A Veng - Người truyền cảm hứng say mê văn hóa dân tộc

19/11/2019 13:01

Hơn 20 năm nay, ông A Veng, 70 tuổi, dân tộc Xơ Đăng, làng Kon Kơ Lốk (xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) truyền dạy cho nhiều người về kỹ thuật chế tác các loại nhạc cụ dân tộc (đàn t’rưng, đàn ting ning), nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, kỹ thuật chỉnh cồng chiêng. Qua đó, ông truyền ngọn lửa nhiệt huyết và niềm say mê văn hóa của đồng bào DTTS tại chỗ cho thế hệ trẻ tại địa phương, góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình.

Trò chuyện với tôi, ông A Veng cho biết, ông tự học chế tác nhạc cụ từ năm 12 tuổi, học những người già về kỹ thuật đánh chiêng. Trong ông luôn cháy bỏng niềm đam mê đối với nhạc cụ truyền thống của các DTTS địa phương mình, chính điều này đã thôi thúc ông mày mò nghiên cứu, bỏ công học hỏi không ngừng trong suốt thời trai trẻ. Lúc bấy giờ, mỗi khi những người già đánh cồng chiêng trên nhà rông vào các ngày lễ, ông thường chăm chú học theo và ghi nhớ bài đó. Thấy người nào mệt thì ông xin tham gia đánh thay cùng đội chiêng. Có những lúc ông đánh sai nhịp, âm thanh không rõ, nhận ra điều này ông nhờ những người già hướng dẫn, chỉ dạy.

Lâu ngày, kỹ thuật đánh cồng chiêng của ông A Veng trở nên điêu luyện và chính thức tham gia trong đội cồng chiêng của làng diễn tấu cho mọi người nghe trong các dịp lễ hội.

Khi đã trở thành nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng của làng, ông A Veng vẫn say mê luyện tập, nghiên cứu về kỹ thuật diễn tấu các bài chiêng dùng trong các lễ hội, nghiên cứu các nhạc cụ truyền thống của đồng bào DTTS và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ngoài việc thường xuyên tham gia đánh cồng chiêng trong các lễ hội của dân làng, ông còn truyền dạy cho các thế hệ trẻ hiểu hơn về kỹ thuật đánh cồng chiêng. Ông luôn tận tụy với nghề, thuyết phục và đào tạo các cá nhân trong làng để bảo vệ giá trị di sản cồng chiêng.

Nghệ nhân A Veng biểu diễn đàn t'rưng. Ảnh: QĐ

 

Mười mấy năm qua, ông A Veng tham gia nhiều hoạt động trong việc truyền dạy và đi biểu diễn ở nhiều nơi trong tỉnh, trong nước. Cụ thể như tham gia các hoạt động liên hoan cồng chiêng, trình diễn nhạc cụ truyền thống do xã, huyện, tỉnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tại các địa phương: Kon Tum, Đăk Nông, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...

Hiện tại, ông truyền dạy cồng chiêng cho các thanh, thiếu nhi trong làng (dịp nghỉ hè của học sinh) biết đánh cồng chiêng theo nhạc truyền thống của người Xơ Đăng. Ông còn thành lập một đội nghệ nhân để tham gia các lễ hội của làng, các sự kiện văn hóa do huyện và tỉnh tổ chức, hoặc phục vụ du khách khi đến thăm làng. Đến nay, ông A Veng đã truyền dạy cho nhiều người biết đánh các bài chiêng truyền thống của dân tộc Xơ Đăng.

Ông A Veng cho hay, khi đánh chiêng, tay phải dùng dùi, tay trái lúc chặn vào mặt chiêng, lúc rời khỏi mặt chiêng sẽ tạo ra những âm thanh lúc trầm, lúc bổng, cuốn hút người nghe. Để tiếng nhạc chiêng được trầm hùng, dồn dập, du dương theo điệu nhạc và vang xa, phải đánh chiêng theo sự điều chỉnh độ mạnh, nhẹ của lực tay và chân. Bên cạnh đó, nghệ nhân diễn tấu chiêng phải nắm bắt rõ về các bài nhạc chiêng, các làn điệu dân ca mà biểu diễn cho phù hợp với từng loại lễ hội. Ví dụ như trong đám ma thì đánh các bài chiêng có nhịp điệu buồn, bi ai, tiếc thương nhằm đưa tiễn người đã khuất; còn trong các lễ hội hay mừng đón khách thì đánh các bài cồng chiêng có nhịp điệu sôi nổi, dồn dập và hào hùng. Nắm bắt sâu sắc về kỹ thuật của từng cái cồng, cái chiêng thì mới có thể truyền dạy về kỹ thuật, kỹ năng đánh nhạc cụ cồng chiêng. Ông A Veng say sưa giảng giải cho chúng tôi biết về kỹ thuật đánh cồng chiêng với sự hiểu biết hết sức sâu sắc, tường tận của mình.

Ông A Veng (đứng giữa) hướng dẫn bà con dân làng đánh cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống. Ảnh: QĐ

 

Đánh giá về tài năng ông A Veng, anh A Khuất - cán bộ phụ trách công tác văn hóa-xã hội (UBND xã Đăk Mar) nói: Ông A Veng là người có công trong việc truyền cảm hứng say mê văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ ở địa phương; qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Xơ Đăng trong quá trình hội nhập và phát triển.

Chị Nguyễn Thị Thắm - huyện Đăk Hà thông tin thêm, với những đóng góp của nghệ nhân A Veng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân Ưu tú” (Quyết định số 355/QĐ-CTN ngày 8/3/2019). Ông A Veng cũng sẽ được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tuyên dương và đón nhận vinh dự này tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum năm 2019, dự kiến tổ chức từ ngày 26 - 28/11 tại huyện Kon Plông.  

Chia sẻ với chúng tôi, những học trò “cưng” của nghệ nhân A Veng như A Tah (18 tuổi), A Nõ (41 tuổi), A Rôm (36 tuổi)…ở làng Kon Kơ Lốk, vui vẻ cho biết: Thầy A Veng lúc nào cũng quan tâm, chỉ bảo tận tình, truyền dạy những bài chiêng cổ, kỹ thuật chỉnh chiêng, kỹ năng đánh chiêng, cách chế tác các loại nhạc cụ dân tộc… Nhờ đó, làng Kon Kơ Lốk có 1 đội nghệ nhân cồng chiêng - múa xoang, thường xuyên tham gia các ngày lễ hội của cộng đồng và trình diễn tại các sự kiện văn hóa do xã, huyện, tỉnh và Trung ương tổ chức.

Quang Định

Chuyên mục khác