10/12/2019 13:06
1. Tôi muốn kể cho bạn nghe về phố núi của tôi!
Mỗi ngày, vào chiều muộn, tôi lại đạp xe chầm chậm trên những con phố. Chính những buổi chiều nhởn nhơ ấy, tôi được đắm mình trong những chuyện của phố.
Đã có người hỏi tôi rằng: Kon Tum có gì hấp dẫn? Tôi tự hào mà trả lời rằng: Bạn hãy đến Kon Tum, sẽ không phải thất vọng đâu.
Phố của tôi, ngay cả cách gọi phố cũng đã hấp dẫn rồi. Người ta kêu phố là đường. Không như ở các đô thị khác, nếu có một người hỏi thăm đường, sẽ là “làm ơn cho hỏi đường về phố…”, còn ở đây đều là “nhà ở đường này, quán cà phê ở đường kia”… Dù là những con phố trung tâm, sầm uất nhất hay những phố nhỏ, chỉ bằng đường nông thôn mới; dù đã trải nhựa phẳng phiu hay còn mấp mô đất đá, chúng cũng vẫn là đường.
Sức hút đặc biệt của phố núi Kon Tum còn đến từ sự giao thoa kỳ diệu giữa cũ và mới, giữa bản sắc và hiện đại.
Như bao đô thị đang trên hành trình vươn mình đầy mạnh mẽ và năng động, phố của tôi cũng là một bức tranh linh hoạt sắc màu và hơi… lộn xộn, với những mái nhà xanh đỏ nhấp nhô không quy luật, những lằng nhằng dây điện trên phố, những con đường luôn ào ào nước chảy trong mỗi cơn mưa.
|
Rồi trong nội thành, đã mang dáng dấp đô thị hiện đại, người đông hơn, xe nhiều hơn; không gian phố đổi thay nhiều; những ngôi nhà chật hẹp, thấp lè tè đã nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự tráng lệ.
Nhưng dù đã và đang phát triển mạnh mẽ, năng động, thì phố của tôi vẫn giữ được nét lặng lẽ, yên bình vốn có. Thứ gì ở đây cũng chậm rãi, chẳng xô bồ, bon chen. Những khóm hoa vẫn đong đưa nơi con dốc tư lự, để mỗi lần đi dạo phố, người con gái trách yêu “đã gì đâu mà anh mỏi chân”.
Những con đường vẫn quanh co tỏa dần ra núi. Chỉ qua vài khúc cua, một ngôi làng yên bình hiện ra, với những mái nhà sàn, cây me cổ thụ và mái nhà rông cao vút. Chiều chiều, những mẹ, những chị, những em gái vẫn đi lấy nước giọt nằm bên đường tấp nập người xe qua lại. Những giọt nước như hạt ngọc bám trên đôi vai trần cô sơn nữ, thanh thoát và nhẹ nhõm làm sao.
Một vài cái xe bò vẫn lúc lắc, thong thả đi qua cầu treo Kon Klor mỗi ngày, chở mía, chở mì về làng. Bò sóng đôi đủng đỉnh bước, người cũng chẳng vội, nằm dài trên xe, miệng huýt sáo, mặc cho xe hơi, xe gắn máy lướt qua.
Khác hẳn với nét lạ lẫm và tách biệt của những ngôi làng ở Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) hay Pleiku (Gia Lai), làng ở Kon Tum hiện diện nhẹ nhàng như hơi thở tất yếu của đời sống đô thị. Dân làng vẫn mặc những trang phục quen thuộc, gieo trồng và chăn nuôi theo cách riêng của cộng đồng. Ngay đầu làng, bạn có thể gặp đám trẻ nghịch ngợm hoặc người già ngồi trước cửa cười rất hiền lành, hay ánh mắt của cô gái Ba Na sáng long lanh như chứa cả khoảng trời xanh.
Nhiều người nói, Kon Tum là một đô thị đặc biệt, có sức hấp dẫn bởi chính sự hòa hợp ấy.
