Cây nêu - Biểu tượng tâm linh của đồng bào DTTS Kon Tum

16/04/2018 07:00

​Trong các lễ hội lớn của đồng bào DTTS Kon Tum luôn có bóng dáng cây nêu (còn gọi là cột cúng). Cây nêu vừa là hình tượng nghệ thuật kiến trúc, vừa là biểu tượng tâm linh gắn kết đất trời trong các nghi lễ truyền thống của người dân tộc thiểu số nơi đây.

Ở Kon Tum, cây nêu thường có hai dạng. Thứ nhất, cây nêu trong lễ hội cúng Yàng khi dựng làng mới, nó được làm bằng cây lồ ô cao hơn 20m, trên ngọn của cây nêu, người ta thường trang trí hình mặt trời hoặc gắn một con chim (đồng bào quen gọi là chim Tlang) được đẽo từ một loại gỗ tạp. Hình tượng này biểu tượng cho sự tự do và tục thờ thần mặt trời. Đoạn giữa cây nêu gắn hoa văn bông gạo, đoạn gần dưới gốc cây thường tạc hình con thạch sùng hoặc rùa, đây là những thứ thân thuộc, gắn bó trong đời sống sinh hoạt của người Tây Nguyên.

Thứ hai, cây nêu trong lễ hội ăn trâu hay lễ khánh thành nhà rông mới. Cây nêu trong các lễ hội này được làm khá kỳ công và tỉ mỉ. Trước lễ hội khoảng một tháng, thanh niên trai tráng trong làng phải tìm chọn một cây lồ ô cao lớn nhất trong vùng để làm thân cây nêu. Ở giữa cây nêu họ kết nối thêm bốn cây gạo biểu hiện sự cầu mong, khỏe mạnh, an lành. Tỏa ra bốn hướng bay phấp phới là các dây tua làm bằng tre hoặc dây rừng được tết thành với bốn màu: đỏ, đen, trắng, vàng. Đây là màu sắc chủ đạo trong nghệ thuật điêu khắc của người Kon Tum nói riêng và người Tây Nguyên nói chung. Ngoài ra, người Gia Rai, Ba Na ở Kon Tum còn có phong tục dựng cây nêu trong các nghi lễ như lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới… nhưng cây nêu thấp hơn.

Lễ dựng cây nêu của người Xơ Đăng. Ảnh: D.L

 

Trong lễ hội, cây nêu là trục tâm linh, là nơi đi về của các Yàng (các vị thần), ngoài ra nó còn được ví là trục vũ trụ thông tam giới, giúp con người có thể bắc nhịp cầu tâm linh để tiếp cận gần hơn với các đấng thần linh và cõi ông bà tổ tiên.

Theo già A Phơ - người cao tuổi ở làng Kon Tu 2, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum, cây nêu có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Ba Na Kon Tum. Ngày trước, cây nêu chỉ được dựng trong Lễ ăn trâu (một nghi lễ cúng Yàng trọng đại) để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cầu cho mọi người khỏe mạnh, bình an, no ấm. Theo thời gian, cây nêu được dùng ở nhiều sự kiện khác trong đời sống cộng đồng, trở nên gần gũi hơn với sinh hoạt của bà con. Trong các lễ hội dân gian của đồng bào, cây nêu hiện diện trở thành nét đẹp đặc trưng. Cây nêu càng cao vút thì càng có ý nghĩa thiêng liêng, càng được các Yàng nhanh chóng giúp đỡ, phù hộ cho mọi người bình an, khỏe mạnh và mùa màng tốt tươi. Với người Ba Na ở Kon Tum, cây nêu không được làm cầu kỳ, nhiều màu sắc sặc sỡ như một số dân tộc khác, nhưng vẫn mang nét đẹp rực rỡ, thể hiện khát vọng vươn tới của cộng đồng dân cư sống ven sông Đăk Bla. 

Là một trong số ít cao niên trong làng có tay nghề cao cho ra đời những cây nêu đặc sắc, già A Bying làng Jang Roong, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum cho biết: Để hoàn thành được cây nêu trong các lễ hội lớn, người làng phải mất nhiều thời gian, công phu trong công tác chuẩn bị trước đó cả tháng trời. Có điều đặc biệt, là cây nêu chỉ do nam giới đảm nhận. Nữ giới tuyệt đối không tham gia vào bất cứ công đoạn nào để làm cây nêu. Chuẩn bị lễ hội, những thanh niên trong làng được giao nhiệm vụ vào tận rừng sâu tìm lồ ô, tre, nứa thân to, dài. Sau khi nguyên liệu được tập kết về làng, các bô lão trong làng tỉ mỉ kết nối từng bộ phận cho phù hợp. Sau khi các công đoạn lắp ráp đã hoàn tất, cả làng chung tay dựng nêu. Với sự linh thiêng và cao quý đó nên không phải ai cũng làm được cây nêu mà chỉ những người có tài, có đôi tay khéo léo mới làm được.

Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động lao động khác đều dừng lại. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ. Khi trâu đã cột chặt vào cây nêu, thì mọi thành viên trong cộng đồng sẽ hòa nhập vào lễ tế linh thiêng. Họ cùng đánh chiêng, nhảy múa theo vòng tròn ngược  chiều kim đồng hồ xung quanh cây nêu - đó là chiều vận động bất tận của mặt trời, phản ánh triết lý về sự vận hành âm dương của người Tây Nguyên. Các lễ hội thường có thể kéo dài đến mấy ngày để đồng bào có dịp vui chơi sau những tháng ngày lao động vất vả.

Có thể thấy từ khởi nguyên trong truyền thuyết, cây nêu là sự sinh sôi, nảy nở, nhưng trải qua thực tế, ý nghĩa thực của cây nêu trong đời sống lễ hội và tâm linh của cộng đồng đồng bào DTTS Kon Tum mang nhiều hàm ý rộng lớn. Với sự phong phú của các đồ lễ treo trên sạp lễ, cây nêu được xem là cây vũ trụ, trục nối liền đất với trời; là một biểu tượng kết nối vô hình giữa con người với thế lực siêu nhiên; là sứ giả kết nối các cộng đồng lại với nhau thông qua các lễ hội truyền thống được diễn ra hàng năm.

Bằng một tình yêu giản dị và niềm tự hào lặng lẽ với nét đẹp truyền thống của dân tộc, các thế hệ tiếp nối đồng bào DTTS Kon Tum vẫn sát cánh, kề vai trên con đường bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong cộng đồng các dân tộc anh em.

Dương Lê

Chuyên mục khác