Chuyện những người con quê lúa Thái Bình đi dựng xây quê hương mới

17/03/2020 13:01

Nằm ở vùng đệm của rừng Quốc gia Chư Mom Ray, xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy) ngày nay được xem là một trong những “xã đáng sống” nhất của huyện Sa Thầy bởi sự trù phú nơi đây. Nhưng ít ai biết để có được như ngày hôm nay, cách đây gần 40 năm về trước, những người quê lúa Thái Bình vào lập nghiệp ở vùng đất này, từng đánh đổi bao nhiêu mồ hôi, công sức, thậm chí cả tính mạng của mình để góp phần làm nên diện mạo làng quê mới trù phú.

Thôn Sơn An của xã Sa Sơn trước đây được xem là nơi “khô cằn, sỏi đá”, đất đai bạc màu, hoang hóa. Vùng đất này từng một thời khi nhắc đến ai cũng ngao ngán, bởi hạ tầng xã hội thiếu thốn trăm bề - không đường, không trường, không điện, không trạm.

Tháng 4 năm 1984, 19 hộ dân ở Thái Bình đã từ giã quê hương, đăng ký di dân kinh tế mới vào thôn Sơn An. Trong cuộc hành trình vào vùng đất mới vô cùng gian nan gần 40 năm trước, những người khai đất, dựng nhà, trồng lúa, tỉa bắp, nay kẻ còn người mất. Năm tháng đi qua, đất không phụ công người, tạo nên màu xanh no ấm của làng quê Sa Sơn đổi thay với sức hấp dẫn của một vùng văn hóa đa dạng, phong phú đang được người dân vun đắp, giữ gìn và trao truyền cho các thế hệ mai sau.

Người dân thôn 2, xã Sa Sơn đóng góp mỗi hộ trên 10 triệu đồng để làm đường vào khu sản xuất. Ảnh: ĐV 

 

Chia sẻ với chúng tôi, Thôn trưởng thôn Sơn An - Nguyễn Văn Thuyên nhớ lại: Ngày ấy, gian truân là thế, nhưng những người con quê lúa Thái Bình trên vùng đất mới Sơn An vẫn không bỏ cuộc, kiên quyết bám trụ để góp phần làm nên một Sa Sơn hôm nay - đó là câu chuyện dài thế hệ chúng tôi “đánh vật” với gian truân mà không bao giờ kể hết. Bởi, khi mới vào đây người dân phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Không chỉ người dân Thái Bình mà người dân ở 9 tỉnh khác trên cả nước cũng đăng ký đi kinh tế mới vào đây, nhưng lúc bấy giờ xung quanh chỉ toàn rừng núi, bụi le, khí hậu khắc nghiệt, bị sốt rét hoành hành. Trước khó khăn ấy, một số hộ gia đình đành bỏ đi lập nghiệp ở các tỉnh khác hoặc trở về lại quê hương. Những người tiên phong đi lập nghiệp ngày xưa giờ còn tồn tại có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Dừng lại một phút như để ngẫm ngợi, hồi ức về những ngày đầu ấy, nhấp một ngụm trà - ông Nguyễn Văn Thuyên tiếp tục câu chuyện: Các cụ ngày xưa nói quả thật không sai, “khó khăn thứ nhất là chống lại hà bá, khó khăn thứ nhì là khai phá sơn lâm”. Ngày ấy, ở giữa chốn thâm sơn cùng cốc này xung quanh là những cánh rừng, đồi dốc, ít có in dấu chân người lui tới. Cỏ tranh, lau lách ngập đầu. Đi đến đâu cũng gặp vắt xanh, ruồi vàng, muỗi vằn và rắn độc... Ấy vậy, mà những người con quê lúa Thái Bình vẫn cố gắng bám trụ, cày cuốc, chọt tỉa, vượt qua gian khó để có được thành quả như ngày hôm nay.

Thôn Sơn An hiện có 150 hộ với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, làm ăn. Trong đó, có trên 80% dân số là quê gốc tỉnh Thái Bình. Đến nay không ít hộ dân trong thôn là người quê gốc Thái Bình có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người trong thôn hiện nay cũng đạt trên 40 triệu đồng/năm. Hiện nay, các đường nội thôn đều được bê tông hóa, điện thắp sáng kéo đến từng hộ dân. Trẻ em đến trường đầy đủ. Người dân ở đây chịu khó, đoàn kết, hài hòa, luôn giúp đỡ, chia sẻ khó khăn, vui buồn lẫn nhau.

