để điều khiển trâu, như “lâm ể! lâm ể!” (đi thẳng! đi thẳng!), “thá! thá!” (rẽ trái! rẽ trái!), “ví! ví!” (rẽ phải! rẽ phải!) hay “họ! họ!” (dừng lại! dừng lại!).

“Con trâu cũng gắn bó với tuổi thơ của nhiều đứa trẻ ở làng Vi Ô Lăk. Đi chăn trâu, trẻ em ở đây hay hát những bài hát về con trâu dựa trên các làn điệu dân ca của người Hrê, hay tổ chức các trò chơi… Đặc biệt, các em rất thích tắm cùng với trâu”- anh A Khanh nói.

Bà con làng Vi Ô Lăk thường cho trâu đi ăn vào sáng sớm mỗi ngày, ở những cánh đồng cỏ xung quanh làng, hay những nơi xa như dưới chân đèo Vi Ô Lăk. Vào mùa lạnh (từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau), bà con tập trung sửa chữa lại chuồng trại, củng cố lại mái che, vây chuồng bằng bạt và phên nứa để không bị gió lùa, mưa hắt vào chuồng. Ngoài ra, mọi người còn dùng chăn mền, quần áo cũ quấn cho trâu để giữ ấm.

Trâu còn được xem là người bạn thân thiết của người Hrê ở Pờ Ê. Ảnh: ĐT

 

Hiện tại, ở làng Vi Ô Lăk có hơn 50/79 hộ nuôi trâu với 167 con. Do đặc điểm khí hậu và nguồn thức ăn dồi dào nên trâu ở làng Vi Ô Lăk phát triển nhanh và ít bị dịch bệnh. Duy nhất vào năm 2000, trâu ở Vi Ô Lăk bị dịch lở mồm long móng, bà con trong làng ngày đêm không ngủ, nghĩ cách chữa bệnh cho trâu. Vì được tích cực chữa trị nên số lượng trâu bị chết ít, không ảnh hưởng đến tổng đàn trâu của làng.

Ngày nay, bà con trong làng không giết thịt trâu để làm thực phẩm. Trâu chỉ được ăn thịt sau lễ hiến sinh. Mọi người cũng không thịt trâu để bán, tuy nhiên vì trâu cũng được xem là hàng hóa nên sau khi nuôi được 4, 5 năm sẽ được đem bán cho thương lái để lấy tiền. Nhờ số tiền bán trâu mà cuộc sống của nhiều gia đình ở làng Vi Ô Lăk nay đã trở nên khấm khá hơn.

Đức Thành

Chuyên mục khác