Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng ở Sa Thầy: Nỗ lực cứu nạn nhân

15/07/2020 06:08

Cho đến thời điểm này, những người trực tiếp chứng kiến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra sáng 11/7 tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy khiến 6 người chết và 34 người bị thương vẫn chưa hết bàng hoàng. Và mọi người đều cho rằng nếu không có sự hỗ trợ cứu giúp kịp thời và nhanh chóng của các lực lượng thì số người chết không dừng lại con số 6.

Kịp thời cứu hộ, cứu nạn

Ngay sau khi nhận được tin báo vụ TNGT, huyện Sa Thầy đã huy động lực lượng tại chỗ gồm công an, bộ đội, dân quân tự vệ, đồn biên phòng…tiếp cận hiện trường tiến hành công tác cứu hộ, cứu nạn. Sau đó, đích thân đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải và một số lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh như Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, Công an huyện Ngọc Hồi, Đồn biên phòng và nhân dân nhanh chóng tập trung lực lượng đến hiện trường cùng với chính quyền địa phương triển khai công tác cứu hộ, tổ chức cắt khung xe để đưa người bị tai nạn kẹt trong xe ra ngoài để sơ cứu tại chỗ và chuyển viện cấp cứu.

Đại tá Vũ Tiến Điền - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an tỉnh đã điều lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cùng hàng chục chiến sĩ cảnh sát cơ động nhanh chóng tiếp cận hiện trường và triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Các chiến sĩ đã nỗ lực hết mình để cứu hộ, đưa đi cấp cứu kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người bị nạn.

Theo Trung tá Phạm Xuân Hùng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng 705, do thời điểm xảy ra vụ tai nạn có sương mù, xe bị rơi xuống vực độ dốc cao nên trong quá trình cứu hộ, các cán bộ chiến sĩ biên phòng phải đi bộ, phát quang cây cối mới tiếp cận được hiện trường. Hơn nữa, do xe khách gặp nạn bị móp méo nên lực lượng cứu hộ phải dùng gậy gộc, xà beng để cạy, phá cửa nhằm nhanh chóng đưa những nạn nhân bị thương ra khỏi xe.

Là một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường tham gia công tác cứu hộ, ông Chu Văn Bàn (51 tuổi, nhân viên trạm kiểm soát liên ngành Đăk Rơ Mao (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) cho biết, sau khi xe đi qua trạm được 20 phút thì ông nhận được điện thoại thông tin về vụ tai nạn gần trạm. Ngay lập tức, ông Bàn cùng 2 nhân viên của trạm lao vào hiện trường (cách trạm khoảng 5km). Khi đến hiện trường, một số nạn nhân bị thương nhẹ đã bò được lên đường với khuôn mặt bàng hoàng. Lúc này, ông Bàn cùng mọi người quyết định tìm cách đưa những nạn nhân bị thương nặng ra ngoài trước, sau đó mới đưa những nạn nhân nhẹ hơn ra ngoài.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: HN

 

“Tiếp cận hiện trường, tôi phát hiện 1 phụ nữ bị kẹt, không thể di chuyển. Thế là tôi vội đưa ra khỏi xe rồi xốc bà ấy lên vai, một tay giữ nạn nhân một tay bám vào bờ vực bò lên. Nếu như bình thường đi bộ 1 mình đã thấy mệt rồi, nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ phải đưa nạn nhân lên nhanh phút nào là hy vọng sống của họ tăng lên chút ấy. Lên đến nơi vừa đặt bà ấy xuống đất tôi lại quay xuống chiếc xe bế một cháu bé khác lên mặt đường” - ông Bàn kể lại.

Bà Lương Thị Điệp (49 tuổi, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, bà cùng 7 người thân trong gia đình bắt xe từ huyện Ngọc Lặc đi vào Đăk Lăk để dự đám tang bố nuôi. Tuy nhiên, chưa tới nơi thì xảy ra sự việc khiến cả gia đình bà bị thương.