Và cả những quán cà phê vườn thoáng mát, khách có thể “tự do” xách ghế đến ngồi bất cứ gốc cây nào mình muốn. Lại nói đến cà phê phố núi. Đó là thứ cà phê quyến rũ, đượm nồng, giúp cân bằng giữa mệt mỏi và bình yên, giữa lo toan và thư thái. Bên ly cà phê, những câu chuyện dường như chẳng bao giờ kết thúc, dẫu trời có tắt nắng đi rồi.
Biết bao nhiêu du khách đã phải lòng phố của tôi một phần vì ly cà phê có chất, có hồn, đậm tình thương mến ấy.
2. Từ đất Hậu Giang xa xôi, bạn gửi email “than” rằng: Sau chuyến đi Kon Tum ấy, tôi lỡ “phải lòng” phố núi mất rồi. Đang ngồi đò trên sông Tiền, nhìn cô lái đò nền nã trong tà áo bà ba đen mà cứ miên man thương nhớ con thuyền độc mộc lững lờ trôi trên sông Đăk Bla trong ráng chiều, cô thiếu nữ Ba Na uyển chuyển gùi nước về nhà.
Và cuối email, bạn không quên nhờ tôi cảm ơn cậu xe ôm đã rong ruổi với bạn cả một tuần lễ, bất kể sáng sớm hay đêm khuya, đi xa hay gần với nụ cười hồn hậu luôn nở trên môi.
Cũng cậu xe ôm ấy, khi nhận được điện thoại, đã không ngần ngại băng gần 100 km đường rừng trong đêm lên xã biên giới đón bạn tôi về. Khi được hỏi giá tiền, chỉ gãi đầu gãi tai cười hiền: Anh đưa nhiêu cũng được.
Nghe bạn khen mà tôi khoái trong bụng, nhưng vẫn cố làm bộ nghiêm túc: Người Kon Tum là vậy, hồn hậu, phóng khoáng và chân thành lắm.
|
Nhưng nói không ngoa, đã nhiều người bạn đến với Kon Tum đều nói rằng, một trong những sức hút của phố núi chính là con người nơi đây. Một anh bạn nhà thơ đã từng nhận xét thế này: Người Kon Tum sao mà hiền từ, mến khách quá chừng. Dường như sống giữa bao la núi đồi, được “rừng vây quanh, núi cũng vây quanh” nên tình người nền nã và đằm sâu, lặng lẽ và bền chặt; con người hồn hậu như núi, như rừng.
Ai cũng biết người Kon Tum mến khách, dễ thương, nhẹ nhàng. Nhưng phía sau những vẻ đẹp ấy, là một ý thức cộng đồng mạnh mẽ đáng kinh ngạc. Nếu không tin, bạn hãy lên xe máy và chạy rong ruổi khắp thành phố một lần sẽ biết.
Ở bất cứ đâu, bạn cũng sẽ gặp những nụ cười thân thiện của các thiếu nữ đang gùi nước về buôn; thấy các em nhỏ vẫy tay chào khách ở cuối con đường làng. Ghé vào một quán cà phê bất kỳ, bạn có thể bắt chuyện làm quen dễ dàng và nhanh chóng hòa mình với một nhóm bạn.
Bạn cũng có thể ngang qua một ngã tư và xem cách người Kon Tum ứng xử khi xảy ra va chạm giao thông. Giống như bao đô thị đang phát triển khác, vào giờ tan tầm, đường phố trở nên đông đúc, và không tránh khỏi những va chạm. Nhưng hiếm vô cùng chuyện cãi vã nhau, mà khi ấy, người ta sẽ nở một nụ cười nồng hậu, vội vã giúp nhau dựng xe, hỏi thăm tình hình của nhau rồi xin lỗi, khiến người trong cuộc lẫn người qua đường thấy ấm lòng đến lạ.
Chỉ thế thôi cũng đã kể một câu chuyện rất riêng về Kon Tum, về người Kon Tum, mà chỉ có chầm chậm lắng nghe, từ từ cảm nhận mới thấu hết được, và khiến người ta nhớ mãi.
3. Phố của tôi còn hút hồn bao lữ khách bởi mối tình với dòng Đăk Bla hiền hòa, như dải lụa mềm dịu dàng, đã bao đời tha thiết ôm phố vào lòng.
