03/10/2017 06:30
Nghệ nhân đa tài
A Đông năm nay 45 tuổi, anh được dân làng Đăk Rơ Chót mệnh danh là người nghệ sĩ tài hoa. Bởi, không chỉ là người thạo chiêng, người đứng đầu đội cồng chiêng của làng, mà anh còn rất tài tình trong việc chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, biết hát nhiều làn điệu dân ca.
Theo lời kể của A Đông, anh có may mắn là từ nhỏ đã được đắm mình trong các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na cùng với những tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng núi rừng. Thứ âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió của cồng chiêng đã làm anh mê mẩn và thôi thúc anh theo học.
|
“Chẳng biết có phải mình được thừa hưởng năng khiếu và cả niềm đam mê với cồng chiêng của cha mình hay không mà từ nhỏ cứ thấy bất kỳ ở đâu có cồng chiêng là mình theo cha đến để nghe, để xem người ta biểu diễn. Thế nhưng, phải đến năm lên 7 – 8 tuổi, khi cầm nổi chiếc chiêng thì mình mới bắt đầu học đánh và được cha truyền dạy rất tận tình. Cứ đêm trăng sáng hay khi việc nhà nông nhàn rỗi, ông lại bày cho mình đánh chiêng. Được cái mình học nhanh và lại thích nên bài nào cha dạy mình cũng thuộc rất nhanh, đánh rất đúng nhịp điệu” – A Đông chia sẻ.
Nhờ năng khiếu cùng với niềm đam mê dành cho cồng chiêng nên khi lên 15 tuổi, A Đông đã đánh thành thạo hầu hết các bài chiêng cơ bản của người Ba Na như đón khách đến thăm nhà, đâm trâu mừng nhà rông mới, mừng lễ hội nước giọt, mừng lúa mới… Và cũng từ đó, anh trở thành thành viên chủ chốt trong đội chiêng của làng. Mỗi khi dân làng tổ chức lễ hội, A Đông luôn được chọn vào đội cồng chiêng của làng để tham gia biểu diễn. Khi nhuần nhuyễn các bài chiêng cơ bản, A Đông bắt đầu sáng tạo thêm những bài chiêng mới phù hợp với từng dịp lễ hội.
Trong suốt những năm qua, A Đông luôn phát huy tốt vai trò người “nhạc trưởng” trong đội chiêng của làng Đăk Rơ Chót. Anh đã tham gia biểu diễn chiêng trong nhiều lễ hội lớn nhỏ của xã, huyện.
Nói A Đông là nghệ nhân đa tài bởi anh không chỉ giỏi cồng chiêng, mà anh còn rất có tài trong việc đàn, hát. A Đông có thể chế tác và chơi được nhiều nhạc cụ truyền thống như ting ning, klông pút, đàn nước... Đàn giỏi mà hát cũng hay, trong anh lưu giữ cả một kho tàng các bài dân ca truyền thống của dân tộc Ba Na.
Khi tôi gợi ý muốn nghe anh hát thử vài làn điệu dân ca, thoáng chút ngại ngùng, A Đông cất lên những ca từ mượt mà của bài “Angkhey” (mặt trăng). Qua lời giải thích của A Đông, đây là bài hát ca ngợi vẻ đẹp của những người con gái, vừa là lời tỏ tình rất chân thành của chàng trai: Em ơi, trời sáng trăng đẹp/Em đẹp như mặt trăng/Anh nhìn em cười, thấy đôi môi đỏ.../Em mở cửa cho anh vào, lấy nước cho anh uống/Nếu anh yêu em, bố mẹ gả cho...
Dừng lại một chút, A Đông lại cất lên những lời hát rất đỗi ấm áp, da diết của bài hát “Ngô Trang ơi”. Một bài hát nói về nỗi nhớ làng của người dân trong những ngày đi làm nương làm rẫy ở xa hay những chuyến đi rừng săn thú dài ngày, mong thời gian trôi nhanh để về làng gặp lại bà con...
A Đông nói, anh có thể hát cả ngày cũng không hết các bài dân ca. “Mình yêu những khúc hát dân ca, bởi chính những khúc ca ấy đã góp phần nuôi tâm hồn mình từ lúc còn là thiếu niên đến giờ. Trong cuộc sống lao động sản xuất, dù lên nương hay lên rẫy, dù sinh hoạt lễ hội hay trong lao động sản xuất thì những câu dân ca vẫn gần gũi, đằm thắm, mộc mạc. Bây giờ dù ít ai còn hát và nghe, nhưng mình vẫn hát cho mình nghe mỗi ngày và hát cho mọi người nghe khi có dịp” – A Đông giãi bày.
