30/10/2017 13:00
Những cổ vật vô giá
Trong căn nhà sàn truyền thống tuềnh toàng của già A Đáo có một số món đồ cũ kỹ nhưng có giá trị bằng cả chục con trâu kéo. Đó là những chiếc chiêng, ché (ghè) có tuổi đời hàng trăm năm.
Già A Đáo bảo: “Những chiếc ché, chiếc chiêng này là báu vật vô giá với già, là cả cuộc đời tích góp dành dụm đấy. Có lẽ già là người lập dị nên làm được đồng nào đều gom góp rồi dò hỏi xem ở đâu người ta bán chiêng, ché cổ là mua về”.
Cẩn thận mở từng vòng dây quấn quanh 3 chiếc ché với cột nhà, nhẹ nhàng thổi những hạt bụi bám trên mặt ché, già A Đáo phân trần “Những thứ này quý lắm, nhưng mong manh dễ vỡ nên già phải giữ cẩn thận”.
Rồi già chỉ cho tôi xem sự độc đáo của từng ché: Chiếc ché nhỏ nhất có nước men màu nâu đậm bóng loáng, nhẵn lì già mua được của một gia đình ở bên huyện Ia Grai (Gia Lai). Nó là ché cổ được truyền qua nhiều đời của gia đình họ nhưng vì điều kiện khó khăn nên họ bán nó đi, may mắn mình có người mách nước mới mua được. Lâu quá rồi, già không nhớ đó là năm nào nữa, nhưng lúc đó nó có giá tương đương với gần 10 con trâu đó. Còn chiếc ché có hoa văn kia cũng có tuổi đời hơn 100 năm rồi, nó được già mua lại của một gia đình ở Rờ Kơi với giá trị bằng 5 -6 con trâu. Chiếc ché còn lại được già mua từ hồi sau giải phóng cũng đáng giá cả chục con trâu, nó thiết kế đơn giản hơn, nhưng giá trị đọng lại của nó là tuổi đời cách đây vài trăm năm rồi. Những loại này giờ muốn mua cũng chẳng dễ tìm chút nào đâu.
|
Theo già A Đáo, nếu rượu cần là thứ không thể thiếu trong các lễ hội của người Ja Rai, thì song hành với đó, những chiếc ché cũng rất quan trọng. Vì vậy, dù giàu hay nghèo, trong mỗi nếp nhà sàn của người Ja Rai đều có 1-2 chiếc ché, tuy nhiên ché quý như già đang sở hữu thì không có nhiều. Vào những dịp lễ lớn, quan trọng của làng, của gia đình bắt buộc phải dùng những chiếc ché cổ này để đựng rượu cúng thần linh, những loại ché mới bây giờ không được dùng. Vì thế, khi trong làng có việc, già đều mang những chiếc ché này ra để cho dân làng đựng rượu cúng Yàng.
Trong nhà già A Đáo còn có 2 bộ chiêng được xếp vào loại “hàng độc, hàng hiếm”. Mỗi bộ có 15 chiếc, bao gồm 3 chiếc có núm và 12 chiếc bằng, cũng được già cất giữ cẩn thận. Để có được những bộ chiêng này, già A Đáo đã phải dành nhiều năm tích góp tiền bạc và dành nhiều thời gian, công sức tìm mua.
Theo già A Đáo, những chiếc chiêng cổ có âm thanh rất trong, vang xa và chỉ được sử dụng trong các nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng như đám cưới, làm nhà mới, ăn mừng nhà rông mới, mừng lúa mới, đám ma... Nó là tín vật truyền tải những thông điệp, mong muốn của con người với thần linh, là sợi dây gắn kết người dân trong làng bởi khi tiếng chiêng vang lên, cũng là lúc dân làng cùng nắm tay nhau hòa trong điệu xoang bên ánh lửa và ngất ngây trong men say rượu cần.
|
“Ngày xưa, nhà già nhiều chiêng, ché cổ lắm, những bộ chiêng đáng giá 20 – 30 con trâu, có những chiếc ché đáng giá 5 – 10 con trâu. Tuy nhiên, trong những năm chiến tranh chống Mỹ do thường xuyên phải di chuyển chỗ ở nên bị vỡ, thất lạc. Sau này, già tiết kiệm rồi dần dần tìm mua lại, nhưng cũng chỉ được chừng đó thôi” – già A Đáo trải lòng.
