12/06/2017 14:06
Bạn từ Thành phố Hồ Chí Minh lên Kon Tum chơi 2 ngày. Đúng như tôi dự đoán, người bạn cẩn thận này đã tự tham khảo, mày mò trên mạng và lên một lịch trình kín mít cho chuyến đi ngắn ngủi. Nhất định là không thể thiếu thưởng thức rượu ghè, gà nướng, xem chiêng xoang, gặp gỡ những nghệ nhân... để về còn viết bài.
“Bạn cũng giống tôi đấy! Là nhà báo nên đi chơi vẫn không quên nhiệm vụ. Nhưng Kon Tum đâu chỉ có những “đặc sản” ấy. Rồi bạn sẽ thấy…” - Tôi nói lấp lửng qua cuộc điện thoại ngắn nhằm tạo nhiều bất ngờ cho chuyến đi của bạn - mà tôi với vai "chủ nhà" đã ngầm sắp xếp.
Tôi đã hẹn đón ở ngay khách sạn đầu cầu Đăk Bla cho dễ, nhưng vừa xuống xe bạn đã mò mẫm dưới bờ kè sông, “nịnh” mấy chú trung niên câu cá “tạo dáng” để chụp ảnh. Rồi còn không ngại ra đến mấy đám bắp trên bãi bồi để rồi hai tay xách mấy trái bắp sực nức mùi thơm, khoe là của “cô bé hái bắp cho”.
|
Bạn tôi cứ xuýt xoa: Ôi chao, người Kon Tum sao mà mến khách quá đỗi. Dường như sống giữa nơi “rừng vây quanh, núi cũng vây quanh” nên tình người cũng như núi, như rừng…
Xe đang chầm chậm trên con phố Bạch Đằng, mưa rào bất chợt ập đến, bạn bỗng dừng phắt lại, đưa mấy trái bắp cho tôi: Cầm lấy, để tớ xuống chụp ảnh mưa trên sông.
Màn mưa giăng giăng, những hạt mưa quấn quýt nhau, dồn đuổi nhau trên mặt sóng. Chẳng hiểu bạn tôi trổ tài ăn nói kiểu gì mà được ông chú câu cá đứng che dù cho chụp ảnh, còn mình thì lại đứng ngẩn người, miệng lẩm nhẩm: Đẹp, đẹp vô cùng.
Nhìn bạn "bị mê hoặc" bởi cảnh vật nơi đây mà tôi thấy vui, thấy tự hào về “phố núi của mình” - tôi hay gọi thế, dù tôi chỉ mới sống và làm việc ở đây ngót nghét 10 năm. Như được dịp tôi "khoe": Đó, thấy chưa, mới cơn mưa rào thôi đã thấy Kon Tum đầy quyến rũ rồi nhé.
Mưa ở đâu chẳng có, nhưng mưa ở Kon Tum lại mang nét riêng, đầy quyến rũ đối với một người lần đầu tiên đặt chân đến đây. Cũng có khi dồn dập như những cơn mưa rào thoáng qua ở Sài Gòn, cũng có khi trút nước ào ạt như ở Bình Định quê tôi, nhưng đa phần, mưa Kon Tum nhẹ nhàng, mơn trớn, như níu chân du khách ghé vào quán cà phê nào đó để ngồi ngắm mưa bay và miên man nghĩ suy. Có lẽ những phút giây hiếm hoi này là phần tĩnh lặng giúp cho người ở nơi đây sống chậm lại hơn…
Tạt vô quán cà phê Indochine trú mưa. Dường như quên cả kêu đồ uống, bạn cứ níu tôi tạo dáng chụp ảnh. Cô bé phục vụ như thấu hiểu, bởi dường như đã quen rồi cảnh nhiều du khách lần đầu đến Kon Tum ai nấy đều yêu thích không gian quán cà phê Tre này - một kiến trúc độc đáo, do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế chính, từng lọt vào danh sách bình chọn của Giải thưởng Liên hoan Kiến trúc Quốc tế 2013.
Tôi đùa với bạn: Với đà này thì cái lịch trình kín mít kia đến bao giờ mới xong? Bạn xua xua tay: Tùy duyên đi. "Đất và người Kon Tum đâu chỉ có rượu ghè, gà nướng, chiêng xoang... mà còn có hồn phố nữa ấy"- bạn tôi đưa ra nhận xét.
Tôi phục bạn vì mới lên đây mà đã có những cảm nhận thật hay. Thế là, nguyên ngày đầu, tôi đưa bạn lang thang phố núi. Xuất phát từ quán cà phê Tre. Bạn nhìn theo hướng tay tôi chỉ về Khu đô thị Nam cầu Đăk Bla đưa ra nhận định: Một mai đây, khi khu đô thị hoàn thành, những ngôi biệt thự đẹp đẽ đứng soi bóng bên dòng sông, một Kon Tum hiện đại sẽ sớm được định hình nhưng không mất đi lợi thế mà thiên nhiên ban tặng.
Qua những tuyến đường nội thành, sau cơn mưa, đường phố sạch bong, phố xá lặng lẽ, yên bình. Người xe qua lại chậm rãi, chẳng xô bồ, bon chen. Những mái nhà xanh đỏ nhấp nhô không quy luật; những góc phố tư lự, đong đưa vài chùm hoa dại. Bạn tôi háo hức với tất cả những gì mình thấy. Nhà thờ gỗ, Tòa Giám mục, cầu treo Kon Klor... với những kiến trúc thật độc đáo.