Truyền dạy đam mê
Năm 2016, tại Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3, A Đông là một trong 43 nghệ nhân của tỉnh được trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú bởi những đóng góp trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy, truyền dạy các giá trị văn hóa cồng chiêng cho thế hệ trẻ suốt nhiều năm qua. Người “nhạc trưởng” của làng Đăk Rơ Chót luôn dốc lòng để truyền dạy những tinh hoa văn hoá của dân tộc cho lớp con cháu trong làng.
A Đông kể: Với đồng bào DTTS, cồng chiêng là linh hồn của các lễ hội, là một phần quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần và tín ngưỡng. Từ lễ mừng lúa mới, mừng nhà rông mới, các ngày lễ tết trong năm, đến lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh... đều phải có tiếng cồng chiêng. Trước đây, ở trong làng có nhiều người biết đánh chiêng và có nhiều bộ chiêng quý. Nhưng xã hội hiện đại, môi trường sống thay đổi nên lớp trẻ đã dần không còn yêu thích cồng chiêng nữa, chúng đã vô tình lãng quên những bản sắc văn hóa của cha ông. Vì thế, mình nghĩ việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ là điều quan trọng cần phải làm. Lớp cha ông mình đi trước đã chỉ bảo cho mình thì bây giờ mình phải có trách nhiệm dạy lại cho thế hệ sau, để chúng tiếp tục giữ cho nhịp cồng chiêng vang xa.
Tuy nhiên, theo A Đông, để thuyết phục những người trẻ tuổi gia nhập Đội cồng chiêng quả có nhiều khó khăn, phải kiên trì thuyết phục, động viên rất vất vả. Anh phải nói sao cho mọi người hiểu, tiền bạc quan trọng, nhưng bản sắc của dân tộc mình là tài sản vô giá cần phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy thì họ mới tham gia. Song, không phải ai cũng có thể học được cồng chiêng bởi phải là người có chút năng khiếu cảm nhận về thanh âm và lòng đam mê thực thụ thì mới đánh được cồng chiêng. Vì thế, anh phải chú trọng tìm tòi, kỳ công bồi dưỡng từng người, từng người…
A Đông bày tỏ: Để làm được điều này, mình phải động viên để có đông đảo bọn trẻ tham gia, rồi sau đó mình mới dạy và thanh lọc từ từ, tận tình chỉ bảo cho những đứa có khả năng nhất. Nói thì tưởng chừng đơn giản, nhưng cồng chiêng là âm nhạc tập thể nên để tìm ra được đủ một đội chiêng và đào tạo thành đội chiêng thực thụ là cả một quá trình mất rất nhiều thời gian và công sức đấy.
Nhà A Đông có 2 bộ chiêng nên anh có nhiều điều kiện dạy cho lớp trẻ. Đối tượng được anh lựa chọn nhiều nhất là những học sinh từ 9 – 15 tuổi, vì theo anh ở lứa tuổi này các em dễ tiếp thu và cũng có nhiều thời gian hơn. Vào dịp hè, tối tối anh luôn dành thời gian để dạy cho bọn trẻ, còn bình thường thứ Bảy, Chủ nhật anh cũng vẫn chỉ dạy cho các em. Đặc biệt, khi làng chuẩn bị có lễ hội hay sự kiện gì có cồng chiêng biểu diễn thì anh dành nhiều thời gian bất kể ngày hay đêm để tập luyện cho mọi người.
A Đông không chỉ chỉ dạy cho người học cách gõ, cách đánh cồng chiêng sao cho đúng, cho hay mà anh còn chỉ dạy cả phong cách biểu diễn sao có hồn và cuốn hút người xem, người nghe.
Sau một hành trình dài tận tuỵ với công việc bị xem là “vác tù và hàng tổng”, A Đông đã gặt hái được những thành công đáng kể. Dưới sự dìu dắt, chỉ bảo của anh và sự hỗ trợ của một số người có tâm huyết trong làng, giờ làng Đăk Rơ Chót đã có 1 đội chiêng nam người lớn và 1 đội chiêng nhí. Ngoài ra, trong làng còn có một đội chiêng nữ. Những người phụ nữ với tài năng và cả niềm đam mê với cồng chiêng đã được A Đông chỉ dạy và hình thành nên đội chiêng nữ độc đáo.
Có thể nói, nghệ nhân A Đông đã thực sự cống hiến hết mình trong việc góp phần bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Vậy nhưng, khi nói về những mong muốn của mình, A Đông chỉ cười trải lòng: Mong sao có nhiều người học, biết đánh cồng chiêng để bản sắc văn hóa dân tộc mình không bị mai một, thế là vui rồi.
Thiên Hương