Suốt một tuần lễ công tác tại phố núi, không có buổi sáng nào bạn không kéo tôi xuống thật sớm để đi dạo dọc bờ sông Đăk Bla, sau đó ghé vào quán cà phê Huy, kéo ghế ra ngồi sát bờ sông, đến khi cảm nhận được hơi nước lành lạnh phả vào mặt mới thôi, rồi buông một câu quen thuộc: Chưa bao giờ tớ gặp một dòng sông nào đáng yêu như thế này. Thiên nhiên thật ưu ái khi ban tặng cho Kon Tum một dòng sông đẹp.
Nghe quen rồi, nhưng vẫn thấy sướng mới lạ!
|
Và thêm tự hào vì dòng Đăk Bla hiền hòa và thơ mộng này đã góp phần làm nên hình ảnh của một Kon Tum thương nhớ, không chỉ trong lòng mỗi người dân Kon Tum, mà còn khiến bất cứ ai đã từng đặt chân đến đều phải lưu luyến.
Chợt nhớ cô gái có đôi mắt lúng liếng và má lúm đồng tiền rõ duyên gặp ở quán cà phê bên sông hôm nào từng rủ rỉ: Đến Kon Tum mà không dành chút thời gian tản bộ dọc theo ven sông Đăk Bla là coi như chưa hiểu hết Kon Tum. Hãy đến và thử nghe Lyna Chăm Nguyên hát “Chiều Đăk Bla” của Quỳnh Hợp, bạn sẽ biết điều đó đúng sai thế nào: …Dòng Đăk Bla êm đềm/ Gió cao nguyên rong chơi… Sóng lăn tăn vỗ bờ/ Ai đứng chờ đợi ai.../.
Tôi đã đồng ý với cô rằng, chỉ cần nghe thôi, đã có bao nhiêu người bị con sông huyền thoại ấy vẫy gọi, đến lúc được rong chơi cùng Đăk Bla, hẳn sẽ cảm thấy bị níu chân mãi.
Sông Đăk Bla gắn bó với đời sống của người dân Kon Tum một cách máu thịt. Phía bờ Nam, thân quen với Đăk Rơ Wa, Plei Groi của người Ba Na, rồi Phương Nghĩa (có từ năm 1882), Phương Quý (có từ năm 1887), Phương Hòa (có từ năm 1892) - những tên làng ở thời cha ông vượt núi băng rừng từ Bình Định, Quảng Nam lên khai khẩn vùng đất hoang sơ này. Vượt qua chút nữa là vùng Ia Chim trù phú với xanh thẫm của cao su, cà phê, xanh biêng biếc của bắp, xanh bàng bạc của mì...
Bờ Bắc là thấp thoáng những làng đồng bào DTTS Ba Na và Rơ Ngao (hợp huyết của hai dân tộc Gia Rai và Ba Na), những cái tên mỗi khi gọi lên cứ như ta đang nghe được âm vang cồng chiêng dưới mái nhà rông cao vút, nào Kon Mơ Nây Kon Tu, Kon Mơ Nây Sơ Lam, Kon Klor, Kon Tum Kơpâng, nào Kon Tum Kơ Nâm, Kon Hra Chót, Plei Tơ Ngia, Kon Rờ Bàng... Rồi Tân Hương (có từ năm 1874), Trung Lương (có từ năm 1914), Lương Khế (có từ năm 1927)…
Dù là bờ Bắc hay bờ Nam, đều quanh năm xanh rì bãi mía, ruộng bắp. Đều miên man những mái chèo lưới cá đêm khuya. Đều sôi động ngày hội đua thuyền độc mộc mỗi dịp xuân về. Đều yên bình những bến cũ trăm năm với con thuyền gác mái nghỉ ngơi.
Trên đường Bạch Đằng uốn lượn bên dòng sông Đăk Bla còn mờ trong sương sớm, tiếng mấy cô, mấy chị cười nói ríu ran. Họ đang đi hái bắp đấy. Gùi bắp nếp xanh mướt như bồng bềnh trôi trong sương sớm. Từ bóng gùi nhỏ bé ấy tôi nhìn thấy sự nhẫn nại, chịu đựng và hy vọng.
Trong hình dung của tôi, những gùi bắp thấm mồ hôi ấy cũng đang kể một câu chuyện về người và đất Kon Tum.
Thành Hưng