Như vào một không gian khác, khi chúng tôi lọt vào làng Kon Tum Kơ Pâng chỉ sau một khúc ngoặt, khiến bạn sững sờ. Bạn ngẩn người nhìn mái nhà rông thấp thoáng giữa lùm cây, sà vào ngôi nhà sàn bên đường, có người đàn ông đang ngồi chẻ nan đan sọt... Nhìn ánh mắt cười tít tôi đoán chắc là bạn đã có một khuôn hình đẹp? Bạn tôi cười to, tỏ vẻ khoái chí: Mình ghen tị với cậu đấy. Ở đây còn nhiều “làng trong phố” như thế này không?
Nhiều chứ, dù thành phố Kon Tum đang không ngừng phát triển, hiện đại hơn, nhưng vẫn giữ được những ngôi làng xen kẽ trong phố. Những Kon Rờ Bàng, Plei Tơ Nghia, Plei Đôn… rất gần, chỉ cần quặt vào bất cứ một con đường nhỏ nào đó là ta được hòa mình vào đời sống của người Ba Na chất phác.
Tôi kể thêm, ở thành phố Kon Tum còn có những ngôi nhà cổ - còn được gọi là nhà vườn, được hình thành theo dòng di cư của các bậc tiên hiền từ dưới xuôi lên đây khai hoang lập làng trong những năm đầu của thế kỷ XX. Kiến trúc thường là "3 gian 2 chái"; từ cột, kèo, xà, rui, mè... đều làm bằng gỗ, mái lợp ngói; gian giữa để thờ cúng, tiếp khách; 2 gian buồng để ngủ; 2 chái nhà thường để chứa nông cụ và nấu nướng.
Kiến trúc này không chỉ tạo nên sự gần gũi với thiên nhiên cây cỏ mà còn thể hiện nét văn hoá đặc sắc của người dân di cư trên vùng đất của nhà sàn; đồng thời cũng tạo nên nét tương đồng giữa các nhà, vốn là biểu hiện của sự đoàn kết, gắn bó, quây quần của cả một cộng đồng từ thời cha ông khai hoang lập làng để chống lại thú dữ, thiên tai...
Nghe đến đây, bạn lại nằng nặc đòi dẫn đi thăm những ngôi nhà như vậy cho bằng được…
Suốt một ngày rong ruổi, cả 2 đều thấm mệt. Tôi “dỗ dành” bạn: Về nghỉ sớm đi, mai tớ dẫn cậu đi ăn gỏi lá. Ai dè, 10h đêm, chuông điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia, bạn tôi cười nói: Có chuyện này kỳ ghê. Mình xuống quán ngồi, mới kêu li cà phê ra, cô bé phục vụ lí nhí “Anh cho em xin tiền”. Tính tiền xong, vẫn cô bé ấy lại lí nhí “Anh thông cảm, quán đến giờ đóng cửa”. Nhìn đồng hồ mới 10h, nhìn ra đường vắng ơi là vắng, yên tĩnh quá. Thật lạ! Ở chỗ mình, phố xá cả đêm cứ sôi sùng sục, mệt mỏi vô cùng...
Một ngày dạo phố lại trôi qua quá nhanh trong tiếc nuối của bạn vì không đủ thời gian để “chạm vào hồn phố”. Chúng tôi lại chia tay ở quán cà phê. Bạn cười: Kỳ ghê (Lại kỳ ghê!). Ở đây thật lạ, hẹn đón ở quán cà phê, chia tay cũng ở quán cà phê.
Ờ há, quen rồi - tôi chợt nhận ra và trả lời: Người Kon Tum không xem cà phê chỉ là một loại thức uống, mà đó còn là một nét văn hóa, một nếp sống. Vui, người ta cũng kéo bạn bè ra quán cà phê. Buồn, người ta cũng lặng lẽ tìm một gốc nào đó kín đáo, kêu một ly cà phê ngồi nhâm nhi…
Một ngày mới lại bắt đầu. Tôi chọn quán cà phê Eva để tiếp bạn. Chọn một góc khiêm nhường trong quán, tôi ngồi nhìn bạn tò mò ngắm bờ tường được thiết kế như một vách núi dựng đứng; bếp lửa của người Ba Na dưới gốc cây cổ thụ, một ấm nước đang sôi sùng sục toả hơi nghi ngút… Xung quanh là vài bó củi, một ghè rượu, trên bức vách được trét bằng đất – rơm lủng lẳng những quả bầu khô dùng để đựng nước, những vật dụng quen thuộc trong gian bếp của một gia đình bản địa Tây Nguyên.
Thật lâu rồi tôi mới có lại cái cảm giác thư thái như thế. Cảm giác này không thể có được nơi phồn hoa đô hội, bạn nhỉ?
Bạn lên xe ít phút, điện thoại nhấp nháy báo có email mới. Thì ra của bạn, tôi đoán chừng bạn đã soạn từ đêm và nhăm nhe ấn nút từ khi xe chuyển bánh dưới làn mưa nhẹ.
Bạn viết: Ấn tượng của mình về thành phố của cậu sâu đậm lắm. Không chỉ là hàng bông sứ trắng lung linh ở Tòa Giám mục, vẻ cổ xưa của Nhà thờ gỗ hơn trăm năm tuổi, bờ kè sông Đăk Bla lộng gió hay quán cà phê Eva độc đáo… mà còn là những con đường “nối phố với làng” yên lành rợp mát bóng cây, những con dốc thoai thoải vừa đủ để “mỏi chân”...
Và nữa, phố Kon Tum lạ lắm, cứ níu kéo người bằng sự hồn hậu, chân chất pha lẫn chút buồn vương nhè nhẹ, man mác của chính mình. Mình quyết định rồi, kỳ nghỉ sau cũng sẽ trở lại Kon Tum.
Đọc những dòng chia sẻ của bạn, tôi mỉm cười: Vẫn lãng mạn như xưa ấy nhỉ? Nói là nói vậy, trong tôi đang trào dâng niềm tự hào về “thành phố của mình”.
Bài, ảnh: Sông Côn