A Phếch lưu giữ cồng chiêng

07/06/2019 06:10

Với anh A Phếch ở làng Trấp, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, lưu giữ cồng chiêng là niềm đam mê bất tận. Bởi vậy, gần 10 năm nay, chỉ cần nghe thông tin ở đâu bán cồng chiêng, chẳng ngại xa xôi, anh lại tìm đến tận nơi mua để lưu giữ. Đến nay, anh đã mua và giữ được 4 bộ cồng chiêng quý.

Bán lúa giống mua cồng chiêng

Đến xã Ya Tăng, hỏi về việc lưu giữ cồng chiêng, anh A Phương - Phó Chủ tịch UBND xã liền chỉ: “Ở đây nhiều gia đình có cồng chiêng nhưng nhiều cồng chiêng quý nhất phải kể đến nhà A Phếch ở làng Trấp. Ở đây ai cũng biết A Phếch, cô cứ hỏi rồi sẽ được người dân chỉ đến tận nhà”.

Quả như lời anh A Phương nói. Đến xã, hỏi nhà A Phếch, bà con trong vùng chỉ ngay. Có người còn đùa gọi anh A Phếch là “ông bán lúa giống mua cồng chiêng”.

Trong ngôi nhà cấp 4 bạc màu thời gian, vừa nghe chúng tôi giới thiệu và bày tỏ ý muốn tìm hiểu về những bộ cồng chiêng, A Phếch liền vui vẻ: “Gia tài của gia đình mình là cồng chiêng cổ đấy”. Nói rồi, để khách “mục sở thị”, anh nhanh chóng mang ra 4 bộ cồng chiêng được cất giữ cẩn thận. “Nhà mình nghèo của nhưng giàu cồng chiêng; có bộ ngót nghét trăm tuổi rồi đấy”- A Phếch tự hào. 

Chỉ vào một bộ cồng chiêng 8 chiếc, A Phếch bảo: Bộ cồng chiêng này với mình là báu vật vô giá, là kỉ vật, kỉ niệm của cả gia đình mình. “Bộ cồng chiêng này do ông cố và ông nội để lại cho bố mẹ, rồi bố mẹ để lại cho mình. Trước đây, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cả gia đình mình phải đi trốn bom đạn. Có thời điểm hàng tháng trời phải ở trong rừng rồi di chuyển liên tục nhưng ông nội và cha vẫn bện dây mây làm giỏ, làm gùi để mang bộ cồng chiêng này theo. Đất nước thống nhất, gia đình mình trở về làng Trấp, tài sản duy nhất còn lại là bộ cồng chiêng 8 chiếc. Lúc đó, nghèo lắm, đói khổ nhưng cả gia đình rất tự hào vì còn giữ bộ cồng chiêng. Nhất là khi cán bộ ở xã đến nhà mời bố mẹ mang cồng, chiêng đi khắp nơi biểu diễn văn hóa - văn nghệ, tuyên truyền giữ gìn văn hóa dân tộc, kêu gọi bà con ở rừng về ổn định lại cuộc sống mới có Đảng, Bác Hồ, cả nhà ai cũng tự hào” - A Phếch kể.

Những năm 2000, cuộc sống của bà con khấm khá hơn, cũng là lúc tiếng cồng chiêng trong làng ngày càng vắng. Lúc này, dù đời sống kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng anh A Phếch luôn nuôi ý định: “Phải mua thêm cồng chiêng về để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.

Thế rồi, những ngày đi rẫy hay lúc rảnh rỗi đi ra xã, ra huyện, A Phếch lại lân la bắt chuyện, hỏi dò ai biết chỗ nào có nhu cầu bán cồng chiêng thì mách giúp. Nhiều người tò mò hỏi anh mua làm gì, anh chỉ cười bảo là “thích sưu tầm”.

