06/05/2019 06:07
Tiếng cười nói xa dần. Những nếp váy đung đưa theo nhịp bước chân, màu sắc thổ cẩm sáng cả con đường mùa gió, như mang cả hơi thở đại ngàn về phố thị.
Và chỉ ít phút sau, từ phía nhà rông của làng Kon H'ra Chót đã bay bổng tiếng chiêng cồng. Tinh blinh. Tinh blinh... Tiếng chiêng như giục giã, như mời gọi bước chân bao người.
Đứng trước sân rộng, già làng A Huy nói lớn: Đó, tiếng chiêng như thế là ngon rồi. Chiêng lớn thì tiếng trầm, chiêng nhỏ thì tiếng cao. Chân bước, hông lắc phải mang nét riêng, mềm mại chứ không mạnh mẽ, hào hùng như đàn ông.
Nghe ông nói, có thể thấy ông tự hào về đội chiêng nữ của làng lắm. Mà cũng đúng, với dân làng Kon H'ra Chót, họ là "báu vật", là niềm tự hào. "Mấy người coi, lâu nay phổ biến là đàn ông chơi chiêng, chứ hiếm có đàn bà chơi chiêng lắm, nhưng làng mình có rồi đấy. Không chỉ biết mà còn chơi hay, chơi giỏi nữa"- dân làng thường "khoe" về đội chiêng nữ như vậy.
Và đúng là thế thật.
Không phô diễn những “đường” chiêng mạnh bạo, khỏe khoắn thường thấy như những tay chiêng đàn ông, các tay chiêng nữ làng Kon H'ra Chót hút hồn người xem bằng cách cầm chiêng, cách gõ nhịp vô cùng duyên dáng, uyển chuyển. Từng cánh tay tròn lẳn đưa lên, nhịp xuống mềm mại, cùng những cái lắc hông uyển chuyển, gợi cảm.
Thôn trưởng A Wưr đung đưa tay theo nhịp chiêng: Đội chiêng nữ mới thành lập được 4 năm nay, nhưng đã có thể thay đội chiêng nam trong nhiều dịp lễ hội hoặc sự kiện quan trọng của làng, của phường. Có những bài chiêng khó, nhưng chị em chỉ tập ít buổi là chơi thuần thục không thua gì đàn ông.
Theo già làng A Huy, người có công đầu trong việc lập nên đội chiêng nữ của làng chính là thôn trưởng A Wưr. "Từ lên ý tưởng, đến đi vận động chị em tham gia, lo chuyện chiêng cồng, rồi dạy đánh các bài chiêng, đều một tay của anh ấy lo cả" - già làng A Huy kể.
A Wưr cười hiền. Anh rủ rỉ: Nghe người già kể lại, ngày xưa, phụ nữ Ba Na chơi chiêng rất phổ biến. Nhưng dần dần, không hiểu sao trong các làng không còn thấy phụ nữ chơi chiêng nữa, mà chiêng cồng trở thành “lĩnh vực” riêng của đàn ông. Trong mỗi dịp hội làng, khi nhìn cánh đàn ông chơi chiêng, tôi thấy ánh mắt của nhiều chị em trong đội xoang cứ sáng lên lấp lánh, tôi biết họ yêu chiêng, mê chiêng lắm, nên tôi nảy ra ý nghĩ "Sao mình không tập cho họ chơi chiêng nhỉ?".
Nghĩ là làm, A Wưr bàn với già làng A Huy, ông gật đầu ngay. Theo ông, việc lập đội chiêng nữ ở làng không chỉ góp phần gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng trước nguy cơ mai một, mà còn để đáp ứng yêu cầu thực tế là ở làng, có nhiều hoạt động cần đến cồng chiêng, mặc dù làng đã có đội chiêng nam rồi, nhưng nhiều khi họ không đủ sức để "tiếng chiêng vang suốt ngày không dứt", nhất là khi đã uống vài cang rượu, vì thế, việc lập thêm đội chiêng nữ cũng là cách chia sẻ bớt. Và đây cũng là nét độc đáo hiếm có của đội cồng chiêng làng Kon H’ra Chót- nếu làm được.
Không chỉ vậy, già làng A Huy cùng A Wưr sàng lọc, lên danh sách (dự kiến) những chị em mê chiêng và có đủ điều kiện để tập luyện. Ông còn tranh thủ thời gian đến từng nhà vận động họ tham gia.
Ban đầu, tôi nghĩ rằng sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi đây là chuyện lạ, lâu nay dân làng chỉ thấy đàn ông chơi chiêng, có thấy đàn bà chơi chiêng bao giờ đâu. Hơn nữa, đàn bà trong làng quen chuyện bếp núc, rảnh rỗi thì dệt vải, ủ rượu, kéo họ ra khỏi gian bếp đã là khó, thuyết phục mấy ông chồng còn khó hơn. Mấy ai muốn vợ mình, thay vì ở nhà mỗi chiều, lại ra nhà rông gõ cồng, đánh chiêng - A Wưr nhớ lại.
Ai ngờ, mọi chuyện suôn sẻ hơn A Wưr nghĩ. Dưới sự vận động của thôn trưởng A Wưr và già làng A Huy, chỉ trong vài ngày, số chị em đăng ký đủ để lập đội chiêng nữ (13 người). Ngay cả Y Lih - vợ của già làng A Huy cũng hăng hái tham gia.
Sau này, khi đội chiêng nữ đã tập luyện thuần thục, có thể biểu diễn được, A Wưr vẫn thường nói rằng, ngay cả mình cũng không "đo" hết niềm đam mê chiêng của phụ nữ Ba Na.
|
Mà cũng phải. Với người Ba Na nói chung, dân làng Kon H'ra Chót nói riêng, cồng chiêng là máu thịt, là phương tiện để con người thông linh (với thần), giao hòa với trời đất và giao tiếp trong cộng đồng.
Ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, người ta đã đem cồng chiêng đến đánh bên tai nó, gọi là lễ thổi tai. Chiêng cồng luôn có mặt trong các lễ cúng từ khi con người còn nằm trong bụng mẹ cho tới khi vĩnh biệt cuộc đời, chưa kể vai trò không thể thiếu trong vô số nghi lễ trong năm, kéo dài từ tháng ba đến tháng mười hai.
Vậy cho nên, ai cũng mê chiêng. Và phụ nữ làng Kon H'ra Chót thích chiêng, học chiêng nhanh là điều dễ hiểu.
Buổi tập đầu tiên, dân làng kéo đến xem kín sân nhà rông, làm chị em ngượng, cứ núp kín trong nhà, không dám ra. A Wưr phải nhờ mấy thanh niên diễn tấu một bài chiêng để "nhử"...
Dù cầm chiếc chiêng cái to nhất trong dàn cồng chiêng, nặng gần chục ký để biểu diễn trong khoảng thời gian dài, đôi chân của Y Phíp vẫn không hề lạc nhịp so với cả đội. Tuy đã lớn tuổi (sinh năm 1962), nhưng Y Phíp là một trong những người hăng hái tập luyện nhất.
"Mình lớn tuổi rồi, nên học lâu thuộc, có khi được chỉ đi chỉ lại mà đánh vẫn trật, mấy em trẻ hơn học nhanh lắm, chỉ tới đâu đánh trúng tới đó, đánh hay nữa"- Y Phíp thật thà kể.
Là thành viên trẻ nhất đội, Y Giam đăng ký tham gia đội chiêng nữ để thỏa niềm mê chiêng của mình. Từ khi còn nhỏ, đôi tai Y Giam đã quen nghe tiếng chiêng; đôi mắt em sáng lên, đôi chân nhún nhảy mỗi khi cha và anh trai tấu chiêng. Lớn lên, vào mỗi dịp hội làng, Y Giam thường ngồi trên nhà rông cùng các mẹ, các chị mà tâm hồn đang vấn vít trong tiếng chiêng cồng dưới sân, đôi tay nhịp theo điệu múa.
Khi được vào đội chiêng, Y Giam rất vui. Cô chia sẻ: Những ngày đầu, để cầm chiêng cho đúng đã mất nhiều thời gian, để đánh đúng nhịp điệu để tiếng chiêng hay cần học rất lâu và kiên trì. Nhưng nhờ thôn trưởng A Wưr kiên trì, tận tình chỉ dạy nên chỉ sau mấy tháng, đội chiêng nữ đã có thể biểu diễn được. Có người còn diễn tấu hay, điêu luyện không kém gì đàn ông.
Già A Huy kể thêm: Do tập theo cách truyền khẩu, người biết cầm tay chỉ người không biết, nên để tập được một bài chiêng mất cả tuần, thậm chí 10 ngày. Vì vậy, người dạy và người chơi đều phải kiên nhẫn. Cũng may là ai cũng mê, cũng thích chiêng, nên động viên nhau cùng cố gắng luyện tập.
Còn theo A Wưr, dạy chiêng cho chị em phụ nữ có những khó khăn nhất định, đòi hỏi phải thu xếp chuyện gia đình khéo léo và ổn thỏa, nhưng bù lại, chị em "kỷ luật" và "chăm chỉ" hơn cánh đàn ông. "Cứ đúng giờ đến tập, khi nào cho nghỉ mới về, hiếm khi xin vắng mặt như cánh đàn ông. Ấy cũng là vì chị em không bị những ghè rượu nếp thơm lừng níu kéo như đàn ông" - A Wưr cười rổn rảng.
Những khó khăn ban đầu rồi cũng qua đi. Khi tập nhuyễn được bài chiêng đầu tiên, nhiều chị em trở nên mê chiêng hơn, siêng tập luyện hơn. Kiên trì hướng dẫn đội chiêng nữ tập luyện suốt mấy tháng trời, già làng A Huy, thôn trưởng A Wưr giờ có cái để tự hào.
Già A Huy khoe: Đến nay, đội chiêng nữ đã chơi thuần thục được một số bài chiêng chính rồi đấy, như mừng lúa mới, ca ngợi tình yêu đôi lứa… Khi làng có hội, có sự kiện quan trọng gì, đội chiêng nữ đều tham gia diễn tấu. Cũng là bài chiêng ấy, nhưng khi đội chiêng nữ diễn tấu có cái gì đó rất riêng, thay vì mạnh bạo, phóng khoáng thì lại mềm mại và uyển chuyển. Có lẽ vì vậy mà đội chiêng nữ được dân làng quý lắm, trở thành "báu vật" của làng.
Và dù chưa có điều kiện xuất hiện trong sự kiện văn hóa lớn của địa phương, nhưng những nữ nghệ nhân tài hoa ấy đã đem đến một phong vị riêng, hấp dẫn cho bản sắc văn hóa người Ba Na.
Rời làng Kon H'ra Chót trong trầm bổng chiêng cồng, tôi như nghe trong dòng suối âm thanh ấy có tiếng xào xạc cây rừng, tiếng róc rách suối chảy; lời an ủi lúc buồn, lời chúc mừng khi vui...
Cũng vì vậy mà đã có những chuyến xe dừng lại bên đường, để bước chân du khách tìm đến nhà rông làng Kon H'ra Chót...
HỒNG LAM