“Trước khi xảy ra tai nạn tôi thấy xe rung lắc. Một lúc sau tôi nghe tiếng rầm lớn, người và hành lý trên xe bật lên, nằm ngổn ngang. Khi tỉnh dậy, tôi không biết chuyện gì xảy ra và do đau quá không bò ra ngoài được. Sau đó, tôi được lực lượng chức năng cõng đưa lên bờ cách vực vài chục mét. Lúc đó tôi mới hoàn hồn biết mình còn sống sót. Nếu không có sự cứu giúp kịp thời của lực lượng chức năng thì chắc tôi và nhiều người trong xe sẽ không chịu nổi” - bà Điệp nói.

Tập trung cấp cứu và điều trị cho nạn nhân

Khi những nạn nhân được đưa từ dưới vực lên đường, ngay lập tức đội ngũ nhân viên y tế tiến hành sơ cứu ban đầu rồi chuyển về Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi cấp cứu. Để phục vụ công tác cấp cứu, Sở Y tế đã huy động các xe cứu thương ở các huyện lân cận như Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Sa Thầy…cùng lực lượng y, bác sĩ ở các địa phương này hỗ trợ công tác cấp cứu, sơ cứu.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi, bệnh viện đã huy động toàn bộ lực lượng tập trung cấp cứu khi các nạn nhân được đưa về. Các nạn nhân bị thương trên xe bị nạn cứ dồn dập đưa từ hiện trường về bệnh viện và được các y bác sĩ tập trung sơ cứu. Những nạn nhân bị nặng sau khi sơ, cấp cứu được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo Bác sỹ Đặng Văn Đào - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi, khi có thông tin vụ việc, bệnh viện đã huy động tổng lực, triển khai các biện pháp, phương án để cấp cứu khi các nạn nhân được đưa từ hiện trường về. Đến ngày 13/7, đã có 4 bệnh nhân xuất viện do bị thương nhẹ, sức khỏe ổn định. Hiện tại, bệnh viện đang theo dõi và điều trị cho 23 trường hợp khác, các bệnh nhân đều tiến triển tốt. Chúng tôi vẫn đang tích cực theo dõi và tập trung điều trị cho các nạn nhân để họ nhanh chóng hồi phục sức khỏe sớm xuất viện.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong 8 bệnh nhân nặng của vụ tai nạn chuyển xuống bệnh viện thì ngoài một trường hợp tử vong do quá nặng, còn 7 bệnh nhân đang được các y, bác sĩ tại đây tích cực điều trị. Trong đó, có 2 bệnh nhân là Phạm Thị Khuyên (29 tuổi, trú tại huyện Sa Thầy) bị đa chấn thương vùng ngực, dập phổi hai bên, gãy đốt sống từ D4 đến D7 và Nguyễn Văn Kiên (41 tuổi, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) bị hội chứng tiêu cơ phân cấp do chấn thương và bị suy thận cấp đang nằm tại  Khoa Hồi sức cấp cứu.

Bác sỹ Võ Văn Thiện - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, chúng tôi huy động đội ngũ y bác sỹ giỏi nhất và sẽ cố gắng hết sức để cứu chữa các nạn nhân. Riêng đối với hai ca nặng, đặc biệt là trường hợp nạn nhân Phạm Thị Khuyên, chúng tôi đang tiến hành hội chẩn hàng ngày để có phương án xử lý, điều trị thích hợp.

Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) là điều không ai mong muốn. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các cấp, ngành, tinh thần khẩn trương trong công tác cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng chức năng tỉnh ta và tổ chức việc sơ, cấp cứu kịp thời của các y bác sỹ ngành y tế tỉnh nên đã hạn chế được số người tử vong.     

Ngay sau vụ tai nạn, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG đã vào kiểm tra hiện trường, thăm hỏi nạn nhân và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Ông Khuất Việt Hùng đánh giá cao các đơn vị, ban ngành của tỉnh Kon Tum đã nhanh chóng huy động lực lượng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và tổ chức cấp cứu kịp thời các nạn nhân trong vụ tai nạn nên đã hạn chế được số người tử vong.

Hà Nam

Chuyên mục khác