Rồi cơ duyên cũng đến. Khoảng năm 2007, có người ở Gia Lai đưa 1 bộ cồng chiêng đến làng tìm gặp A Phếch. “Lúc đó, mình đang ở rẫy xa, nghe người quen gọi có cồng chiêng, mình liền chạy về nhà. Khi ấy trong người không có đồng nào cả, sẵn lúa giống trong nhà, mình bán hết rồi bán thêm cà phê chưa kịp phơi khô để lấy tiền mua. Biết chuyện, vợ con mình cũng khó chịu lắm, nhưng việc đã rồi nên cũng cho qua” - A Phếch cười.

Mặc dù đã có 2 bộ cồng chiêng trong nhà, nhưng A Phếch vẫn muốn có nhiều hơn nữa. Vậy là, vừa làm lụng, anh vừa tiết kiệm mua thêm 2 bộ cồng chiêng. “Trong 4 bộ, bộ rẻ nhất mình mua với giá 60 triệu đồng, bộ cao tiền nhất là 100 triệu đồng. Thấy mình mua cồng chiêng, mọi người cứ xì xào bàn tán nhưng mình không để bụng. Tiền tiêu bao nhiêu cũng hết nhưng mua cồng chiêng, giữ cồng chiêng là giữ văn hóa mà” - anh kể.

Với A Phếch, những bộ cồng chiêng là báu vật vô giá. Ảnh: T.A

 

Giao báu vật cho làng

A Phếch bỏ số tiền lớn để mua cồng chiêng nhưng không giữ riêng cho gia đình. Khi trong xã, trong làng có lễ hội, A Phếch lại nhiệt tình đem cồng chiêng đến cho mượn. “Cồng chiêng của gia đình được bà con đến mượn và đưa đi biểu diễn mình mừng vui lắm. Mình thích nghe tiếng cồng chiêng ngân vang và thật sự hạnh phúc khi nét đẹp văn hóa của người Gia Rai được giữ gìn và lưu truyền” - A Phếch chia sẻ.

Không chỉ cho làng mượn cồng chiêng, A Phếch còn tận tình đem ra hướng dẫn bà con, thanh thiếu niên trong làng đánh cồng chiêng. Đặc biệt, mỗi khi xã cần đội cồng chiêng để tham gia các phong trào giao lưu văn hóa, văn nghệ, A Phếch sẵn sàng đảm nhiệm việc huy động các nghệ nhân tham gia. Nhờ đó, nhiều lần các đội chiêng - xoang ở xã mang về nhiều giải thưởng lớn.

A Phếch không biết chỉnh chiêng nhưng đôi tai lại rất thính. Khi có việc sử dụng bộ chiêng, chỉ cần người dùng “tấu” chiêng lên, anh có thể nghe, cảm nhận được âm thanh bị “vênh” của từng chiếc chiêng. Và không để lâu, anh lẳng lặng đi tìm những nghệ nhân giỏi để chỉnh lại chiêng cho đúng, cho hay hơn.

Vì được chăm sóc, giữ gìn kỹ lưỡng nên các bộ cồng chiêng nhà A Phếch rất hay. Người dân làng Trấp kể, nếu năm nào, 3 bộ cồng chiêng của anh được sử dụng cùng lúc vào ngày lễ hội mừng lúa mới ở làng, thì tiếng vang xa đến tận các đỉnh núi cao giáp ranh huyện Đăk Hà, huyện Đăk Tô.

Chia sẻ với chúng tôi, A Phếch nói, ước ao lớn nhất của anh chính là thế hệ trẻ học đánh cồng chiêng, múa xoang để lưu truyền văn hóa. “Tôi mong các cấp, các ngành quan tâm, tổ chức các đợt truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ thanh niên ở các làng. Bản thân chúng tôi, khi có lớp, chúng tôi cũng sẵn sàng truyền dạy” - A Phếch nói.

Trưa muộn, A Phếch cẩn thận cất giữ kỹ những bộ cồng chiêng trước khi tiễn khách ra về. A Phếch vừa vẫy tay vừa vọng theo dặn dò: “Cô đi nhiều, biết chỗ nào bán cồng chiêng cứ bảo tôi nhé! Tôi sẽ tới mua ngay...”.

MAI TRÂM - BÌNH AN

Chuyên mục khác