25/11/2020 06:08
Có duyên với nghề giáo
Vì không có hẹn trước với nghệ nhân A Thui, tôi tự chạy xe máy vào rẫy cà phê sâu tận trong núi để gặp ông. A Thui đang cùng bà con thu hoạch cà phê, thấy tôi đến liền nói: “Chờ tôi cột xong bao cà phê này rồi cùng về nhé, nhà tôi cách đây hơn 2 cây số thôi”.
Tôi tranh thủ tận hưởng khung cảnh tuyệt đẹp của hồ Kon Trang Long Loi nước trong xanh, ngắm những vườn hoa tuyệt đẹp khoe sắc.
Dẫn tôi về căn nhà sàn truyền thống, A Thui chỉ tay phía vườn kế bên, giới thiệu một vài tượng gỗ do chính ông đục đẽo. Bên cạnh những bức tượng, một vài ván thuyền đã cũ và một số đàn dây đã hỏng được xếp ngay ngắn vào một góc.
|
Thấy tôi chăm chú, A Thui liền giải thích: Trước đây tôi thường xuyên đẽo tượng và làm thuyền độc mộc, gần đây vì bận bịu với các lễ hội lớn nhỏ và dạy nhạc nên tạm thời “bỏ xó” đam mê này.
Ngồi giữa nhà sàn, A Thui diễn tấu một đoạn của bài “Tình ca trên núi” do ông sưu tầm được bằng cây đàn ting ning. Chìm vào giai điệu du dương, tôi như lạc vào suối nguồn róc rách ngọt ngào của đại ngàn Tây Nguyên, ở đó có thiếu nữ BaNa với mái tóc dài, ngại ngùng e thẹn khi được chàng trai BaNa ngỏ lời yêu thương.
Càng nghe càng tò mò về thiết kế của các loại đàn, tôi được A Thui giải thích: Đàn ting ning được làm từ ống cây lồ ô và quá trình làm cũng rất kỳ công. Khi bắt đầu làm đàn, người ta phải lên rừng chọn cây lồ ô gần rụng hết lá, lấy phần giữa thân cây mang về phơi trên gác bếp từ 1-2 tháng rồi mới mang ra làm. Đàn ting ning dùng cho các chàng thanh niên bày tỏ tình cảm với bạn gái, chuyển tải tình cảm của người chồng với người vợ để chia sẻ, bầu bạn... Ting ning đã trở thành cây đàn tình yêu, cây đàn yêu thương của người Ba Na giữa núi rừng đại ngàn.
|
“Ting ning cùng t’rưng, b’rot là những cây đàn tôi thường xuyên trình diễn cùng với chiêng trong những dịp lễ hội. Còn lại, hầu hết những loại nhạc cụ truyền thống khác của dân tộc Ba Na, tôi đều biết chơi và chế tác, gồm cả đàn dây, trống và cồng chiêng... tiêu biểu như kơni, b’rưng, k'long put...” -A Thui tâm sự.
Không những biết chơi nhiều nhạc cụ, nghệ nhân A Thui còn rất am hiểu nhạc lý. Và theo ông, mặc dù về kỹ năng chơi đàn của ông so với nhiều nghệ nhân nổi tiếng khác chưa phải là hay nhất, nhưng chính việc ông am hiểu nhạc lý đã giúp ông dạy nhạc hiệu quả, là cái “duyên” đưa ông đến với nghề thầy giáo.
“Nhiều nhạc công chơi nhạc rất hay, nhưng vì không hiểu sâu về lý thuyết nên việc truyền dạy lại cho học sinh gặp nhiều khó khăn. Tùy vào khả năng của mỗi em, mình phải dùng lý thuyết để giảng giải một cách khoa học. Khi các em đã có chút “vốn” thì mới có thể cảm nhạc để mà học nhanh hơn” - Nghệ nhân A Thui chia sẻ.
Người thầy tận tâm
Nhìn sơ qua cách bài trí đồ đạc trong nhà sàn có thể đoán ngay nghệ nhân A Thui là thầy giáo dạy nhạc. Phần lớn diện tích căn nhà sàn được ông bày biện, trang trí hài hòa, khoa học cho việc dạy. Trên các mảng tường ván gỗ, A Thui treo bộ chiêng cồng có ghi tỉ mỉ từng nốt nhạc. Phía đối diện được ông dán các bản nhạc có cả nốt và lời để làm tài liệu trong lúc học.
A Thui cho biết, ông may mắn vì vợ là nghệ nhân Y Nhiuh luôn ủng hộ và hỗ trợ ông hết mình trong quá trình dạy lớp trẻ về âm nhạc truyền thống. Đến nay, ông đã truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò lớn nhỏ trong làng, nhiều học trò trưởng thành lại tiếp nối đam mê làm thầy giáo giống ông.
Nhờ phương pháp dạy khoa học và dễ hiểu, hầu hết các học trò của nghệ nhân A Thui đều học giỏi. Ông kể, học trò A Tram (16 tuổi) hiện là học trò ưu tú nhất của ông. Trước đây A Tram rất chậm tiếp thu, ai cũng nghĩ rằng A Tram không có năng khiếu. Sau nhiều lần A Tram không thuộc được bài, ông đã quyết định dừng việc tập đàn của em khoảng 3 tháng để tập trung vào việc đọc và gọi tên các nốt nhạc, cảm nhận nhịp phách... Kết quả ngoài mong đợi, sau 3 tháng ấy, khi được trở lại tập đàn, A Tram như “cá gặp nước”, học bài nào thuộc bài đó, nhanh chóng vượt trội so với các bạn khác. Từ lần đó, ông rút ra thêm một phương pháp hay để áp dụng dạy học trong những lần sau.
|
A Thui cho biết, ông đang là đội trưởng đội nghệ nhân của làng Kon Trang Long Loi gồm 42 thành viên, thường xuyên tham gia vào các ngày lễ hội lớn nhỏ tại địa phương với đa dạng các tiết mục. Lớp học nhạc hiện tại của nghệ nhân A Thui cũng được đặt tên là “Câu lạc bộ dân gian của làng Kon Trang Long Loi”.
“Tôi cùng các nghệ nhân trong làng thành lập đội nghệ nhân để sẵn sàng tham gia đánh cồng chiêng trong các lễ hội của làng; tham gia các ngày hội, liên hoan do huyện, tỉnh tổ chức và phục vụ du khách khi đến với làng. Vì là đội trưởng đội cồng chiêng nên tôi chủ yếu làm vai trò dẫn dắt, bắt nhịp cho các thành viên khác trong lúc biểu diễn. Trong tang ma thường đánh các bài chiêng buồn, bi ai, tiếc thương. Còn trong các lễ hội, những dịp đón khách thường đánh các bài chiêng nhịp điệu sôi nổi hào hùng...”
Góp phần đào tạo lớp trẻ về âm nhạc truyền thống, lại có nhiều đóng góp trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương, nghệ nhân A Thui vinh dự được Nhà nước công nhận Nghệ nhân ưu tú vào năm 2015. Đặc biệt, nghệ nhân A Thui cũng là gương nông dân tiêu biểu, sản xuất giỏi của làng Kon Trang Long Loi, gia đình nhiều năm liền đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu”...
HOÀNG THANH