Của để dành cho mai sau
Theo quan niệm của người Ja Rai, sự giàu có của mỗi gia đình, dòng họ được thể hiện bằng những chiếc cồng, chiêng và ché cổ. Nó được coi là những tín vật của thần linh, lưu truyền từ tổ tiên của họ nên họ rất coi trọng.
Nếu như cồng chiêng là linh hồn trong các lễ hội, là vật linh thiêng có giá trị nhất của mỗi gia đình và cộng đồng, thì ché thể hiện sự sung túc, sức mạnh của dòng tộc. Ngày xưa, trong các lễ hội, nhà nào có nhiều ché cổ để đựng rượu cúng Yàng, thì thể hiện nhà đó đã có của, giàu có. Chưa hết, ché cổ còn là nơi trú ngụ của thần linh để che chở, phù hộ cho mỗi gia đình, dòng họ. Vì vậy, những vật này như là tài sản không thể tính được bằng tiền nên già A Đáo không bao giờ nghĩ đến chuyện bán những cổ vật này.
“Nhiều người có điều kiện kinh tế, có đam mê sưu tầm cổ vật đã tìm đến nhà già để hỏi mua lại những bộ cồng chiêng và chiếc ché cổ với giá khá cao nhưng già đều lắc đầu. Mỗi bộ chiêng người ta đã trả giá tới 80- 100 triệu đồng, mỗi chiếc ghè cũng được hỏi mua với giá cao tới 30 – 40 triệu đồng nhưng già từ chối. Dù có trả giá cao bao nhiêu già cũng không bán đâu! Với lại, bây giờ có tiền muốn tìm mua những chiếc ghè như thế còn không có nữa nên mình có rồi sao có thể bán đi được chứ. Già không có con ruột nên sau này khi già ốm đau hay về với tổ tiên sẽ để lại cho con nuôi hoặc đứa cháu nào có tâm như món của hồi môn mình để dành cho chúng nó ”- già A Đáo tâm sự.
Thỉnh thoảng, già A Đáo lại mang những chiếc ché, chiếc chiêng bày biện ra nhà để lau chùi cẩn thận, ngắm nghía rồi lại cất gọn vào trong góc nhà. Khi nào trong dòng họ, trong làng có lễ hội lớn già mới mang ra để dùng. Già coi việc đưa những đồ vật quý giá của mình ra cho dân làng dùng như một cách để cả làng chung nhau hưởng phúc.
Không chỉ giữ lại những cổ vật có giá trị, già A Đáo còn nỗ lực truyền dạy những tinh hoa văn hoá của cồng chiêng cho con nuôi và các cháu trong nhà.
Già A Đáo chia sẻ: Mình phải dạy chúng biết đánh cồng chiêng, mình phải kể cho chúng nghe về những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc Ja Rai, nhắc nhở chúng về những nghi lễ quan trọng thì chúng mới biết gìn giữ, nối truyền. Từ đó, những chiếc cồng chiêng, ché cổ mà già đã dày công tìm tòi, gìn giữ mới có cơ hội được vang lên và được dùng để đựng rượu cúng Yàng chứ. Rồi chúng nó còn truyền tiếp cho các thế hệ sau nữa.
Một đời tâm huyết tìm kiếm những chiếc chiêng, ché cổ nên suốt mấy chục năm qua, với già A Đáo những món đồ cổ này là một phần quan trọng của cuộc sống. Việc già A Đáo để lại những món đồ quý này cho con cháu không chỉ có ý nghĩa về giá trị kinh tế mà vượt lên trên tất cả đó là để lại những tinh hoa của văn hoá dân tộc để đời sau gìn giữ.
Bài, ảnh: Thiên Hương