Ông Nguyễn Văn Tý - người con quê Thái Bình điển hình vượt khó, làm kinh tế giỏi ở thôn Sơn An. Ảnh: ĐV 

 

Chia tay thôn Sơn An, chúng tôi ngược ra thôn 2, đây cũng là thôn có đông người Thái Bình vào đây lập nghiệp cách đây hơn 35 năm trước. Dù đã ở tuổi 84, nhưng cụ Phan Thanh Tứ (thôn 2, xã Sa Sơn) vẫn còn nhớ như in thời gian vào đây lập nghiệp gần 40 năm về trước.

Cụ Phan Thanh Tứ bộc bạch: Theo tiếng gọi của Đảng, năm 1984, tôi và 33 hộ dân khác của tỉnh Thái Bình vào đây lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Khi mới vào, cuộc sống khó khăn, sốt rét hoành hành, người con trai của tôi cũng phải bỏ mạng vì cơn sốt rét rừng lúc ấy. Khi mới vào đây có 34 hộ, nhưng nhiều hộ khác bỏ đi nơi khác hoặc về quê nên chỉ còn khoảng 20 hộ bám trụ lại. Giữa thâm sơn cùng cốc, nỗi nhớ nhà, nhớ quê cứ cồn lên, nhưng anh em tự động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống mới.

Vùng đất Sa Sơn dần dần được đánh thức bởi những người đi vỡ đất. Sau này, khi kinh tế dần khá giả, dịch bệnh sốt rét từng bước được đẩy lùi nên những người dân quê gốc Thái Bình nơi đây dần dần đưa thêm anh em, bà con của mình ở tỉnh Thái Bình vào lập nghiệp. Đến nay, trong thôn đã có 183 hộ với gần 700 khẩu, trong đó, người quê gốc Thái Bình chiếm trên 70%. Quả thực, nhìn lại chặng đường dài gần 40 năm, thật khó hình dung một vùng đất hoang vu ngày ấy giờ đã thay đổi mạnh mẽ. Cuộc gặp gỡ cụ ông Phanh Thanh Tứ với chúng tôi rất tình cờ, nhưng chúng tôi đã thực sự khâm phục trí nhớ của ông bởi khi nhắc lại thời xa xưa cách đây gần 40 năm, ông nhớ hầu như không sót chi tiết nào, con người nào, quê gốc ở xã nào, vào đây ở khu vực nào.

Gần 40 năm “khai sơn phá thạch”, những gì mà Sa Sơn hiện có đã chứng minh được sự đúng đắn của chủ trương đưa dân đi kinh tế mới của Đảng ta ngày ấy. Từ một vùng đất “khỉ ho, cò gáy” giờ Sa Sơn đã vươn mình mạnh mẽ và là xã có thu nhập  bình quân đầu người cao nhất nhì của huyện Sa Thầy. Những người con quê lúa Thái Bình sẽ không lùi bước trước khó khăn, gian khổ, hăng say lao động góp phần đưa Sa Sơn phát triển như ngày hôm nay. Gần 40 năm qua, mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ xuống, những người con quê hương Thái Bình trên vùng kinh tế mới Sa Sơn đã hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

Trước khi ra về, chúng tôi đứng trên đỉnh đồi cao su bát ngát xanh, nhìn xuống bên dưới tầm mắt tôi trọn cả vùng đất bao la yên bình với xanh tươi cây cối, xa xa là vườn cây ẩn hiện cùng những nếp nhà, những con đường bê tông uốn lượn. Tôi chợt nghĩ, nhìn quang cảnh ấy, chẳng có ai ngờ rằng, nơi đây từng là vùng rừng núi hoang vu. Những người trẻ sinh ra trên quê hương mới hôm nay, khi nghe lại chuyện ngày xưa cha anh đi vỡ đất không ít người cho đó là “chuyện cổ tích”. Vâng, đó là “chuyện cổ tích giữa đời thường” mà người con quê lúa Thái Bình đã miệt mài viết nên trong gần 40 năm qua trên quê hương mới Sa Sơn.

Đắc Vinh

Chuyên mục khác