27/12/2017 07:02
Năm 2007, ông kể sử thi trên đất nước Mỹ và sau đó là các nước Pháp, Hàn Quốc, Malaysia… Nhưng điều ông trăn trở nhất là sử thi Ba Na đang dần bị mai một khi người kể sử thi đang dần vắng bóng, mà lớp trẻ thì chỉ thích nghe nhìn phương tiện hiện đại, không mặn mà với sử thi.
Chúng tôi tìm đến nhà ông vào một sáng đầu tháng 12/2017. Sau một thời gian dài giữ cương vị Phó chủ tịch UBND xã, rồi Chủ tịch UBMTTQ xã Hơ Moong, đầu năm 2017, ông A Thút đã nghỉ hưu. Gặp ông, trò chuyện và được nghe ông nói về việc biên dịch sử thi Ba Na mới thấy được lòng nhiệt tình, tâm huyết và niềm say mê của ông đối với sử thi lớn đến nhường nào.
|
Từ nhỏ, ông đã đi theo cha, một người kể sử thi có tiếng khắp vùng người Ba Na ở Kon Tum trong những đêm kể sử thi thâu đêm suốt sáng. 10 tuổi, cậu bé A Thút đã có thể hát kể được khoảng 10-20 sử thi. Từ năm 2001 đến năm 2005, ông tham gia biên dịch sử thi Ba Na.
Ông nói, sử thi Ba Na được ví nhiều như cây rừng ở đại ngàn và có giá trị to lớn trong đời sống văn hóa, đời sống tâm linh của các dân tộc thiểu số. Nó là nguồn cội phản ánh sinh động cuộc sống, sự đấu tranh sinh tồn của con người trước thiên tai, địch họa; thể hiện ước nguyện, phẩm chất, nghị lực của con người trong quá trình lao động, sản xuất.
Với ông, việc hát kể sử thi, đó là lúc ông được hòa vào hồn thiêng sông suối, đại ngàn, bay bổng cùng những huyền thoại hùng tráng mà gần gũi, đời thường của cha ông, của thôn làng.
Theo ông, người Ba Na thường hát kể sử thi vào ban đêm. Người hát có thể nằm hoặc ngồi, thường là nằm bên bếp lửa bập bùng, đôi mắt lim dim. Đặc biệt, người hát kể sử thi là những người có sức khỏe và giọng hát tốt, vì họ thường phải diễn xướng nhiều giờ liền mỗi lần, nhất là khi câu chuyện kéo dài nhiều ngày đêm. Người kể đóng nhiều vai, phân câu, phân đoạn, đặt chỗ lấy hơi, chọn nơi thêm luyến láy, từ phụ, hư từ làm cho lời và giọng kể sinh động.
Giọng, điệu, lời, cách phân ngắt cấu trúc, cách sử dụng ngữ điệu, ngữ khí, sắc thái là những phương tiện cơ bản mà nghệ nhân kể sử thi cần khi diễn xướng. Những yếu tố này đều mang đặc trưng của nghệ thuật âm nhạc kết hợp với ngôn từ truyền miệng. Đây là phương thức biểu cảm của ngôn ngữ nói và hát, thường được thể hiện bằng những chuyện dài, xen kẽ giữa văn xuôi và văn vần, theo lối văn biền ngẫu.
Bằng nghệ thuật hát ngâm (những đoạn văn vần) và hát nói (những đoạn văn xuôi), các nghệ nhân có thể kể những câu chuyện dài, nhiều nhân vật, nhiều sự kiện đan xen. Qua đó, người nghe nhận biết được sự ra đời của trời đất, của con người, tâm linh tín ngưỡng, sự hình thành phát triển xã hội, mối quan hệ trong cộng đồng, phong tục, tập quán… hay tên tuổi những anh hùng thần thoại của thôn làng Ba Na như: Diông, Dư, Dăm Noi… miêu tả việc tiến hành mở rộng lãnh thổ, nâng cao quyền uy, thu phục nhân lực, thu nhận của cải, trả thù và đòi nợ…
Sử thi được lưu truyền từ những đêm hát kể, người hát kể cho cộng đồng, người nghe yêu thích và đam mê sử thi thuộc dần từng đoạn, từng câu chuyện trong sử thi, để rồi sau đó tiếp tục kể lại cho người khác nghe. Chính vì vậy mà người kể phải kể đến cùng, người nghe cũng phải nghe cho đến tận cùng kết cục cuộc đời của các nhân vật. Đây cũng chính là điểm khó khi tìm người kế tục phải có trí nhớ tuyệt vời và có đam mê với sử thi.
Dù là người Ba Na, nhưng ông A Thút cũng gặp khó khi đi sưu tầm sử thi trong những làng Ba Na. Theo ông, việc sưu tầm sử thi không dễ: Mình phải nói cho khéo, họ mới thông cảm, họ mới cung cấp cho mình thông tin, mình mới ghi chép. Rất là vất vả. Nếu mà mình nói không khéo, họ nói tôi quên rồi, tôi không có thời gian kể cho anh đâu. Do vậy, mình phải có nghệ thuật của mình, nói cho họ thương, nói cho họ mến mình mới được việc.
|
Trong câu chuyện về những vui buồn cùng sử thi, ông kể có lần ông tới một làng cách làng ông hơn 20km. Mùa mưa Tây Nguyên, mưa tầm tã. Khi đến làng đó, ông bắt đầu ghi âm và ngủ luôn tại đó. Ngấm mưa, ông bị sốt. Chính người nghệ nhân hát sử thi đó lại chăm sóc ông. Nghệ nhân đó nói: Ơ, mình kể, anh không ghi âm, anh không ghi chép, nó sẽ bay đi hết. Bây giờ, mình phải chăm sóc để anh khỏe, để anh viết lại. Sau này, con cháu mình mới biết ông nó, bác nó kể.
Bí thư Đảng ủy xã Hơ Moong - Nguyễn Văn Niệm cho biết: Ông A Thút không những dạy cho bà con làn điệu chiêng, làn điệu múa, lời ru của dân tộc mình, mà ông còn dạy cho các dân tộc anh em như Gia Rai, Xơ Đăng ở các thôn làng của xã Hơ Moong đánh cồng chiêng; sưu tầm các bài sử thi để phổ thành các bản nhạc dạy hát và múa cho thế hệ sau. Đến nay, xã Hơ Moong đã có 6/7 thôn có đội cồng chiêng, nhưng sau A Thút chưa có người hát kể sử thi.
Đã qua 63 mùa xuân, cuộc đời của nghệ nhân A Thút gắn liền với tiếng cồng chiêng, với sử thi. Khi chuyện trò cùng chúng tôi, ông không thể giấu đi nỗi lo lắng trên khuôn mặt khi mà người kể sử thi ở địa phương ông đang mai một dần. Đến giờ, sức khỏe của ông cũng không còn như xưa, trên khuôn mặt đã xuất hiện những vết chân chim đổ dồn nơi khóe mắt. Nhưng trong ông ngày đêm đau đáu một nỗi niềm, cố gắng kiếm tìm cho được người kế tục để “giữ lửa” cho dòng sử thi cháy mãi…
Dương Lê